Thứ nhất, về đối tượng áp dụng của Nghị định
Tại Điều 1 dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng quy định đối tượng áp dụng của Nghị định là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, wesite thương mại điện tử bán hàng... Có thể thấy, Nghị định chưa có sự phân biệt điều chỉnh đối với các giao dịch mua bán buôn qua sàn giao dịch thương mại điện tử (với số lượng lớn) và giao dịch mua bán lẻ (số lượng nhỏ, phục vụ nhu cầu cá nhân). Hiện nay, hoạt động mua bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử lớn đang thực hiện theo thủ tục hải quan thông thường. Đối với các giao dịch nhỏ lẻ thực hiện theo hình thức chuyển phát nhanh.
Tại Thông báo số 194 năm 2018[1] của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì phạm vi điều chỉnh quản lý đặc thù của cơ quan hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới chỉ áp dụng đối với các giao dịch mua bán lẻ, cụ thể: Tại Điều 1 Thông báo này quy định phạm vi áp dụng: “Doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới và người tiêu dùng (người đặt hàng) thực hiện giao dịch bán lẻ hàng hóa xuất nhập khẩu qua nền tảng giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới và truyền dữ liệu điện tử giao dịch liên quan theo yêu cầu hải quan phải chấp nhận sự giám sát hải quan theo quy định này”.
Theo quy định tại điểm 1, 2, 3 Thông báo số 49 (2018) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc[2] thì tăng giới hạn giao dịch đơn lẻ của hàng nhập khẩu bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới từ 2.000 NDT lên 5.000 NDT và giới hạn giao dịch hàng năm từ 20.000 NDT lên 26.000 NDT. Khi giá đã thanh toán vượt quá giới hạn giao dịch đơn lẻ là 5.000 nhân dân tệ nhưng thấp hơn giới hạn giao dịch hàng năm là 26.000 nhân dân tệ và chỉ có một sản phẩm theo đơn đặt hàng, nó có thể được nhập khẩu từ thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới các kênh và thuế và nhập khẩu sẽ được đánh đầy đủ theo thuế suất hàng hóa. Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ và số tiền giao dịch được bao gồm trong tổng giao dịch hàng năm, nhưng nếu tổng giao dịch hàng năm vượt quá giao dịch hàng năm giới hạn, nó sẽ được quản lý như thương mại chung. Hàng hóa nhập khẩu thương mại điện tử mua vào là sản phẩm cuối cùng phục vụ cho mục đích cá nhân của người tiêu dùng, không được phép đưa vào thị trường trong nước để bán lại; về nguyên tắc, mua sắm trực tuyến hàng hóa nhập khẩu ngoại quan không được phép thực hiện “mua bán trực tuyến ngoại quan + mô hình tự đón ngoại tuyến ” ngoài khu vực giám sát hải quan đặc biệt.
Như vậy, đối với các giao dịch lớn, kinh doanh thì cơ quan hải quan Trung Quốc không điều chỉnh bởi văn bản đặc biệt này mà chỉ có những giao dịch bán lẻ, trị giá dưới 5000 NDT (tương đương khoảng 15 triệu/01 lần giao dịch) hoặc tổng trị giá hàng hóa của cá nhân 01 năm không quá 26.000 NDT (tương đương khoảng 850 triệu đồng/01 năm), phục vụ tiêu dùng không đưa vào kinh doanh thì mới điều chỉnh bởi quy định này.
Thứ hai, quy định về người khai hải quan
Tại Điều 4 dự thảo Nghị định quy định người khai hải quan rất rộng bao gồm chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ sở hữu website sàn giao dịch thương mại điện tử, đại lý làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu... và chủ hàng xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử. Việc quy định như trên là phù hợp với khoản 14 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014 nhưng lại chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngày 19/8/2021, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 4090 về việc khai chứng minh thư nhân dân trên tờ khai nhập khẩu có trị giá thấp qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Theo hướng dẫn tại văn bản thì người từ 14 tuổi trở lên có thể thực hiện khai hải quan. Giả sử, chủ hàng xuất khẩu, nhập khẩu nêu tại Nghị định giới hạn từ 14 tuổi trở lên cũng chưa phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2019: “Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân”; khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015: “2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. 3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. 4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”; Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”; khoản 1 Điều 101 Luật Trẻ em năm 2016: “Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện giao dịch dân sự trái pháp luật”; khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình” thì người từ đủ 14 tuổi đến đủ 15 tuổi chỉ được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự thuộc khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đối với các giao dịch khác phải có thông qua người đại diện theo pháp luật. Do vậy, căn cứ đối tượng giao dịch nếu xét thấy hàng hóa mà người từ đủ 14 tuổi đến đủ 15 tuổi thuộc nhóm quy định tại khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc doanh nghiệp khai hải quan không phải khai thông tin về người đại diện theo pháp luật đối với các giao dịch này, ví dụ: Kẹp tóc, búp bê, đồ chơi… Ngoài nhóm hàng tại khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì doanh nghiệp khai hải quan phải yêu cầu cung cấp thông tin người đại diện theo pháp luật để khai hải quan, ví dụ: Khi hàng hóa là sơn nhà, máy khoan, máy nổ,…
Thực tiễn hàng hóa giao dịch quan thương mại điện tử xuyên biên giới có nhiều người ở rất nhiều độ tuổi khác nhau. Nếu quy định để chủ sở hữu hàng khai hải quan đối với các giao dịch không chỉ phát sinh một số lượng lớn tài khoản mà còn liên quan đến công tác quản lý, thu thuế đối với các giao dịch này.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, tại Điều 2 Thông báo 194 năm 2018 quy định việc thực hiện thủ tục hải quan pháp luật giao cho “Các công ty nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, công ty dịch vụ logictis, giao nhận, vận chuyển, công ty thanh toán và các công ty khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh nhập khẩu bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới phải đăng ký với hải quan”.
Như vậy, để thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi, thu thuế thì pháp luật giao trách nhiệm thực hiện thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến mua bán lẻ với khách hàng qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Chủ sở hữu - khách hàng mua lẻ từ sàn thương mại điện tử không trực tiếp được phép làm thủ tục hải quan. Người mua hàng chỉ có nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng. Doanh nghiệp dịch vụ phải thực hiện các thủ tục tính thuế vào sản phẩm, làm thủ tục hải quan cho khách hàng...
Thứ ba, quy định về thu và quản lý thuế đối với các giao dịch
Chính sách thuế là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra vừa bảo đảm Nhà nước thu được thuế từ các giao dịch tránh thất thoát và các đối tượng lợi dụng trốn thuế. Đây là một trong những nội dung quan trọng được Nhà nước (Bộ Tài chính), doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Điều 15 dự thảo Nghị định quy định những trường hợp được miễn thuế nhập khẩu bao gồm: (i) Trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu theo từng đơn hàng dưới 1 triệu đồng Việt Nam trở xuống; (ii) Trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng Việt Nam nhưng số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng. Mỗi cá nhân được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế trên không quá 01 đơn hàng/01 ngày và không quá 04 đơn hàng/01 tháng. Việc quy định như dự thảo vẫn tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng khi tách nhỏ theo các đơn hàng khác nhau để bảo đảm trị giá hải quan hoặc số tiền thuế phải nộp dưới mức phải chịu thuế.
Có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, để bảo đảm thực hiện chính sách thuế tại Điều 4 Thông báo 194 năm 2018, Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định vấn đề thu và quản lý thuế đối với giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới như sau:
- Đối với hàng hóa bán lẻ thương mại điện tử qua biên giới, hải quan đánh thuế quan, thuế giá trị gia tăng nhập khẩu và thuế tiêu thụ theo chính sách thuế quốc gia đối với hàng hóa bán lẻ thương mại điện tử qua biên giới. Giá tính thuế là giá giao dịch thực tế, bao gồm giá bán lẻ của hàng hóa, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm.
- Người tiêu dùng (người đặt hàng) hàng hóa nhập khẩu bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới là người nộp thuế. Các công ty nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, công ty dịch vụ hoặc công ty khai báo đã đăng ký với hải quan sẽ đóng vai trò là đại lý thu và nộp thuế, thay mặt họ (người đặt hàng) thực hiện các nghĩa vụ thuế và thực hiện các nghĩa vụ hoàn thuế tương ứng và các trách nhiệm pháp lý liên quan.
- Đại lý thực hiện thu, nộp phải kê khai trung thực, chính xác với hải quan các yếu tố quản lý thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới như tên hàng, quy cách mẫu mã, mã số thuế, giao dịch thực tế. giá và các khoản phí liên quan.
Đơn vị tiền tệ để khai báo hàng nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới là Nhân dân tệ.
- Để rà soát, xác định phân loại và trị giá tính thuế của hàng hóa bán lẻ thương mại điện tử qua biên giới, cơ quan hải quan có thể yêu cầu đại lý thu khai bổ sung theo quy định của pháp luật.
- Hải quan thu và đánh thuế đối với hàng hóa bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới đáp ứng các yêu cầu quy định theo thời hạn và đại lý thu nộp bảo đảm thuế đầy đủ và có hiệu lực cho hải quan theo quy định của pháp luật.
Nếu không có đơn hàng trả lại hoặc sửa đổi hoặc hủy đơn hàng trong vòng 30 ngày sau khi thông quan, đại lý thu phải làm thủ tục nộp thuế với hải quan trong vòng từ ngày 31 đến ngày thứ 45 kể từ ngày thông quan. Theo đó, cơ quan hải quan Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế thuế đối với giao dịch thực hiện qua thương mại điện tử theo tháng.
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan