Tóm tắt: Bài viết phân tích những khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Abstract: The article analyzes the difficulties and limitations in the work of legal propaganda, dissemination and education, knowledge and skills on child abuse prevention and control in Lao Cai province, thereby proposing some solutions to improve the efficiency of this work in the near future.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định, cơ quan chức năng tiếp tục duy trì tốt các hoạt động tuần tra, kiểm soát, tăng cường các hoạt động đấu tranh, trấn áp tội phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, một số tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, một số trường hợp, đối tượng phạm tội là người thân ruột thịt, người quen biết với nạn nhân. Nạn nhân của xâm hại trẻ em chủ yếu là nữ và có khả năng tự vệ kém.
Tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sự phát triển bình thường của trẻ. Hầu hết các trẻ em bị xâm hại đều tổn thương sâu sắc về tinh thần, dễ mặc cảm, khó hòa nhập với xã hội, đặc biệt là tổn thương về sức khỏe, thể chất. Với các trường hợp trẻ em nữ bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân, thai nhi hoặc dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý.
Thời gian qua, trên toàn tỉnh, công tác trẻ em được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; các mục tiêu vì trẻ em được đưa vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nhằm từng bước nâng cao thể trạng, trình độ văn hóa, thực hiện quyền trẻ em với tinh thần “không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”. Để thực hiện công tác này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em tới toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tập trung vào các nội dung như: Luật Trẻ em; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 15/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg trên địa bàn tỉnh Lào Cai... Tuyên truyền kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em trong, ngoài trường học. Lực lượng chức năng đã xây dựng và triển khai đa dạng, phong phú các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục như thông qua các kênh: Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, bản tin chuyên ngành, báo điện tử, hệ thống cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, các câu lạc bộ, mô hình, truyền thông, nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng, các hội nghị, lớp tập huấn, diễn đàn, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, áp phích...
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đổ chức 120 hoạt động truyền thông nói chuyện chuyên đề cho trên 50.000 lượt người nghe; tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em hằng năm gắn với vận động tổ chức mùa hè an toàn, vui khỏe cho trẻ em từ tỉnh đến cơ sở, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn người tham dự; treo 631 băng rôn, 1.015 tranh áp phích, pano tuyên truyền; phát hành 11.500 tờ rơi; các cơ quan báo chí địa phương, hệ thống cổng thông tin điện tử đã phát sóng, đăng tải hàng nghìn tin, bài tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thành lập, duy trì các mô hình hoạt động tại cộng đồng liên quan gắn với bảo vệ trẻ em như: 164 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, 24 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 85 câu lạc bộ “Phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em”, 18 câu lạc bộ “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”... Gần 200 mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm tham gia như: Câu lạc bộ “Cha, mẹ nuôi dạy con tốt”, “Người cha tốt của con”, “Kết nối mẹ và con gái”, “Giáo dục cha, mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn bạn trẻ với hôn nhân gia đình”... Bên cạnh đó, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng về sử dụng miễn phí Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai là dịch vụ công đặc biệt thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác qua điện thoại.
Thông qua việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nói trên đã tác động đến nhận thức và hành động của trẻ em trong nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân; tác động đến gia đình, nhà trường và xã hội về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về bảo vệ, chăm sóc bản thân, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ đã quan tâm hơn đến một số quyền cơ bản của trẻ em, hạn chế tình trạng tảo hôn, bỏ học...
Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai là một tỉnh miền núi, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em tại đây vẫn còn tồn tại những hạn chế như: (i) Tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, buôn bán, bắt cóc trẻ vì mục đích thương mại vẫn xảy ra; tình trạng tảo hôn còn diễn ra ở vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; (ii) Công tác tuyên truyền đến nhân dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; tài liệu tuyên truyền thiếu, chưa đa dạng; thời lượng phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình dành cho trẻ em chưa nhiều, nội dung chưa phong phú; (iii) Cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong công tác trẻ em, công tác phối hợp giữa các ngành trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em; (iv) Việc phát hiện sớm, kịp thời những vụ xâm hại trẻ em còn hạn chế, nhiều vụ xâm hại trẻ em trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị phát hiện.
Những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có thể chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, một số cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở chưa thật sự quan tâm, coi nhẹ hiệu quả của các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Chưa tổ chức triển khai mạnh mẽ, huy động sức mạnh của các tổ chức quần chúng trong tuyên truyền, giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em tại các địa phương, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào đặc biệt khó khăn.
Hai là, đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác xã hội về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em còn hạn chế về số lượng, đang phải kiêm nhiệm nhiều việc hành chính tại địa phương; trình độ, năng lực nghiệp vụ về công tác trẻ em còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội ở cơ sở hạn chế về kỹ năng, phương pháp chăm sóc trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em tại các thôn, bản, tổ dân phố chưa được tập huấn thường xuyên về kỹ năng làm việc với gia đình và trẻ em, kỹ năng phát hiện sớm trẻ em bị xâm hại, bạo lực tại cộng đồng...
Ba là, người dân ở những xã, bản nghèo chưa có điều kiện quan tâm, chăm sóc tốt cho trẻ em; nhiều gia đình chỉ chú trọng việc làm ăn kinh tế, ít dành thời gian quan tâm đến con cái. Một số nơi, cha mẹ, người chăm sóc đôi khi sao nhãng, thiếu quan tâm dẫn đến trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Thiếu điểm vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hóa tinh thần cho trẻ em. Trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ít có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế, vui chơi giải trí có chất lượng.
Bốn là, mức trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thấp, kinh phí dành cho các hoạt động quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác này còn hạn chế.
Năm là, thiếu cơ sở dữ liệu cập nhật chính xác về tình hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, việc kiểm soát, phân loại, quản lý và theo dõi các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc phát hiện sớm, can thiệp và trợ giúp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, trẻ em bị xâm hại tình dục đôi lúc chưa kịp thời.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo quyết liệt tới các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở tổ chức triển khai mạnh mẽ và đa dạng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em theo từng chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn của các lực lượng. Trong đó, tiếp tục quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp, nhất là các ngành giáo dục, văn hóa, lao động trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt công tác xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh thiếu niên, huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tố giác kịp thời tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em.
Thứ hai, chú trọng bảo đảm công tác cán bộ chuyên trách làm công tác xã hội về trẻ em cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ các cấp. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ làm công tác này. Đặc biệt, chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên nhằm tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp, trong đó, cần áp dụng linh hoạt với từng địa bàn, đối tượng, thời điểm, đặc biệt là đối với địa bàn các xã, bản vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em nên lồng ghép với các phong trào quần chúng, các cTuộc vận động khác như cuộc Tvận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cần nghiên cứu, biên soạn những tài liệu tuyên truyền có nội dung ngắn gọn để quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ. Tận dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình văn hóa nghệ thuật, mạng internet và mạng xã hội... vừa trực tiếp, vừa gián tiếp để chuyển tải đến được các đối tượng cần tuyên truyền, giáo dục tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa xâm hại trẻ em.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, xem xét bổ sung ngân sách và nâng các hạn mức kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cũng như có chế độ đãi ngộ, phụ cấp hợp lý cho cán bộ công tác xã hội làm công tác này. Tiếp tục tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các dự án, tổ chức quốc tế trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh như: Dự án “Bạn hữu trẻ em tỉnh Lào Cai” đang được triển khai tại 16 xã thuộc huyện Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương; Dự án “Chương trình phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm” của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SCI); Dự án “Hướng nghiệp và trang bị kỹ năng cho trẻ em” của tổ chức Smaritan’s Purse (Mỹ) tài trợ; Dự án “Tăng cường thực thi các quyền của trẻ em dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương” của Tổ chức ACS (Thụy Điển) tài trợ... Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chương trình, dự án liên quan đến bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.
Thứ năm, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng và triển khai áp dụng phần mềm hệ thống thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hệ thống và công tác thống kê này phải được triển khai đến từng địa bàn cơ sở, yêu cầu công tác thống kê phải bảo đảm cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình trẻ em, tội phạm, vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em trên địa bàn. Trên cơ sở kết quả công tác thống kê, phát hiện những địa bàn, khu vực trọng điểm tập trung nhiều trẻ em, nhiều điều kiện, khả năng dẫn tới phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em, những đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dễ bị tổn thương, trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại. Từ đó, lực lượng chức năng có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý, theo dõi, trang bị kỹ năng phù hợp cho từng đối tượng, từng khu vực địa bàn nhằm phòng, tránh cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục.
ThS. Nghiêm Xuân Cương
Học viện Cảnh sát nhân dân