1. Thực trạng công tác thi hành án tín dụng ngân hàng
1.1. Một số yếu tố ảnh hưởng
1.1.1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Công tác thi hành án dân sự (THADS) nói chung và công tác thi hành án liên quan đến án tín dụng ngân hàng (TDNH) nói riêng đã và đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng, cụ thể:
- Sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong đó đáng chú ý là chỉ đạo bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản trong việc sửa đổi Luật Thi hành án dân sự; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổng kết thực hiện và chỉ đạo các cơ quan THADS tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thẩm định và góp ý Luật Các tổ chức tín dụng. Hàng năm, Bộ Tư pháp đều ban hành chương trình hành động, trong đó có nhiệm vụ tổ chức thi hành án liên quan đến TDNH[1].
- Trong năm 2023, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, ngày 04/01/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 07/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, theo đó kế hoạch có các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục chủ trì rà soát Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan THADS các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, phối hợp với Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và các tổ chức tín dụng (TCTD) thi hành bản án, quyết định có hiệu lực thi hành; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó đề xuất hoàn thiện quy định về việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
- Xác định thi hành án TDNH là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của cả hệ thống, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Kế hoạch công tác năm 2023 của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến TDNH với nội dung rõ nét, sâu sát và hiệu quả hơn; triển khai và chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự kiện toàn, xây dựng kế hoạch của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến TDNH tại đơn vị, tổ chức thực hiện có hiệu quả, báo cáo kết quả về Tổng cục Thi hành án dân sự theo định kỳ 06 tháng, 01 năm.
- Thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến TDNH, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, phúc tra, đối thoại công tác thi hành án TDNH trên toàn quốc để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; rà soát, theo dõi, chỉ đạo các vụ việc có điều kiện thi hành, giá trị từ 20 tỷ trở lên và 03 năm chưa thi hành xong đối với 28 tỉnh, thành phố[2].
- Để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan THADS (ban hành kèm theo Quyết định số 442/QĐ-TCTHADS ngày 01/6/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự). Theo đó, Quy trình này đã xác định rõ hơn trách nhiệm, thời hạn thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án của chấp hành viên và của công chức khác có liên quan trong tổ chức thi hành án; phân định rõ trách nhiệm của các phòng, bộ phận của cơ quan thi hành án trong tổ chức thi hành án.
- Công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo cũng có vai trò quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cơ quan THADS, chấp hành viên đối với công tác xử lý nợ xấu. Đồng thời, lắng nghe phản ánh khó khăn, vướng mắc để kịp thời xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Hàng năm, Tổng cục Thi hành án dân sự thành lập nhiều đoàn công tác, đoàn kiểm tra để làm việc, kiểm tra, đôn đốc tại một số Cục, Chi cục Thi hành án dân sự có lượng việc, tiền thi hành án lớn hoặc các địa bàn kết quả thi hành án TDNH chưa đạt yêu cầu; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các TCTD/VAMC với các cơ quan THADS để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.
- Xác định thi hành án TDNH là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp, chỉ đạo cơ quan THADS địa phương tập trung thực hiện, nâng cao hiệu quả thi hành án TDNH[3].
1.1.2. Công tác thể chế
Thời gian qua, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác THADS luôn được quan tâm, chú trọng, cụ thể:
- Tham mưu xây dựng Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ; Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, trong đó sửa đổi, bổ sung các điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự liên quan đến việc ủy thác xử lý tài sản (chủ yếu từ các vụ việc án TDNH).
- Tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án kinh doanh, thương mại” theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ. Ngày 13/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023 - 2028, trong đó có nhiều nhiệm vụ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thi hành án TDNH.
- Thực hiện việc tổng kết thi hành Luật Thi hành án dân sự tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo lộ trình, trong đó có nhiều định hướng liên quan đến thi hành án TDNH hiệu quả hơn.
1.1.3. Công tác phối hợp
Có thể thấy rằng, để công tác THADS liên quan đến án TDNH đạt được hiệu quả tối ưu nhất thì ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống các cơ quan THADS thì không thể không kể đến sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD/VAMC, Hiệp hội Ngân hàng và các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan khác, cụ thể:
- Chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ký kết Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 về việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác THADS. Quá trình thực hiện, Bộ Tư pháp đã chủ động tích cực trong việc đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan THADS đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản nợ xấu như: Thành lập Tổ xử lý nợ xấu tại Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS địa phương; hàng năm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các TCTD/VAMC để tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, phúc tra, đối thoại trực tiếp tại các cơ quan THADS; phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Agribank, Vietcombank tổ chức các hội thảo để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
- Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016, trong đó có quy định về việc kê biên, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp (Điều 4).
- Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp chỉ đạo rà soát, kịp thời tổ chức thi hành có hiệu quả các vụ việc khó khăn, phức tạp liên quan đến VAMC[4], Vietcombank, VP Bank, GP Bank, Agribank… tổ chức họp liên ngành trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức đối thoại giữa cơ quan THADS, chấp hành viên và TCTD; ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời kiến nghị và giải quyết đơn thư liên quan đến hoạt động TDNH, kịp thời giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án.
- Tổng cục Thi hành án dân sự cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp trong việc tham gia thẩm định, góp ý đối với các dự thảo luật, nghị quyết có liên quan đến công tác thi hành án TDNH (Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…).
- Ngoài việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, VAMC và các TCTD trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến án TDNH, Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hội sở của các TCTD tổ chức tọa đàm, hội thảo trao đổi khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề ra biện pháp giải quyết. Khi nhận được các văn bản đề nghị phối hợp của các TCTD, Tổng cục Thi hành án dân sự đã nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương kịp thời kiểm tra báo cáo tình hình để thực hiện có hiệu quả.
1.2. Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng những năm gần đây
- Năm 2019 (từ 01/10/2018 đến 30/9/2019): Tổng thụ lý án TDNH là 28.780 việc, tương đương với số tiền là 147.233 tỷ 858 triệu 622 nghìn đồng. Kết quả thi hành xong 4.428 việc, thu được số tiền là 22.991 tỷ 037 triệu 076 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 23,42% về việc và 22,41% về tiền.
- Năm 2020 (từ 01/10/2019 đến 30/9/2020): Tổng thụ lý án TDNH là 31.602 việc, tương đương với số tiền là 153.855 tỷ 691 triệu 856 nghìn đồng. Kết quả thi hành xong 4.760 việc, thu được số tiền là 32.669 tỷ 964 triệu 154 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 24,24% về việc và 31,72% về tiền[5].
- Năm 2021 (từ 01/10/2020 đến 30/9/2021): Tổng thụ lý án TDNH là 36.215 việc, tương đương với số tiền là 125.875 tỷ 493 triệu 381 nghìn đồng. Kết quả thi hành xong 4.503 việc, thu được số tiền là 18.246 tỷ 613 triệu 423 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 20,27% về việc và 25,31% về tiền[6].
- Năm 2022 (từ 01/10/2021 đến 30/9/2022): Tổng thụ lý án TDNH là 37.058 việc, tương đương với số tiền là 137.311 tỷ 299 triệu 746 nghìn đồng. Kết quả thi hành xong 6.215 việc, thu được số tiền là 22.544 tỷ 503 triệu 488 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 27,66% về việc và 29,41% về tiền[7].
1.3. Một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc
Mặc dù, kết quả thi hành án TDNH năm sau cao hơn so với trước nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Số việc và tiền tồn đọng chuyển kỳ sau vẫn nhiều và giá trị lớn. Tỷ lệ thi hành xong về việc của một số địa phương có số việc phải thi hành án lớn nhưng kết quả đạt được chưa cao.
- Tỷ lệ thi hành xong về tiền giữa các địa phương chưa đồng đều, một số địa phương có số tiền phải thi hành lớn nhưng tỷ lệ thi hành xong chưa cao, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án TDNH chung của toàn quốc.
- Số lượng các tranh chấp liên quan đến án TDNH ngày càng tăng cao, phần lớn các tranh chấp thường diễn ra giữa một bên là TCTD với một bên là doanh nghiệp, hộ kinh doanh với mục đích vay vốn nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh để thu lợi nhuận nên giá trị phải thi hành án lớn; số lượng hồ sơ thi hành án cho vay không có tài sản bảo đảm nhiều nên việc giải quyết thu hồi nợ của các TCTD hiệu quả không cao.
- Công tác phối hợp có nơi có lúc chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng phản ánh của các cơ quan THADS với các TCTD (nhất là việc xác minh, thu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng đất, phối hợp tìm biện pháp trong việc tổ chức thi hành án, chậm giải chấp tài sản thi hành án khi cơ quan THADS đã thi hành xong); phản ánh của các TCTD với cơ quan THADS (chậm tổ chức thi hành án, chậm kê biên tài sản bảo đảm).
- Khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm:
(i) Tài sản bảo đảm cho vay có giá trị thực tế nhỏ hơn gấp nhiều lần nghĩa vụ bảo đảm hoặc chênh lệch diện tích tài sản thế chấp giữa hợp đồng thế chấp, bản án và kết quả xác minh trên thực tế của chấp hành viên dẫn đến mất nhiều thời gian từ việc cho các bên đương sự thực hiện việc thỏa thuận hoặc phải làm thủ tục đề nghị Tòa án giải thích, đính chính, có những vụ việc phải thực hiện quyền kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án.
(ii) Tài sản bảo đảm là động sản khi xử lý gặp khó khăn do các TCTD không biết tài sản ở đâu, do ai quản lý sử dụng; tài sản là quyền khai thác mỏ theo Giấy chứng nhận đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong quá trình tổ chức thi hành án, do người phải thi hành án không thực hiện dự án đúng tiến độ nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, dẫn đến việc xử lý tài sản thế chấp không khả thi.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng
2.1. Hoàn thiện thể chế
Như chúng ta đã biết, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, mục tiêu tổng quát là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Do đó, trong hoạt động thi hành án TDNH để có hiệu quả thì việc hoàn thiện thể chế được đặt lên hàng đầu, các giải pháp cụ thể:
- Để việc xử lý nợ xấu được triển khai có hiệu quả trên thực tế, cần quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cụ thể về xử lý nợ xấu trong các nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước.
- Cần xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế (bao gồm việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm khi thu hồi nợ xấu của các TCTD).
- Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó đề xuất hoàn thiện quy định về việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn về cơ sở lý luận, thực tiễn đề nghị xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Hoàn thiện pháp luật về THADS: Tham mưu ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục xử lý tài sản thi hành án là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp (xác minh giá trị phần vốn góp, kê biên, thẩm định, bán đấu giá phần vốn góp, cổ phần...); ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, trong đó có nhiều định hướng sửa đổi liên quan đến án TDNH.
- Tham mưu ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo hướng quy định cụ thể những đặc thù trong quá trình bán đấu giá tài sản thi hành án, thi hành án TDNH; công khai, minh bạch hóa việc bán đấu giá tài sản thi hành án; đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền sở hữu cho người mua được tài sản bán đấu giá; có cơ chế giám sát, kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản bảo đảm khách quan, có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá.
- Nghiên cứu cơ chế phối hợp, trao đổi, tích hợp, đồng bộ hóa giữa cơ sở dữ liệu THADS nói chung với cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập, tài khoản… của doanh nghiệp, người phải thi hành án đang được lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về công chứng, bảo hiểm xã hội, đăng ký đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký doanh nghiệp...) để việc tra cứu, khai thác thông tin được dễ dàng, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên trong việc xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế khi tổ chức thi hành án.
2.2. Công tác chỉ đạo của bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan
2.2.1. Bộ Tư pháp
Là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về THADS, thi hành án hành chính (THAHC), Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo tham mưu hoàn thiện thể chế về THADS nói chung và thi hành án TDNH nói riêng; chỉ đạo hệ thống các cơ quan THADS đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án TDNH theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp với các bộ ngành, cơ quan đơn vị có liên quan, đặc biệt là công tác phối hợp thu hồi nợ xấu với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các TCTD, công ty quản lý tài sản.
2.2.2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Với chức năng quản lý hoạt động của ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các TCTD nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay; chỉ đạo các TCTD có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì TCTD cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để bảo đảm bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành); chỉ đạo công tác phối hợp với các bộ ngành liên quan trong công tác thu hồi nợ xấu của các TCTD, kịp thời phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
2.2.3. Các bộ ngành và đơn vị khác có liên quan
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; chỉ đạo cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp kịp thời cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án liên quan đến đất đai; thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác, xác minh điều kiện thi hành án trong tổ chức THADS được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác.
- Bộ Công an: Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm tạo điều kiện cho việc khai thác, xác minh điều kiện thi hành án trong tổ chức THADS được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan THADS trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, nhất là những vụ việc THADS có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án theo quy định của pháp luật.
- Bộ Tài chính: Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thẩm định giá nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, góp phần chấn chỉnh công tác thẩm định giá trong lĩnh vực THADS; chỉ đạo phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án là phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu.
- Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh: Tiếp tục chỉ đạo công tác THADS tại địa phương, xác định công tác THADS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương; quan tâm chỉ đạo cơ quan THADS, Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện tập trung tổ chức thi hành những vụ việc THADS có giá trị lớn, có khó khăn, phức tạp; chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan THADS, nhất là trong công tác cưỡng chế thi hành án, công tác xác minh điều kiện thi hành án.
- Tòa án nhân dân tối cao: Xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về phá sản nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thi hành các quyết định tuyên bố phá sản; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác xét xử án TDNH bảo đảm tính khả thi, trong đó chú trọng việc xem xét, thẩm định tại chỗ trước khi xét xử nhằm xác định chính xác nguồn gốc pháp lý, tình trạng sử dụng, giá trị tài sản... nhằm bảo đảm bản án tuyên được phù hợp, có tính khả thi trên thực tế; chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS có thẩm quyền.
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tăng cường công tác kiểm sát đối với hoạt động THADS nói chung, thi hành các bản án TDNH nói riêng. Quan tâm, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác THADS.
2.3. Công tác phối hợp
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định không nhỏ vào hiệu quả thu hồi nợ xấu của các TCTD là công tác phối hợp. Mặc dù, công tác phối hợp ngày càng được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả và đa dạng phương thức hơn nhưng công tác này vẫn cần thực hiện thường xuyên, tích cực hơn, thể hiện qua các mối quan hệ phối hợp sau:
- Phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự với Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam trong hoàn thiện thể chế, công tác chỉ đạo và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan THADS và các TCTD trong quá trình tổ chức thi hành án TDNH.
- Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự với các bộ, ngành khác có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an…) trong việc hoàn thiện thể chế, trao đổi tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến án TDNH.
- Sự phối hợp giữa hệ thống các cơ quan THADS với các TCTD, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bảo đảm hiệu quả nhất.
- Phối hợp giữa cơ quan THADS, chi nhánh các TCTD với cơ quan, ban ngành địa phương trong công tác vận động thuyết phục, xác minh, cưỡng chế, đấu giá tài sản THADS.
Thời gian vừa qua, các quy định của pháp luật đã có tác động tích cực trong việc xử lý nợ xấu thông qua hoạt động THADS. Tuy nhiên, chính sách vẫn tồn tại những “điểm mù” và vẫn cần phải hoàn thiện để của hoạt động xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và việc thu hồi nợ xấu thông qua hệ thống các cơ quan THADS bảo đảm hiệu quả. Bên cạnh đó, đòi hỏi sự vào cuộc, phối kết hợp kịp thời, đồng bộ, nhất quán của cả hệ thống chính trị.
Đậu Thị Hiền
Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự
[1]. Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực THADS, theo dõi thi hành án hành chính năm 2023 (kèm theo Quyết định số 2426/QĐ-BTP ngày 12/12/2022 của Bộ Tư pháp), trong đó có nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là: Kết quả thi hành án liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành cao hơn năm 2022.
[2]. Theo Công văn số 2433/TCTHADS-NV1 ngày 14/7/2021 của Tổng cục Thi hành án dân sự.
[3]. Tập trung đôn đốc kiểm tra các vụ việc có điều kiện, trên 20 tỷ và 03 năm chưa thi hành xong; đôn đốc các vụ việc chậm kê biên, xử lý tài sản, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án cho GPBank.
[4]. VAMC phản ánh 105 việc tại 28 cơ quan THADS (Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Công văn số 2367/TCTHADS-NV1 ngày 11/8/2022 chỉ đạo các cơ quan có vụ việc kịp thời kiểm tra và tổ chức thi hành theo quy định).
[5]. So với cùng kỳ năm 2019: Số thụ lý tăng 2.822 việc (tăng 9,81%), thi hành xong tăng 232 việc, tỷ lệ giải quyết tăng 0,85%; tổng số phải thi hành tăng 6.621 tỷ 833 triệu 234 nghìn đồng (tăng 4,50%), số thu được tăng 9.678 tỷ 927 triệu 078 nghìn đồng, tỷ lệ về tiền tăng 9,31%.
[6]. So với cùng kỳ năm 2020: Số thụ lý việc tăng 4.613 việc, thi hành xong giảm 257 việc, tỷ lệ giải quyết giảm 3,97%; tổng số phải thi hành về tiền giảm 27.980 tỷ 198 triệu 475 nghìn đồng, số thu được giảm 14.423 tỷ 350 triệu 731 nghìn đồng, tỷ lệ về tiền giảm 6,41%.
[7]. So với cùng kỳ năm 2021: Số thụ lý việc tăng 843 việc, thi hành xong tăng 1.712 việc, tỷ lệ giải quyết tăng 7,39%; tổng số phải thi hành về tiền tăng 11.435 tỷ 806 triệu 365 nghìn đồng, số thu được 4.297 tỷ 890 triệu 065 nghìn đồng, tỷ lệ về tiền giảm 4,1%.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 383), tháng 6/2023)