Đăng ký tài sản là việc chính thức ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những thông tin cần thiết của sự kiện, là một căn cứ làm phát sinh hoặc thay đổi hoặc chấm dứt những quan hệ về tài sản giữa các chủ thể. Hiện nay, các quan hệ tài sản trong xã hội ngày một phong phú, đa dạng, lớn về quy mô và giá trị, tuy nhiên, pháp luật thực định của Việt Nam quy định về vấn đề đăng ký tài sản không được tập trung, không bảo đảm tính chất nhất thể hoá giữa các quy định về cùng một vấn đề, nên không thể điều chỉnh tốt các quan hệ tài sản trong xã hội ngày một phong phú, đa dạng, lớn về quy mô và giá trị. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần phải ban hành Luật Đăng ký tài sản, để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ tài sản trong xã hội, bảo đảm các quan hệ dân sự, thương mại đều được thực hiện tốt nhất.
Vì vậy, PGS.TS. Phùng Trung Tập bằng bài viết “Một số vấn đề lý luận về đăng ký tài sản tại Việt Nam” đã nêu ra những căn cứ khoa học pháp lý để xác định việc xây dựng Dự án Luật Đăng ký tài sản tại Việt Nam nên theo một hệ thống logic nào. Nội dung bài viết xoay quanh những vấn đề chính như: Những nét cơ bản của tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, khái niệm tài sản, luận điểm về đăng ký tài sản theo quy định của luật thực định (Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, các văn bản dưới luật liên quan...), luận điểm về một số vấn đề xây dựng Luật Đăng ký tài sản tại Việt Nam. Bài viết được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số chuyên đề tháng 10/2014 “Pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Uyên Nhi