1. Phạm vi điều chỉnh và giải thích từ ngữ
Thứ nhất, quy định về hoạt động kiểm tra và thanh tra nhân dân chưa tương thích với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Điều 1 Dự thảo Luật quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật gồm “tổ chức, hoạt động thanh tra của các cơ quan hành chính nhà nước, của các cơ quan khác của nhà nước”. Tuy vậy, Mục 2 Chương I (Điều 9, Điều 10) Dự thảo Luật lại quy định về phân định hoạt động thanh tra và kiểm tra; thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức hoạt động kiểm tra. Nội dung này dường như chưa tương thích, không thuộc phạm vi điều chỉnh được xác định ngay từ đầu theo quy định tại Điều 1 Dự thảo Luật. Vì vậy, nhất thiết không nên đưa nội dung về kiểm tra vào Dự thảo Luật để bảo đảm tính hiệu lực và phạm vi tác động của văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, nội dung về thanh tra nhân dân cũng không phải là nội hàm thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Dự thảo Luật. Bởi lẽ, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra nhân dân là giám sát, khác hoàn toàn với chức năng thanh tra (Điều 118 Dự thảo Luật).
Thứ hai, việc giải thích thuật ngữ “thanh tra”, “thanh tra hành chính” và “thanh tra chuyên ngành” không nằm trong điều luật về giải thích từ ngữ là chưa phù hợp. So với Luật Thanh tra năm 2004 và năm 2010, Dự thảo Luật đã chính thức đưa ra được định nghĩa và có sự giải thích rõ ràng về cụm từ “thanh tra” với tư cách là một thuật ngữ độc lập thay vì gắn liền với cụm từ thanh tra nhà nước như hai luật trên[2]. Tuy vậy, đúng ra phải được định vị tại Điều 2 về giải thích từ ngữ thì thuật ngữ thanh tra lại được giải thích tại khoản 1 Điều 9. Điều này thực sự chưa phù hợp vì diễn giải một từ ngữ mang tính phổ quát và được sử dụng nhiều lần trong chính văn bản đó thì về nguyên tắc cần được đưa lên phần giải thích từ ngữ, qua đó làm kim chỉ nam cho việc hiểu, nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất, minh thị. Mặt khác, nội dung này là quy phạm định nghĩa nên phải thuộc nội dung của Điều 2 về giải thích thuật ngữ sẽ hợp lý hơn. Do vậy, cần đưa việc giải thích thuật ngữ “thanh tra” đặt tại quy định của Điều 2 Dự thảo Luật. Tương tự như vậy, cũng cần đưa việc giải thích thuật ngữ “thanh tra hành chính” và “thanh tra chuyên ngành” theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo Luật lên Điều 2 nhằm đạt được mục tiêu tương tự như thuật ngữ “thanh tra”.
2. Chủ thể có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra
Theo quy định tại Điều 11 Dự thảo Luật, chủ thể có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra được liệt kê bao gồm: (i) Thủ tướng Chính phủ; (ii) Tổng Thanh tra Chính phủ; (iii) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (iv) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, ngoài các chức danh đã được liệt kê ở trên thì các chủ thể khác không được trao thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra trên thực tế. Song, điều này rõ ràng chưa có sự thống nhất và đồng bộ nội tại giữa các điều luật với nhau trong Dự thảo Luật. Quy định tại Điều 14 Dự thảo Luật đã liệt kê trong hệ thống hành chính nhà nước có các cơ quan thanh tra sau đây: (i) Thanh tra Chính phủ; (ii) Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là thanh tra bộ); (iii) Thanh tra tổng cục, cục và tương đương (sau đây gọi chung là thanh tra tổng cục, cục); (iv) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là thanh tra tỉnh); (v) Thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi là thanh tra sở); (vi) Thanh tra một số quận, huyện, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là thanh tra huyện). Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 24 Dự thảo Luật thì thanh tra tổng cục, cục có trách nhiệm thanh tra vụ việc khác do bộ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng giao và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của thanh tra tổng cục, cục, quyết định xử lý về thanh tra của tổng cục trưởng, cục trưởng. Điều đó cho thấy, tổng cục trưởng, cục trưởng với tư cách là thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra tổng cục, cục được quyền giao cho cơ quan thanh tra thuộc quyền quản lý của mình tiến hành hoạt động thanh tra theo nhu cầu của hoạt động quản lý. Nói cách khác, các chủ thể trên có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra trên thực tế. Vấn đề này cũng lặp lại tương tự đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và giám đốc sở (thanh tra huyện và thanh tra sở). Hơn nữa, về mặt lý luận, “thanh tra luôn gắn liền với quản lý nhà nước, với tư cách là một chức năng, một giai đoạn của chu trình quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra không thể tách rời hoạt động quản lý nhà nước”[3], “thanh tra không có mục đích tự thân mà là để phục vụ cho công tác quản lý điều hành của nhà nước ngày càng có hiệu quả, hiệu lực, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”[4]. Quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật cũng khẳng định chức năng của cơ quan thanh tra nhà nước là “thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”. Như vậy, rõ ràng, với tư cách là thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, tổng cục trưởng, cục trưởng, giám đốc sở và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được trao thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra, qua đó bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành và lãnh đạo đối với hoạt động thanh tra - cơ quan giúp việc cho hoạt động quản lý của mình.
Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 11 Dự thảo Luật như sau:
“Các chức danh sau đây có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra:
a) Thủ tướng Chính phủ;
b) Tổng Thanh tra Chính phủ;
c) Bộ trưởng, thủ trưởng có quan ngang bộ;
d) Tổng cục trưởng, cục trưởng và tương đương (sau đây gọi chung là tổng cục trưởng, cục trưởng);
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh);
g) Giám đốc sở và tương đương (sau đây gọi chung là giám đốc sở);
h) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện)”.
3. Các đơn vị hành chính cấp huyện được tổ chức thanh tra huyện
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Dự thảo Luật thì thanh tra huyện được tổ chức ở quận, huyện, thành phố trực thuộc trung ương khi thỏa mãn các điều kiện, tiêu chí theo quy định tại Điều 39 của Luật này. Tuy vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Mặt khác, theo tinh thần tại khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật thì thanh tra huyện được thành lập ở huyện có một trong các tiêu chí sau đây: (i) Có dân số từ … dân trở lên; (ii) Thu ngân sách bình quân 05 năm từ … trở lên; (iii) Huyện miền núi, biên giới, hải đảo mà trung tâm hành chính huyện cách trung tâm hành chính tỉnh từ … km trở lên và có điều kiện đi lại khó khăn. Điều đó cho thấy, ở bất kì đơn vị hành chính cấp huyện nào của tỉnh (kể cả thị xã và thành phố thuộc tỉnh hay các đơn vị hành chính cấp huyện khác thuộc tỉnh) nếu đáp ứng các tiêu chí trên đều có thể thành lập thanh tra huyện nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân đạt được hiệu quả. Việc liệt kê nhưng chưa đầy đủ như trên có thể dẫn đến cách hiểu một cách “máy móc” rằng chỉ được thành lập thanh tra huyện ở các đơn vị hành chính cấp huyện như huyện, quận và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương mà không bao gồm các đơn vị hành chính cấp huyện khác.
Như vậy, cần chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 14 Dự thảo Luật như sau: “Thanh tra một số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là thanh tra huyện) theo quy định tại Điều 39 của Luật này”. Điều này không những nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa Dự thảo Luật với Luật Tổ chức chính quyền địa phương về các đơn vị hành chính cấp huyện mà còn thể hiện đúng tinh thần của Dự thảo Luật trong việc thành lập thanh tra huyện ở các đơn vị hành chính cấp huyện khi đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí mà không giới hạn bất kỳ một đơn hành chính cấp huyện cụ thể nào.
4. Quy định về cơ cấu, tổ chức của thanh tra huyện
Theo quy định tại Điều 38 Dự thảo Luật thì thanh tra huyện có chánh thanh tra, thanh tra viên và công chức thanh tra. Điều đó cho thấy thanh tra huyện không tồn tại chức danh phó chánh thanh tra huyện. Quy định này rõ ràng chưa tương thích với quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Bình quân mỗi phòng có 02 phó trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng phó trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng phó trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp”. Điều đó cho thấy, với tư cách là cơ quan tương đương phòng, thanh tra huyện có ít nhất 02 phó chánh thanh tra. Mặt khác, việc không tồn tại chức danh phó chánh thanh tra của thanh tra huyện cũng không phù hợp về mặt thực tiễn. Lúc này, chánh thanh tra sẽ không có cấp phó giúp việc, các công việc thực sự sẽ khó đảm đương và hoàn thành với một khối lượng lớn công việc đều dồn về người đứng đầu. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra huyện là khá rộng, không chỉ liên quan đến thanh tra mà còn khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và tiếp công dân (Điều 35 Dự thảo Luật). Địa bàn hoạt động của thanh tra huyện cũng tương đối rộng lớn, đặc biệt là ở những khu vực có đông dân cư, số lượng đơn vị hành chính cấp xã nhiều, kinh tế đang phát triển. Do vậy, sẽ thật khiếm khuyết khi chưa ghi nhận về chức danh phó chánh thanh tra trong tổ chức của thanh tra huyện. Vì thế, cần chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật như sau:
“Thanh tra huyện có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, thanh tra viên và công chức thanh tra.
Chánh thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với chánh thanh tra tỉnh.
Phó chánh thanh tra huyện giúp chánh thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của chánh thanh tra huyện”.
5. Thẩm quyền, thời gian và trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra
Thứ nhất, việc không quy định kế hoạch thanh tra của thanh tra tổng cục, thanh tra cục phải được tổng cục trưởng, cục trưởng ban hành hay phê duyệt là chưa phù hợp. Theo quy định tại Điều 24 Dự thảo Luật thì thanh tra tổng cục, cục có nhiệm vụ “xây dựng kế hoạch thanh tra gửi thanh tra bộ thẩm định, tổng hợp trong kế hoạch thanh tra của bộ, trình bộ trưởng ban hành”. Điều này dẫn đến thanh tra tổng cục, cục không bắt buộc phải có trách nhiệm gửi kế hoạch thanh tra cho tổng cục trưởng, cục trưởng ban hành hay phê duyệt. Quy định này rõ ràng là chưa đúng với bản chất của kế hoạch thanh tra và chưa cho thấy được hoạt động thanh tra gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước. Cụ thể, từ quy định tại khoản 2 Điều 2, khoản 1 Điều 49 Dự thảo Luật cho thấy, kế hoạch thanh tra được xây dựng nhằm đáp ứng đồng thời hai mục tiêu, thứ nhất là để thực hiện Định hướng hoạt động thanh tra hằng năm và thứ hai là theo yêu cầu quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Theo tinh thần của Dự thảo Luật thì tổng cục trưởng, cục trưởng chính là thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với thanh tra tổng cục, cục. Vậy, nếu không trao thẩm quyền ban hành hoặc ít nhất là phê duyệt kế hoạch thanh tra của thanh tra tổng cục, cục đối với tổng cục trưởng, cục trưởng thì khả năng bảo đảm kế hoạch thanh tra đạt được đồng thời hai mục tiêu như trên là không khả thi. Rõ ràng, xuất phát từ yêu cầu của hoạt động quản lý, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong chừng mực nào đó sẽ nảy sinh nhu cầu thanh tra đối với các đối tượng quản lý nhất định, vì vậy, để bảo đảm hoàn thành được mục tiêu đó, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải có thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra nhằm điều hướng, bảo đảm hoạt động thanh tra phục vụ cho hoạt động quản lý của mình đạt được hiệu quả. Mặt khác, việc không ghi nhận việc ban hành hay phê duyệt kế hoạch thanh tra của tổng cục trưởng, cục trưởng sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý của những chủ thể này đối với cơ quan thanh tra. Điều này cũng không bảo đảm sự tương thích nội tại trong quy định của Dự thảo Luật bởi quy định tại Điều 23 Dự thảo Luật đã khẳng định rất rõ: “Thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và thanh tra tổng cục, cục chịu sự chỉ đạo, điều hành của tổng cục trưởng, cục trưởng, sự hướng dẫn nghiệp vụ của thanh tra bộ”. Hơn nữa, các cơ quan thanh tra khác như thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở và thanh tra huyện, kế hoạch thanh tra của các cơ quan này đều phải được ban hành bởi thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tương ứng tại Điều 20, Điều 28, Điều 32, Điều 36 Dự thảo Luật. Điều này thể hiện rất rõ vai trò chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thanh tra, thể hiện sự giúp việc của cơ quan thanh tra đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Do vậy, cần chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 24 Dự thảo Luật như sau: “Xây dựng kế hoạch thanh tra trình tổng cục trưởng, cục trưởng ban hành, gửi kế hoạch thanh tra cho thanh tra bộ thẩm định, tổng hợp trong kế hoạch thanh tra của bộ, trình bộ trưởng ban hành”.
Thứ hai, quy định về thời gian ban hành kế hoạch thanh tra của thanh tra sở chưa phù hợp. Kế hoạch thanh tra về nguyên tắc sẽ được tất cả các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra xây dựng và thực hiện cho cơ quan mình vào năm sau. Nguyên lý thiết kế là cơ quan thanh tra tra cấp trên sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra trước và cơ quan thanh cấp dưới sẽ tiến hành sau nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tránh việc trùng lặp về nội dung, phạm vi, đối tượng thanh tra. Theo quy định tại khoản 5 Điều 49 Dự thảo Luật thì chậm nhất vào ngày 30/9 hàng năm, chánh thanh tra sở căn cứ vào kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và yêu cầu công tác quản lý nhà nước trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thông qua kế hoạch thanh tra. Theo quy định trên thì kế hoạch thanh tra của thanh tra sở được xây dựng dựa trên kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh. Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh được ban hành chậm nhất vào ngày 31/10 hằng năm. Do vậy, cần điều chỉnh lại cho phù hợp để bảo đảm nguyên tắc thiết kế, xây dựng kế hoạch thanh tra của các cơ quan thanh tra và sự hợp lý về mặt thời gian.
Thứ ba, chưa quy định về việc xây dựng kế hoạch thanh tra của thanh tra huyện và thanh tra tổng cục, cục tại Điều 49 Dự thảo Luật. Theo quy định tại Điều 14, Điều 39 Dự thảo Luật thì cơ quan thanh tra huyện nếu đáp ứng các tiêu chí và điều kiện vẫn được tổ chức và hoạt động trên thực tế. Mặt khác, theo quy định tại Điều 36 Dự thảo Luật thì thanh tra huyện cũng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch đó. Như vậy, rõ ràng, cơ quan thanh tra huyện vẫn có thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra. Tuy vậy, quy định tại Điều 49 Dự thảo Luật về việc xây dựng kế hoạch thanh tra lại hoàn toàn không đề cập đến thời gian ban hành, chủ thể ban hành đối với cơ quan này. Điều này cũng lặp lại tương tự đối với kế hoạch thanh tra của thanh tra tổng cục và cục. Theo quy định tại Điều 24 Dự thảo Luật thì thanh tra tổng cục và cục vẫn phải xây dựng kế hoạch thanh tra cho cơ quan mình và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra đó. Thiết nghĩ, để bảo đảm tính đồng bộ, căn pháp lý và nguyên lý thiết kế việc xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như xác định rõ về thời hạn, chủ thể ban hành đối với kế hoạch thanh tra của thanh tra huyện, thanh tra tổng cục, cục thì quy định tại Điều 49 Dự thảo Luật cần điều chỉnh và ghi nhận về vấn đề này.
Như vậy, thông qua các phân tích ở trên, Điều 49 của Dự thảo Luật cần điều chỉnh như sau:
“4. Chậm nhất vào ngày 31 tháng 10 hằng năm, chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra tỉnh, chánh thanh tra tổng cục và cục căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Tổng Thanh tra Chính phủ và yêu cầu công tác quản lý của bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổng cục và cục trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt kế hoạch thanh tra.
Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổng cục trưởng, cục trưởng có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm.
5. Chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hằng năm, chánh thanh tra sở, chánh thanh tra huyện căn cứ vào kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục, thanh tra tỉnh và yêu cầu công tác quản lý của sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thông qua kế hoạch thanh tra của thanh tra sở, thanh tra huyện. Đối với kế hoạch thanh tra của thanh tra sở còn gửi cho thanh tra tỉnh để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ban hành”.
6. Xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra và thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp
Thứ nhất, quy định tại Điều 56 Dự thảo Luật chưa liệt kê được đầy đủ các trường hợp còn chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra giữa các cơ quan thanh tra với nhau. Xuất phát từ hoạt động quản lý về mặt bản chất khó tránh khỏi việc chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành, lĩnh vực và nội dung quản lý. Vì lẽ đó, thẩm quyền, chức năng của các cơ quan thanh tra trong chừng mực nào đó vẫn có sự đan xen, giao thoa. Trách nhiệm của Dự thảo Luật là phải có những quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra với nhau trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Điều 56 Dự thảo Luật đã đề cập và đưa ra được bài toán để giải quyết, đây được xem là một hướng đi đúng đắn và tiến bộ. Tuy vậy, Dự thảo Luật chỉ mới liệt kê được một số trường hợp chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra giữa các cơ quan sau đây: (i) Thanh tra Chính phủ và thanh tra bộ, thanh tra tỉnh; (ii) Thanh tra bộ và thanh tra tỉnh; (iii) Thanh tra tỉnh và thanh tra tổng cục, thanh tra cục mà chưa đề cập đến tổng thể các trường hợp có thể nảy sinh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra như: (1) Thanh tra bộ với thanh tra sở; (2) Thanh tra tổng cục, cục với thanh tra sở; (3) Thanh tra tỉnh với thanh tra sở và (4) Thanh tra huyện với thanh tra sở. Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra đạt được hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, tránh tình trạng “dẫm chân lên nhau” khi thực hiện chức năng của mình, góp phần giảm thiểu việc phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra[5] cần phải chỉnh lý và bổ sung nội dung như sau vào quy định tại Điều 56 Dự thảo Luật:
“Khi có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của thanh tra bộ; thanh tra tổng cục, cục với thanh tra sở thì hoạt động của thanh tra sở được đình chỉ.
Khi có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện với thanh tra sở thì chánh thanh tra sở báo cáo, đề xuất chánh thanh tra tỉnh để thống nhất phương án xử lý”
Thứ hai, quy định về thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra vẫn còn thiếu. Khoản 3 Điều 56 Dự thảo Luật quy định: “Khi có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của thanh tra tỉnh và thanh tra tổng cục, thanh tra cục thì chánh thanh tra tỉnh báo cáo, đề xuất chánh thanh tra bộ để thống nhất phương án xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định”. Điều đó cho thấy, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra tỉnh với thanh tra tổng cục, thanh tra cục. Tuy vậy, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 18 Dự thảo Luật chỉ xác định Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra giữa các cơ quan thanh tra bộ, thanh tra tỉnh mà chưa liệt kê về trường hợp trên làm căn cứ pháp lý để Tổng Thanh tra Chính phủ có cơ sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Vì lẽ đó, cần bổ sung nội dung này tại khoản 2 Điều 18 cho tương thích và đồng bộ giữa các điều luật với nhau về cùng một vấn đề. Quy định tại điểm d khoản 2 Điều 18 Dự thảo Luật cần điều chỉnh như sau: “Chủ trì xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra giữa các cơ quan thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và thanh tra tổng cục, cục.”
Bên cạnh đó, cần ghi nhận thêm thẩm quyền của chánh thanh tra tỉnh trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa thanh tra tỉnh và thanh tra sở. Cụ thể, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Dự thảo Luật thì: “Chánh thanh tra tỉnh có nhiệm vụ chủ trì xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra giữa các thanh tra sở, giữa thanh tra sở với thanh tra huyện; chủ trì phối hợp với chánh thanh tra bộ xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra trên địa bàn tỉnh”. Như vậy, điều luật trên vẫn chưa trao thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa thanh tra tỉnh và thanh tra sở của chánh thanh tra tỉnh. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung nhiệm vụ này đối với chánh thanh tra tỉnh làm cơ sở pháp lý xử lý vấn đề trên. Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Dự thảo Luật cần điều chỉnh như sau: “Chánh thanh tra tỉnh có nhiệm vụ chủ trì xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra giữa các thanh tra sở, giữa thanh tra sở với thanh tra tỉnh và thanh tra huyện; chủ trì phối hợp với chánh thanh tra bộ xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thanh tra trên địa bàn tỉnh”.
Khoa Luật hành chính - nhà nước, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh