1. Về khái niệm quản tài viên
Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam chia tách rõ ràng giữa “quản tài viên” và “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” với các quy định như sau: “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản” (khoản 7 Điều 4); “Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản” (khoản 8 Điều 4).
Ở Việt Nam, trong ngôn ngữ đời thường, “cảnh sát viên”, “giáo viên”, “ứng viên”, “mậu dịch viên”, “kiểm sát viên”, “đoàn viên”, “đảng viên”… chỉ những cá nhân làm một nghề hay tham gia một hoạt động nhất định. Trong khi đó, thuật ngữ pháp lý “quản tài viên” dùng để chỉ người là chủ thể của quan hệ pháp luật phá sản. “Người” với tính cách là chủ thể của quan hệ pháp luật có nghĩa rộng hơn so với nghĩa thông thường của từ “người” vẫn được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Thuật ngữ “người” trong pháp luật dùng để chỉ các thực thể là chủ thể của các quyền, bao gồm thể nhân và pháp nhân[1]. Ngay trong Luật Phá sản năm 2014 đã thể hiện rõ điều đó như sau: “Người tiến hành thủ tục phá sản là Chánh án Tòa án nhân dân, Thẩm phán; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, kiểm sát viên; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên trong quá trình giải quyết phá sản” (khoản 9 Điều 4). Theo điều luật này, “quản tài viên” hay “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” đều là người tiến hành tố tụng đặc biệt khác với những người tiến hành tố tụng theo tố tụng dân sự thông thường, đều có bản chất pháp lý là người thụ ủy tư pháp. Nhóm nghiên cứu và dự hoạch xây dựng Bộ luật Thương mại Việt Nam Cộng hòa năm 1973 của Lê Tài Triển, Nguyễn Vang Thọ và Nguyễn Tân giải thích cho bản chất thụ ủy tư pháp của quản tài viên là con nợ bị phá sản phải được đại diện vì đã bị tước quyền quản trị tài sản và ở vào tình trạng không còn tiến hành được các hành vi pháp lý đối kháng với chủ nợ; còn các chủ nợ được liên kết thành một khối cá biệt về pháp lý, nên cần phải có một người đại diện hành động nhân danh tổng thể chủ nợ[2]. Xét từ phương diện khoa học pháp lý và từ các quy định của Luật Phá sản năm 2014, việc chia tách giữa “quản tài viên” và “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” có những điểm chưa hợp lý như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp không phải là một thuật ngữ chuyên môn của khoa học pháp lý mà là một thuật ngữ, nếu được dùng trong khoa học pháp lý thì chỉ một tổ hợp tài sản được thương nhân sung dụng vào hoạt động kinh doanh[3], có nghĩa là doanh nghiệp là đối tượng của các quyền[4]. Tuy nhiên, theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp lại là chủ thể của pháp luật[5] chỉ một tổ hợp các thực thể kinh doanh mà trong đó có cả thể nhân và pháp nhân. Do đó, thuật ngữ “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” được sử dụng trong Luật Phá sản năm 2014 là chưa chính xác về khoa học pháp lý.
Thứ hai, khoản 9 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 quy định “quản tài viên” và “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” đều là người, đều là chủ thể của quan hệ pháp luật phá sản và đều có bản chất là người tiến hành tố tụng, trong khi đó đạo luật này không khái quát đủ để xây dựng một thuật ngữ chung cho hai loại người này. Hơn nữa, thuật ngữ doanh nghiệp được sử dụng trong pháp luật Việt Nam hiện nay bao gồm cả thể nhân (chẳng hạn như doanh nghiệp tư nhân). Dù có quan niệm cho rằng, doanh nghiệp tư nhân dường như khác hơn một cá nhân kinh doanh vì có cái gọi là một “sản nghiệp thương mại riêng” tách khỏi chủ doanh nghiệp tư nhân[6], nhưng ở đây cần lưu ý rằng, “doanh nghiệp tư nhân” là một thuật ngữ cần phải xem xét lại về mặt khoa học pháp lý mà lẽ ra phải được gọi là thương nhân thể nhân vì bản chất của “doanh nghiệp tư nhân” là cá nhân kinh doanh[7], vì tất cả các khoản nợ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đều do chủ doanh nghiệp tư nhân phải gánh chịu, kể cả khi doanh nghiệp tư nhân đã được bán cho người khác, trừ khi các khoản nợ đó đã được chuyển giao cho người khác với sự chấp nhận của các chủ nợ.
Quản tài viên theo pháp luật phá sản của Cộng hòa Pháp là một cá nhân hoặc pháp nhân được chỉ định bởi quyết định của Tòa án về việc quản lý tài sản của người khác hoặc thực hiện vai trò giám sát việc quản lý tài sản[8]. Theo pháp luật Vương quốc Anh, quản tài viên là người nắm giữ các tài sản của con nợ bị phá sản theo quy định của pháp luật để phân bổ cho các chủ nợ[9]. Học tập kinh nghiệm của các nước Phương Tây (như Đức), Luật Phá sản năm 2006 của Trung Quốc quy định quản tài viên là người được chỉ định bởi Tòa án có thẩm quyền[10]. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2006 của Trung Quốc khác Luật Phá sản của Đức ở chỗ, không chỉ các tự nhiên nhân mới có đủ điều kiện là quản tài viên, mà các pháp nhân như tổ thanh lý tài sản hoặc các công ty luật và công ty kế toán cũng có thể được chỉ định làm quản tài viên[11].
Với những hạn chế như đã phân tích ở trên, dẫn đến nhận thức thiếu chuẩn xác về quản tài viên và gặp phải những khó khăn trong việc xây dựng quy chế pháp lý cho nó (chẳng hạn như cần phải trả lời một câu hỏi trước tiên rằng, liệu có một quy chế chung áp dụng cho một loại người tiến hành thủ tục phá sản mà người đó là người thụ ủy tư pháp của cả con nợ và các chủ nợ hay không?...). Theo đó, tác giả xin được nêu ra hai phương án cần được lựa chọn:
Phương án thứ nhất: Về lâu dài, cần sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản năm 2014 theo hướng hợp nhất “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” với “quản tài viên” với nhau để xây dựng khái niệm quản tài viên. Lúc này, quản tài viên có thể là một thể nhân hoặc một pháp nhân. Đồng thời, xây dựng một quy chế chung cho quản tài viên đặt nền tảng trên quản tài viên là thể nhân, nhưng có một vài đặc thù liên quan tới quản tài viên là pháp nhân.
Phương án thứ hai: Xây dựng một văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản năm 2014 với ý tưởng như phương án thứ nhất, nhưng vẫn chưa hợp nhất “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” với “quản tài viên”, trong khi vẫn duy trì Luật Phá sản năm 2014 cho tới khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung. Khi thực hiện phương án này cần lưu ý là xây dựng các quy định chung về người tiến hành thủ tục phá sản là người thụ ủy tư pháp của cả con nợ và các chủ nợ và được cụ thể hóa bằng các quy định liên quan tới quản tài viên và liên quan tới doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản một cách tách biệt tương đối về hình thức.
Ưu điểm của phương án thứ nhất là đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch trong các quy định pháp luật phá sản về lâu dài, hạn chế những tác động xấu đã nói ở trên tới môi trường pháp lý kinh doanh, cũng như văn hóa kinh doanh. Ngược lại, phương án thứ hai thể hiện sự linh hoạt, đảm bảo có được một quy chế chung cho cả “quản tài viên” và “doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” mà vẫn đảm bảo được sự ổn định tương đối của pháp luật trong điều kiện Luật Phá sản mới được ban hành và thời gian có hiệu lực chưa dài.
2. Về quy chế pháp lý quản tài viên
Nhằm đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Luật Phá sản năm 2004 của nước ta đã được ban hành để thay thế Luật Pháp sản năm 1993. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật này cho thấy, còn nhiều hạn chế gây cản trở cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Một trong những hạn chế lớn nhất ở đạo luật này chính là chế định tổ quản lý, thanh lý tài sản phá sản.
Vì vậy, Luật Phá sản năm 2014 được thông qua ngày 19/6/2014 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII nhằm khắc phục các hạn chế của 02 đạo luật phá sản đã nói. Một trong những cải cách quan trọng là đưa ra khái niệm quản tài viên và xây dựng quy chế pháp lý cho nó. Cụ thể hóa các quy định của Luật Phá sản năm 2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Các văn bản pháp lý nêu trên đã xác lập địa vị pháp lý của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Về nguyên lý, theo mô hình của Cộng hòa Pháp, quản tài viên trong quan niệm của pháp luật Việt Nam dưới các chế độ cũ là một thụ ủy tư pháp do Tòa án chỉ định và được thù lao bằng tiền phụ cấp do thẩm phán thừa nhiệm thanh quyết toán bằng án lệnh[12]. Quản tài viên được tiến hành chức năng của mình trong một vụ phá sản theo các cách thức khác nhau như: (i) Do các chủ nợ lựa chọn trong số các quản tài viên trong một danh sách dựng sẵn và được Tòa án phê duyệt; (ii) Do Tòa án lựa chọn quản tài viên trong danh sách này; (iii) Do Tòa án chỉ định trong số chủ nợ tại những nơi không có quản tài viên chuyên nghiệp; (iv) Do Tòa án chỉ định trong số các định chế hoặc các cơ quan công quyền bởi tính chất đặc biệt của con nợ (ví dụ trong trường hợp phá sản ngân hàng hoặc các định chế tài chính khác).
Số lượng quản tài viên tham gia một vụ phá sản có thể là một hay nhiều quản tài viên tùy theo tính chất hay quy mô của vụ việc. Tuy nhiên, số lượng quản tài viên tham gia một vụ phá sản thường được giới hạn bởi pháp luật để tránh tình trạng phức tạp trong việc thực hiện chức năng, bảo đảm về phụ cấp và bảo đảm hiệu quả của vụ án. Số lượng quản tài viên trong một vụ phá sản có thể thay đổi trong diễn biến của vụ án với một thủ tục đơn giản theo yêu cầu của một chủ nợ hay của con nợ. Yêu cầu này là sự phát triển logic của bản chất pháp lý của quản tài viên là người đại diện. Thẩm phán phụ trách vụ án phá sản cũng có thể đưa ra yêu cầu thay đổi quản tài viên. Yêu cầu này là sự phát triển logic từ bản chất pháp lý của quản tài viên là đại diện bởi tư pháp.
Luật Phá sản năm 2014 đã không xác định rõ bản chất pháp lý của quản tài viên là người thụ ủy tư pháp mặc dù có quy định thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản quyết định, thay đổi và giám sát hoạt động của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tại khoản 3 và 4 Điều 9. Việc thiếu xác định này cũng có thể được bổ khuyết bằng suy luận từ lý thuyết. Thế nhưng các quy định tiếp theo của Luật Phá sản năm 2014 dường như chỉ quy định xuất phát từ nhận thức đơn thuần rằng, quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là những người “được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản” (Điều 11). Các quyền và nghĩa vụ của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định trong đạo luật này chủ yếu xoay quanh nhiệm vụ quản lý tài sản và giám sát hoạt động kinh doanh của con nợ như: Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã; lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản; giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật; được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật; đề xuất với thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; bán tài sản theo quyết định của thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản; tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; và gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng (khoản 1 Điều 16). Các quyền và nghĩa vụ chủ yếu này của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo Luật Phá sản năm 2014 cho thấy, pháp luật Việt Nam chưa quan niệm quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là những người giữ vai trò quan trọng liên quan tới chủ nợ và hoạt động của con nợ. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ được đại diện cho con nợ (doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản), trong trường hợp con nợ không có người đại diện theo pháp luật (khoản 2 Điều 16 Luật Phá sản năm 2014). Mọi hoạt động liên quan tới quy trình phá sản đều do thẩm phán tiến hành được thể hiện rất rõ trong Điều 16 Luật Phá sản năm 2014. Vấn đề cần đặt ra là vai trò của các chủ nợ có bị giảm sút hay không khi có các quy định như vậy, trong khi phá sản ở Việt Nam hiện nay vẫn được xem là thủ tục lấy nợ tập thể của các thương nhân.
Về nguyên lý, các chủ nợ có quyền kiểm soát tình trạng tài chính, kiểm tra sổ sách của con nợ và giám sát hoạt động của quản tài viên, bởi vì quản tài viên là đại diện của họ. Những bất đồng giữa thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và quản tài viên phải được giải quyết tại Tòa án với một thủ tục rất nhanh gọn.
Nếu xem Tòa án là bên hỗ trợ cho các chủ nợ lấy nợ tập thể trên khối tài sản còn lại của con nợ thì chắc hẳn Luật Phá sản năm 2014 cần phải có sửa đổi, bổ sung căn bản quy chế pháp lý của quản tài viên (bao gồm cả thể nhân lẫn pháp nhân). Hơn nữa, phá sản là một vấn đề pháp lý phức tạp không chỉ là một thủ tục lấy nợ đơn thuần. Trong chế định phá sản có rất nhiều kỹ thuật pháp lý của luật nội dung. Ví dụ, khi tuyên mở thủ tục phá sản có nghĩa là tuyên việc xác lập quyền thế chấp của toàn thể chủ nợ đối với bất động sản hiện có hoặc sẽ có trong tương lai của con nợ bị phá sản, do đó nhiệm vụ của quản tài viên phải đăng ký thế chấp một cách kịp thời. Nếu quản tài viên có lỗi trong việc đăng ký này thì có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường của quản tài viên. Vậy việc đăng ký này nên chăng giao cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản? Từ đây có thể thấy rằng, Luật Phá sản năm 2014 mới chỉ quy định phá sản như một thủ tục lấy nợ đơn thuần mà chưa tính đến sự phức tạp về kỹ thuật pháp lý của quan hệ lấy nợ và chưa dự liệu các trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu khi gây thiệt hại cho các bên được sự.
Sự gia tăng nhu cầu về việc giải quyết nợ của các chủ thể trong nền kinh tế những năm qua, cùng với nhiều quy định mới, phù hợp với thực tiễn của Luật Phá sản năm 2014 thì số lượng vụ việc yêu cầu phá sản được các Tòa án thụ lý, giải quyết có chiều hướng gia tăng. Riêng năm 2017, số lượng vụ việc yêu cầu phá sản được các Tòa án thụ lý, giải quyết là 439 vụ việc, trong đó có 45 quyết định tuyên bố phá sản[13]. Để quản tài viên hoạt động có hiệu quả trên thực tế, qua đó làm gia tăng hơn nữa hiệu lực của Luật Phá sản, trong thời gian tới cần nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện và có hệ thống về chủ thể này cả về lý luận và thực tiễn.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng
[1]. Xem Ngô Huy Cương (2015), “Bình luận các quy định về pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Số chuyên đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 38 - 39.
[2]. Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, Quyển II, Nhóm nghiên cứu và Dự hoạch, Sài Gòn, tr. 135 - 136.
[3]. Ngô Huy Cương (2012), Luật kinh tế, Bài giảng điện tử.
[4]. Ngô Huy Cương (2014), “Dự án sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005: Bình luận những vấn đề pháp lý chủ yếu”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 13 (269), Kỳ 1 - Tháng 07/2014, tr. 22 - 23.
[5]. Ngô Huy Cương (2014), “Dự án sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005: Bình luận những vấn đề pháp lý chủ yếu”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 13 (269), Kỳ 1 - Tháng 07/2014, tr. 22.
[6]. Phạm Duy Nghĩa (2006), Giáo trình luật kinh tế - Tập 1: Doanh nghiệp - Tình huống - Phân tích - Bình luận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 43 - 46.
[7]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật thương mại - Phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 142.
[8]. Administrateur judiciaire, http://www.developpementdurable.gouv.fr/IMG/pdf/2012_06_Guide_mandataire_liquidateur_v2.pdf.
[9]. Lord Hailsham of St. Marylebone – Lord High Chancallor of Great Britain (1973), Halsbury’s Laws of England, Fourth Edition, Butterworths, London, tr. 286.
[10]. Konstantin Hoppe (2009), Bankruptcy Law in China, Eiger, www.eigerlaw.com, p. 28.
[11]. Konstantin Hoppe (2009), Bankruptcy Law in China, Eiger, www.eigerlaw.com, p. 28.
[12]. Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân (1973), Luật thương mại Việt Nam dẫn giải, Quyển II, Nhóm nghiên cứu và Dự hoạch, Sài Gòn, tr. 135.
[13]. Https://baomoi.com/hoi-thao-thuc-tien-thi-hanh-luat-pha-san-nam-2014-va-cac-van-ban-huong-dan/c/27808035.epi.