Trong bài viết này, trên cơ sở các nghiên cứu cá nhân và thực tiễn hành nghề luật sư tại địa phương, tác giả đóng góp một số ý kiến đối với một số nội dung trong Dự kiến Đề cương chi tiết Luật Luật sư thay thế[1] (gọi tắt là Dự thảo) như sau:
- Đối với quy định tại Điều 12 Dự thảo về đào tạo nghề luật sư: Đối với nội dung quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư thì ngoài việc bổ sung quy định cơ sở đào tạo nghề luật sư là cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Tư pháp thì nên bao gồm cả cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 2 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Điều này đảm bảo sự đa dạng trong tổ chức cơ sở đào tạo nghề luật sư, tạo sự chủ động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong hoạt động đào tạo nghề luật sư góp phần phát triển tổ chức xã hội nghề nghiệp và phù hợp với định hướng tinh giản biên chế bộ máy của Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước nên chỉ tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước và quan điểm nâng cao vai trò, trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư thể hiện trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng.
Mặt khác, với tư cách là một tổ chức đại diện cho quyền lợi của đội ngũ luật sư trong cả nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có quyền chủ động tổ chức đào tạo nguồn lực để phát triển nghề luật sư của tổ chức mà mình đại diện là phù hợp.
- Đối với quy định tại Điều 14 Dự thảo về tập sự hành nghề luật sư: Ngoài việc mở rộng và quy định cụ thể hơn về các công việc luật sư tập sự được thực hiện trong thời gian tập sự như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng trong các vụ án ở cấp huyện thì cần có quy định dẫn chiếu đến các đạo luật tố tụng tương ứng để xác định về quyền, nghĩa vụ, tư cách tham gia tố tụng của luật sư tập sự để không bị xung đột giữa Luật Luật sư và các luật tố tụng. Nếu chỉ dừng lại quy định các nội dung về tập sự hành nghề luật sư trong Luật Luật sư mà không có quy định cụ thể trong các đạo luật tố tụng tương ứng thì khi thực hiện sẽ gặp khó khăn, bởi về nguyên tắc, tất cả các hoạt động tố tụng dân sự, hình sự, hành chính đều phải tuân theo quy định trong các đạo luật tương ứng.
- Đối với quy định tại Điều 16 Dự thảo về người được miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư: Theo tác giả, nên chọn Phương án 2 theo hướng tất cả các đối tượng muốn trở thành luật sư đều phải tập sự hành nghề luật sư, không được miễn mà chỉ được giảm thời gian tập sự tương ứng với các chức danh được giảm và thời gian giữ chức danh để được giảm tương tự như đối với quy định về giảm thời gian đào tạo nghề luật sư tại Điều 13 Dự thảo. Quy định như Phương án 2 góp phần và phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng luật sư trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng.
Đối với quy định tại Điều 17 Dự thảo về cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, nên cân nhắc và xem xét lại đối với việc “bổ sung quy định chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 05 năm hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn/cấp lại khi đủ điều kiện quy định” vì sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ và không cần thiết đối với những người đã hành nghề luật sư liên tục, không có thời gian gián đoạn trong quá trình hành nghề.
Việc thống kê và quản lý số lượng người được cấp chứng chỉ hành nghề và người đang hành nghề thực tế hoàn toàn có thể thực hiện được bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu về luật sư và ứng dụng công nghệ mà hoàn toàn không cần đến việc giới hạn thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Đề nghị bổ sung 01 điều về nội dung hợp đồng lao động giữa luật sư và tổ chức hành nghề luật sư: Tác giả đề nghị bổ sung 01 điều về nội dung hợp đồng lao động giữa luật sư ký với tổ chức hành nghề luật sư vào sau Điều 23 Dự thảo để làm rõ tính đặc thù của hợp đồng lao động được ký kết giữa 02 bên bởi vì hoạt động nghề nghiệp của luật sư khi thực hiện dịch vụ pháp lý (tư vấn pháp luật, thực hiện vụ, việc tham gia tố tụng…) có tính đặc thù và không hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về hợp đồng lao động tại khoản 1 Điều 13 (việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, giám sát, điều hành) và các quy định về nội dung của hợp đồng lao động được quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Luật sư năm 2006 của Bộ Tư pháp còn tình trạng một số luật sư vừa ký hợp đồng lao động làm việc cho một tổ chức hành nghề luật sư, vừa ký hợp đồng hợp tác với một tổ chức hành nghề luật sư khác hoặc trên thực tế, có nhiều trường hợp không ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động mà ký hợp đồng công tác hoặc hợp đồng vụ việc, thậm chí có luật sư không có duy trì bất cứ hình thức hành nghề nào theo quy định của Luật Luật sư[2].
Một trong những nguyên nhân tồn tại tình trạng này là do đặc thù của hoạt động nghề nghiệp của luật sư khi thực hiện công việc chuyên môn. Đặc biệt thể hiện rõ nét trong hoạt động thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, luật sư hoàn toàn chủ động và thực hiện theo nguyên tắc độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân theo Hiến pháp và pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư[3]. Thêm vào đó, thù lao của luật sư được nhận khi luật sư thực hiện vụ việc được xác định trên cơ sở từng vụ việc cụ thể mà rất ít trường hợp nhận lương/tiền công theo tháng và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động như người lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác.
Đồng thời, vì xác định luật sư làm việc theo hợp đồng lao động nên cũng cần làm rõ việc luật sư có được giao kết cùng lúc nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 hay không để làm rõ sự tương thích khi đối chiếu với quy định tại Điều 46 Dự thảo.
- Đối với quy định về luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước tại Mục 5 Dự thảo: Tại mục số 5 của Dự thảo đã bổ sung quy định về luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước để bảo vệ lợi ích công theo hình thức hợp đồng lao động. Vì vậy, tương tự như nội dung về hợp đồng lao động giữa luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã phân tích trên đây, cũng cần làm rõ những nội dung cần có trong hợp đồng lao động ký kết giữa cơ quan nhà nước và luật sư. Cần lưu ý rằng, luật sư là một nghề tự do, mang tính chủ động cao, nên nếu quy định luật sư ký hợp đồng làm việc cho cơ quan nhà nước không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho đối tượng khác thì rất khó để thu hút được những luật sư có trình độ tham gia vào loại hình làm việc này./.
Luật sư Thiều Hữu Minh
Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng
Ảnh: internet