Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu và giới thiệu một số vấn đề cơ bản về Bộ luật Dân sự và vật quyền trong pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức.
Abstract: The article conducts study and introduces some major issues on the Civil Code and rights to things in the law of the Federal Republic of Germany.
Pháp luật dân sự các nước Châu Âu lục địa về nguyên tắc cơ bản ít có sự khác nhau. Tuy nhiên, từ kỹ thuật lập pháp phát triển thành hai phương thức, Institutiones đại diện là Cộng hòa Pháp và Pandekten đại diện là Cộng hòa Liên bang Đức. Theo GS. TS. Morishima Akiko[1], đó là hai phương thức trong lịch sử. Cả hai phương thức này đều bắt nguồn từ luật La Mã cổ.
Theo GS.TS. Matsuo Hiroshi Ðại học Keio[2], phương pháp Institutiones bắt nguồn từ sách giáo khoa vỡ lòng của nhà luật học Gaius thời Đế chế La Mã có bố cục: (i) Luật về con người, (ii) Luật về vật, (iii) Luật về di chuyển vật và trái quyền, trái vụ, (iv) Luật về tố tụng. Nó trở thành cơ sở cho “khái quát về luật học” (Institutiones) mà Hoàng đế Ðông La Mã là Justinianus biên soạn. Sau đó, khi bắt đầu quá trình pháp điển của các quốc gia ở Châu Âu lục địa cuối thế kỷ XVIII, hệ thống sách giáo khoa này được đưa vào luật thực định. Tiêu biểu có Bộ luật tổng quát của Phổ (1794), Bộ luật Dân sự Pháp (1804), Bộ luật Dân sự tổng quát của Áo (1811), Bộ luật Dân sự cũ của Nhật (1890)…
Sau Cách mạng Pháp, Napoleon thấy rằng cần xây dựng bộ luật điều chỉnh các quan hệ trong xã hội thị dân. Người ta đã tìm tác phẩm Institutiones và trên cơ sở đó sau 03 năm đã xây dựng Bộ luật Dân sự năm 1804 - Bộ luật đầu tiên của xã hội thị dân đầu thế kỷ XIX - lấy một phần của Luật La Mã với cấu trúc tương đối rõ ràng, mạch lạc, chủ thể là người, khách thể là vật và để điều chỉnh quan hệ của chủ thế thì đề ra khái niệm hành vi… Bộ luật được áp dụng đến ngày nay và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa của Pháp.
Quan điểm cho rằng, Bộ luật Napoleon không dựa trên nguyên tắc vật quyền và trái quyền là một sự nhầm lẫn. Giáo sư Michel Grimaldi đến từ Đại học Paris II đã khẳng định: “Bộ luật Dân sự Pháp được thiết kế dựa trên hai chế định cơ bản là trái quyền và vật quyền. Trái quyền hay còn gọi là quyền đối nhân được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một chủ thể khác. Vật quyền hay còn gọi là quyền đối vật là quyền của chủ thể tác động lên một vật”[3].
Khi Bộ luật Napoleon ra đời, Đức chưa thống nhất mà vẫn đang đấu tranh giữa các lãnh chúa. Người Đức cho rằng cần một bộ luật thống nhất điều chỉnh người dân ở các nơi khác nhau giúp thống nhất nước Đức. Các học giả người Đức dùng luật cổ La Mã nhưng nâng nó thành học thuyết khoa học Pandekten (Pandektenwissenschaft), khác với Luật La Mã cổ.
Pandekten là cách đọc theo ngôn ngữ Hy Lạp của chữ (Digesta) “Ngữ vựng học thuyết” mà Hoàng đế Justinianus của Ðông La Mã, có nghĩa là “nhai kỹ để tiêu hóa”. Pandekten cấu trúc Bộ luật Dân sự khái quát theo hình thức: (i) Những nguyên tắc chung; (ii) Vật quyền; (iii) Trái quyền; (iv) Gia đình; (v) Thừa kế.
Bộ luật Dân sự Đức hoàn thiện ngày 18/8/1896, có hiệu lực từ ngày 01/01/1900 được xây dựng theo nguyên tắc Pandekten. Pandekten về bản chất không khác với Institutiones[4]. Khi nói đến sự khác nhau giữa Bộ luật Napoleon và Bộ luật Dân sự Đức, người ta có thể tìm ra nhiều điểm, nhưng thường nói đến 03 điểm chính, đó là: (i) Phương pháp xây dựng 02 bộ luật là Institutiones đại diện là Pháp và Pandekten đại diện là Đức; (ii) Thời điểm chuyển sở hữu; (iii) Tính chuyên môn của hai Bộ luật.
Nhận định về Bộ luật Dân sự Đức, GS.TS. Helmut Köhler cho rằng đây là sản phẩm của khoa học Pandekten. Ông khẳng định người nào lần đầu tiên để mắt đến Bộ luật Dân sự Đức đều sẽ thất vọng. Ngôn ngữ cổ lỗ, câu cú phức tạp và các khái niệm trừu tượng… Bộ luật Dân sự Đức không dùng cho dân chúng mà dùng cho giới luật học, là sản phẩm của luật học và dùng cho giới luật học[5]. Điều đó khắc hẳn với Bộ luật Napoleon.
Trái ngược với Bộ luật Dân sự Đức, Bộ luật Napoleon được Guy Gavinet, Chánh án Tòa án Tư pháp tối cao Cộng hòa Pháp nhận định: “… Một hệ thống pháp luật đơn giản, tránh áp dụng tùy tiện; một hệ thống pháp luật bình đẳng cho tất cả mọi người, xóa bỏ các đặc quyền đặc lợi; một hệ thống pháp luật thuận tiện và gần gũi, dung hòa giữa truyền thống pháp luật phong kiến với những tư tưởng của cách mạng tư sản. Như luật gia Carbonnier đã nhận xét, Bộ luật Dân sự Pháp được ban hành trước hết vì “những người nông dân Pháp”[6].
Về Bộ luật Dân sự Đức năm 1896, Guy Gavinet cho rằng: “Bộ luật này được xây dựng dựa trên các nguồn tham khảo khác ngoài Bộ luật Dân sự và nó đánh dấu sự tỏa sáng của một ngành khoa học pháp lý thực sự phát triển ở Đức trong gần một thế kỷ dựa trên nền tảng Luật La Mã. Đặc biệt thích ứng với nhu cầu của thời đại, Bộ luật này của Đức đã trở thành mô hình tham khảo ở hầu hết các nước trên thế gới. Trong “cơ chế lãnh đạo” này và không thay thế thực sự cho Bộ luật Dân sự của Pháp, Bộ luật Dân sự Đức đã dần dần trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Pháp. Bộ luật này đã có ảnh hưởng đối với nhiều nước như Nhật Bản năm 1896, Bra-xin năm 1917, Ba Lan năm 1933, Hy Lạp năm 1940, Bồ Đào Nha năm 1966 và thậm chí trong một chừng mực nhất định, có ảnh hưởng đối với pháp luật Châu Âu bởi những quan điểm riêng của Bộ luật và chắc chắn có ảnh hưởng đến hệ thống luật tư của Pháp”[7].
Theo GS.TS. Matsuo Hiroshi thuộc Ðại học Keio, tại Nhật Bản, Hozumi Nobushige là người đầu tiên so sánh Institutiones và Pandekten, nhìn ra sự khác biệt: Institutiones đặt phần luật về người là phần thứ nhất, Pandekten đặt phần trái quyền là phần thứ nhất, (ngoại trừ phần những nguyên tắc chung) và nhận thấy sự khác biệt này khởi nguyên từ khác biệt về nguyên lý tổ chức xã hội, Institutiones thích hợp với chủ nghĩa gia tộc, Pandekten song hành với chủ nghĩa cá nhân, do đó Pandekten phù hợp với xã hội hiện đại[8].
GS.TS. Helmut Köhler cho rằng, Pandekten có hai nguyên tắc rất cơ bản trong lập pháp là (i) tính kasuistik, tức là khái quát hóa các vụ việc trong các phán quyết của Tòa án thành các quy định để có thể áp dụng cho vụ việc tương tư (có người gọi luật Tòa án) và (ii) tính trừu tượng - tổng quát của các yếu tố cấu thành các vụ việc (abstakt – genelle Tatbestande). Nguyên tắc thứ nhất cho phép xác định chắc chắn một vụ việc tương tự như luật án lệ. Nguyên tắc thứ hai cho phép áp dụng một quy định hiện có cho những vụ việc sẽ xảy ra trong tương lai khi các điều kiện kinh tế, xã hội… thay đổi[9]. Nguyên tắc này phải đi liền với quyền giải thích luật của Tòa án.
Với tính chất trừu tượng và logic cao, trên cơ sở học thuyết Pandekten, Bộ luật Dân sự Đức có phần nguyên tắc chung trong đó đưa ra các khái niệm. Phần quy định chung còn được thể hiện trong từng chương, hình thành nên hệ thống các khái niệm pháp lý và Bộ luật Dân sự Đức đã phân chia thành vật quyền và trái quyền. Phần quy định chung này Bộ luật Dân sự nhiều nước không có, bao gồm những quy định trừu tượng mà các phần quy định sau sẽ sử dụng, đồng thời tránh nhắc lại ở các phần sau. Khi xét xử những vấn đề cụ thể, thẩm phán vận dụng những khái niệm quy định tại phần chung và phần khác, do đó có sự thống nhất trong vận dụng pháp luật[10].
Bộ luật Dân sự Đức đã được sửa đổi 02 lần. Năm 1977, chủ yếu sửa đổi liên quan đến tăng quyền của phụ nữ trong quan hệ gia gia đình. Năm 2003, sửa đổi liên quan đến trái quyền. Bộ luật Dân sự Đức sửa đổi năm 2003 có 2.385 điều, chia thành 05 quyển là: Quyển 1 - Phần chung; Quyển 2 - Luật quan hệ nghĩa vụ (trái vụ); Quyển 3 - Vật quyền; Quyển 4 - Luật gia đình; Quyển 5 - Luật thừa kế.
Quyển 3 - Vật quyền có 443 điều, từ Điều 854 đến Điều 1.296, cấu trúc thành 8 chương. Chương 1: Chiếm hữu; Chương 2: Các quy định chung về quyền đối với đất đai; Chương 3: Sở hữu; Chương 4: Địa dịch; Chương 5: Quyền mua ưu tiên; Chương 6: Các hạn chế thực tế đối với đất đai, Chương 7: Thế chấp, nợ điền địa…; Chương 8: Cầm cố động sản và quyền.
Bộ luật Dân sự Đức không có khái niệm tài sản vì có rất nhiều loại tài sản khác nhau theo sự phát triển của xã hội mà pháp luật không điều chỉnh kịp, dẫn đến mất tính bền vững của Bộ luật Dân sự[11]. Tài sản không phải là khái niệm pháp lý tại Đức mà chỉ là khái niệm kinh tế[12]. Pháp luật dân sự Đức cũng điều chỉnh những quyền về tài sản khác như: Nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp... nhưng không chỉ trong Bộ luật Dân sự mà trong các luật riêng biệt và giữa những tài sản vô hình đó có những khác biệt căn bản với vật quyền liên quan đến vật hữu hình. Mặc dù trong Bộ luật Dân sự Đức, chiếm hữu được quy định trước sở hữu, nhưng trong các loại vật quyền thì quyền sở hữu là vật quyền chính. Những vật quyền khác là sự thể hiện bộ phận của vật quyền sở hữu, nhưng được thực hiện một cách độc lập với quyền sở hữu. Với động sản hữu hình, thì chiếm hữu là việc người ta kiểm soát tài sản đó, người ta cầm giữ và ai cũng có thể biết, nhìn thấy. Với vật vô hình thì người khác không thể nhìn được sự cầm giữ nên chiếm hữu phải thể hiện bằng những cách khác. Do có sự khác biệt như vậy, nên pháp luật phải điều chỉnh bằng những cách thức khác nhau[13].
GS.TS. Ansgar Staudinger cho rằng, pháp luật dân sự Đức phân biệt rõ luật về vật quyền và luật về trái quyền có căn nguyên rất sâu xa từ Luật La Mã. Điểm khác biệt của pháp luật dân sự Đức với pháp luật dân sự các nước là chú ý đến lợi ích của 03 đối tượng: Người mua, người bán và người thứ ba. Nếu một người đến cửa hàng mua một chiếc đồng hồ với giá 100 euro, hầu hết luật dân sự các nước đều cho rằng chỉ có một giao dịch pháp lý là mua bán đồng hồ. Theo pháp luật dân sự Đức, việc mua bán trên xuất hiện 01 giao dịch trái quyền và 02 giao dịch vật quyền. Giao dịch trái quyền là các bên thỏa thuận 01 đồng hồ bán với giá 100 euro. Giao dịch vật quyền gồm chuyển giao đồng hồ và trả tiền.
Theo Bộ luật Dân sự Đức, hợp đồng mua bán chưa chuyển dịch quyền sở hữu từ người bán sang người mua. Sở hữu được chuyển dịch hoàn thành khi có thỏa thuận chuyển dịch và có hành vi thực tế là việc giao đồng hồ từ người bán sang người mua. Vấn đề này khác so với Bộ luật Dân sự Pháp, khi hợp đồng mua bán được ký kết, quyền sở hữu được dịch chuyển từ người bán sang người mua.
Người Đức cho rằng cách chia như vậy là hợp lý vì nguyên tắc ai chiếm hữu vật được suy đoán là chủ sở hữu của vật. Người Đức cũng cho rằng những hệ thống pháp luật quy định khi ký hợp đồng mua bán thì chuyển dịch ngay quyền sở hữu là hệ thống pháp luật chưa lưu ý đến lợi ích của người thứ ba. Đó cũng là lý do Bộ luật Dân sự Đức không có quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình như một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam[14].
Nhiều luật gia Đức cho rằng, chiếm hữu không phải là quyền mà là trạng thái. Tại sao có quan điểm như vậy? Bởi vì việc chiếm hữu có thể được xác lập thông qua một hành vi pháp lý, bên cạnh đó, người chiếm hữu có quyền nhất định mặc dù không phải là chủ sở hữu. Điều này cũng được thể hiện giữa người chiếm hữu với người thứ ba khác, giồng như chủ sở hữu, chống lại tác động của người khác vào vật mình chiếm hữu. Một điểm nữa để suy đoán rằng, người chiếm hữu một vật là chủ sở hữu là thụ đắc ngay tình, người chiếm hữu vật được suy đoán là chủ sở hữu. Khi chiếm hữu, người đó có thể trở thành chủ sở hữu, đây là một thế mạnh của chiếm hữu[15]. Chiếm hữu là quyền hay không là quyền mà là trạng thái? Đây là vấn đề phát sinh tranh luận từ khi có Luật La Mã.
Pháp luật dân sự Đức có bốn nguyên tắc cơ bản của vật quyền, đó là: (i) Trừu tượng và tách biệt; (ii) Tuyệt đối; (iii) Công khai; (iv) Luật định. Ưu điểm của việc tách biệt là ở chỗ sự vô hiệu của quan hệ trái quyền không làm ảnh hưởng hiệu lực của quan hệ chuyển giao quyền sở hữu[16]. Wolfram Marx làm rõ 04 nguyên tắc chính của pháp luật về vật quyền như sau[17]:
Thứ nhất, là nguyên tắc trừu tượng và tách biệt: Đây là đặc trưng của pháp luật Đức. Nguyên tắc tách biệt, chia giao dịch để xác định nghĩa vụ theo quan hệ trái quyền và vật quyền. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán, theo giao dịch trái quyền, người mua có nghĩa vụ giao tiền cho người bán, người bán có nghĩa vụ giao vật cho người mua. Đó là thỏa thuận về trái quyền. Theo giao dịch vật quyền, sở hữu vật mua bán sẽ chuyển cho bên mua, việc chuyển dịch này được pháp luật vật quyền điều chỉnh. Trừu tượng là tách giao dịch vật quyền khỏi trái quyền. Trong một số trường hợp, trái quyền bị vô hiệu nhưng vật quyền vẫn có hiệu lực. Ví dụ: Một hợp đồng mua bán sau khi đã giao kết, nhưng phát hiện ra một bên không có năng lực hành vi. Hợp đồng vô hiệu nhưng giao dịch vật quyền vẫn có hiệu lực.
Thứ hai, nguyên tắc công khai: Giao dịch vật quyền đòi hỏi có sự thống nhất với nhau về chuyển quyền sở hữu từ người này sang người kia và có sự chuyển giao vật, nhưng có sự khác nhau giữa chuyển dịch quyền sở hữu động sản và bất động sản. Đối với động sản, thỏa thuận chuyển giao vật và thực tế giao vật. Đối với bất động sản, thời điểm đăng ký vào sổ địa bạ được coi như là giao vật. Đó là cách thức công khai hóa về chuyển dịch thực tế quyền sở hữu.
Trường hợp người mua đã có vật trong tay thì việc chuyển dịch quyền sở hữu giữa người mua với người bán không nhất thiết phải có bước thứ hai là chuyển giao vật mà chỉ cần có sự thỏa thuận. Trong trường hợp vật nằm trong tay người thứ ba thì việc chuyển giao từ người bán sang người mua được thực hiện theo hình thức chuyển quyền yêu cầu đòi người thứ ba chuyển giao sang người mua. Để an toàn cho giao dịch pháp lý thì phải có sự công khai, sự công khai đối với động sản là hình thức chuyển giao vật. Sự công khai đối với bất động sản là đăng ký. Mọi người có quyền tin rằng ai được ghi trong sổ địa bạ thì người đó là chủ sở hữu đích thực, nếu người khác muốn tranh chấp thì phải chứng minh. Để khẳng định tính chính xác trong sổ địa bạ thì thủ tục đăng ký sổ địa bạ rất chi tiết. Các công chứng viên có vai trò quan trọng trong việc này, họ tham gia vào quá trình giao dịch trước đó và có nghĩa vụ giải thích hậu quả pháp lý của việc này. Thủ tục này được đánh giá cao ở Châu Âu. Đương nhiên, nếu có sự nhầm lẫn trong sổ địa bạ thì người mua là người thụ đắc ngay tình trừ khi người mua biết trước sự nhầm lẫn này. Có khoảng cách về mặt thời gian từ khi có hợp đồng mua bán đến khi đăng ký trong sổ địa bạ. Như vậy, làm thế nào để người mua có thể tự bảo vệ mình trong trường hợp người bán có thể tiếp tục bán cho người khác trong khoảng thời gian này, có 02 công cụ để giải quyết vấn đề này: (i) Ghi chú trước việc này vào sổ địa bạ, những giao dịch khác liên quan đến mảnh đất được coi là giao dịch vô hiệu; (ii) Những giao dịch này được ghi theo tuần tự về mặt thời gian, giao dịch thực hiện trước ghi trước, giao dịch thực hiện sau ghi sau.
Thứ ba, nguyên tắc tuyệt đối: Vật quyền do luật định, chống lại tác động, gây rối loạn của người khác đối với vật, khác với trái quyền.
Thứ tư, nguyên tắc loại hình bắt buộc: Các bên không thể sáng tạo ra vật quyền, không thể thỏa thuận nội dung vật quyền.
Về đất đai, theo pháp luật Đức, đất đai là diện tích của bề mặt đất được giới hạn bởi các phần khác, có số thửa đăng ký ở sổ địa chính, trừ trường hợp đất thuộc sở hữu nhà nước không được đo đạc, đánh dấu trong sổ địa chính. Thửa đất cùng với những công trình xây dựng gắn liền với đất và vật gắn với công trình xây dựng tạo thành một thể thống nhất về phương diện kinh tế. Chủ sở hữu thửa đất đồng thời là chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất. Đó là nguyên tắc thống nhất giữa đất và nhà. Tuy nhiên có ngoại lệ.
Ngoại lệ thứ nhất, Đức có luật về quyền xây dựng trên đất của người khác, là một chế định pháp luật độc lập. Công trình xây dựng trên đất này có thể mang đi bảo đảm nghĩa vụ. Công trình xây dựng này không phải là một bộ phận cấu thành của đất mà là một bộ phận cấu thành của quyền xây dựng trên đất của người khác. Khi chủ sở hữu xác lập quyền xây dựng trên đất cho người khác như vậy thì chủ sở hữu được nhận một số tiền nhất định. Thông thường quyền xây dựng trên đất của người khác được xác định có thời hạn.
Ngoại lệ thứ hai, sở hữu căn hộ. Đức có luật về sở hữu căn hộ, người chủ sở hữu căn hộ đồng thời sở hữu cả mảnh đất mà căn hộ đó được xây dựng, đồng thời là đồng chủ sở hữu những phần chung khác phục vụ cho việc khai thác công dụng của căn hộ mà không gắn liền với căn hộ. Chủ sở hữu căn hộ có thể chuyển dịch sở hữu, đảm bảo nghĩa vụ. Từ năm 2006, sở hữu căn hộ ở Đức chiếm 40% trên tổng số nhà ở trên cả nước.
Ngoại lệ thứ ba là hợp đồng thuê đất để xây dựng trên đất của người khác có thời hạn nhất định thì nguyên tắc thống nhất giữa đất và nhà bị phá vỡ. Người có công trình xây dựng trên đất được xác định là chủ sở hữu công trình. Những vật gắn với đất theo cách thức như vậy được coi là động sản.
Một ngoại lệ nữa là những kế thừa Cộng hòa dân chủ Đức. Ngôi nhà được xem như bất động sản nhưng độc lập với đất, vẫn đem đi thế chấp, cầm cố. Để duy trì, người ta ban hành một đạo luật để thống nhất sở hữu giữa nhà và đất thuộc về một chủ sở hữu.
Vấn đề thụ đắc ngay tình và vật quyền liên quan đến động sản. Ở Đức, trẻ vị thành niên có thể ký kết giao dịch nhưng với điều kiện giao dịch này có lợi cho trẻ vị thành niên. Ví dụ: Một trẻ vị thành niên Đức mua 01 cái đĩa CD với giá 10 euro của một thương gia chuyên nghiệp. Việc gì sẽ xảy ra khi ký kết hợp đồng là một trẻ vị thành niên mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Giao dịch này có hiệu lực nếu có lợi cho trẻ vị thành niên. Nghĩa vụ trả 10 euro của vị thành niên là không có lợi cho người vị thành niên, do đó chỉ có hiệu lực khi bố mẹ đồng ý với giao dịch đó. Về nguyên tắc, nhìn nhận sự việc theo hướng tách giao dịch vật quyền và giao dịch trái quyền. Người bán đã giao đĩa CD cho người vị thành niên, có lợi cho người vị thành niên, có lợi thì không cần thiết sự đồng ý của bố mẹ. Hậu quả là hợp đồng mua bán vô hiệu, giao dịch vật quyền giao đĩa CD có lợi cho cậu bé nên vẫn có hiệu lực.
Ví dụ khác để giải thích hợp đồng mua bán vô hiệu nhưng giao dịch vật quyền vẫn có hiệu lực: Hợp đồng mua bán có sự thống nhất về hàng hóa mua bán, pháp luật quy định hợp đồng này phải công chứng nhưng các bên không công chứng, sai sót về hình thức nên hợp đồng vô hiệu. Nếu các bên thỏa thuận hợp đồng mua bán phải công chứng nhưng giao dịch vật quyền theo pháp luật quy định không phải công chứng và các bên thống nhất việc chuyển giao vật cho nhau, ở đây, hợp đồng mua bán vô hiệu nhưng giao dịch vật quyền vẫn có hiệu lực.
Bộ luật Dân sự Đức có những quy định trong một số trường hợp thụ đắc quyền sở hữu từ người không phải chủ sở hữu đích thực, tuy nhiên có giới hạn. Trường hợp lấy cắp tài sản rồi chuyển cho người thứ 3 thì người thứ 3 mặc dù ngay tình nhưng không được quyền chủ sở hữu.
A cho B mượn tài sản với thỏa thuận cho B sử dụng tài sản vào dịp cuối tuần mà không có quyền sở hữu. B bán cho người thứ 3 thì nguời thứ 3 là thụ đắc ngay tình, A bị mất quyền sở hữu. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản, chỉ có quyền: (i) Buộc bên cho mượn bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cho mượn; (ii) Buộc bên cho mượn có nghĩa vụ trả tiền đã bán cho chủ sở hữu. Pháp luật dân sự Đức bảo vệ sự công bằng cả 03 đối tuợng nêu trên.
Trường hợp bị ngất rồi chết, người khác lấy mất tài sản rồi bán cho người thứ ba. Bộ luật Dân sự Đức quy định tài sản chuyển dịch cho người thừa kế từ thời điểm người đó chết, quyền chiếm giữ tài sản người chết cũng chuyển dịch theo thừa kế. Nếu người bị ngất chết ngay, người lấy tài sản đã ăn cắp tài sản của con người chết và người mua thụ đắc ngay tình không trở thành chủ sở hữu.
Bộ luật Dân sự Đức không coi quyền cầm giữ là vật quyền mà chỉ là quyền từ chối giao vật trên cơ sở trái quyền. Bộ luật Dân sự Thụy Sỹ quy định quyền cầm giữ là vật quyền, tương đương với cầm cố, tuy nhiên không áp dụng đối với bất động sản. Nhật Bản cũng coi cầm giữ là vật quyền mặc dù Bộ luật Dân sự Nhật bản là điển hình xây dựng theo mô hình Đức.
[1]. Xem: Báo cáo kết quả Tọa đàm các ngày 25, 26, 27 và 30, 31/8 /2010 về những vấn đề cần sửa đổi bổ sung trong Bộ luật Dân sự năm 2005 do JICA và Bộ Tư pháp tổ chức.
[2]. Xem: Báo cáo về chuyến khảo sát tại Nhật Bản từ ngày 27/2/2012 - 10/3/2012 nhằm phục vụ soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do JICA tổ chức.
[3]. Xem: Tọa đàm ngày 11, 12/01/2012, Tổng hợp một số quy định trong pháp luật Cộng hòa Pháp về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự do Nhà pháp luật Việt Pháp tổ chức.
[4]. Xem: Báo cáo về chuyến khảo sát tại Nhật Bản từ ngày 27/02/2012 - 10/3/2012 nhằm phục vụ soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do JICA tổ chức.
[5]. Prf. Dr. Helmut Köhler, Dẫn đề cho Bộ luật Dân sự Đức (BGB), xuất bản lần thứ 63, năm 2009, Nxb. Beck-Texte im dtv.
[6]. Guy Gavinet, Chánh án Tòa án Tư pháp tối cao Cộng hòa Pháp, Báo cáo dẫn đề Hội thảo kỷ niệm 200 năm Bộ luật Dân sự Pháp, ngày 03-05/11/2004, Nhà pháp luật Việt - Pháp.
[7]. Báo cáo dẫn đề Hội thảo kỷ niệm 200 năm Bộ luật Dân sự Pháp, ngày 03-05/11/2004, Nhà pháp luật Việt - Pháp.
[8]. GS.TS. Matsuo Hiroshi, xem trong Báo cáo về chuyến khảo sát tại Nhật Bản từ ngày 27/02/2012- 10/3/2012 nhằm phục vụ soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do JICA tổ chức.
[9]. Xem: Prf. Dr. Helmut Köhler, Dẫn đề cho Bộ luật Dân sự Đức (BGB), xuất bản lần thứ 63, năm 2009, Nxb. Beck-Texte im dtv.
[10]. GS.TS. Walter Rolland, xem trong Báo cáo Tổng thuật kết quả Tọa đàm ngày 21, 22/10/2010, Một số vấn đề về cấu trúc Bộ luật Dân sự và vật quyền, do Bộ Tư pháp và IRZ tổ chức.
[11]. GS.TS. Walter Rolland, xem trong Báo cáo Tổng thuật kết quả Tọa đàm ngày 21, 22/10/2010, Một số vấn đề về cấu trúc Bộ luật Dân sự và vật quyền, do Bộ Tư pháp và IRZ tổ chức.
[12]. Báo cáo Kết quả Tọa đàm về “sửa đổi cơ bản Bộ luật Dân sự Việt Nam” tại Cộng hòa liên bang Đức từ ngày 26/3/2011 đến ngày 03/4/2011.
[13]. GS.TS. Ansgar Staudinger, xem trong Báo cáo kết quả tọa đàm ngày 9, 10/6/2010, Bình luận dự thảo 1.6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự do Bộ Tư pháp và Văn phòng Viện KAS tổ chức.
[14]. GS.TS. Ansgar Staudinger, xem trong Báo cáo kết quả tọa đàm ngày 9, 10/6/2010, Bình luận dự thảo 1.6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự do Bộ Tư pháp và Văn phòng Viện KAS tổ chức.
[15]. GS.TS. Walter Rolland, xem trong Báo cáo Tổng thuật kết quả Tọa đàm ngày 21, 22/10/2010, Một số vấn đề về cấu trúc Bộ luật Dân sự và vật quyền, do Bộ Tư pháp và IRZ tổ chức.
[16]. Báo cáo Kết quả Tọa đàm về “sửa đổi cơ bản Bộ luật Dân sự Việt Nam” tại Cộng hoà liên bang Đức từ ngày 26/3/2011 đến ngày 03/4/2011.
[17]. Xem: Báo cáo Tổng thuật kết quả tọa đàm một số vấn đề về cấu trúc Bộ luật Dân sự và vật quyền, ngày 21, 22/10 /2010 do IRZ và Bộ Tư pháp tổ chức.