Công tác thi hành án dân sự những năm gần đây đã tạo được sự chuyển biến rõ nét thông qua thành quả giải quyết án hàng năm của từng cơ quan thi hành án dân sự địa phương, khẳng định được vai trò, vị thế của công tác thi hành án dân sự đối với đời sống xã hội, có được kết quả khả quan như vậy nhờ sự nỗ lực thực hiện của toàn thể cán bộ, công chức thi hành án dân sự và sự phối hợp có hiệu quả của nhiều cơ quan, ban ngành đoàn thể. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác thi hành án việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức với các hoạt động của chấp hành viên, cơ quan thi hành án vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết việc thi hành án của chấp hành viên, cơ quan thi hành án. Dưới đây là một số hạn chế, tồn tại trong thực tiễn của hoạt động thi hành án dân sự.
1. Về công tác giao nhận vật chứng trong thi hành án
Tại hoản 1 Điều 122 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 qui định về việc chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ cụ thể như sau:
“Vật chứng, tài sản tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự do yêu cầu phục vụ việc xét xử mà chưa được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự trong giai đoạn truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự tại thời điểm Toà án chuyển giao bản án, quyết định”, song vẫn tồn tại có một số việc thi hành án ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, vật chứng là tiền, tài sản. Cơ quan công an không tiến hành chuyển vật chứng, tài sản sang cơ quan thi hành án và có văn bản đề nghị cơ quan tài chính, Ủy ban nhân dân cùng cấp xin giữ lại tài sản nếu được bản án tuyên sung ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhiệm vụ công tác của ngành. Mặc dù những trường hợp trên, bản án vẫn tuyên vật chứng, tài sản của vụ án được sung ngân sách Nhà nước, thực tế cơ quan thi hành án dân sự không nhận được vật chứng từ cơ quan công an chuyển sang và cũng không nhận được chứng từ thể hiện việc tài sản đã được sung ngân sách nhà nước, vì vậy, các khoản khác của bản án đã được chấp hành viên, cơ quan thi hành án thực hiện xong, tuy nhiên, việc hoàn tất hồ sơ đưa vào lưu trữ gặp khó khăn bởi hồ sơ thi hành án không có chứng từ thể hiện cơ quan thi hành án đã thực hiện xong phần quyết định của bản án.
2. Trường hợp nội dung bản án tuyên khó thi hành
Có những bản án Tòa tuyên kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của đương sự để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, nhưng nội dung tuyên không rõ vị trí thửa đất, số lô, số thửa và không có trích lục bản đồ địa chính của thửa đất gửi kèm bản án, quyết định để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành. Một số địa phương đương sự không có các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, do vậy gây nhiều khó khăn đối với hoạt động thi hành án của chấp hành viên, cơ quan thi hành án. Một số việc thi hành án trả lại tài sản cho đương sự. Tại giai đoạn điều tra, xét xử có sai xót trong việc điều tra, xác minh địa chỉ cư trú của đương sự. Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên tiến hành xác minh địa chỉ, nhân thân của đương sự, trên thực tế không có đối tượng như bản án đã tuyên. Chấp hành viên, cơ quan thi hành án có văn bản đề nghị Tòa án giải thích làm rõ, tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của chấp hành viên. Một số tài sản tuyên trả lại đương sự, nhưng giá trị tài sản quá nhỏ, hoặc không còn giá trị sử dụng, đương sự ở xa chấp hành viên báo gọi nhiều lần, đương sự không đến nhận, chấp hành viên trao trả bằng hình thức chuyển qua bưu điện, nhưng có một số hàng hóa cơ quan này không tiếp nhận làm dịch vụ, vì thế thời gian giải quyết việc thi hành án bị kéo dài. Nếu việc phối hợp giữa Tòa án và cơ quan thi hành án ngay từ giai đoạn xét xử (tại phiên tòa) được thực hiện tốt, những việc thi hành án như vậy sẽ được giải quyết nhanh, gọn và dứt điểm.
3. Vai trò của Viện kiểm sát đối với hoạt động thi hành án dân sự
Viện kiểm sát có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các hoạt động của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự, yêu cầu chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, ngược lại cơ quan thi hành án, chấp hành viên phải chịu sự giám sát, kiểm tra của Viện kiểm sát, tuy vậy pháp luật cũng qui định rõ, các hoạt động của chấp hành viên hoàn toàn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên trực tiếp, đối với lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tiễn đối với công tác thi hành án dân sự, thì hoạt động kiểm tra, giám sát của kiểm sát viên cơ quan viện kiểm sát có lúc, có nơi can thiệp sâu hoặc can thiệp không đúng vào các hoạt động của chấp hành viên, gây ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện nhiệm vụ của chấp hành viên. Với vai trò giám sát, kiểm tra, song trong một số trường hợp, kiểm sát viên cho rằng, mọi hoạt động của chấp hành viên về tác nghiệp thi hành án phải được báo cáo cơ quan kiểm sát để thực hiện việc chỉ đạo thực hiện, như vậy không đúng với tinh thần của pháp luật trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Viện kiểm sát đối với hoạt động thi hành án dân sự. Trong trường hợp vật chứng, tài sản được bản án tuyên hóa giá sung ngân sách nhà nước, theo quy định tại Điều 124 Luật Thi hành án dân sự và Điều 18 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, chấp hành viên tiến hành bàn giao tài sản sung ngân sách nhà nước sang cơ quan tài chính cùng cấp để xử lý theo quy định của pháp luật, cơ quan tài chính chịu trách nhiệm về việc xử lý tài sản, thậm chí phải chịu mọi sự rủi ro về tài sản trong thời gian chậm tiếp nhận kể từ thời điểm cơ quan thi hành án thông báo, ấn định (hợp lệ) việc tiếp nhận vật chứng tài sản. Chấp hành viên, cơ quan thi hành án không còn chịu trách nhiệm trong việc xử lý tài sản, hoặc trong trường hợp tài sản của đương sự đã được kê biên, bàn giao sang trung tâm bán đấu giá để bán đấu giá thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với đương sự. Kiểm sát viên vẫn cho rằng, chấp hành viên phải thông báo để Viện kiểm sát thực hiện việc giám sát hoạt động bán đấu giá.
4. Việc phối hợp với trại giam, Tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự đối với người đang thi hành án phạt tù
Để thi hành các khoản án phí, tiền phạt, trả lại tài sản đối với những người đang thi hành án tại trại giam không phải mọi trường hợp chấp hành viên đều gặp thuận lợi, rất nhiều trường hợp phạm nhân phải chấp hành án dài hạn, trong quá trình thụ án tại trại, phạm nhân phải chuyển đi nhiều trại giam khác nhau, để xác minh, giải quyết việc thi hành án đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù cũng gặp nhiều khó khăn, chấp hành viên tiến hành xác minh tại trại giam nơi cải tạo giam giữ ban đầu của phạm nhân, nhưng trại giam không nắm chính xác, cụ thể trại giam nơi phạm nhân hiện đang thụ hình, tình hình nhân thân, tài sản của họ; Theo qui định của pháp luật, Tòa án là cơ quan ra quyết định thi hành án phạt tù, nhưng việc theo dõi tình hình chấp hành án của các đối tượng trên cũng không được thường xuyên, kịp thời, vì thế việc xác minh các thông tin của phạm nhân, nơi trại giam mà phạm nhân đang chấp hành án rất khó được xác định. Theo qui định tại Điều 39 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về việc thông báo tình hình chấp hành án như sau: “Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm định kỳ 06 tháng một lần thông báo tình hình chấp hành án của phạm nhân cho thân nhân của họ”. Trên thực tế nhiều trường hợp thân nhân của người phạm tội cũng không nhận được các thông báo trên, hoặc họ từ chối cung cấp các thông tin của người phải thi hành án cho các chấp hành viên, do vậy, để giải quyết dứt điểm việc thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hiện nay, cơ quan thi hành án dân sự đang gặp rất nhiều khó khăn.
5. Trách nhiệm phối hợp của ủy ban nhân dân các cấp, trong công tác thi hành án dân sự
Tại các Điều 173, 174, 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã qui định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với công tác thi hành án. Vai trò của ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương đối với công tác thi hành án dân sự trong những năm qua vô cùng to lớn, thành quả của công tác thi hành án dân sự có sự góp sức, góp công, phối hợp thực hiện của nhiều ban ngành đoàn thể. Song đối với một vài trường hợp, việc chỉ đạo của chính quyền chưa thực sự quyết liệt, vai trò phối hợp thực hiện công tác thi hành án của các ngành còn xem nhẹ, coi nhiệm vụ thi hành án dân sự là nhiệm vụ chỉ của riêng cơ quan thi hành án, vì thế, hiệu quả hoạt động thi hành án còn hạn chế.
Để giải quyết xong hoàn toàn một việc thi hành án dân sự phức tạp, chấp hành viên phải thực hiện nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, từ việc thông báo, tống đạt các giấy tờ, quyết định thi hành án, đến việc xác minh điều kiện nhân thân, tài sản của các đương sự và áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án. Chỉ một trong các khâu phối hợp thực hiện không tốt, sẽ ảnh hướng đến toàn bộ quá trình thi hành án, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thi hành án, do vậy, chấp hành viên, cơ quan thi hành án rất cần sự phối hợp có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, các tổ chức đoàn thể trong toàn bộ hệ thống chính trị để công tác thi hành án dân sự đem lại hiệu quả cao hơn nữa, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ và sự mong đợi của toàn xã hội.
Trần Ngọc Bản