Thứ nhất, đối với bộ, ngành trung ương
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đã tạo ra ‘‘cú hích” trong việc triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các bộ, ngành trung ương. Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương... đã triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành do mình quản lý.
Thứ hai, đối với Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Trên cơ sở Kế hoạch của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương, thông qua các hoạt động của Chương trình, các địa phương triển khai trọng điểm như: Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương. Cũng trên cơ sở Chương trình hỗ trợ liên ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hoà... đã xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương mình.
Thứ ba, đối với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp
Việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động của Chương trình trong năm 2013 đã tạo ra ‘‘một luồng gió mới” trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các hội viên của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên cả nước. Thực tế trong thời gian qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hội viên được các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp coi trọng, nhưng do không có nguồn lực thực hiện, nên chưa được triển khai có hiệu quả. Việc Nhà nước ban hành và tổ chức triển khai Chương trình đã giúp cho các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được ‘‘tiếp thêm sức mạnh” trong công tác hỗ trợ các hội viên doanh nghiệp của mình thông qua thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp... nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Tiêu biểu như: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam...
Thứ tư, đối với các doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp được thụ hưởng các hoạt động của Chương trình (nhất là doanh nghiệp tại các tỉnh làm điểm như Hà Nội, Quảng Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc...) trong năm 2013 vừa qua, doanh nghiệp đã được thông tin, giải đáp pháp luật, góp phần tháo gỡ các khó khăn pháp lý trong quá trình thực hiện pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thông qua các tọa đàm, bồi dưỡng, bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... Thông qua các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ,... các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ pháp chế được cập nhật kiến thức về pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác pháp chế, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh.
1. Sự cần thiết hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp là cộng đồng quan trọng nhất trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế và năm 2013 là năm doanh nghiệp phải tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính năm nay có khoảng 60.737 doanh nghiệp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước. Phần lớn trong số này là chọn cách chết một cách ‘‘im lặng” khi có tới 40.116 doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng không đăng ký. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… việc các doanh nghiệp chết và giải thể, phá sản có thể sẽ kéo theo sự thất nghiệp, khó khăn trong việc làm, khó khăn cho nền kinh tế và có thể gây mất ổn định, an ninh, xã hội.
Vẫn biết rằng, việc các doanh nghiệp phá sản cũng là chuyện bình thường. Nếu doanh nghiệp không thích ứng được với những thay đổi của mô hình tăng trưởng mới, không đáp ứng được yêu cầu phát triển mới thì buộc phải phá sản. Đây chính là lúc tốt nhất để loại bỏ những doanh nghiệp không còn phù hợp với nền kinh tế mới. Tuy rằng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp phá sản đúng là phần lớn do kinh tế khó khăn, nhưng đây cũng là hệ quả tất yếu khi doanh nghiệp không thích ứng được thì phải chấp nhận ra đi. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải có các biện pháp để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về mặt thể chế, các vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và nhận thức pháp lý của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hạn chế các rủi ro pháp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh như hiện nay.
Theo ý kiến của Tổng Giám đốc một Tập đoàn xây dựng tại một cuộc tọa đàm gần đây (do Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 của Bộ Tư pháp tổ chức) đã chia sẻ: “Doanh nghiệp tôi đã thoát “án tử” nhờ được kịp thời tư vấn và hỗ trợ pháp luật”. Khi doanh nghiệp tham gia thị trường thì rất nhiều rủi ro pháp lý, mà doanh nghiệp thường sẽ gặp phải như: Rủi ro trong việc tranh chấp giữa các thành viên công ty; rủi ro trong việc tranh chấp với chính người lao động của doanh nghiệp mình; rủi ro trong việc tổ chức vận hành hoạt động và cơ cấu nội bộ của công ty; rủi ro trong hoạt động kinh doanh; rủi ro trong vay vốn tín dụng… và thực tế là ngay cả khi doanh nghiệp phá sản (chết) thì cũng có rủi ro là “chết nhưng không được chôn”.
Ngoài ra, việc được biết các thông tin pháp lý, các kiến thức pháp luật về kinh doanh đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. Rất nhiều doanh nghiệp khi tham gia thị trường, nhưng không nắm rõ quy định của Luật Doanh nghiệp, sự quan trọng của Bản Điều lệ doanh nghiệp, dẫn đến việc tranh chấp thường xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp; doanh nghiệp không nắm rõ quy định pháp luật về đấu thầu, nên thường thua thiệt trong hoạt động đấu thầu; doanh nghiệp không nắm rõ quy định pháp luật thương mại quốc tế, nên bị Chính phủ nước ngoài bắt giữ tàu biển, phong tỏa tài khoản ở nước ngoài… đấy là những vấn đề pháp lý rất cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ, bởi bản thân doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa như ở Việt Nam khó có thể tự mình thực hiện được và nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần hơn hết là sự hỗ trợ về mặt pháp lý từ Nhà nước để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình.
2. Đề xuất, kiến nghị triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản… công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được giao cho Bộ Tư pháp hoặc Bộ Lập pháp quản lý. Ở Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã thống nhất việc thực hiện và triển khai đồng bộ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cả nước. Để thúc đẩy hoạt động này, ngày 05/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 và tiếp sau đó hàng loạt tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bản tỉnh, thành phố của mình như: Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội; Quyết địnhcủa Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh… Đến cuối năm 2013, 100% tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành các kế hoạch, chương trình trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm tích cực của Nhà nước đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, thì kết quả trong công tác pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới đạt được những kết quả đáng khích lệ bước đầu và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận, nhưng hoạt động này cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Để thực hiện được điều đó, Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh hơn các hoạt động này thông qua việc xây dựng một thiết chế đủ mạnh để thực hiện công tác này trong thời gian tới. Cụ thể như:
Thứ nhất, về phía Nhà nước, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Quyết định số 585/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014, nhưng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mới cũng chỉ đạt được những kết quả bước đầu. Bộ phận quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần được xây dựng để có đủ cơ sở, vị trí pháp lý thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Đầu mối này là đầu mối chung để chỉ đạo hướng dẫn công tác này trên cả nước với tư cách là một Cục Quản lý công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoặc Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc Bộ Tư pháp hoặc Bộ Kế hoạch và đầu tư, đầu mối này được giao trách nhiệm thống nhất quản lý công tác này trên cả nước và là đầu mối xây dựng và phát triển Trang thông tin chính thức về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (đề xuất của Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam; Báo cáo kết quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2012 - 2013 và đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc… gửi Bộ Tư pháp).
Thứ hai, về phía địa phương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian qua đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai mạnh mẽ công tác này, nhiều tỉnh, thành đã ban hành các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2020. Đặc biệt như Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và bố trí một khoản kinh phí là 6 tỷ đồng dành cho công tác này; TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án và bố trí hàng chục tỷ đồng dành cho công tác này. Đầu mối triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở địa phương được giao cho các Sở Tư pháp và theo đề xuất của các Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp, thì cần có một đầu mối được thành lập như Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Sở Tư pháp quản lý để thực hiện hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh, thành phố (đề xuất của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai… gửi Bộ Tư pháp).
Thứ ba, về kinh phí thực hiện. Trong thời gian qua, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bước đầu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, tuy nhiên, so với nhu cầu của doanh nghiệp thì “như muối bỏ biển”. Theo ý kiến của chuyên gia, nếu tính tổng kính phí vài chục tỷ đồng Nhà nước dành cho công tác này trên cả nước trong những năm vừa qua thì tính ra mỗi doanh nghiệp đề xuất nhu cầu hỗ trợ cũng chỉ nhận được lợi ích tương đương một cuốn sách pháp luật trị giá 10.000đ (một nửa đôla Mỹ) (sẽ là quá thấp nếu so sánh với mức hỗ trợ pháp lý cho một doanh nghiệp của Chính phủ Hàn Quốc là 2 triệu Won – tương được 2.000 đô la Mỹ/năm). Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, ngoài những gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng (ví dụ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản…) thì công tác này thực sự vẫn chưa được quan tâm và triển khai mạnh mẽ, trong khi đó lợi ích từ việc doanh nghiệp được tăng cường năng lực thông qua việc hỗ trợ pháp lý là khó có thể tính được, nó góp phần giúp doanh nghiệp vực dậy để phát triển bền vững hoặc chí ít thì “nếu chết cũng được chôn” (hỗ trợ thực hiện phá sản doanh nghiệp)
Trần Minh Sơn