1. Đặt vấn đề
Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự nói chung, an ninh trên không gian mạng nói riêng. Những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nổi lên như các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, mại dâm, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt quyền quản lý để lấy cắp tài sản trong tài khoản ngân hàng... Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với những phương thức, thủ đoạn hoạt động phức tạp, tinh vi, xảo quyệt, gây ra nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống của các cơ quan chức năng.
Thực tiễn cho thấy, hành vi lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn thường xuyên thay đổi và rất tinh vi, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài. Mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng lợi dụng mạng máy tính, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thiết lập các trang, hội nhóm trên không gian mạng (chủ yếu là Facebook, Zalo và Telegram) để quảng cáo, lôi kéo nạn nhân tham gia vào các kịch bản: Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng cho vay vốn lãi suất thấp; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng...; lừa đảo cho số đánh đề; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook. Đối tượng mà chúng chấm chọn để tiến hành các hành vi lừa đảo là nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng... thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cũng như tinh thần cho người dân đang không ngừng biến tướng và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng trong xã hội.
Hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng; có vụ số nạn nhân lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn[1]. Trước tình hình đó, vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là cần nghiên cứu tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại Việt Nam; đánh giá toàn diện về thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
2. Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại Việt Nam và thực trạng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện hơn 13 nghìn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự và chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 1.670 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng qua các năm đều có xu hướng tăng số vụ, số đối tượng lẫn hậu quả[2].
Qua công tác nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp 24 hình thức lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, gồm: (1) Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; (2) Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; (3) Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; (4) Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; (5) Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; (6) Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; (7) Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; (8) Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen; (9) Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng...); (10) Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; (11) Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; (12) Lừa đảo tuyển cộng tác viên online; (13) Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; (14) Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo; (15) Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; (16) Đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; (17) Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; (18) Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; (19) Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; (20) Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; (21) Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook; (22) Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng; (23) Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; (24) Lừa đảo cho số đánh đề. Như vậy, ngoài các đặc điểm tương tự như đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản truyền thống thì đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường bộc lộ một số đặc trưng như sau:
- Đối tượng có các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng internet, mạng viễn thông hoặc thiết bị số… làm công cụ để tham gia trực tiếp vào quá trình phạm tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, yếu tố sử dụng thiết bị công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định trong việc phạm tội, đối tượng phạm tội không cần trực tiếp tiếp xúc với người bị hại, tài sản chiếm đoạt thông qua chuyển khoản, nạp mã thẻ cào qua điện thoại.
- Để che đậy hành vi phạm tội, đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như mở tài khoản truy cập, tài khoản ngân hàng bằng thông tin của người khác, sử dụng ứng dụng AI để làm sai lệch giọng nói, đặc điểm khuôn mặt, ẩn thuê bao hoặc hiện thuê bao giống, tương tự các thuê bao đại diện của cơ quan Nhà nước, cơ quan tổ chức xã hội (như Ngân hàng, Bưu điện, Công an, Thuế, Tòa án, Viện kiểm sát…) tạo nhiều vỏ bọc với hình thức đăng nhập nhiều tài khoản, sử dụng nhiều thiết bị máy tính, mạng, di chuyển địa điểm truy cập, làm giả địa chỉ IP làm cho cơ quan chức năng khó xác định được vị trí chính xác nơi các đối tượng đăng nhập sử dụng mạng, máy tính công cụ để hoạt động phạm tội.
Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhận thấy, các đối tượng này thường hoạt động theo đường dây ổ nhóm liên kết với nhau chặt chẽ, phối hợp che giấu nguồn tiền chiếm đoạt. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, sim, số rác, tổng đài ảo máy chủ đặt ở nước ngoài, xây dựng các kịch bản, có đầu tư để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại. Lợi dụng “kẽ hở” của ngân hàng để đăng ký, thuê mua, sử dụng tài khoản không chính chủ để nhận tiền của bị hại, sử dụng thủ đoạn chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác nhau hoặc mua tiền điện tử để che giấu dòng tiền chiếm đoạt, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng. Trong khi đó, tình trạng lộ, mất, mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn biến phức tạp, với số lượng lớn trên môi trường mạng; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng còn chưa chặt chẽ, còn nhiều sim rác, tài khoản ngân hàng ảo, là điều kiện cho các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Xác định tính chất phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, lực lượng Công an đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh như: Làm tốt công tác tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác tội phạm; chủ động xây dựng kế hoạch nắm tình hình, điều tra cơ bản theo chuyên đề, lĩnh vực để phòng ngừa, đấu tranh; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình củng cố chứng cứ, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; xây dựng các quy chế phối hợp với các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được tiến hành thường xuyên, có chất lượng, phát huy hiệu quả tích cực góp phần hạn chế nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, kết quả nổi bật là:
Một là, lực lượng Công an đã tổ chức quán triệt, truyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản liên quan công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, trọng tâm là Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia; Chỉ thị số 01/ CT-TTg ngày 18/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay; Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa và xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Quyết định số 77/QĐTTg ngày 30/11/2022 Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng”. Lực lượng Công an đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa đối với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và vận động quần chúng nhân dân tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Qua đó, lực lượng Công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo 138 ban hành Chương trình về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội giai đoạn 2021 - 2025; triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng”. Qua triển khai, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, hạn chế tội phạm lừa đảo phát sinh; tuyên truyền, phổ biến các cách thức để người dân tự phòng ngừa và phát hiện các nguy cơ mất an toàn thông tin, hướng dẫn sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin một cách an toàn; khuyến khích người sử dụng các sản phẩm ứng dụng có bản quyền hợp pháp, sử dụng các chương trình bảo vệ an toàn thông tin cập nhật thường xuyên các bản vá lỗi, không sử dụng các phần mềm không đáng tin cậy, không đăng nhập và các đường link từ người lạ; tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Ba là, lực lượng Công an chú trọng tuyên truyền sâu rộng, đa dạng về hình thức, nội dung liên quan phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nâng cao ý thức cảnh giác đề phòng, phát hiện và tố giác tội phạm kịp thời. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng, phát triển và duy trì các kênh thông tin, gồm: Fanpage, hội nhóm, tài khoản Facebook, Youtube, Cổng thông tin điện tử phục vụ công tác đấu tranh, phản bác, tuyên truyền, định hướng dư luận, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Những năm qua, đã chỉ đạo biên tập, dẫn nguồn thông tin, bài viết “phủ xanh” thông tin tích cực, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao thu hút nhiều triệu lượt theo dõi, tương tác, chia sẻ; bình luận phản bác đối với những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá, hoạt động của tội phạm mạng.
Bốn là, lực lượng Công an xây dựng nhiều mô hình, nhóm mô hình “Dân vận khéo” trên các kênh thông tin Zalo, Facebook, qua đó huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân vào phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nổi bật như: Kết nối, tuyên truyền phòng, chống tội phạm qua mạng xã hội Zalo; tuyên truyền pháp luật và phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên thiết bị điện thoại di động thông minh, mạng xã hội Zalo; trang Fanpage Công an phường tuyên truyền pháp luật; mô hình Zalo tiếp nhận tin báo, tố giác tệ nạn xã hội… Trong đó, mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao” của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao được Bộ Công an chọn là một trong 09 mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tiêu biểu.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể:
- Công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đặt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trên một số lĩnh vực mới như: AI, Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ tạo ra các sản phẩm về âm thanh, hình ảnh, video giả mạo (công nghệ deepfake)… đặt ra những khó khăn, thách thức cho lực lượng Công an trong việc phát hiện phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân; tội phạm mạng hoạt động ngày càng tinh vi, sử dụng trang thiết bị hiện đại, liên kết chặt chẽ, có yếu tố nước ngoài dẫn đến khó khăn trong triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.
- Xuất phát từ yêu cầu cần thiết phải thiết lập, sử dụng trong thời đại công nghệ số, một số mô hình, kênh thông tin, kết nối liên lạc trên không gian mạng để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được ra đời. Tuy nhiên, các mô hình, kênh thông tin này chưa được đầu tư, quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ, các phần tử xấu có thể lợi dung thành lập các kênh thông tin giả danh, mạo danh, sử dụng các phương thức, thủ đoạn tuyên truyền, núp bóng tinh vi để bóp méo và làm sai lệch thông tin, thu thập thông tin cá nhân nhằm thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, công tác xây dựng các mô hình, thành lập các kênh thông tin, nhóm liên lạc có nhiều thành phần, đối tượng, thiết bị công nghệ tham gia, phong trào còn tự phát, từ đó gây khó khăn trong công tác quản lý, phát triển, duy trì trong thực tiễn, do vậy, cần có cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cụ thể hơn, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong thời gian tới.
- Lực lượng chuyên trách trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo còn nhiều hạn chế về trình độ khoa học, công nghệ và trang thiết bị; công tác phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên do kinh phí phục vụ tuyên truyền, vận động còn hạn chế; một bộ phận người dân còn chủ quan, mất cảnh giác, thiếu kiến thức, am hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mạng, còn sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, tính bảo mật thấp trong giao dịch, mua bán, liên lạc. Ngoài ra, tình trạng đăng tải, truyền đưa tài liệu bí mật nhà nước trái quy định, mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân còn xảy ra ở nhiều nơi, công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng còn hạn chế là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm lừa đảo thông qua không gian mạng.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm, xác định công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mạng, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về không gian mạng và lực lượng chuyên trách bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao đóng vai trò nòng cốt. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh với tội phạm mạng nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người dân trong thời đại phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà trong đó khoa học, công nghệ đã đang và sẽ tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng cần được cập nhật, đổi mới phù hợp với tính chất địa bàn, đối tượng, lĩnh vực.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, tổng kết, xây dựng, củng cố, hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định chặt chẽ, thống nhất, cụ thể để công tác xây dựng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng được thuận lợi; tiếp tục duy trì, phát triển kênh thông tin, các mô hình, sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo trong huy động sự tham gia của nhân dân, các nguồn lực xã hội vào công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng, góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng, quản lý các ngành, nghề kinh doanh chặt chẽ trong thời đại công nghệ số; đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng; đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, qua đó làm nhân tố nòng cốt trong phát động, xây dựng và phát triển phong trào quần chúng bảo đảm an ninh trật tự. Lực lượng Công an tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao vào công tác tổ chức, phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thứ tư, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao phát huy vai trò chủ trì, hướng dẫn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia xây dựng các mô hình, gương điển hình tiên tiến để chọn lọc, nhân rộng, kịp thời động viên, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả để khuyến khích các thành phần, đối tượng tham gia. Công tác xây dựng các mô hình, kênh thông tin tuyên truyền, vận động cần đưa vào triển khai trong chương trình, kế hoạch thường xuyên; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định, đánh giá trong quá trình vận hành và sử dụng trong thực tiễn, được bố trí nguồn kinh phí để hoạt động.
Thứ năm, thường xuyên tổng kết thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, tạo lập cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, duy trì và phát triển mối quan hệ mật thiết giữa quần chúng nhân dân với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng./.
PGS. TS. Hoàng Minh Đức
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Trần Cường (2022), Bộ Công an cảnh báo 8 thủ đoạn lừa qua mạng”, https://thanhnien.vn/bo-cong-an-canh-bao-8-thu-doan-lua-dao-qua-mang-1851513796.htm, truy cập ngày 01/7/2024.
[2]. Cần giải pháp căn cơ, lâu dài ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=79797, truy cập ngày 01/7/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)