1. Quy định của pháp luật về công tác xếp loại chấp hành án phạt tù
Điều 35 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “1. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 06 tháng, 01 năm. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục. 2. Căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức tốt, khá, trung bình, kém. 3. Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý, 06 tháng, 01 năm phải bằng văn bản, được lưu hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù”.
Xếp loại chấp hành án phạt tù là một trong những nội dung của hoạt động thi hành án phạt tù. Đây là hoạt động quan trọng phản ánh kết quả cải tạo của từng phạm nhân, thể hiện sự ghi nhận đối với nỗ lực cải tạo của phạm nhân trong quá trình chấp hành án. Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù là một trong các điều kiện quan trọng để áp dụng thực hiện chính sách khoan hồng của pháp luật như xem xét, quyết định cho phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án hay được hưởng những chế độ khác (tăng thời gian gặp thân nhân, gặp thân nhân tại phòng riêng...)
Thực hiện quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự (Nghị định số 133/2020/NĐ-CP), Thông tư số 103/2021/TT-BCA ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân (Thông tư 103/2021/TT-BCA), các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân đã làm tốt công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, định kỳ, đột xuất thành lập các đoàn kiểm tra công tác xếp loại chấp hành án; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác xếp loại cho phạm nhân... Theo đó, công tác xếp loại chấp hành án cho phạm nhân tại các trại giam hiện nay được thực hiện đúng quy định của pháp luật, các phạm nhân đủ điều kiện đều được tổ chức xếp loại, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của phạm nhân, không để xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại liên quan đến kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù và thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân.
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Một là, về tiêu chí xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân được quy định cụ thể tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, và Thông tư số 103/2021/TT-BCA, một số tiêu chí còn mang tính chung chung, định tính, dẫn đến việc thực hiện nhận xét, xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân trở nên hình thức. Ví dụ, tiêu chí “ăn năn hối cải, nhận rõ tội lỗi, xác định đúng đắn thái độ, tư tưởng, yên tâm học tập, lao động, rèn luyện tiến bộ, nêu cao tinh thần vượt khó, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội” hay tiêu chí “… tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thái độ, hành vi sai phạm của phạm nhân khác”. Đây là những tiêu chí mang nặng định tính, chủ yếu phản ánh tâm lý, tư tưởng của phạm nhân. Việc đánh giá quá trình cải tạo theo các tiêu chí này có thể thông qua các hành vi cụ thể của phạm nhân nhưng để đánh giá đúng, đủ và khách quan với kết quả thực hiện các tiêu chí đó là rất khó khăn. Bởi thực tế đã chứng minh, vẫn còn những trường hợp phạm nhân được xếp loại khá, tốt và được giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá nhưng lại tái phạm tội sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Hai là, các điểm a, b khoản 1 Điều 18 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định: “a) Phạm nhân đã được nhận xét, đánh giá thái độ, kết quả chấp hành án phạt tù từ 04 ngày trở lên trong một tuần thì được xếp loại tuần. Xếp loại tuần vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Thời gian xếp loại tuần tính từ ngày thứ Bảy tuần trước đến ngày thứ Sáu tuần sau đó; b) Phạm nhân đã được xếp loại từ 03 tuần trở lên trong một tháng thì được xếp loại tháng. Xếp loại tháng vào ngày 25 hằng tháng. Thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 của tháng trước đến ngày 25 của tháng sau đó. Trường hợp phạm nhân đã chấp hành án phạt tù được 20 ngày trong 01 tháng, thì thời gian xếp loại được tính từ ngày 06 đến ngày 25 của tháng đó”. Thực tiễn áp dụng các quy định trên đã phát sinh những bất cập, mâu thuẫn, cụ thể: Nếu thời điểm phạm nhân đến trại chấp hành án rơi vào ngày thứ Ba (của tuần thứ 2 tháng có 04 tuần; tuần thứ 3 tháng có 05 tuần) thì phạm nhân chỉ chấp hành án 18 ngày đã được xếp loại 03 tuần và đủ điều kiện xếp loại tháng, trong khi đó lại có trường hợp phạm nhân đã chấp hành án đủ 20 ngày nhưng vì ngày phạm nhân đến trại chấp hành án vào ngày 06 rơi vào thứ Tư (của tuần thứ 2 tháng có 04 tuần; tuần thứ 3 tháng có 05 tuần) nên chỉ đủ điều kiện xếp loại 02 tuần và không được xếp loại tháng. Điều này ảnh hưởng đến tính bình đẳng trong thực hiện chính sách nhân đạo của pháp luật về thời gian xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định mốc thời gian xếp loại tháng kể từ ngày 26 tháng trước đến ngày 25 tháng sau. Mốc thời gian để xếp loại tháng như vậy là không trùng với tháng, quý theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho việc xác định phạm nhân có hoàn thành hoặc vượt định mức lao động được giao hay không, bởi kết quả tham gia lao động của phạm nhân trong tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối tháng.
Ba là, điểm d khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định “... tham gia đầy đủ 100% ngày công, lao động có chất lượng, hiệu quả, hoàn thành 100% định mức công việc và vượt định mức hoặc tiến độ được giao...” mới đạt tiêu chí, yêu cầu lao động để được xếp loại Tốt. Trên thực tế, nhiều phạm nhân không thể tham gia đầy đủ 100% ngày công vì các lý do khách quan hoặc được thực hiện các chế độ khác theo quy định, như: Thăm gặp thân nhân, nghỉ ốm, tham gia học tập, gián đoạn việc làm do thời tiết, hết việc làm... Ngoài ra, việc xác định vượt định mức lao động giữa các phạm nhân lao động trực tiếp, làm ra sản phẩm với phạm nhân làm công việc gián tiếp như vệ sinh, cấp dưỡng, trực sinh, kiểm tra sản phẩm… trong thực tiễn vẫn chưa thống nhất cách hiểu.
Cũng là một loại tiêu chí để phạm nhân được xếp loại Tốt, điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “... trường hợp được miễn thi hành án hoặc bản án tuyên tạm giữ tiền bảo đảm thi hành án, số tiền đó bằng hoặc cao hơn số tiền phải khắc phục hoặc đã bị kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự xác nhận số tài sản kê biên đủ hoặc cao hơn để bảo đảm thi hành án hoặc cơ quan thi hành án dân sự có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc quyết định kết thúc thi hành án, thì được coi là đã khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra...”. Thông thường, xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc hoàn thiện các thủ tục liên quan như kê biên, tạm giữ tài sản, gửi xác nhận đến trại giam... thường kéo dài, không kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của phạm nhân khi không được xếp loại chấp hành án phạt tù.
Bốn là, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc thực hiện xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hằng quý, 06 tháng. Điểm e khoản 2 Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng, đến kỳ xếp loại, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được nhận cấp dưỡng cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc xác nhận là đã thực hiện xong đến thời điểm đó, thì được coi là đã tích cực khắc phục hậu quả”. Đây là cơ sở để các trại giam đối chiếu, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù về tiêu chí “tích cực khắc phục hậu quả”. Tuy nhiên, đối với những phạm nhân phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quý, 06 tháng thì có trường hợp đến kỳ xếp loại hằng tháng nhưng do thời điểm thực hiện việc cấp dưỡng vào giữa hoặc cuối kỳ (đối với quý, 06 tháng) nên chưa có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Điều này dẫn đến việc những phạm nhân này không được xếp loại khá, tốt (nếu không thực hiện được những thủ tục, cam kết quy định tại Điều 9 Thông tư số 103/2021/TT-BCA), ảnh hưởng đến điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá của phạm nhân.
Năm là, quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân tại Thông tư số 103/2021/TT-BCA còn mâu thuẫn với một số quy định khác của pháp luật, như: Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “... đã bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt...”. Có ý kiến cho rằng, nếu áp dụng điều khoản này thì khắc phục “một phần hai” hay “một phần mười” cũng đều là “một phần”. Vì vậy, phạm nhân khắc phục ít hơn một phần hai trách nhiệm dân sự thì vẫn có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án. Điều này sẽ mâu thuẫn với quy định về xếp loại khá tại Điều 9 Thông tư số 103/2021/TT-BCA (vì phải xếp loại khá trở lên thì phạm nhân mới được xét giảm thời hạn chấp hành án), nếu chưa khắc phục hoặc khắc phục được một phần trách nhiệm dân sự thì phạm nhân phải có đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn và cam kết sẽ khắc phục sau khi chấp hành xong án phạt tù (hoặc đã khắc phục được một phần hai trách nhiệm dân sự và có cam kết khắc phục sau khi chấp hành xong án phạt từ). Bên cạnh đó, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn mà chỉ có quy định về việc cơ quan thi hành án dân sự xác nhận chưa có điều kiện thi hành án (theo điều 44, 44a Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022).
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung quy định đối với các tiêu chí thuộc về vấn đề tâm lý, tư tưởng của phạm nhân. Tăng thêm các tiêu chí mang tính định lượng, giảm các tiêu chí mang tính định tính nhằm hạn chế tối đa tiêu cực trong việc nhận xét, xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.
Thứ hai, sửa đổi nội dung trong việc xác định tham gia đầy đủ 100% ngày công lao động, hoàn thành 100% định mức công việc để được xếp loại Tốt tại Điều 19 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP nhằm phù hợp, thống nhất với các quy định khác trong thực hiện các chế độ, chính sách khác của phạm nhân như thăm gặp thân nhân, liên lạc với thân nhân bằng điện thoại, tham gia học tập... đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế tại các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an.
Thứ ba, bổ sung hướng dẫn quy định cụ thể về việc thực hiện xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ hằng quý, 06 tháng để bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành về nghĩa vụ cấp dưỡng của phạm nhân.
Thứ tư, điều chỉnh, sửa đổi mốc thời gian xếp loại tuần, tháng, quý để bảo đảm hơn nữa sự bình đẳng trong xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, không để xảy ra trường hợp mâu thuẫn giữa phạm nhân chấp hành án 18 ngày và 20 ngày như đã phân tích ở phần trên. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh để có sự thống nhất, phù hợp với hệ thống pháp luật chung của nước ta, đặc biệt là một số bộ luật, luật có liên quan trực tiếp điều chỉnh một số nội dung trong công tác thi hành án phạt tù như Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Lao động…
ThS. Võ Huỳnh Khuyên
Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp,
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
Ảnh: internet