Chuyện thứ nhất: Tranh chấp khu đất chợ kéo dài 45 năm
Vụ tranh chấp khu đất chợ kéo dài 45 năm, giữa hai làng thuộc một huyện ngoại thành Hà Nội ngày nay, được lưu lại trong văn bia tại ngôi đền của một trong hai làng và vẫn được các bậc cao niên hai làng kể lại. Vì lý do riêng, bài viết xin được gọi tên hai làng là “làng Kha” và “làng Tú”. Cái đích của việc tranh chấp này là khu đất chợ có nguồn gốc được cắt nghĩa bằng câu chuyện dân gian.
Chuyện kể rằng, vào một triều vua nọ, làng Tú có một cô gái xinh đẹp được Vua lấy làm phi. Vì không có khả năng sinh con, bà được Vua cho về nhà và ban lộc bằng cách cho được thả một quả bưởi xuống sông chảy qua làng, để bưởi trôi từ làng Tú xuống phía hạ lưu. Bưởi trôi đến đâu, đất đai đôi bờ sông đều thuộc về làng Tú. Tuy nhiên, quả bưởi lại “dừng lại” ở gốc đa làng Kha kề cận, trên phần đất vốn là hành cung của vị Vua trên; sau này nơi đó hình thành ngôi đền thờ Vua và ngôi chợ sầm uất.
Người làng Kha phải tuân theo lệnh Vua, nhưng “ấm ức” vì mất đất, mất ruộng. Từ năm Quý Mão niên hiệu Cảnh Trị (năm 1663), làng Kha liền tranh chấp với làng Tú, khiếu kiện lên quan trên, mục đích để đòi lại khu đất có chợ và ngôi đền mang lại nhiều mối lợi cho làng. Làng Tú cũng tìm đủ chứng lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Cả hai bên cùng đưa ra lời lẽ, bằng chứng tố cáo về hành vi phạm luật và xâm phạm lợi ích của làng kia. Các quan phủ đã về xem xét, căn cứ vào sổ sách, hiện trường khu vực đất tranh chấp để phân xử, trả lại các phần đất cho từng làng một cách hợp tình, hợp lý, trong đó, khu đất chợ thuộc quyền quản lý của làng Kha và ra lệnh cho hai bên, sau khi đã phân xử xong phải hòa hảo, không được tranh chấp, bên nào cưỡng lại thì chuyển lên quan trị tội theo luật. Tuy nhiên, 31 năm sau (năm Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa, 1694), vụ tranh chấp lại bùng phát. Người làng Tú phát đơn kiện lên huyện với lý rằng, khu đất chợ đó là của mình. Người làng Kha cũng kiện lại. Mãi đến năm Canh Thìn (1700), vụ kiện mới được các quan phân giải: Làng Kha vẫn được quyền quản lý khu đất chợ, nhưng không được thu thuế chợ đối với người làng Tú; còn làng Tú thì không được ghi đất ấy trong sổ ruộng đất của mình.
Sự việc lại tưởng như đã được giải quyết ổn thỏa. Nhưng 5 năm sau (năm Ất Dậu - 1705), các chức sắc làng Tú lại khởi kiện lại với chứng cứ là trong số ruộng đất của làng có hàng chữ ghi khu đất chợ 6 sào ở phía Tây thuộc quyền sở hữu của mình. Không chịu thiệt, làng Kha kiện lại lên các quan trấn Kinh Bắc. Không rõ vì sao lần này, các quan trấn đã xử thắng cho làng Tú, đồng thời buộc làng Kha chịu ba quan tiền án phí. Vừa mất đất, vừa bị phạt, người làng Kha đồng lòng khiếu kiện và lần này, không chỉ có những người đang sống trong làng, đứng đầu là các xã thôn trưởng mà cả những người làng đang làm quan ở các nơi cũng tham dự, trong đó có cả các quan chức đứng đầu các trấn (như cấp tỉnh sau này) Lạng Sơn, Tuyên Quang, cả người đỗ tiến sĩ... Tất cả đồng lòng cam kết theo đuổi vụ kiện để “giành lại đất làng” và lập ra “thỏa ước” chung, vào ngày 13 tháng 6 năm Vĩnh Thịnh thứ hai (22/7/1706), đồng thời cử ba người là xã trưởng (như lý trưởng sau này), đề lại (nhân viên hành chính ở huyện) và cựu xã trưởng, thay mặt làng “hằng ngày đi theo kiện”.
Bản thỏa ước được gửi lên cả quan trên, có điều khoản bảo vệ và bảo đảm quyền lợi cho những người “nhận sứ mệnh” cao cả thay mặt làng theo đuổi vụ kiện như sau: (i) Trong vụ kiện này tốn kém bao nhiêu, dân làng cùng chịu; (ii) Trong khi đương kiện, dân làng sẽ chịu tất cả các khoản chi phí tốn kém cho người nào bị bắt giam; ai bị đánh đòn thì cứ một đòn, làng bồi thường một khoản tiền, hoặc bị tra khảo bằng búa thì bồi thường cho mỗi búa là 30 đồng; (iii) Ai bị hình nặng (tức bị tội tử hình), làng giết trâu bò, mổ lợn cúng tế trong ba kỳ giỗ theo đúng nghi thức; các con trai của người ấy được miễn sưu sai tạp dịch suốt đời; nếu bị hình phạt nhẹ thì làng đền 100 quan và cho một người con trai được miễn phu phen tạp dịch suốt đời; (iv) Nếu việc kiện thắng lợi, hằng năm làng sẽ kính biếu những người đó vào các dịp cúng tế trong ba đời.
Sau đó, vào ngày mồng 6 tháng 3 năm Vĩnh Thịnh thứ ba (08/4/1707), những người nhận “sứ mệnh cao cả” trên đây đã làm văn bản gửi lên triều đình với đầy đủ chứng cớ về việc người làng Tú tự tiện ghi thêm hàng chữ nhỏ vào số ruộng đất nhằm khẳng định quyền của họ với khu đất chợ nêu trên.
Triều đình liền phái một số quan về xem xét, nhưng do sự việc diễn biến phức tạp, nên phải đến hơn một năm sau, ngày 6 tháng 6 năm Vĩnh Thịnh thứ tư (23/7/1708), các quan triều đình mới đưa ra lời luận án: Xác nhận hàng chữ ghi trong sổ ruộng đất của làng Tú là hàng chữ nhỏ, do người làng đó tự ý thêm vào, không phải là bút tích của các quan khi phân xử năm trước; do đó làng Kha vẫn được quyền quản lý số đất trên và được quyền thu tiền thuế chợ đối với người làng Tú; làng Tú “không được tranh giành càn bậy nữa”. Để khẳng định “chủ quyền thiêng liêng” của mình đối với khu đất trên, ngày mồng 6 tháng 5 năm Vĩnh Thịnh thứ năm (13/6/1709), làng Kha đã lập bản “Xã nội bằng tích” (Bằng chứng trong xã) khắc trên bia, nhắc lại toàn bộ vụ việc đã xảy ra để cho ngời làng ghi nhớ làm bằng, đề phòng người làng Tú tranh kiện, và để “không còn tranh luận ầm ĩ nữa”.
Lời bàn:
Từ vụ tranh chấp khu đất chợ giữa hai cộng đồng làng xã diễn ra dài lâu, giằng co quyết liệt thuộc diện “nhất, nhì” trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam này, có thể thấy một vài khía cạnh:
Thứ nhất, đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, tài sản quý giá nhất của cư dân nông nghiệp, nhất là đất ở những khu vực “nhạy cảm” (gắn với chợ, với các công trình thờ cúng...) luôn là đầu mối, là tác nhân quan trọng nhất của việc tranh chấp, khiếu kiện giữa các cá nhân, các cộng đồng với nhau và việc tranh chấp, khiếu kiện luôn diễn ra kéo dài, căng thẳng.
Thứ hai, vụ tranh chấp khu đất chợ giữa hai làng diễn ra quyết liệt, kéo dài còn do những nhân tố khác như: (i) Đây là sự tranh chấp giữa hai cộng đồng đứng đầu hai tổng. Cấp “Tổng” trên thực tế xuất hiện từ thời Mạc (1527 - 1593). Mỗi tổng gồm một cụm làng, trong đó có một làng có “tính trội” về nhiều mặt so với các làng khác, nhất là về tính cách con người, về kinh tế - xã hội, nên thường được gọi là “dân đầu tổng”, dân các làng trong tổng thường phải “kiềng nể”. Các vấn đề nổi cộm trong một tổng thường xuất phát từ “dân đầu tổng” mà ra. (ii) Trên bình diện cộng đồng, các làng luôn huy động “sức mạnh cả làng” vào việc khiếu kiện đất đai, có quy ước, thỏa ước để bảo vệ và bảo đảm quyền lợi cho những người tham gia khiếu kiện, làm cho tranh chấp càng diễn ra quyết liệt. Trong trường hợp đang bàn, làng Kha còn huy động cả những người làng đang làm quan ở các nơi, thậm chí cả người đã đỗ tiến sĩ tham kiện, thậm chí đứng đầu đơn kiện, nhằm “tiếp thêm” sức mạnh và “khí thế” cho dân làng, song cũng chính vì thế, làm cho tính chất gay gắt, quyết liệt của vụ kiện tăng lên. Làng còn lập ra thỏa ước đấu tranh, tạo ra một “cơ chế” để những người tham gia khiếu kiện, đấu tranh được “yên tâm” bảo đảm quyền lợi các mặt.
Thứ ba, việc giải quyết các tranh chấp đất đai giữa các cộng đồng dân cư luôn phụ thuộc vào quan điểm, thái độ của đội ngũ quan lại các cấp, nhất là quan lại trông coi pháp luật, vào đội ngũ chức viên cấp xã, vào dân trí, dân luật. Trong trường hợp đang bàn, các quan phủ và quan Khâm sai triều đình có thái độ khách quan, giải quyết nhanh gọn vụ việc; trong khi các quan huyện và quan Thừa ty trấn Kinh Bắc lại có thái độ ngược lại. “Vụ án” cũng cho thấy, việc sớm nắm bắt những mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa các cộng đồng cư dân để kịp thời giải quyết ổn thỏa có một vai trò rất quan trọng trong việc ổn định tình hình địa phương.
Từ vụ án tranh chấp khu đất chợ kéo dài 45 năm, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc giải quyết các tranh chấp đất đai giữa các cộng đồng cư dân, các thành phần kinh tế trong xã hội ta hiện nay.
Chuyện thứ hai: Cạn tình ruột thịt vì tranh chấp đất đai
Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khi mà đất đai càng có giá trị lớn thì cũng là lúc phát sinh nhiều hệ lụy, mâu thuẫn giữa các quyền và nghĩa vụ nảy sinh ngày càng nhiều dẫn đến các tranh chấp. Nhiều gia đình từng sống đầm ấm, hạnh phúc, đùm bọc, thương yêu nhau, nhưng rồi một ngày, mối thâm tình bỗng dưng nguội lạnh, đắng ngắt, thảm cảnh anh em đâm chém nhau… vì đất đang làm lung lay nền tảng đạo đức gia đình và đảo lộn các giá trị truyền thống.
Dìm chết em gái vì… đất
Trong nước mắt, Phạm Thanh Hà (con của người bị hại Nguyễn Thị Lan) trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội kể lại: “Cha mẹ cháu ly thân từ lâu. Anh trai cháu cũng đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ có mẹ cháu sống cùng với ba đứa con gái, tất cả đều ít tuổi. Vì mẹ đau yếu lại đông miệng ăn nên cuộc sống càng khó khăn”. Thấy cảnh nhà túng bấn, đã nhiều lần chị Lan tính đường xin quyền thừa kế, nhưng người anh Nguyễn Đức Thuận nhất quyết không chịu chia quyền thừa kế đất cho em. Cuối cùng, chị Nguyễn Thị Lan đành phải nhờ đến pháp luật giải quyết. Tòa án nhân dân quận Long Biên đã phân xử cho chị Nguyễn Thị Lan được hưởng một phần mảnh đất theo đúng pháp luật về quyền thừa kế. Từ khi chị Lan thắng kiện, Thuận tỏ ra tức tối vì phải chia đất cho em.
Do gia cảnh bần hàn, nên chị Lan đành phải tính chuyện bán mảnh đất được thừa kế đi rồi mua một ngôi nhà khác nhỏ hơn để lấy số tiền dư ra trang trải cho cuộc sống. Nhưng anh Thuận không đồng ý cho chị Lan bán đất. Cứ mỗi khi có khách đến xem để mua đất thì anh Thuận lại chửi bới mấy mẹ con chị Lan thậm tệ. Thậm chí, có nhiều lần anh Thuận còn dọa, nếu bán đất thì anh Thuận sẽ chém đứt cổ cả mấy mẹ con chị Lan. Còn nếu xây nhà thì anh Thuận cũng chỉ cho một mình chị Lan được ở, các con chị muốn đi đâu thì đi chứ không được ở trên mảnh đất đó cùng với mẹ.
Mặc cho anh trai đe đọa, chị Lan vẫn giữ nguyên ý định sẽ bán mảnh đất. Nhưng khi mảnh đất còn chưa bán được, thì bi kịch đã xảy ra: Trong khi chị Lan và con gái cùng nhau ra bãi ngô ven sông Hồng để làm cỏ cho ngô thì anh Thuận bỗng xuất hiện và chửi bới hai mẹ con chị Lan không tiếc lời. Uất ức, chị Lan cãi lại và hai bên xảy ra xô xát. Trong cơn điên cuồng, Thuận đã dồn đuổi em gái ra sát mép nước sông Hồng. Do sức yếu, chị Lan không thể nào thoát khỏi sự truy đuổi của anh trai và tại mép sông, sau khi đuổi kịp em, Thuận đã lấy hết sức đẩy đứa em gái ruột xuống sông. Trong cơn tuyệt vọng, chị Lan vừa vùng vẫy, vừa kêu cứu. Nhưng thay vì cứu em, thì Thuận đã dùng tay vít đầu và ấn thật lực vào hai bả vai để dìm chị Lan xuống sâu hơn.
Sau khi nhấn chìm em gái xuống dòng nước, Thuận bình thản về nhà thay quần áo như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chị Lan bị nước cuốn trôi, mãi mấy ngày sau nhân dân quanh vùng mới vớt được xác. Khi bị bắt, trong người Thuận còn dắt một con dao nhọn. Thuận khai rằng mua dao để giết bà thẩm phán đã xử cho chị Lan được hưởng một phần tài sản thừa kế…
Tại phiên tòa xét xử, Thuận vẫn quanh co chối tội trắng trợn, mà không hề ân hận trước những gì đã làm với em gái ruột của mình. Hành vi của Thuận là mất hết nhân tính, gây nên sự căm phẫn trong dư luận quần chúng nhân dân và Thuận đã phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật…
Giết mẹ đẻ để chiếm nhà, đất…
Tại chính căn nhà của mình, số 702 đường Hoàng Hoa Thám, Phạm Hữu Chiến đã xuống tay đập nhiều nhát búa, giết chết chính mẹ đẻ của mình là bà Nguyễn Thị Phòng (83 tuổi). Do tranh giành quyền thừa kế ngôi nhà mà Phạm Hữu Chiến đã đẩy mẹ ruột của mình ra khỏi nhà. Sáng hôm ấy, người dân xung quanh nhìn thấy bà xách giỏ hương và hoa quả về nhà thắp hương cho chồng. Đến sáng hôm sau thì bà cụ bị đánh chết trong chính trong ngôi nhà ấy.
Tại cơ quan điều tra, Chiến khai nhận là do bà Phòng nhiều lần khiếu kiện đòi lại ngôi nhà này nên buổi chiều hôm đó Chiến đã dùng búa đập vào đầu mẹ cho đến chết. Sau đó, Chiến quá hoảng sợ nên bỏ trốn lên Thái Nguyên. Ân hận về những việc làm phi nhân tính của mình, Chiến đã tự tử nhưng không chết mà chỉ bị gãy tay. Chiến được đưa vào điều trị tại Bệnh viện huyện và tại đây Chiến bị Công an bắt giữ. Phạm Hữu Chiến đã bị đưa ra xét xử và bị tuyên phạt 20 năm tù về tội giết người.
Bất hòa, đấu đá vì… đất
Chỉ vì cái ranh giới đất xây tường rào mà hai chị em dẫn đến cảnh bất hòa, đấu đá, tranh giành nhau kéo dài nhiều năm trời. Kết cuộc là bà Lê Thị Năm phải ra hầu tòa với tội danh “Hủy hoại tài sản”.
Chuyện bắt đầu khi bà Năm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cha mẹ để lại. Ông Lê Văn Nhiễu (anh thứ hai) nói rằng, đất của cha mẹ cho thì cứ từ từ tách làm bằng khoán riêng tư và không ngờ đứa em thứ năm (bị cáo Năm) qua mặt, lén lút đi làm “sổ đỏ” luôn cả phần đất của ba anh chị em. Còn bà Năm cho rằng, phần đất này đã được mẹ bà (bà Huỳnh Thị Sành) cho bà trước từ lâu. Năm 2005, ông Nhiễu từ Campuchia trở về quê sinh sống không có nơi nương tựa, nên mẹ cho cái nền để cất nhà ở tạm…
Giải quyết nội bộ không xong, anh em buộc phải đưa nhau ra Tòa án nhờ pháp luật phân xử. Ở cấp sơ thẩm, Tòa án đã quyết định là bà Năm phải chiết thửa giao lại các phần đất cho các anh em ruột, đồng thời, các anh chị em phải hoàn trả thành quả lao động cho bà Năm. Bà Năm không đồng ý bản án dân sự sơ thẩm nên kháng cáo. Đến cấp xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã bác đơn của bà Năm, công nhận các anh chị em ruột của bà được sử dụng phần diện tích đất như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực, bà Năm không thực hiện. Cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành cưỡng chế thực hiện việc giao đất cho người được thi hành án, trồng 4 trụ đá, căng dây kẽm và xây bức tường phân ranh. Nhưng đến đêm, bà Năm lén đập phá bức tường, cắt dây kẽm gai. Hành vi của bà Năm bất chấp pháp luật, ngang nhiên xâm phạm tài sản của người khác nên đã bị Công an huyện khởi tố về tội “Hủy hoại tài sản” và bị tuyên phạt 6 thàng tù…
Tình máu mủ bị chia cắt bởi… đất
Trước khi chết, người mẹ đã di chúc để toàn bộ nhà đất do mình đứng tên cho đứa con trai út bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam và đã bị mất đi 85% sức khỏe, sau khi đã chia phần cho những người con khác. Không ngờ sau khi bà mẹ mất, sáu anh chị em ruột đã khởi kiện, đòi chia lại đất. Nhìn cảnh các anh, chị lôi đứa em tật nguyền ra Tòa khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Lời bàn:
Đây là không phải là cảnh “nồi da nấu thịt” hi hữu mà những tranh chấp đất đai đã và đang phát sinh ngày một nhiều làm rạn nứt tình anh em, thậm chí không ít người đã phải vào tù. Đơn cử như trường hợp ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, mà anh Nguyễn Văn Hậu đã vác dao đâm gục 2 người anh của mình. Những nhát dao chí mạng của Hậu khiến một người anh trai tổn hại 75% sức khỏe, người còn lại là 14%. Hậu đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam đối với Hậu về hành vi “cố ý gây thương tích”.
Người đời có câu “của cải là vật ngoài thân”, lúc chết không ai mang theo của cải được sang thế giới bên kia mà xài. Hơn nữa quan tài cũng không thể chứa được đất đai. Thế nhưng người ta vẫn tranh giành nhau từng mảnh đất, từng công ruộng, từng cái nền nhà, để rồi tình cảm gia đình, máu mủ, ruột thị bị rạn nứt. Dẫu biết rằng “tấc đất, tấc vàng”, nhưng tình nghĩa gia đình, dòng tộc còn quý hơn gấp ngàn vạn lần. Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất trong đời sống con người. Vì thế, trong kho tàng văn học dân gian đã có biết bao tiếng hát, lời ru, câu chuyện… khuyên nhủ mọi người hãy xây dựng tình cảm gia đình đầm ấm, thuận hòa.
Một vài chuyện về … tranh chấp đất đai
(Theo Thạch Thiết Hà - http://ubkttw.vn; Dương Tử - http://baophapluat.vn; Hoa Thiện - http://www. congan.com.vn)