Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5832/KH-UBND ngày 16/11/2015 và nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện; Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu tổ chức 02 hội nghị tập huấn ở cấp tỉnh: 01 hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và 01 hội nghị tập huấn chuyên sâu các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Đồng thời, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương mình. Do vậy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ và bước đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, nhiều quy định mới trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn vướng mắc, cụ thể:
Một là, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP bổ sung một quy trình mới, mang tính kỹ thuật cao, trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đó là các chính sách đặc thù của địa phương phải lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh như: Đề xuất chính sách, xây dựng nội dung chính sách, quy trình xây dựng chính sách; báo cáo đánh giá tác động của chính sách, thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, các nội dung về báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP chỉ mang tính nguyên tắc, quy định chung, chưa cụ thể nên rất khó thực hiện như: Phương pháp đánh giá tác động chính sách trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; so sánh các chi phí về lợi ích...
Hai là, theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì kể từ ngày 01/7/2016, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương không được quy định thủ tục hành chính, trừ trường hợp được luật giao. Quy định này được hiểu là địa phương được quy định thủ tục hành chính khi được giao trong luật, không phải được giao trong văn bản dưới luật. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Hội đồng nhân dân tỉnh có thẩm quyền ban hành nghị quyết để quy định các biện pháp có tính chất đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tại khoản 3 Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Trường hợp để thực hiện được các biện pháp, chính sách đặc thù đó, địa phương bắt buộc phải ban hành các quy định về trình tự, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và cách thức thực hiện... đáp ứng đầy đủ dấu hiệu của một thủ tục hành chính thì lại vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ba là, theo quy định tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”. Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ban hành nhưng không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nếu không phải là văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ được xem là văn bản gì (văn bản hành chính thông thường hay là quy phạm pháp luật), vấn đề này cũng là một vướng mắc lớn trong công tác thực hiện kiểm tra và xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Bởi vì, văn bản này không được xây dựng theo trình tự, thủ tục nhất định và không được gửi cho cơ quan kiểm tra nên việc phát hiện ra nhóm văn bản này để chuyển cho cơ quan kiểm tra để kịp thời xử lý là rất khó khăn.
Bốn là, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh trong thời hạn 30 ngày để tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Tuy nhiên, việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Ngãi chỉ mang tính hình thức, thủ tục bắt buộc, vì không có cá nhân, tổ chức nào tham gia đóng góp ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đồng thời, việc lấy ý kiến góp ý chỉ thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, chưa thực sự lấy ý kiến rộng rãi đối với các cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Năm là, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định các nội dung thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, nội dung thẩm tra dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã chưa được quy định và hướng dẫn bằng văn bản. Đây là một nhiệm vụ mới của các Ban Hội đồng nhân dân cấp xã nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể rõ ràng, gây khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện, dẫn đến việc thực hiện qua loa, hình thức.
Sáu là, theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của trung ương chưa kịp thời nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc ban hành, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, ví dụ như: Ngày 01/01/2017, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thi hành nên một số loại phí chuyển sang giá dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nên cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức giá cụ thể đối với sản phẩm, dịch vụ vẫn chưa được đảm bảo.
Để khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các địa phương nói chung, trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành có liên quan cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc triển khai thi hành và sớm có thông tư hướng dẫn áp dụng thống nhất một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Hai là, nhanh chóng xây dựng các Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về: Xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng pháp luật; đánh giá tác động của chính sách; kỹ năng soạn thảo, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Ba là, hàng năm, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng xây dựng chính sách, phân tích chính sách; báo cáo đánh giá tác động của chính sách; nghiệp vụ thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức ở địa phương
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi