Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó có Nghị định số 63/2010/NĐ-CP. Theo Nghị định này, ở địa phương, công tác kiểm soát TTHC được giao cho Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo chuyển giao nguyên trạng (từ chức năng, nhiệm vụ cho đến biên chế và cơ sở vật chất) Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về Sở Tư pháp trong phạm vi cả nước. Ở tỉnh Đắk Lắk, ngày 15/8/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1689/QĐ-UBND để thực hiện việc chuyển giao này. Từ đây, nhiệm vụ kiểm soát TTHC đã được Sở Tư pháp tiếp nhận, tham mưu và triển khai thực hiện.
- Nghiên cứu tham mưu sửa đổi các VBQPPL của tỉnh: Năm 2014, đã tham mưu ban hành 4 VBQPPL, trong đó có 3 Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, gồm: Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 03/6/2014 của Ủy ban nhân dân ban hành quy chế công bố công khai thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 41/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 của Ủy ban nhân dân ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 của Ủy ban nhân dân ban hành quy chế hoạt động của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh1; Nghị quyết số 115/2014/NQ-HĐND ngày 17/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi, mức chi thực hiện các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 115/2014/NQ-HĐND). Các văn bản này là cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu thực hiện công bố TTHC, tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết TTHC, củng cố đội ngũ cán bộ đầu mối làm công tác này. Đặc biệt, với Nghị quyết số 115/2014/NQ-HĐND, lần đầu tiên các hoạt động kiểm soát TTHC do các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu triển khai đã được thanh toán theo quy định, trong đó phải kể đến việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC.
- Tham mưu củng cố cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh. Để đội ngũ này hoạt động có trách nhiệm và hiệu quả hơn, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính đã nhanh chóng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND để tạo cơ sở pháp lý cho việc củng cố, bố trí lại cán bộ đầu mối trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo củng cố, bố trí lại cán bộ đầu mối cho phù hợp theo hướng chỉ bố trí 1 cán bộ đầu mối duy nhất tại các sở, đơn vị cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Đến nay, toàn bộ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã củng cố, bố trí lại cho phù hợp; đối với cấp xã, có 163/184 đã triển khai thực hiện.
- Chú trọng kiểm soát việc ban hành các quy định về TTHC và công bố TTHC thông qua các hoạt động góp ý, thẩm định các dự thảo VBQPPL và kiểm soát chất lượng các dự thảo Quyết định công bố TTHC do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tham mưu xây dựng. Trong 2 năm 2014 và 2015, Phòng đã thực hiện góp ý và thẩm định đối với 29 dự thảo VBQPPL có quy định về TTHC; kiểm soát chất lượng đối với 50 dự thảo Quyết định công bố TTHC trong các lĩnh vực. Các hoạt động này đều được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng trong quá trình kiểm soát và được nhiều cơ quan, đơn vị đồng tình, ghi nhận.
- Đẩy mạnh kiểm tra công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh: Trong 2 năm 2014 và 2015, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác này tại 16 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh2. Qua đó, đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh đối với công tác này; đặc biệt, trong năm 2015, Phòng còn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê bình các cơ quan, đơn vị, địa phương không nghiêm túc triển khai và nắm bắt tình thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Hàng năm, tham mưu đẩy mạnh hoạt động rà soát, đánh giá TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện những nội dung bất cập, không còn phù hợp của các quy định về TTHC để từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có liên quan; đồng thời kịp thời tham mưu công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các TTHC có nội dung không còn phù hợp. Với cách làm thiết thực, thông qua hoạt động này, nhiều cơ quan, đơn vị đã “chợt tỉnh” khi phát hiện nhiều TTHC thuộc lĩnh vực quản lý được công bố từ những năm 2009, 2010 từ lâu đã không còn phù hợp, qua đó khẩn trương tham mưu công bố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Đặc biệt, nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính đã có bước tiến rõ rệt: Không chịu cảnh “ngồi đợi” người dân phản ánh, kiến nghị3, Phòng đã chủ động thực hiện khảo sát trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một số cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời nắm bắt những vướng mắc cụ thể trong quá trình thực hiện TTHC của công dân. Kết quả là, trong 2 năm 2014 và 2015, có 3 trường hợp gặp “rắc rối” trong quá trình giải quyết TTHC đã được Phòng hướng dẫn, tiếp nhận, nghiên cứu và tham mưu giải quyết dứt điểm theo quy định. Tuy con số này vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng đó là sự nỗ lực, chủ động, không ngại khó của toàn thể cán bộ đang công tác tại Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính và trên hết là “tín hiệu vui” để có thể duy trì, phát triển cách làm này trong thời gian tới.
Nhìn chung, công tác kiểm soát TTHC đã được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
- Các quy định của pháp luật về công tác này vẫn còn nhiều bất cập, chưa được hoàn thiện nên quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, trở ngại; đặc biệt, việc xác định TTHC thuộc đối tượng cần kiểm soát theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến quá trình từ công bố đến áp dụng thực hiện vẫn chưa phù hợp, thống nhất.
- Không ít cơ quan, đơn vị vẫn còn xem nhẹ công tác kiểm soát TTHC, chưa sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nên công tác này vẫn chưa được kiểm soát tốt như đúng tên gọi của nó; trên thực tế, việc giải quyết TTHC vẫn còn lắm nhiêu khê, rườm rà; người dân vẫn còn nhiều phản ánh...
- Cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm soát TTHC nói riêng và trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung chưa đầy đủ, triệt để. Tỉnh Đắk Lắk tuy đã có Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 16/01/2015 của Ủy ban nhân dân để điều chỉnh chung trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhà nước về thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ xác định “các nhiệm vụ cần triển khai” của người đứng đầu, chứ chưa đặt ra cơ chế “chịu trách nhiệm” thật sự của họ trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về kiểm soát TTHC, CCHC, vì vậy, vẫn còn hiện tượng xem nhẹ các công tác này.
- Vẫn chưa có cơ chế, chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh trong lĩnh vực kiểm soát TTHC, nhất là đối với các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức có trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, do đó những trường hợp sai phạm cũng chỉ mới dừng lại ở mức “phê bình, rút kinh nghiệm”, dẫn đến hiệu quả của công tác này chưa cao như mong muốn.
Hoàng Trọng Hùng
Sở tư pháp tỉnh Đắk Lắk
Tài liệu tham khảo:
1. Để thay thế các Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND không còn phù hợp.
2. Năm 2014: Kiểm tra tại 8 cơ quan, đơn vị gồm: Cấp tỉnh có Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu công nghiệp; cấp huyện có Ủy ban nhân dân huyện Buôn Đôn và thành phố Buôn Ma Thuột; cấp xã có Ủy ban nhân dân phường Khánh Xuân, Ủy ban nhân dân phường Tân Thành - thành phố Buôn Ma Thuột và Ủy ban nhân dân xã Ea Wer, Ủy ban nhân dân xã Tân Hòa - huyện Buôn Đôn. Năm 2015: Kiểm tra tại 8 cơ quan, đơn vị, gồm: Cấp tỉnh có Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; cấp huyện có Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana, Ủy ban nhân dân huyện Lắk; cấp xã có Ủy ban nhân dân phường Thống Nhất, Ủy ban nhân dân xã Hòa Xuân - thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban nhân dân thị trấn Buôn Trấp - huyện Krông Ana và Ủy ban nhân dân thị trấn Liên Sơn - huyện Lắk.
3. Người dân chưa biết hoặc biết nhưng ngại phản ánh, kiến nghị nên trên thực tế trong nhiều năm trước đây, chưa có trường hợp nào phản ánh, kiến nghị về TTHC được tiếp nhận và giải quyết triệt để.