Qua các Đại hội IX, X, XI, chủ trương ấy vẫn được Đảng khẳng định. Văn kiện Đại hội XI nhấn mạnh: “Đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ công phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[2]. Chủ trương xã hội hóa của Đảng với loại dịch vụ công, gắn với cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tư pháp.
Xã hội hóa thi hành án dân sự (THADS) cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình cải cách tư pháp, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội vào công tác THADS, chia sẻ, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, việc xã hội hóa trong lĩnh vực THADS vẫn còn là vấn đề tương đối mới mẻ, về mặt lý luận, hầu như các nhà nghiên cứu chỉ tập trung phân tích, mổ xẻ mô hình Thừa phát lại (một nội dung của xã hội hóa THADS) chứ hầu như không nghiên cứu sâu về lý luận xã hội hóa THADS. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đưa ra một vài vấn đề lý luận cơ bản về xã hội hóa và xã hội hóa THADS.
1. Xã hội hóa và xã hội hóa thi hành án dân sự
1.1. Xã hội hóa
- Xét dưới góc độ xã hội học: Xã hội hóa là quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội (tập thể), trong đó cá nhân học hỏi và thực hành những tri thức, những kỹ năng và những phương thức cần thiết để hội nhập với xã hội[3]. Ở góc độ quản lý nhà nước, xã hội hóa lại được nhìn nhận gắn với việc xác định vai trò của Nhà nước trong mỗi chế độ xã hội và cách thức Nhà nước thực hiện vai trò đó[4]. Bên cạnh đó, một số người cho rằng, xã hội hóa là quá trình chuyển giao để khu vực ngoài nhà nước thực hiện những công việc trước đây do Nhà nước làm hoặc quan niệm rằng đúng ra Nhà nước phải làm hoặc chỉ là biện pháp huy động nguồn lực tài chính của khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, xã hội hóa là sự chuyển giao đơn thuần về chủ thể thực hiện hoặc chỉ là một biện pháp huy động tài chính ngoài ngân sách để tăng cường đầu tư cho một số lĩnh vực cụ thể. Người ta dẫn chứng việc thực hiện chủ trương đó như là “khuyến khích thành lập bệnh viện tư, cơ sở giáo dục tư, tổ chức nghiên cứu khoa học tư”[5].
Như vậy, xã hội hóa là việc huy động, tạo điều kiện và tổ chức sự tham gia rộng rãi, chủ động của nhân dân, của toàn xã hội cùng với Nhà nước chia sẻ trách nhiệm, đầu tư, phát triển các hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể; là quá trình chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức tư nhân (khu vực ngoài nhà nước) “gánh đỡ” các công việc trước đây do Nhà nước làm.
1.2. Xã hội hóa thi hành án dân sự
Với quan điểm cho rằng thi hành án là một thủ tục hành chính - tư pháp[6], trong đó xét xử là khâu trọng yếu của hoạt động tư pháp. Mặc dù vậy, nếu phán quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không được thi hành, thì hiệu lực của nó chỉ thể hiện trên giấy mà thôi. Chính vì lẽ đó, thi hành án là vấn đề gắn liền với công tác xét xử, hoạt động xét xử sẽ không có ý nghĩa, nếu công tác thi hành án không được chú trọng.
THADS là việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự đã được ghi nhận trong bản án, quyết định; là hoạt động bảo vệ tư quyền, do vậy, về nguyên tắc có thể thực hiện xã hội hóa hoạt động này hay nói cách khác, cần huy động nguồn lực, nêu cao trách nhiệm của người dân cũng như có thể chuyển giao cho cá nhân, tổ chức phi nhà nước thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động THADS. Xã hội hóa THADS là làm cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án trở thành công việc chung của xã hội. Nếu THADS được hiểu theo nghĩa rộng là sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ của các bên theo phán quyết của Tòa án, thì xã hội hóa THADS là việc vận động, tổ chức và nâng cao trách nhiệm của các bên có quyền, nghĩa vụ, của cộng đồng và của toàn xã hội trong việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án.
Như vậy, xã hội hóa THADS là việc chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức thi hành án tư nhân thực hiện các công việc về THADS nhằm thi hành kịp thời, đúng đắn các bản án, quyết định dân sự của Tòa án theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, lợi ích của Nhà nước và của toàn xã hội.
2. Một số đặc điểm của xã hội hóa thi hành án dân sự
Một là, có sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào việc tổ chức thi hành án dân sự
Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào việc tổ chức thi hành án ngoài việc bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án, người phải thi hành án mà còn giúp cho công lý được thực thi, giúp bảo đảm nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, việc tổ chức THADS bao gồm nhiều hoạt động của nhiều chủ thể khác nhau, nên đòi hỏi sự huy động lực lượng không chỉ của các cơ quan hành chính nhà nước mà cả các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động này là sự phối hợp giữa quyền hành pháp, tư pháp... thông qua hoạt động THADS, những phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước, thể hiện ý chí của Nhà nước được trở thành hiện thực, công lý được thực hiện. Quá trình giải quyết một vụ án chỉ kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời và đầy đủ. Nếu công tác THADS không được quan tâm và không có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực, tác động đến toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, trật tự kỷ cương xã hội bị vi phạm, quyền lực nhà nước bị xem thường, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm.
Hai là, tổ chức, cá nhân được chủ động thực hiện các công việc về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật
Theo đó, các tổ chức, cá nhân thi hành án tư nhân khi được yêu cầu thi hành án, có quyền tổ chức, thực hiện công việc thi hành án trong phạm vi quyền hạn của mình, đồng thời có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp theo quy định của pháp luật. Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền lựa chọn tổ chức thi hành án cho mình: Cá nhân, tổ chức thi hành án tư nhân (Thừa phát lại) hoặc cơ quan THADS.
Ba là, xã hội hóa thi hành án dân sự phải gắn liền với trách nhiệm quản lý của Nhà nước
Nhà nước tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc giám sát hoạt động của các tổ chức thi hành án tư nhân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, quản lý thông qua các quy định của pháp luật và kiểm tra thực hiện. Đó là Nhà nước không can thiệp sâu vào các hoạt động THADS mà chỉ kiểm soát các hoạt động này thông qua các công cụ chính sách, pháp luật có tính chất định hướng, đồng thời, đề cao chế độ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động THADS.
Bốn là, xã hội hóa thi hành án dân sự phải bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giữa mọi công dân
Một trong những chủ trương của việc xã hội hóa là có thể thu hút tối đa mọi nguồn lực của xã hội. Vì vậy, mọi cá nhân, tổ chức khi hội tụ đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật đều có quyền tham gia cung cấp dịch vụ; tương tự, người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ đều có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ một cách bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, cũng lưu ý ở đây là công bằng chứ không phải là cào bằng: Những người thụ hưởng cũng có thể bị hạn chế nhu cầu với một hoặc một số dịch vụ nếu như yêu cầu đó ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội hoặc pháp luật không cho phép.
3. Nguyên tắc xã hội hóa thi hành án dân sự
Có thể thấy, xã hội hóa THADS là một vấn đề không còn mới đối với các nhà nghiên cứu, đã có một số công trình nghiên cứu về xã hội hóa THADS nhưng chỉ nghiên cứu về chủ trương, chính sách, mô hình xã hội hóa, từ đó đưa ra định hướng triển khai thực hiện, chứ hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện về bản chất, đặc điểm cũng như nguyên tắc xã hội hóa.
Theo chúng tôi, xã hội hóa THADS cũng cần tuân thủ các nguyên tắc cần nhất định, đó là: (i) Xã hội hóa THADS phải bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án; (ii) Xã hội hóa THADS phải bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân với cơ quan THADS, chấp hành viên, Thừa phát lại; (iii) Xã hội hóa THADS phải bảo đảm đủ cơ sở pháp lý để các tổ chức tư nhân thực hiện hiệu quả việc THADS.
4. Ý nghĩa của xã hội hóa thi hành án dân sự
- Xã hội hóa THADS góp phần hỗ trợ Tòa án, cơ quan THADS và cơ quan nhà nước khác nâng cao hiệu quả công việc.
- Xã hội hóa THADS góp phần nâng cao vị thế, vai trò của các cơ quan tư pháp, góp phần thúc đẩy và bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của tố tụng tư pháp.
- Xã hội hóa THADS góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định các quan hệ xã hội.
- Xã hội hóa THADS sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các tổ chức tư nhân với nhà nước, tạo cơ hội cho người dân sử dụng và lựa chọn những dịch vụ tốt nhất.
- Xã hội hóa THADS tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực vào hoạt động thi hành án, phát huy khả năng cũng như năng lực tiềm tàng trong xã hội, khơi dậy tính sáng tạo và chủ động tích cực của người dân.
Hiện nay, qua 06 năm thí điểm và tổ chức thực hiện mô hình xã hội hóa THADS thông qua chế định Thừa phát lại đã đạt được một số kết quả nhất định, qua đó khẳng định chủ trương của Đảng trong việc xã hội hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước là đúng đắn. Bên cạnh đó, vẫn còn điểm hạn chế là chúng ta chưa xây dựng được Luật về xã hội hóa, chưa có nền tảng lý luận vững chắc cho việc triển khai xã hội hóa trên thực tế. Chính vì vậy, qua bài viết này, tác giả muốn đưa ra một số điểm gợi mở cho các công trình nghiên cứu sau này.
Đại học Tây Nguyên
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 41.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 250.
[3]. Từ điển xã hội học do Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), Nxb Thế giới, Hà Nội, 1994.
[4]. Trần Thị Quang Hồng (2000), “Xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp”, Luận văn Thạc sĩ luật học, Hà Nội, tr. 4.
[5]. Trần Thị Trang (2012), Hoàn thiện pháp luật về xã hội hóa đối với các hoạt động y tế ở nước ta hiện nay, Luận văn Thạc sĩ luật học, Hà Nội, tr. 14.
[6]. Lê Minh Tâm, Thử bàn mấy vấn đề lý luận về thi hành án, Tạp chí Luật học, số 2/2001, tr. 22.