Tóm tắt: Bài viết bàn về những kết quả đạt được, đồng thời phân tích một số khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng của lực lượng Cảnh sát kinh tế, từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Abstract: The article discusses the achieved results, and analyzes some difficulties and limitations in the propaganda and mobilization of the masses to participate in the prevention of crimes against regulations on banking and other activities related to the banking activities of the economic police force, thereby, proposing some solutions to improve the efficiency of this work in the coming time.
1. Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua, cùng với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước, lĩnh vực ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn diễn biến phức tạp. Phổ biến như, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (giai đoạn trước năm 2018) và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng (giai đoạn sau năm 2018).
Theo thống kê của Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an, từ năm 2012 đến năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 20% so với tổng số các loại tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng. Loại tội phạm này có quy mô ngày càng lớn cả về hành vi và hậu quả, giá trị tiền, tài sản thất thoát đặc biệt lớn, số người phạm tội ngày càng gia tăng, trong đó có một số cán bộ giữ vai trò chủ chốt, có chức vụ, quyền hạn cao; tính chất các vụ án càng phức tạp với hành vi phạm tội có tổ chức...
Tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng là cách thức lực lượng Cảnh sát kinh tế sử dụng các lực lượng, phương tiện, phương pháp để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, động viên, thuyết phục, tổ chức quần chúng tham gia vào các hoạt động phát hiện, tố giác và ngăn chặn tội phạm. Công tác này có vai trò, vị trí rất quan trọng, cơ bản, mang tính chiến lược, làm nền tảng cho việc thực hiện các công tác khác.
Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đã được lực lượng Cảnh sát kinh tế tổ chức thường xuyên, tập trung vào những nội dung, đối tượng và hình thức như sau:
- Nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng tập trung vào các quy định của pháp luật hình sự (đặc biệt là quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017); các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng; các phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng; hậu quả của hành vi phạm tội gây ra… Hàng năm, lực lượng Cảnh sát kinh tế thường tổ chức trên 500 buổi tuyên truyền pháp luật, trong đó tập trung ở một số thành phố lớn với nhiều ngân hàng thương mại như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
- Các nhóm đối tượng được hướng đến trong công tác tuyên truyền, vận động là toàn thể quần chúng nhân dân và đặc biệt là các cán bộ, nhân viên của hệ thống ngân hàng thương mại... Công tác này chủ yếu được lực lượng Cảnh sát kinh tế tiến hành, có sự phối hợp của lực lượng Công an cơ sở, phụ trách địa bàn nơi có trụ sở, địa điểm làm việc của các ngân hàng thương mại.
- Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tuyên truyền, vận động quần chúng qua hai nhóm hình thức: (i) Tuyên truyền trực tiếp: Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã trực tiếp tổ chức, gặp gỡ và tiến hành tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ, nhân viên các ngân hàng thương mại… thông qua các vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đã được điều tra, khám phá và xử lý đối tượng trước pháp luật. Thực tế cho thấy, sau các hoạt động tuyên truyền, vận động này, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm của một bộ phận người dân, cán bộ, nhân viên các ngân hàng thương mại được nâng cao, hạn chế được những sơ hở, điều kiện mà tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng lợi dụng để gây án. (ii) Tuyên truyền gián tiếp: Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh…, trên cơ sở tình trạng tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng được phát hiện, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã thông qua phương tiện thông tin, phương tiện truyền thông hoặc qua công văn đã gửi thông báo về thủ đoạn của tội phạm đến cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời thông tin về vụ việc, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, nhân viên các ngân hàng thương mại được phổ biến, nắm bắt thông tin và nâng cao nhận thức về loại tội phạm này. Đồng thời, thông qua hoạt động này để răn đe, tác động vào những đối tượng là nhân viên ngân hàng thương mại đang có ý định phạm tội từ bỏ hành vi phạm tội.
2. Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng còn gặp một số khó khăn, hạn chế như sau:
- Một số cán bộ tuyên truyền viên của lực lượng Cảnh sát kinh tế chưa bảo đảm về trình độ, kỹ năng tuyên truyền và nghiệp vụ vận động quần chúng do chưa được tập huấn thường xuyên; cán bộ tuyên truyền viên thường hoạt động kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ nên chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn; cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền, vận động còn chưa đáp ứng được thực tế.
- Hoạt động tuyên truyền, vận động hướng đến nhóm đối tượng còn theo diện rộng, đồng nhất về nội dung và hình thức, chưa có sự tách riêng đối với từng diện đối tượng như: Đối tượng được tuyên truyền, vận động là lãnh đạo trong các ngân hàng thương mại, cán bộ phụ trách nhiệm vụ về cấp tín dụng, vay vốn, thẩm định… Ngoài ra, nhiều địa bàn hoạt động tuyên truyền, vận động còn được giao cho các ngân hàng thương mại chủ động tiến hành tuyên truyền để cán bộ, nhân viên hiểu và chấp hành, tuy nhiên cách làm này lại hạn chế về hiệu quả trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm và trang bị những kỹ năng phát hiện, tố giác với lực lượng Cảnh sát kinh tế; nhiều trường hợp các ngân hàng thương mại không tổ chức tuyên truyền, vận động trên thực tế mà chủ yếu hoàn thiện hồ sơ, hoặc nếu có tổ chức thì cũng chỉ mang tính hình thức mà chưa hướng đến việc phát huy hiệu quả của hoạt động này trong phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
- Quá trình tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chưa được tiến hành thường xuyên, theo kế hoạch định kỳ mà chủ yếu là kế hoạch đột xuất. Việc thực hiện hoạt động này chủ yếu tập trung và thường xuyên ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Còn tại một số địa phương như như Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị… thì hoạt động này lại được tiến hành hạn chế.
3. Một số giải pháp
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác tuyên truyền và vận động quần chúng thuộc chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế.
- Tổ chức rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.
- Lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản, tài liệu phục vụ tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn dựa trên quá trình điều tra, đánh giá tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi quản lý của mình.
Thứ hai, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
- Đối tượng tác động của công tác tuyên truyền, vận động bao gồm toàn thể quần chúng nhân dân và các cán bộ nhân viên của các hệ thống ngân hàng thương mại..., do vậy, cần tiến hành phân loại đối tượng theo các tiêu chí khác nhau như chức vụ, trình độ, độ tuổi… để vận dụng các phương pháp, nội dung tuyên truyền phù hợp đối với từng đối tượng.
- Áp dụng có hiệu quả công nghệ hiện đại, phương tiện thông tin đại chúng để công tác tuyên truyền có thể tiếp cận được tất cả quần chúng nhân dân, đến mọi khu vực, địa bàn trên cả nước.
- Đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát hiện và tố giác tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng... Thông qua định hướng truyền thông, phổ biến đến quần chúng đầy đủ thông tin về tội phạm lĩnh vực ngân hàng, hướng dẫn cụ thể về quy trình tố giác tội phạm, như vậy sẽ giúp quá trình tiếp nhận, xác minh thông tin tội phạm được nhanh chóng, bảo đảm tiến độ.
Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm và trình độ của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát kinh tế thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, báo cáo viên bảo đảm về số lượng, chất lượng, có bản lĩnh vững vàng, năng lực chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát kinh tế. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng, nghiệp vụ công an; kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ vận động quần chúng.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp của các lực lượng trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, các lực lượng trong việc kết nối, hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Nhất là đối với những thông tin nội bộ, chuyên đề và vận dụng những lý luận khoa học để đối thoại, giải đáp những thắc mắc những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát kinh tế với các lực lượng trong và ngoài Ngành Công an thực sự hiệu quả, chất lượng, góp phần thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
- Thường xuyên duy trì công tác sơ kết, tổng kết định kỳ, đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng hàng năm. Đồng thời, tiến hành nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm và thực hiện chế độ thi đua, khen thưởng khi có nhiều đóng góp, sáng kiến tích cực, hiệu quả.
Đại úy Nguyễn Phương Linh
Phòng 3, Cục Đào tạo, Bộ Công an
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 376), tháng 3/2023