Abstract: This article assesses the current situation, causes and proposes solutions to improve the effectiveness of the economic crime prevention and control in the field of public investment of the economic police force in Ho Chi Minh City.
Trong những năm vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những bước phát triển đáng kể về kinh tế - xã hội, luôn là “đầu tàu” phát triển kinh tế của cả nước, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Để đạt được những thành tựu này, hoạt động đầu tư bằng vốn ngân sách vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đóng vị trí vô cùng quan trọng, hoạt động đầu tư công đã khắc phục các hạn chế của nền kinh tế thị trường, là đòn bẩy kinh tế, tạo điều kiện cho đầu tư từ các khu vực còn lại phát huy hiệu quả cao thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, góp phần phát triển các mặt về an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với một số thách thức, khó khăn như áp lực lạm phát, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn còn chậm, nợ xấu còn ở mức cao chưa được giải quyết triệt để; còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, trật tự. Trong đó, lĩnh vực đầu tư công đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Các tội phạm thường xảy ra trong lĩnh vực này bao gồm tham ô tài sản; đưa, nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất... Tội phạm trong lĩnh vực đầu tư công có xu hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, gây bức xúc, tạo dư luận không tốt và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền trong việc sử dụng ngân sách, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan sở, ban, ngành liên quan lĩnh vực đầu tư công. Theo báo cáo tổng kết công tác năm của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 1.219 vụ vi phạm pháp luật kinh tế, trong đó có 160 vụ vi phạm pháp luật kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công (chiếm tỷ lệ 13,12%) với 267 đối tượng, kết quả là đã khởi tố 15 vụ với 37 đối tượng; xử lý hành chính 52 vụ với 76 đối tượng; xử lý theo hình thức khác 93 vụ với 154 đối tượng, thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
Qua nghiên cứu thực tiễn các vụ việc liên quan đến tội phạm kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công cho thấy, số vụ việc gia tăng và chiếm tỷ lệ cao là do một số nguyên nhân, điều kiện sau:
Một là, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ, vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, vướng mắc.
Luật Đầu tư công được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2019 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020. Luật Đầu tư công với phạm vi bao quát rộng, có vai trò rất quan trọng và đóng góp hiệu quả vào việc tạo lập môi trường pháp lý và tăng cường năng lực quản lý của Nhà nước trong một giai đoạn tương đối dài. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, hiện nay, Luật Đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước ở một số nội dung nhất định. Ví dụ như, chưa có quy định cụ thể nguồn vốn nào là các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. Có một số quy định không hợp lý hoặc ít tính khả thi, điển hình như hoạt động giải ngân vốn đầu tư còn chậm do các quy định về thủ tục phân bổ vốn, phê duyệt dự án vì phải bố trí được 30% vốn thì mới được phê duyệt… Tại địa phương, sức ỳ của cơ chế xin - cho và tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách cấp trên vẫn còn thể hiện rõ nên các địa phương đang rất lúng túng giữa một bên là nhu cầu vốn rất lớn và một bên là khả năng cân đối trong thực tế. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Luật Đầu tư công bộc lộ một số vướng mắc, hệ lụy, thủ tục hành chính còn rườm rà... Đơn cử là, hiện nay, các dự án nhóm A đều thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc phần lớn các dự án hiện nay chỉ được quyết định đầu tư khi chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, việc phê duyệt chủ trương đầu tư chủ yếu thuộc về Hội đồng nhân dân, do đó, rất nhiều dự án phải chờ đợi sự phê duyệt của Hội đồng nhân dân, trong khi cơ quan này hoạt động không thường xuyên đã khiến cho việc này mất rất nhiều thời gian, trong khi việc phê duyệt chủ trương đầu tư hiện chỉ mang tính hình thức bởi ngay khái niệm chủ trương đầu tư công không được Luật Đầu tư công xác định rõ nội hàm, nó chỉ được xác định là báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hoặc báo cáo tiền khả thi. Vì đây là báo cáo sơ bộ nên thông tin trong đó thường không đầy đủ và có thể cũng không chính xác. Do đó, việc phê duyệt chủ trương đầu tư không mang nhiều ý nghĩa, thậm chí còn có thể gây khó khăn cho cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư nếu sau này phát hiện ra lý do để phản đối dự án. Ngoài ra, theo quy định tại Luật Đầu tư công thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể vừa là chủ đầu tư, vừa là người quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cũng là chủ thể có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công. Do vậy, quy định này chưa thực sự bảo đảm tính khách quan.
Hai là, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, quản lý con người.
Thực tế cho thấy, làm tốt công tác quản lý kinh tế, quản lý con người trong hoạt động đầu tư công sẽ bảo đảm thực hiện các dự án đúng theo tiến độ, tránh được thất thoát tài sản, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư công, công tác quản lý còn một số hạn chế, chưa chặt chẽ, thống nhất dẫn đến xảy ra các sai phạm liên tiếp. Công tác quản lý trong các khâu quyết định chủ trương đầu tư, lập, phê duyệt dự án còn dàn trải gây thất thoát vốn đầu tư công, chủ trương đầu tư thì nhiều nhưng chưa hiệu quả, nhiều dự án “treo” không đủ vốn đề hoàn thành. Ngoài ra, xác định và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong từng khâu của đầu tư công chưa cụ thể dẫn đến khi phát hiện sai phạm thì không ai chịu trách nhiệm. Đối với các dự án có cấu phần xây dựng, sự buông lỏng trong quản lý các khâu lập dự án, thiết kế dẫn đến việc lập dự toán không chính xác, thay đổi nhiều lần, thời gian thiết kế kéo dài, làm chậm tiến độ công trình, tình trạng đội vốn xảy ra liên tục. Một số trường hợp, các cơ quan tư vấn giám sát, chủ đầu tư làm việc chưa khách quan, thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện đúng theo chức trách, nhiệm vụ nên phát sinh nhiều sai phạm. Do công tác quản lý chưa làm tốt nên một số nhà thầu nâng khống số lượng vật tư, thiết bị, số lượng nhân công, ngày công để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đối với các dự án mua sắm trang, thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, do sự buông lỏng trong quản lý, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà cung ứng sản phẩm dẫn đến một số đối tượng thường lợi dụng sự chênh lệch giá nâng khống giá trị nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Ba là, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra, kiểm tra là phương thức để các cơ quan quản lý nhà nước phát huy những nhân tố tích cực, phòng ngừa và loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong quản lý nhà nước về đầu tư công. Tuy nhiên, do công tác thanh tra, kiểm tra có lúc, có nơi chưa thực sự được chú trọng thực hiện và chưa phát huy được tác dụng nên tội phạm trong lĩnh vực đầu tư công vẫn chưa được phòng ngừa một cách hiệu quả.
Công tác kiểm tra chất lượng của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý vốn, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ, tư vấn, thiết kế, tư vấn giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Nhà nước về thanh tra, kiểm tra giám sát trong đầu tư công. Hoạt động đánh giá chất lượng, hiệu quả đối với các dự án phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước trong một số trường hợp cũng chỉ mang tính hình thức, thiếu sự đánh giá của các chuyên gia chuyên ngành dẫn đến nhiều dự án tuy đã hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng hoặc chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, điển hình như các dự án mua sắm thiết bị y tế, xây dựng phần mềm quản lý… Đối với các dự án đầu tư hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội thì hoạt động kiểm tra chất lượng hiệu quả hầu hết là thông qua báo cáo của các đơn vị thực hiện mà không có sự đánh giá, kiểm tra trực tiếp. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn còn biểu hiện của việc bao che, bỏ qua những sai phạm, thậm chí, có trường hợp, các bên vi phạm còn gửi tiền “bồi dưỡng” cho cán bộ trong đoàn thanh tra để không bị xử lý hoặc chỉ xử lý kỷ luật nội bộ khi có những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Bốn là, hạn chế trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công.
Hiện nay, hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công còn thấp, tỷ lệ tội phạm ẩn còn cao. Do đó, chưa tạo được tính răn đe cho các đối tượng khác. Lực lượng làm công tác phòng ngừa mà cụ thể là lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn một số hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, hiệu quả tiến hành các công tác nghiệp vụ cơ bản chưa thực sự cao như: Hồ sơ điều tra cơ bản lĩnh vực đầu tư công chưa được thu thập thông tin thường xuyên, đầy đủ; hiệu quả hoạt động điều tra, khám phá tội phạm trong lĩnh vực đầu tư công chưa cao; tiến độ điều tra các vụ án trong lĩnh vực này đôi lúc còn chậm, thời gian điều tra kéo dài; một số vụ án kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công khi phát hiện đưa ra xử lý thì hậu quả thiệt hại đã rất lớn dẫn đến việc thu hồi tài sản thất thoát gặp rất nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng vụ việc phạm tội được phát hiện nhưng quá trình điều tra, xử lý thiếu nghiêm minh, làm giảm tính răn đe của pháp luật, không đẩy lùi được tội phạm. Cụ thể là, trong thời gian 05 năm (2018 - 2022), lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ phát hiện và xử lý 160 vụ với 267 đối tượng.
Từ những nguyên nhân, điều kiện trên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công thì trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện một số giải pháp theo hướng:
Thứ nhất, tham mưu cho Lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị đến cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, chủ trương, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư công và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực đầu tư công phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, cần tập trung hơn nữa vào việc tham mưu, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư công; hoàn thiện chính sách, pháp luật về thu, chi ngân sách nhà nước, hoạt động đấu thầu, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; rà soát chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thu hút đầu tư trong và ngoài nhà nước; tổ chức hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư công; đổi mới cơ chế quản lý, kiểm soát các khoản thu, chi ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương gắn với hoạt động đầu tư công có mục đích, có tính thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng tham gia tố giác, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực đầu tư công. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan hoạt động đầu tư công, đấu thầu, quản lý ngân sách nhà nước; công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực đầu tư công; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, xác định việc sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm vốn đầu tư công là quốc sách hàng đầu; tính kỷ cương, kỷ luật trong sử dụng vốn đầu tư công; tính công khai, minh bạch các dự án, kế hoạch, chương trình đầu tư công.
Thứ ba, chú trọng công tác điều tra cơ bản các lĩnh vực xuyên suốt, địa bàn trọng điểm liên quan đến hoạt động đầu tư công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi đơn vị căn cứ tình hình thực tế, đặc điểm địa bàn, yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm trong lĩnh vực đầu tư công nói riêng lập hồ sơ điều tra cơ bản lĩnh vực xuyên suốt theo chỉ đạo. Khi đó, việc xác định địa bàn, tuyến, hệ loại, chuyên đề phòng, chống tội phạm này phải căn cứ vào kết quả điều tra cơ bản lĩnh vực xuyên suốt nhưng cần chú ý tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chủ động kết thúc hồ sơ điều tra cơ bản đã không còn tính trọng điểm, xuyên suốt.
Thứ tư, thường xuyên rà soát, xác định đối tượng có điều kiện, khả năng, có biểu hiện nghi vấn phạm tội trong lĩnh vực đầu tư công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh lập hồ sơ sưu tra để quản lý; chú ý thu thập đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến nhân thân, lý lịch đối tượng, hoạt động, quan hệ của đối tượng, đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn đầu tư công, làm cơ sở đề ra biện pháp quản lý đối tượng cho phù hợp, đánh giá diễn biến, tình hình đối tượng làm căn cứ phát triển công tác nghiệp vụ lên hiềm nghi, chuyên án để tập trung đấu tranh. Hơn nữa, trên thực tế, nhiều đối tượng nghi vấn phạm tội này có liên quan đến cán bộ, đảng viên nên đòi hỏi lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh phải chấp hành nghiêm tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; chú trọng mở hồ sơ chuyên đề sưu tra về đối tượng đầu tư công để chủ động hệ thống thông tin, tài liệu về hoạt động đầu tư công, đối tượng nghi vấn phạm tội.
Thứ năm, tăng cường lực lượng cộng tác viên bí mật, bảo đảm về số lượng và chất lượng nhằm thu thập thông tin, tài liệu trong lĩnh vực đầu tư công để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là hoạt động nghiệp vụ hết sức cần thiết, có hiệu quả nhưng gặp nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ đặc điểm khép kín, chặt chẽ của hoạt động đầu tư công, các khâu, giai đoạn có mối liên hệ trực tiếp và trách nhiệm liên đới. Do đó, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng công tác quy hoạch, hướng đến xây dựng, sử dụng cộng tác viên bí mật trong lĩnh vực này.
ThS. Nguyễn Văn Hùng
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023