Từ đầu năm 2018 cho đến nay (tức là khi Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực) có rất nhiều tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, phần lớn kết quả của quá trình điều tra, xác minh chỉ dừng lại ở giai đoạn tiếp nhận, giải quyết các tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, sau đó chuyển hồ sơ xử lý hành chính, duy nhất có 01 vụ khởi tố vụ án sau đó phải đình chỉ điều tra vì hết thời hạn điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập đến thực tiễn bảo vệ quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại với tư cách là đối tượng bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Thực tiễn thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ cho pháp nhân thương mại bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố ở Việt Nam hiện hay có một số vướng mắc mà chúng tôi sẽ trao đổi trong bài viết dưới đây.
1. Thực tiễn bảo vệ quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại trong vụ án hình sự ở nước ta hiện nay
Quá trình giải quyết vụ án hình sự bắt đầu từ việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trong quá trình giải quyết ố giác tin báo về tội phạm, cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng một số hoạt động điều tra ban đầu, các biện pháp cưỡng chế khác nghiêm khắc có thể ảnh hưởng lớn đến lợi ích, đến số phận pháp lý của pháp nhân thương mại cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của pháp nhân thương mại, đòi hỏi việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho pháp nhân thương mại trong giai đoạn này cần được đảm bảo.
Để bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại có điều kiện thực hiện quyền bào chữa của mình, pháp luật cho phép họ được hưởng những quyền năng tố tụng nhất định được quy định tại Điều 435 và các điều khác trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đó là những quyền mà bị can, bị cáo được phép sử dụng để bảo vệ mình như quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và những yêu cầu, quyền được tham gia phiên tòa, quyền được đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi và tranh luận tại phiên tòa, đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản v.v... Những quy định về quyền này thực chất là tạo điều kiện để bị can, bị cáo sử dụng bảo vệ mình trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi bị buộc tội. Điều này có nghĩa là bị can, bị cáo có thể thanh minh, bác bỏ một phần hay toàn bộ lời buộc tội hoặc đưa ra những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm cho mình.
Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì người bị buộc tội bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Những người thuộc diện người bị buộc tội này có quyền mời Luật sư bào chữa cho mình hoặc tự mình bào chữa, trong trường hợp bắt buộc phải có luật sư mà những chủ thể nêu trên không mời người bào chữa thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ phải chỉ định luật sư bào chữa cho họ.
Tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định: (i) Người bào chữa được tham gia từ khi khởi tố bị can; (ii) Trong trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa được tham gia từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Tuy nhiên, với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ không có trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, mà pháp nhân thương mại chỉ có thể thuộc diện là bị can, bị cáo. Theo đó, để trở thành bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thì phải có quyết định khởi tố bị can, quyết định đưa vụ án ra xét xử của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Như vậy, luật sư chỉ được tham gia bào chữa cho pháp nhân thương mại khi pháp nhân đó bị khởi tố bị can.
Trên thực tế, tất cả các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi có dấu hiệu phạm tội của pháp nhân thương mại bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra thụ lý và giải quyết đều không có sự tham gia của luật sư trong giai đoạn tiền khởi tố. Điều này không có nghĩa là các pháp nhân thương mại không mời luật sư bào chữa cho mình, mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định luật sư được chấp nhận bào chữa cho pháp nhân trong giai đoạn này, vì vậy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều từ chối chấp nhận luật sư bào chữa cho pháp nhân thương mại tham gia từ giai đoạn tiền khởi tố. Theo đó, các pháp nhân thương mại đều phải thực hiện quyền tự mình bào chữa. Để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho mình, các pháp nhân thương mại phần lớn đều triển khai ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với luật sư tư vấn. Theo đó, luật sư tư vấn tham gia bảo vệ lợi ích cho pháp nhân chiếm tỷ lệ rất cao, hầu như vụ án nào liên quan đến tố tụng đều có sự tham gia của luật sư tư vấn. Thực tiễn, có nhiều pháp nhân thành lập ban pháp chế tại công ty, thành viên hoạt động trong ban này là những người có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, nhiều công ty còn cử người tham gia học khóa đào tạo luật sư tại Học viện Tư pháp, do đó họ không ký hợp đồng với luật sư để tư vấn pháp luật. Song các hoạt động được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tổ chức tiến hành trên thực tiễn sẽ không có sự tham gia của luật sư bào chữa và đương nhiên luật sư tư vấn càng không được tham gia, như: hoạt động khám xét, hoạt động gọi hỏi liên quan đến hành vi điều tra, xác minh; hoạt động khám nghiệm hiện trường.. đều không có sự tham gia của luật sư bào chữa, luật sư tư vấn. Việc này đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại đang thuộc diện bị tiến hành kiểm tra, xác minh về các hành vi vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu của tội phạm. Bởi lẽ, khi luật sư không được pháp luật quy định cho tham gia từ giai đoạn này, thì họ sẽ không thể tham gia các hoạt động mà cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, luật sư sẽ không nắm bắt được vấn đề, không được tiếp xúc, trao đổi, kiến nghị những nội dung và vấn đề quan trọng với cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho pháp nhân.
2. Nguyên nhân của những tồn tại trong việc thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại trong vụ án hình sự ở nước ta hiện nay và một số kiến nghị
Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích cho pháp nhân thương mại khi vào vòng quay tố tụng rất cần ở giai đoạn tiền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chiếm tỷ lệ 99,9% số vụ án liên quan đến pháp nhân thương mại có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật.
Tại điểm e, khoản 1 Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định về quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì những người này có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; được đưa chứng cứ tài liệu, đồ vật; được có mặt khi đối chất, nhận dạng… (khoản 3 Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên, trên thực tế như chúng tôi đã trình bày ở trên, pháp nhân thương mại là đối tượng bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố đều phải tự thực hiện việc tự bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách thuê luật sư tư vấn bởi lẽ:
Thứ nhất, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có khái niệm thế nào là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nên cũng không rõ “người” này có bao gồm cả cá nhân hay pháp nhân thương mại hay không? Việc quy định không rõ này có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, trong đó có thể có cách hiểu bất lợi cho pháp nhân là “người” phải là một con người cụ thể, tức là cá nhân.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố nên trên thực tiễn có thể dẫn đến sự tùy tiện của cơ quan hoặc người có thẩm quyền. Không giống như luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo được đăng ký vào sổ bào chữa và có văn bản thông báo cho người bào chữa về việc họ bào chữa, thì đối với luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, pháp luật chưa quy định thủ tục đăng ký bảo vệ này. Trên thực tế, cơ quan điều tra đã áp dụng quy định này khác nhau và họ thường không cho người bảo vệ quyền lợi của pháp nhân thương mại tham gia trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm
Thứ ba, nếu coi pháp nhân thương mại người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì ngoài quyền tự bảo vệ , họ chỉ có thể nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình chứ không phải nhờ người bào chữa cho mình. Theo quy định tại khoản 3 Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố rất hạn chế so với quyền của người bào chữa như họ không có quyền xem biên bản hoạt động tố tụng, đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng, thu thập chứng cứ tài liệu, đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu… Việc pháp luật quy định như vậy ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại.
Thứ tư, pháp nhân thương mại khi thực hiện quyền tự mình bào chữa theo quy định của pháp luật, giai đoạn này chưa được sự tham gia của luật sư bào chữa, bảo vệ vì pháp nhân chưa bị khởi tố bị can, cho thấy hiệu quả không cao. Điều này là do những nguyên nhân sau: (i) Đại diện hợp pháp cho pháp nhân là người được pháp nhân cử ra, nhiều trường hợp không nắm bắt được bản chất của sự việc, nên khai không chuẩn xác; (ii) Những người này không giỏi và không chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật mà họ tham gia làm đại diện cho pháp nhân, bản thân họ không có kỹ năng đọc, nghiên cứu, sao chép hồ sơ nên rất hạn chế khi tham gia; (iii) Nếu là luật sư tư vấn được cử làm đại diện hợp pháp cho công ty thì sẽ vấp phải những câu hỏi liên quan đến hoạt động của công ty thì lại không biết để trả lời, ảnh hưởng đến công ty rất lớn. Chưa kể đến luật sư tư vấn có nhiều trình độ khác nhau, chưa thực sự đồng đều về chất lượng, không phải ai cũng có trình độ chuyên môn giỏi, một số luật sư kỹ năng hành nghề còn nhiều hạn chế, một số khác nhận vụ việc tư vấn nhưng không thuộc chuyên ngành chuyên sâu của bản thân… theo đó, hiệu quả không cao, chưa kể đến nhiều vụ án còn đẩy pháp nhân vào bế tắc, gây thiệt hại cho pháp nhân thương mại.
Việc tham gia của luật sư bào chữa, bảo vệ trong giai đoạn đầu đối với những vụ án đang thuộc diện điều tra xác minh các tố giác, tin báo về tội phạm là hết sức cần thiết và quan trọng. Theo đó, luật sư sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho các pháp nhân, đồng thời, luật sư còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ. Thực tiễn đã chứng minh rằng những vụ án mà có luật sư tham gia thì hiệu quả đạt được rất cao, tuy nhiên hầu hết các vụ án giải quyết ở giai đoạn này đều không được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đồng ý có luật sư tham gia. Vì vậy, từ sự phân tích về thực tế áp dụng các quy định của pháp luật đối với pháp nhân thương mại phạm tội chúng tôi đi đến kiến nghị như sau:
Một là, cần có văn bản hướng dẫn luật quy định rõ trong gian đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, pháp nhân thương mại là đối tượng bị tố giác cũng có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Người đó có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý.
Hai là, cần có văn bản hướng dẫn quy định rõ về thủ tục đăng ký bảo vệ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố. Theo đó, để được tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích cho pháp nhân thương mại bị tố giác, bị kiến nghị thì những người này cũng phải làm thủ tục “đăng ký bào chữa” theo quy định của pháp luật giống như thủ tục “đăng ký bào chữa” đối với người bị buộc tội vậy.
Ba là, cần phải có quy định trong luật để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp là pháp nhân thương mại sản xuất, kinh doanh ổn định, tránh ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các doanh nghiệp, chúng tôi kiến nghị nếu pháp nhân thương mại bị tố giác, hoặc bị kiến nghị khởi tố thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó có thể nhờ nhờ người bào chữa vì suy cho cùng việc bào chữa cũng là bảo vệ quyền và lợi ích của pháp nhân thương mại. Những người này có thể là luật sư, bào chữa viên nhân dân…thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Bốn là, để nâng cao hơn nữa chất lượng bào chữa, bảo vệ cho pháp nhân thương mại, cần có lớp bồi dưỡng chuyên sâu về các kiến thức liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ cho các đối tượng này cho các luật sư.
Từ thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến pháp nhân thương mại cho thấy, trong suốt giai đoạn cơ quan chức năng thu thập thông tin, thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu, cho đến khi có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không điều chỉnh, hoặc điều chỉnh mờ nhạt quyền bào chữa của pháp nhân, dẫn đến với hoạt động gỡ tội của pháp nhân thương mại bị coi nhẹ. Vì vậy, việc tìm ra được những nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết kém hiệu quả trên thực tiễn là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cần hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền bào chữa, bảo vệ của pháp nhân thương mại vì các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy chưa thực sự bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ cho đối tượng là pháp nhân thương mại./.
Học viện Tư pháp