Theo chức năng, nhiệm vụ, Sở Tư pháp có trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị định số 24/2013/NĐ-CP đến tất cả Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn, đặc biệt quán triệt các quy định mới về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài (Mục 2, Chương II của Nghị định). Công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp xã các hình thức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân địa phương quy định mới này.
Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, công chức tư pháp - hộ tịch cần hướng dẫn đương sự hoàn thiện Tờ khai (đặc biệt phần ghi về mục đích kết hôn, thông tin về người dự định kết hôn, nơi đăng ký kết hôn), nội dung này cũng phải ghi cụ thể trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
2. Về việc giải quyết hồ sơ công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài (ghi vào sổ việc kết hôn)
2.1. Theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài đã được Sở Tư pháp thẩm tra, xác minh, phỏng vấn, đảm bảo chặt chẽ. Khi giải quyết hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn, Sở Tư pháp cần kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của đương sự. Trường hợp có nghi ngờ về kết quả giải quyết hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trước đây hoặc tại thời điểm yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đương sự cư trú ở tỉnh khác thì Sở Tư pháp tiến hành xác minh, trao đổi Sở Tư pháp nơi cư trú cũ của đương sự xác minh, làm rõ.
2.2. Trường hợp, khi tiếp nhận hồ sơ công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, Sở Tư pháp phát hiện khi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam làm thủ tục đăng ký kết hôn ở nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp xã không gửi văn bản xin ý kiến của Sở Tư pháp. Sở Tư pháp cần xác minh làm rõ: Nếu tình trạng hôn nhân của đương sự được xác nhận là đúng, việc kết hôn đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, thì để đảm bảo quyền lợi cho công dân, Sở Tư pháp vẫn giải quyết ghi vào sổ việc kết hôn. Trường hợp tình trạng hôn nhân của đương sự được xác nhận không đúng (đương sự là người đang có vợ/chồng) hoặc đương sự không đảm bảo điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 24/2013/NĐ-CP thì hồ sơ công nhận việc kết hôn bị từ chối giải quyết. Sở Tư pháp cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cán bộ để xảy ra sai phạm.
3. Xác nhận tình trạng hôn nhân
Có phản ánh rằng, trước đây các du học sinh, người lao động học tập, làm việc có thời hạn tại nước ngoài muốn xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài ở nước ngoài có thể ủy quyền cho người thân tại Việt Nam đến Ủy ban nhân dân phường xin xác nhận, nhưng theo Nghị định số 24/2013/NĐ-CP thì lại phải về Việt Nam trực tiếp nộp hồ sơ, nên một số trường hợp ủy quyền cho người thân xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại một số quận, huyện đã không được giải quyết… Liên quan đến vấn đề này, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Mục II Chương 2 Nghị định số 24/2013/NĐ-CP thì việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 24/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với trường hợp công dân Việt Nam cư trú trong nước yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.
Đối với việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước đăng ký kết hôn ở trong nước, đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài, đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (kể cả công dân Việt Nam học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài) để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài và cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để sử dụng vào các mục đích khác (không phải đăng ký kết hôn) đều thực hiện theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005; Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, việc xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong các trường hợp nêu trên vẫn có thể ủy quyền theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.
4. Có ý kiến cho rằng, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 24/2013/NĐ-CP thì khi làm thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài, không biết xin giấy xác nhận của tổ chức y tế nào?
Việc quy định tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (gọi chung là giấy xác nhận) thuộc quyền và trách nhiệm của ngành y tế. Về nguyên tắc, tổ chức y tế nào cấp giấy xác nhận phải là tổ chức có thẩm quyền cấp, trường hợp cấp sai thẩm quyền thì tổ chức đó sẽ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về y tế. Quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho người có yêu cầu đăng ký kết hôn có thể sử dụng giấy xác nhận của bất kỳ tổ chức y tế nào có thẩm quyền.
Để thực hiện thống nhất trong phạm vi địa phương và có cơ sở hướng dẫn đương sự đến đúng tổ chức y tế có thẩm quyền lấy giấy xác nhận, tại mỗi địa phương (cấp tỉnh), cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tư pháp và Sở Y tế cần trao đổi với nhau để lập Danh sách các tổ chức y tế trên địa bàn tỉnh có thẩm quyền cấp giấy xác nhận y tế. Trường hợp đương sự sử dụng giấy xác nhận do tổ chức y tế thuộc địa bàn tỉnh/thành phố khác cấp thì có thể xác định tính hợp lệ của giấy xác nhận thông qua trao đổi với Sở Tư pháp tỉnh/thành phố đó.