Trong bài viết này, tác giả nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam hiện nay, từ đó, đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an, từ năm 2012 đến năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, xử lý 9.716 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với 11.971 đối tượng; trong đó, đã khởi tố 3.186 vụ với 4.401 bị can; đã xử lý hành chính 6.281 vụ với 7.036 đối tượng; 349 vụ với 534 đối tượng đã được chuyển cho lực lượng khác xử lý. Số lượng hàng hóa bị thu giữ ước tính trị giá trên 338 tỷ đồng[1]. Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tích cực, chủ động tiến hành nhiều hoạt động phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hòi cần phải nghiên cứu giải pháp khắc phục.
1. Một số vướng mắc, bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, chưa có khái niệm cụ thể về hàng giả, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Hiện nay, để xác định hàng giả, có thể tham khảo tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 98/2020/NĐ-CP) dưới dạng 06 nhóm về hàng giả. Tuy nhiên, đây chỉ là nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả chỉ mới được quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), mà chưa có khái niệm cụ thể cho tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thứ hai, chưa có sự thống nhất khi định lượng giá trị hàng hóa.
Khi xác định tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi cũng như định khung hình phạt đối với các tội phạm này và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì một trong những yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng là xác định số lượng và giá trị hàng giả tương đương với hàng thật là bao nhiêu. Phần lớn việc xác định số lượng hàng giả dựa vào số lượng hàng mà cơ quan điều tra thu giữ được, sau đó có sự đối chiếu với bảng báo giá của nhà sản xuất hoặc đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam để định giá. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, việc xác định số lượng hàng giả trong một số vụ án còn chưa có sự thống nhất.
Thứ ba, còn tình trạng nhầm lẫn với một số tội phạm khác.
- Nhầm lẫn với tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản: Vì tính chất của các hành vi phạm tội ở hai tội này đều là tính chất gian dối, chính vì vậy, trong lý luận cũng như trong thực tiễn, việc phân biệt hai hành vi này là cần thiết.
- Nhầm lẫn với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Từ trước đến nay, phân biệt các tội về hàng giả với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp luôn là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Trên cơ sở khái niệm về hàng giả được quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, có thể phân loại thành ba loại sau: (i) Hàng giả về nội dung (hay giả về chất lượng, giá trị sử dụng của hàng hóa); (ii) Hàng giả về hình thức (giả về kiểu dáng, nhãn hiệu, tên gọi, xuất xứ… hàng hóa); (iii) Hàng giả cả về nội dung và hình thức.
Đối tượng tác động của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Đối tượng tác động của các tội phạm về hàng giả đương nhiên là hàng giả. Tuy nhiên, như vậy, đã có sự chồng chéo khi có trường hợp hành vi phạm tội giả về hình thức hoặc giả cả về nội dung và hình thức, mà cụ thể hơn nữa là sử dụng nhãn hiệu hàng hóa giả hoặc sử dụng trái phép về chỉ dẫn địa lý được in trên nhãn hàng hóa thì xử lý như thế nào.
Cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất đường lối xử lý về đối tượng hàng hóa nào được coi là hàng giả về nhãn hiệu và loại hàng hóa nào được coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Nhiều quan điểm cho rằng, nếu sản xuất hàng hóa mang nhãn hiệu của cơ sở sản xuất khác hay vi phạm về chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam (chỉ giả về hình thức) nhưng chất lượng hay công dụng của hàng hóa tương đương với hàng thật thì coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Còn trường hợp sản xuất hàng hóa mang nhãn hiệu của cơ sở sản xuất khác hay nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn địa lý không đúng và về chất lượng hàng hóa (công dụng) không bảo đảm thì phải xử lý về tội sản xuất hàng giả.
Thứ tư, chưa phân định rõ giữa hàng kém chất lượng và hàng giả.
Tại Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 của Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả có đưa ra khái niệm về hàng giả và hàng kém chất lượng. Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành không còn ghi nhận về hàng kém chất lượng mà chỉ quy định về hàng giả tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cần phân biệt giữa hàng kém chất lượng với hàng giả. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đang có hiệu lực thi hành nhưng căn cứ để phân biệt các tội phạm trên chưa rõ ràng, đồng thời với tình hình tội phạm đang diễn ra phức tạp như hiện nay, nếu không có văn bản hướng dẫn thống nhất, sẽ rất khó cho cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về hàng giả.
Thứ năm, vướng mắc khi định tội, định khung tăng nặng.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay thế những tình tiết định tính trong Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng những tình tiết định lượng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các vụ án về hàng giả, mặc dù áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 thời điểm đó chưa có vấn đề nhưng đến Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu áp dụng thì sẽ dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như việc áp dụng các tình tiết: “Hàng giả tương đương với hàng thật”, “thu lợi bất chính” và “gây thiệt hại về tài sản”. Đây không chỉ là các tình tiết định tội mà còn là tình tiết định khung tăng nặng của các tội phạm về hàng giả. Thông thường, trước đây, khi trưng cầu giám định, cơ quan điều tra sẽ gửi công văn yêu cầu mẫu giám định từ đơn vị sản xuất hoặc đơn vị được cấp phép nhập khẩu, lưu hành sản phẩm đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các đơn vị này lại có thêm yêu cầu người phạm tội phải bồi thường dân sự do những thiệt hại bởi hành vi của người phạm tội gây ra. Hoặc, cũng có những trường hợp, cơ quan điều tra xác định được hành vi của bị cáo đã thu lợi bất chính. Vậy câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp này, nếu áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào tình tiết nào để khởi tố, truy tố và xét xử.
Thứ sáu, vướng mắc khi xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Một điểm mới trong nhóm các tội phạm về hàng giả khi quy định pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi nào sẽ xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Khi nghiên cứu các vụ án về hàng giả, tác giả nhận thấy, nhiều vụ án người phạm tội đã có hành vi thành lập pháp nhân và nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Vậy, trong trường hợp nào pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này?
Theo khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân” nên việc các bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự không có sự thay đổi. Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với ba điều kiện sau: (i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (ii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (iii) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại hay không thì cần được cân nhắc.
2. Một số kiến nghị
Một là, cần đưa ra khái niệm về hàng giả; hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi. Thực tế hiện nay, để xác định hàng giả, sẽ dựa vào Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, đây chỉ là nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Để tránh trường hợp vướng mắc giữa các luật khi áp dụng, cần sớm có văn bản hướng dẫn thi hành về nội dung này. Mặt khác, nếu viện dẫn về khái niệm hàng giả như hiện nay thì việc phân biệt với một số tội phạm khác, đặc biệt với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khá khó khăn khi đối tượng là hàng giả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (về hình thức) và hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đều có nội dung giống nhau, đó là sử dụng nhãn hiệu hàng hóa giả hay sử dụng trái phép về chỉ dẫn địa lý được in trên nhãn hàng hóa. Như vậy, trong trường hợp hàng giả về hình thức và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng chỉ dẫn thương mại như: Nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý… thì việc xử lý theo tội danh nào chưa được giải quyết.
Theo đó, nếu đưa ra khái niệm hàng giả là đối tượng tác động của các tội phạm về hàng giả, cần quy định cụ thể: “Hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây là hàng giả: (i) Trường hợp giả về nội dung: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dư chất, có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký, không đủ loại dược chất đã đăng ký, có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất, có hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. (ii) Trường hợp giả về hình thức (giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa), bao gồm: Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa mà chất lượng không tương xứng với tiêu chuẩn chất lượng hàng thật; hàng hóa giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch, kiểu dáng công nghiệp, bao bì hàng hóa của thương nhân khác. (iii) Trường hợp các sản phẩm là tem, nhãn, bao bì giả cũng được coi là hàng giả”.
Hai là, cần ban hành văn bản hướng dẫn để phân biệt cả tội phạm về hàng giả hoặc các loại tội phạm khác, đặc biệt đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng căn cứ để phân biệt các tội phạm trên chưa rõ, đồng thời, với tình hình tội phạm đang diễn ra phức tạp như hiện nay, nếu không có văn bản hướng dẫn thống nhất sẽ rất khó cho cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra truy tố và xét xử các vụ án về hàng giả nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung.
Ba là, cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về định lượng giá trị hàng hóa như “hàng giả tương đương với hàng thật”, “thu lợi bất chính” và “gây thiệt hại về tài sản” và trách nhiệm của pháp nhân thương mại trong khi thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
ThS. Trần Quốc Tuấn
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an Việt Nam.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)