Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước[1]. Quốc hội khóa XIV chưa bầu đủ 500 đại biểu, vẫn còn trường hợp sau khi trúng cử phát hiện không đủ tư cách đại biểu Quốc hội[2] (ĐBQH) và vấn đề nhức nhối hơn cả là mới đến kỳ họp thứ 5 mà đã có tới 06 ĐBQH miễn nhiệm, bãi nhiệm do vi phạm. Chính vì thế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ĐBQH phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
1. Một số vấn đề ảnh hưởng tới chất lượng đại biểu Quốc hội hiện nay
Thứ nhất, tiêu chuẩn ĐBQH hiện nay khá chung chung, không cụ thể, khó xác định, mang tính định tính hơn là định lượng, cử tri rất khó xác định. Công việc bầu cử ĐBQH là của cử tri, còn những công việc trước đó để có được danh sách bầu cử là của các cơ quan có thẩm quyền.
Đối với tiêu chí: “1. Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác” (Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014) đang còn rất chung chung, trừu tượng. Cử tri rất khó biết được ứng viên đáp ứng các tiêu chí trên là như thế nào? Chỉ có những người làm cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cùng địa bàn cư trú với ứng viên trong phạm vi làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư thì mới có thể có cách nhìn toàn diện về tiêu chí đối với ứng viên. Mặt khác, quá trình bầu cử đã có giai đoạn giới thiệu, nhận xét, hiệp thương để đánh giá về ứng viên ĐBQH đối của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Đó chính là những chủ thể có đánh giá ứng viên về các tiêu chí trên là phù hợp, hiệu quả nhất.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội…” (Điều 27) và “có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội” (khoản 3 Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Theo Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người đủ 21 tuổi, trình độ cao nhất nếu hoàn thành được cũng mới chỉ là trình độ đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân (trong khi đó, hệ thống giáo dục quốc dân còn có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ). Nếu đối chiếu hai quy định trên (Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 về tiêu chí ứng cử ĐBQH), thì đối với công dân đủ 21 tuổi nếu đạt trình độ đại học có chuyên môn, thì sẽ chưa có kinh nghiệm công tác và tất nhiên uy tín để thực hiện nhiệm vụ sẽ không đáp ứng được. Tuổi 21 có sức khỏe, có ước mơ, song tích lũy kiến thức xã hội chưa nhiều, kiến thức văn hóa còn ít, nhận thức chính trị còn yếu, tâm sinh lý chưa ổn định. Dẫu biết rằng, việc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật là mang tính dự báo, tính khuôn mẫu, tính phổ biến và các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giới thiệu, hiệp thương ứng viên bầu cử ĐBQH sẽ tùy tình hình thực tế để thực hiện. Tuy nhiên, quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cũng cần mang tính hiệu quả, khả thi để thực hiện trên thực tế. Theo kết quả bầu cử ĐBQH khóa IV, đại biểu dưới 40 tuổi chỉ có 71 người chiếm tỉ lệ 14,3%[3]. Trong khi đó, ĐBQH trẻ tuổi nhất của khóa XIV là ở độ tuổi 24[4]. Như vậy, pháp luật quy định công dân đủ 21 tuổi có quyền ứng cử có phạm vi rộng, không mang tính khả thi. Đưa một quy định không có tính khả thi, sẽ dễ khiến dư luận quốc tế “phàn nàn”, đó là hiệu ứng không tốt trong mối quan hệ quốc tế.
“Văn hóa” là từ có khái niệm rất rộng, sâu sắc, đó là “tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”[5]. Để cử tri nắm rõ được tiêu chí “có trình độ văn hóa” khi bầu ứng viên ĐBQH là vấn đề rất khó khăn và cử tri phải có trình độ nhất định. Theo số liệu thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam cho đến quý II năm 2016 không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm gần 79,4% tổng số lực lượng lao động[6]. Đây cũng là số người có thể nằm trong độ tuổi cử tri đi bầu ứng viên ĐBQH. Từ đó, chúng ta thấy có độ chênh tiêu chí ứng viên ĐBQH giữa các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tính khả thi của các tiêu chí đó.
Mặt khác, về trình độ ĐBQH khóa XIV: Trên đại học là 310 người (62,50%); đại học là 180 người (36,30%); dưới đại học là 6 người (1,20%)[7]. Trước đó, ĐBQH khóa XIII: Đại biểu có trình độ ĐH là 263 (52,6%), trên đại học là 228 (45,6%)[8]. Như vậy, về trình độ ĐBQH các khóa gần đây đều từ đại học trở lên chiếm tỉ lệ rất cao trong QH. Nước ta nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cơ hội tiếp cận học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn rất rộng mở, trình độ dân trí ngày càng cao… đó là một trong những lý do cần thiết phải thay đổi tiêu chí trình độ văn hóa, chuyên môn của ĐBQH.
Thứ hai, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương” (khoản 1 Điều 24) và “thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri” (khoản 1 Điều 27). Tuy nhiên, công tác tiếp xúc cử tri thời gian qua được các ĐBQH thực hiện rất ít. Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri (Quốc hội khóa XIV) gửi đến kỳ họp thứ 4, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, các đoàn đại biểu đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri[9], bình quân mỗi ĐBQH chưa được 03 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Như vậy, ĐBQH chỉ tham dự những cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau phiên họp thường kỳ của Quốc hội. Rõ ràng là việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH rất ít, điều này tạo ra sự khó khăn khi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.
Thứ ba, so với các nước trên thế giới, dựa trên tỉ lệ ĐBQH trên tổng số dân quốc gia, Việt Nam có số lượng ĐBQH tương đối cao. Chẳng hạn, Hạ nghị viện Hoa Kỳ gồm các thành viên do nhân dân các tiểu bang lựa chọn, số lượng Hạ nghị sĩ phân chia theo quy mô dân số, có số thành viên là 435[10], trong đó, số dân là 325.820.587 người[11]; Duma - Quốc gia Liên Bang Nga có 450 đại biểu[12] trong tổng số dân là 143.392.941 người[13]; Quốc hội Trung Quốc có 2.992 đại biểu[14] trong tổng số dân là 1.386.594.980 người[15]. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta có tới 496 đại biểu trong tổng số hơn 90.000.000 người dân. So với các nước, số lượng ĐBQH Việt Nam là cao. Số lượng đại biểu của chúng ta cao so với số dân, điều đó ảnh hưởng tới chất lượng ĐBQH, đến số lượng ĐBQH chuyên trách tới nguồn lực phẩn bổ cho các ĐBQH, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đến vai trò cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Thứ tư, theo báo cáo kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu là 197 người thì chỉ có 182 người trúng cử[16]. Những người không trúng cử thuộc 2 khối Quốc hội và Mặt trận[17]. Những người này đều được trung ương giới thiệu về địa phương để cử tri địa phương bầu. Điều này đặt ra vấn đề, tại sao những người được giới thiệu đó lại không được cử tri địa phương bầu cử? Nếu xét về trình độ, uy tín của họ thì sẽ thường là được đảm bảo. Vậy có phải cử tri địa phương không biết rõ về những người này mà chỉ theo dõi thông tin cơ bản qua danh sách gửi về? Hay do vấn đề về lợi ích người dân địa phương? Nếu mang ra so sánh những người được trung ương giới thiệu với ứng viên tại địa phương thì đương nhiên cử tri sẽ ưu tiên người của địa phương hơn. Từ đó, có thể thấy, Quốc hội là cơ quan hoạt động ở trung ương, có rất nhiều đại biểu hoạt động ở trung ương nhưng chúng ta lại đưa những người đó cho cử tri ở địa phương xa xôi bầu, liệu có phù hợp hay không? Cử tri địa phương rõ ràng biết rất ít về thông tin nhân thân ứng viên đó. Nếu không có chương trình hành động cụ thể, lời hứa cụ thể gì giúp ích cho cử tri địa phương thì liệu có được cử tri địa phương bầu? Do vậy, chúng ta cần có những tính toán, bước đi mang tính cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn.
Thứ năm, trong cơ cấu ĐBQH Việt Nam khóa XIV (đại biểu ngoài Đảng chỉ chiếm 4,2%)[18] và cả những khóa trước đây tỉ lệ đại biểu là đảng viên chiếm phần lớn (khóa XIII đại biểu ngoài Đảng chỉ có 8,4% tổng số đại biểu)[19]. Dẫu biết rằng, đại biểu là đảng viên là lực lượng tiến bộ nhất trong xã hội, việc lựa chọn ứng viên là đảng viên không sai. Tuy nhiên, lại không hoàn toàn phù hợp. Bởi vì, ĐBQH là đại diện cho rất nhiều tầng lớp, giai tầng trong xã hội chứ không chỉ có mình đội ngũ trong đảng. Dẫu rằng, theo quy định của pháp luật thì không có tiêu chí ĐBQH phải là đảng viên. Nhưng trong thực tiễn, đảng viên thì lại được giới thiệu, cơ cấu đa số. Điều đó ảnh hưởng đến tính đại diện và tính độc lập của đại biểu.
2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội trong thời gian tới
Một là, đối với tiêu chí ĐBQH nên cần cụ thể, rõ ràng, mọi cử tri đều nhận biết được và mang tính phổ thông. Tác giả xin đề xuất các tiêu chí về ĐBQH như sau:
- Về độ tuổi, pháp luật nên quy định công dân đủ 31 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH. Đây là độ tuổi có thể đảm bảo về sự ổn định tâm lý, tình cảm, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, ổn định gia đình, kinh tế… để đảm trách công việc của ĐBQH.
- Về trình độ chuyên môn: ĐBQH tối thiểu phải có trình độ đại học. Tốt nghiệp đại học thông qua cơ sở trường lớp, trang bị cho con người nhiều tri thức. Thông qua học đại học, một con người có được phương pháp nhận biết sự vật, hiện tượng, biết khái quát, biết được quy luật khách quan. Vì thế, làm ĐBQH với chức năng làm luật phải đưa vào luật những quan hệ xã hội mang tính khách quan, phổ biến, gạt bỏ đi được những yếu tố chủ quan, cục bộ[20].
- Về thời gian cư trú tại địa phương nơi ứng viên được bầu: Ứng viên phải có một thời gian nhất định cư trú tại nơi mình được bầu làm ứng viên ĐBQH để mới có thể nắm bắt được địa bàn về phong tục tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội… để từ đó có những “lời hứa” với cử tri trong quá trình tranh cử hiệu quả. ĐBQH phải thực sự gần dân, ở tại địa bàn nơi cử tri bầu chọn cho mình thì mới “liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật”.
Hai là, pháp luật cần có quy định cụ thể về số lần tiếp xúc cử tri của ĐBQH. ĐBQH tiếp xúc với cử tri nhiều lần sẽ càng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như những vấn đề cử tri quan tâm. ĐBQH phải là những chuyên gia am tường vận động chính trị, quan tâm cử tri, duy trì mối quan hệ với cử tri liên tục, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tiếng nói của cử tri, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri mà mình đại diện.
Ba là, ứng viên ĐBQH cần có chương trình hành động cho mình khi tranh cử và các ứng viên phải có quyền tranh luận về các chương trình hành động đó trước các cử tri. Chẳng hạn, theo lời Tướng Nguyễn Văn Hưởng, động cơ chính yếu của Tổng thống Trump (Hoa Kỳ) khi đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi, mở tòa đại sứ mới tại Israel ở Jerusalem (người mà cuối năm 2017 đã phá bỏ chính sách của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel) là nhắm đến một khối cử tri đông đảo và vững chắc cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp[21]. Quyết định trên của Tổng thống Trump là thực hiện lời hứa với cử tri Do Thái khi tranh cử. Dẫn chứng một lời hứa khi tranh cử của một Tổng thống Hoa Kỳ khi nói về chính sách hành động của ĐBQH Việt Nam khi tranh cử là khập khiễng. Nhưng để nói lên rằng, ứng viên ĐBQH Việt Nam cần đưa ra cho mình một chương trình hành động khi tranh cử và phải thực hiện được lời hứa đó khi được cử tri tin tưởng bầu cho mình thì mới xứng đáng với vai trò của một ĐBQH. Bên cạnh đó, trong quá trình vận động tranh cử, chúng ta cũng phải kiểm soát chương trình hành động của ứng viên ĐBQH, tránh tình trạng ứng viên dùng những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân[22].
Bốn là, thời gian tới cần tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, đồng thời giảm tổng số ĐBQH của cả nước. Tuy nhiên, không chỉ cần có nhiều ĐBQH chuyên trách mà còn phải chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực mà mình phụ trách, đại diện cho cử tri. Từ đó, chúng ta mới có đủ nguồn lực để tạo điều kiện cho ĐBQH hoạt động như trang bị cho ĐBQH bộ máy giúp việc, cấp nguồn kinh phí nhất định để đại biểu có thể cùng tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại nơi mà đại biểu là đại diện.
Năm là, hiện nay, tỉ lệ ĐBQH là đảng viên chiếm tỷ lệ lớn trong Quốc hội. Thời gian vừa qua, đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV đã có tới 06 ĐBQH bị miễn nhiệm, bãi nhiệm do vi phạm và đều là đảng viên. Do đó, cần phải quy trách nhiệm, kỷ luật các tổ chức Đảng có cán bộ giới thiệu sai[23]. Có như vậy, chúng ta mới “chỉnh đốn Đảng” làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng niềm tin đối với nhân dân.
Sáu là, ĐBQH là đại diện cho cử tri, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. ĐBQH được nhân dân ủy quyền thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Nhân dân là chủ thể “bảo trợ” quyền lực cho các ĐBQH. Khi ĐBQH làm đúng, làm đầy đủ, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì được nhân dân “trọng dụng” trao quyền. Ngược lại, khi ĐBQH không còn xứng đáng với niềm tin của nhân dân, làm sai ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì ĐBQH đó phải chịu trách nhiệm trước cử tri đã bầu cho mình. Chính vì thế, các cơ quan có thẩm quyền cần phải “trả lại” cho cử tri quyền bãi nhiệm thực chất của mình đối với đại biểu không còn xứng đáng. ĐBQH do cử tri đi bỏ phiếu bầu lên và đương nhiên khi vi phạm, không còn xứng đáng thì cử tri cũng đi bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách ĐBQH đó (nếu trên 50% cử tri bỏ phiếu đồng ý bãi nhiệm thì ĐBQH đó sẽ bị xóa tư cách ĐBQH). Có làm được như vậy, thì chúng ta mới gắn được trách nhiệm giữa ĐBQH và cử tri, giúp cho mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn và đương nhiên chất lượng hoạt động của ĐBQH sẽ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn đáp ứng kỳ vọng của cử tri.
Bảy là, để khắc phục tình trạng Quốc hội là thiết chế ở trung ương mà lại đưa về cử tri địa phương để bầu cử ĐBQH, thiết nghĩ, trong tương lai, Quốc hội nên có 02 viện như ở các nước tư sản, trong đó một viện ở trung ương chuyên có vai trò thảo luận, xem xét thông qua luật, để thành lập viện này nên trao cho mỗi địa phương một số ĐBQH như nhau; viện còn lại, chia theo mật độ dân số ở địa phương, chuyên làm nhiệm vụ xây dựng các văn bản luật.
Đất nước chúng ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Một trong những nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu này, đó là chúng ta xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh mẽ, hiệu quả. Để Quốc hội có thể kiểm soát, ràng buộc hoặc ít nhất có thể giám sát một cách có hiệu quả quyền lực của các cơ quan khác thì Quốc hội phải thực sự mạnh mẽ. ĐBQH là những mắt xích quan trọng hợp lại thành Quốc hội. Do đó, việc nâng cao chất lượng ĐBQH là công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và hiệu quả.
Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột