1. Thực trạng nguồn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ở Sơn La
Tỉnh Sơn La có 12 huyện, 1 thành phố với 204 xã, phường, thị trấn, trong đó có 5 huyện biên giới với 17 xã biên giới. Đến tháng 9 năm 2015, số lượng công chức làm công tác hộ tịch có 498 người (trong đó, công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện và xã là 216 người, kiêm nhiệm là 282 người)[1]. Số lượng công chức làm công tác hộ tịch được đào tạo Đại học Luật chiếm 15%; Trung cấp Luật 36%; chuyên ngành khác (Công an, thống kê, nông nghiệp, văn phòng, văn thư… và chưa qua đào tạo) chiếm gần 50%. Về thành phần dân tộc: Công chức tư pháp hộ tịch là người dân tộc Thái chiếm hơn 70%; dân tộc Mông chiếm 20%, còn lại là dân tộc Kinh và dân tộc khác.
Trong công tác tư pháp, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch có vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp và thực thi công vụ. Hiệu lực, hiệu quả trong công tác tư pháp xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp. Vì vậy, việc đào tạo nguồn cán bộ, công chức tư pháp cấp xã vững vàng về chính trị, văn hóa, có đạo đức lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực để thực thi chức năng, nhiệm vụ theo đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và phục vụ nhân dân... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn hành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng góp phần vào những thành công trong sự nghiệp đổi mới đất nước và tỉnh nhà. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội của đất nước đòi hỏi cán bộ, công chức tư pháp hộ - tịch phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu công tác. Việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ở tỉnh Sơn La hiện nay là nội dung quan trọng cần được nghiên cứu, vận dụng.
2. Công tác đào tạo nguồn công chức tư pháp - hộ tịch cho tỉnh Sơn La tại trường Trung cấp Luật Tây Bắc - Thuận lợi và khó khăn
2.1. Thuận lợi
Trường Trung cấp Luật Tây Bắc được thành lập ngày 09/7/2012 theo Quyết định số 1946/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Trường Trung cấp Luật Tây Bắc. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và có trụ sở ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của Bộ Tư pháp, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La. Chức năng, nhiệm vụ của Trường Trung cấp Luật Tây Bắc là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trung cấp luật; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức của Ngành Tư pháp; tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho cơ quan, tổ chức và cá nhân; tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực pháp luật cho xã hội; hợp tác, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, trong đó chủ yếu là hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp cho nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, liên kết với Trường Đại học Luật Hà Nội mở các lớp liên thông trình độ trung cấp luật lên đại học luật và các lớp đại học luật vừa học vừa làm và liên kết với Học viện Tư pháp mở các lớp đào tạo nghề tư pháp. Việc đặt trụ sở của Trường tại tỉnh Sơn La là một lợi thế rất lớn cho tỉnh Sơn La so với các tỉnh khu vực Tây Bắc trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tư pháp, pháp luật cho tỉnh[2].
Qua 3 năm tổ chức đào tạo tại Trường Trung cấp Luật Tây Bắc, đến nay, Trường đã trao bằng tốt nghiệp cho 400 học sinh học Trung cấp Luật hệ chính quy, 150 học viên và cán bộ được cử đi học sau khi tốt nghiệp đã trở về địa phương tiếp tục công tác, hiện còn 450 học sinh, sinh viên, học viên đang là cán bộ, công chức, viên chức đang học tập tại Trường. Đa số học sinh, sinh viên theo học tại Trường Trung cấp Luật Tây Bắc là người dân tộc thiểu số (dân tộc Thái, Mông, Mường, Tày, Xinh mun) chiếm số lượng lớn (hơn 95%) và đều là người dân bản địa. Họ đều có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt, lối sống giản dị, lành mạnh, được người dân tín nhiệm; chưa phát hiện có công chức, học sinh, sinh viên có sai phạm, giả mạo bằng cấp để đi học hay lợi dụng công việc để trục lợi trong quá trình thực thi nhiệm vụ... Vì thế đa số học sinh, sinh viên, học viên đều có sức ảnh hưởng tốt đến người dân trên địa bàn nơi công tác và nơi cư trú. Xét về năng lực tiếp thu kiến thức pháp luật và ý thức học tập: Học sinh, sinh viên, học viên được đào tạo tại Trường đều có ý thức học tập tốt, có khả năng tiếp thu kiến thức pháp luật tốt. Số lượng học sinh hệ Trung cấp Luật chính quy tốt nghiệp loại Giỏi mỗi khóa chiếm trung bình 5%, loại Khá 45%, loại Trung bình khá là 50% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp. Sau khi được đào tạo, khả năng sử dụng máy vi tính, khai thác, sử dụng mạng Internet khá thành thục.
2.2. Khó khăn
- Đa số học sinh, sinh viên theo học tại Trường Trung cấp Luật Tây Bắc là người dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn tỉnh Sơn La, là tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, mức hỗ trợ tiền đi học của gia đình học sinh, sinh viên rất thấp... là một trong những yếu tố chi phối ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
- Học sinh, sinh viên là cán bộ, công chức có độ tuổi trên 45 đi học thường có kết quả học tập không cao, đặc biệt đối với các môn học đòi hỏi phải học thuộc. Khả năng học tiếng Anh của học viên còn hạn chế và là điểm yếu cần được khắc phục trong việc đào tạo.
- Một số học sinh, sinh viên có tư tưởng đi học để lấy bằng cấp, để đủ tiêu chuẩn theo quy định; chưa chịu khó học tập, rèn luyện, tác phong công tác, nề nếp làm việc chuyển biến chậm, còn thiếu sáng tạo trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng nhiệm vụ chính trị của địa phương, nên chưa có những giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học của học viên.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn công chức tư pháp - hộ tịch cho tỉnh Sơn La
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trên thì việc đào tạo, đào tạo lại nguồn cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp cơ sở là một nhiệm vụ cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, Sở Tư pháp tỉnh Sơn La cần xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm, theo đó xác định quy chuẩn đối với từng vị trí việc làm và kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp trên địa bàn tỉnh. Rà soát, tổng hợp đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo quy định, những cán bộ, công chức đạt chuẩn về trình độ nhưng năng lực hạn chế, không hoàn thành nhiệm vụ... để xem xét, cân nhắc, đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết liệt hơn trong việc cho thôi làm công tác tư pháp - hộ tịch hoặc cử đi đào tạo, đào tạo lại.
Hai là, Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì việc hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ tư pháp - hộ tịch và nguồn cán bộ tư pháp - hộ tịch theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 đễ giảm bớt khó khăn cho học viên theo học tại các cơ sở đào tạo.
Ba là, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc cần được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giảng dạy về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường việc cử giáo viên đến các cơ sở để tìm hiểu thực tế, liên hệ kiến thức thực tế trong việc giảng dạy. Đảm bảo xây dựng đội ngũ giáo viên nắm vững kiến thức pháp luật, am hiểu kinh nghiệm thực tiễn và có kỹ năng sư phạm tốt. Thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật mới để vận dụng vào việc biên soạn giáo án, giáo trình giảng dạy, đào tạo. Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học phần lớn là con em các dân tộc thiểu số. Sớm xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện học tập, nghiên cứu của thầy và trò nhà trường.
Bốn là, học sinh, sinh viên, học viên cần có sự đổi mới về tác phong và tư duy làm việc, học tập; tích cực, chủ động hơn trong việc nghiên cứu tài liệu học tập, rèn luyện, trau rồi kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc định hướng tư tưởng, hành động, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, giáo viên, học viên; tiết kiệm chi tiêu thường xuyên nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, góp phần “dạy tốt, học tốt” tại cơ sở đào tạo.
Sáu là, cơ sở đào tạo nguồn cán bộ tư pháp cấp xã, phường, thị trấn cần thường xuyên phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương nhằm nắm bắt yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động để điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp; phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh của cơ sở đào tạo và giới thiệu cơ hội việc làm cho học viên.
ThS. Lò Châu Thỏa
Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Luật Tây Bắc
Tài liệu tham khảo:
[1]. Báo cáo số 299/BC-UBND ngày 15/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về kết quả rà soát và đề xuất lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh Sơn La.
[2]. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Trường Trung cấp Luật Tây Bắc đã và đang đào tạo, liên kết đào tạo hơn 1.100 học sinh, sinh viên, học viên là con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc học hệ Trung cấp Luật, Đại học Luật, trong số đó có 1.050 học sinh, sinh viên, học viên là con em của tỉnh Sơn La, 450 học viên khi đi học đang là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Sơn La.