1. Thực trạng công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an, toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước. Với vị trí địa lý đặc biệt và là cửa ngỏ để tập trung lượng lớn hàng hóa để sản xuất, xuất khẩu và trung chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành trong cả nước, giao thông ở đây đang giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố có 05 bến xe lớn là: Bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, bến xe Chợ Lớn, bến xe quận 8, bến xe An Sương và nhiều tuyến đường chính có tầm quan trọng như Quốc lộ 1A, tuyến đường xuyên Á. Mạng lưới đường bộ của Thành phố được cấu trúc theo kiểu hình xuyên tâm và hình ô bàn cờ. Toàn Thành phố có khoảng 3.232 tuyến đường với chiều dài khoảng 3.981 km, tổng diện tích mặt đường vào khoảng 63,1 triệu m2. Các tuyến đường đều bố trí lưu thông hỗn hợp nhiều loại xe, lưu thông hai chiều có dải phân cách hoặc vạch sơn phân cách hai chiều lưu thông ngược nhau. Theo số liệu thống kê, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quản lý 7.420.395 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó, có 556.688 xe ôtô và 6.863.707 xe mô tô, gắn máy các loại[1], đó là chưa tính đến các phương tiện xe mô tô, gắn máy mang biển số tỉnh và các loại xe máy điện và xe dành cho người tàn tật chưa được thống kê đầy đủ đang lưu thông trên địa bàn.
Với tình hình đặc điểm trên, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tích cực tham mưu cho Giám đốc Công an Thành phố cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông có gắn với bảo đảm công tác xử lý vi phạm hành chính như: Tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, trường học, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang...; quán triệt và triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 14/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ) và củng cố Ban Chỉ đạo An toàn giao thông, Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/2011 về ban hành Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Văn hóa giao thông”, tích cực phối hợp với các nhà trường mở các lớp giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng mở các chuyên mục an toàn giao thông nhằm phản ánh kịp thời tình hình trật tự, an toàn giao thông trên toàn địa bàn Thành phố.
Trong gần 05 năm (từ năm 2019 đến tháng 6/2023), lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và tiến hành lập biên bản xử lý khoảng 5.350.460 trường hợp vi phạm, đã thi hành 4.756.537 quyết định xử phạt; tổng số tiền nộp phạt là 1.385,1 tỷ đồng (từ năm 2019 đến tháng 6/2023 đã thu được 338,450 tỷ đồng); tổng số tiền thu được nộp kho bạc Nhà nước đạt tỷ lệ 88,89% trên tổng số tiền thể hiện trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; hình thức phạt bổ sung: Tạm giữ 439.508 phương tiện, tước giấy phép lái xe 478.327 trường hợp. Trung bình mỗi năm phát hiện và xử lý 1.337.615 trường hợp vi phạm[2]. Qua nghiên cứu các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cho thấy, mô tô hai bánh vi phạm chiếm tỷ lệ nhiều nhất lên đến 84,76% tổng số vụ vi phạm, số ô tô vi phạm chiếm trung bình 15,02% và các phương tiện khác không đáng kể là 0,22%; thời gian xảy ra vi phạm nhiều nhất thường tập trung vào các tháng có ngày nghỉ lễ kéo dài, các tháng trước, sau Tết Nguyên Đán và vào dịp nghỉ hè từ tháng 5 đến tháng 7 (bình quân khoảng từ 15 - 20% so với các tháng khác); trình độ nhận thức của chủ thể vi phạm: 8% tốt nghiệp tiểu học, 56% tốt nghiệp trung học cơ sở, 28% tốt nghiệp trung học phổ thông, 6% tốt nghiệp cao đẳng, đại học hoặc sau đại học, cá biệt có 02% người vi phạm không biết chữ. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Chạy xe quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm; lưu thông ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, dừng và đỗ không đúng quy định; lưu thông không đúng phần đường, làn đường; điều khiển xe khi đã uống rượu, bia; lưu thông đường cấm, giờ cấm; xe chở quá số người quy định; lạng lách, đánh võng; không có giấy phép lái xe; xe chưa đăng ký, xe gắn biển số giả; xe không kiểm định an toàn kỹ thuật; xe chở quá tải, quá khổ; tránh, vượt không đúng quy định; hệ thống giảm thanh không bảo đảm; chuyển hướng sai quy định…
Có thể nói, vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ là nguyên nhân cơ bản và chủ yếu dẫn đến tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Do đó, công tác phát hiện và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là yêu cầu thường xuyên, bức thiết nhằm bảo đảm trật tự an, toàn giao thông trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, mang lại niềm tin của người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố.
2. Một số khó khăn, hạn chế trong công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, hiện nay, chưa có chế tài xử lý đối với các chủ phương tiện vi phạm giao thông đường bộ trốn tránh khi bị phát hiện vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát (chưa lập biên bản), bởi lẽ, sau thời gian xác minh nguồn gốc phương tiện, đối chiếu, gửi thư mời nhiều lần mà đối tượng vẫn cố tình không đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết và chấp hành quyết định xử phạt dẫn đến hồ sơ xử phạt tồn đọng, chờ giải quyết còn quá nhiều (trung bình mỗi năm, chiếm khoảng 17,53% trong tổng hồ sơ quản lý).
Hai là, theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sỹ Công an nhân dân không có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Vì vậy, trên thực tế, khi phát hiện vi phạm thì những người này không thể ra quyết định khắc phục hậu quả như: Buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ... Sau khi lập biên bản vi phạm xong, các đối tượng vẫn tiếp tục chở quá tải hoặc quá khổ, như vậy chưa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Ba là, biên chế lực lượng xử lý vi phạm hành chính, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu về số lượng và có phần hạn chế về chất lượng: Trong các ngày lễ, tết, lực lượng xử lý vi phạm hành chính vẫn phải đi tuần tra, một bộ phận cán bộ, chiến sỹ được luân chuyển từ các đơn vị, bộ phận nghiệp vụ khác hoặc tuyển từ ngành ngoài vào được bố trí làm công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông nhưng chưa được tập huấn hoặc đào tạo cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính nên đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Một bộ phận cán bộ, chiến sỹ trong quá trình tiếp xúc với người vi phạm tại trụ sở cơ quan, đơn vị có thái độ, ứng xử chưa đúng mực hoặc khi người dân có thắc mắc thì giải thích chưa rõ ràng, cụ thể, khiến người vi phạm cho rằng lực lượng Cảnh sát giao thông hạch sách, nhũng nhiễu, buộc người dân phải đi lại nhiều lần, gây nhiều phiền hà cho họ. Điều này đã gây ra sự phản ứng tiêu cực của người vi phạm tại trụ sở cơ quan, ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Bốn là, do thường xuyên bị quá tải bởi một khối lượng công việc quá lớn, cán bộ xử lý vi phạm hành chính khi ra quyết định xử phạt thường đề xuất lãnh đạo hoặc ra quyết định xử phạt ở mức trung bình của khung phạt tiền mà ít chú ý đến việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình thức và mức phạt cho phù hợp, dẫn đến một số trường hợp cần phạt nặng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung để răn đe thì lại không được áp dụng, khiến cho công tác xử lý vi phạm mới chỉ “chạy” theo số lượng, chưa đi vào chiều sâu. Do đó, hiệu quả ngăn ngừa vi phạm và tái vi phạm còn hạn chế.
Năm là, việc thực hiện sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Do đó, cán bộ, chiến sỹ chưa biết được những hạn chế, tồn tại trong công tác để có hướng đề xuất phù hợp.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ nhất, bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp không chấp hành văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và hình thức xử phạt phải ngang bằng hoặc gấp đôi so với lỗi đã vi phạm.
Bên cạnh đó, bổ sung tại khoản 2 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định cho Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ...
Thứ hai, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, các loại biểu mẫu, giấy tờ trong xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Rà soát lại những hồ sơ xử lý đã lập biên bản nhưng chưa xử lý để kịp thời báo cáo Ban Giám đốc có hướng giải quyết, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian dài dẫn đến hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tổ chức đánh giá quy trình xử lý vi phạm hành chính, đối với những hồ sơ chưa bảo đảm đúng theo quy định thì phải bổ sung hoặc làm lại. Ngoài ra, Ban Chỉ huy Đội cần trực tiếp nghiên cứu hồ sơ xử lý và chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ khi tham mưu ra quyết định xử phạt phải chú ý đến các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để trình lãnh đạo ra quyết định xử phạt phù hợp theo từng đối tượng và đúng quy định của pháp luật. Qua đó, rút ra những ưu điểm để tiếp tục phát huy, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những mặt còn hạn chế và đề ra yêu cầu để cán bộ, chiến sỹ thực hiện.
Thứ ba, thường xuyên phối hợp với Công an quận (huyện), cụ thể là lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát khu vực để xác minh thông tin về người vi phạm và chủ phương tiện vi phạm. Khi yêu cầu Cảnh sát khu vực tiến hành gửi giấy mời cho các đối tượng vi phạm giao thông phải bảo đảm rằng, người vi phạm nhận được giấy mời để làm cơ sở xử lý nếu họ cố tình trốn tránh. Ngoài ra, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra trong phát hiện, mở rộng điều tra các vụ án có liên quan.
Thứ tư, tăng cường biên chế hợp lý về cơ cấu tổ chức của lực lượng làm công tác xử lý vi phạm giao thông kết hợp nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác xử lý (nhất là đối với cán bộ, chiến sỹ vừa được luân chuyển hoặc từ ngành ngoài tuyển vào Ngành Công an). Khi tiến hành xử lý vi phạm, nếu có phát sinh các vấn đề pháp lý bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, phải kịp thời tập hợp và báo cáo với lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, Phòng Pháp chế Công an Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về công tác xử lý vi phạm hành chính cho lực lượng Cảnh sát giao thông và giải đáp những thắc mắc của cán bộ, chiến sỹ trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống trong cán bộ, chiến sỹ; khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, vi phạm điều lệnh, quy trình xử lý, kỷ luật công tác và các biểu hiện tiêu cực khác trong công tác, sinh hoạt. Tích cực tổ chức thực hiện các cuộc vận động xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nhất là cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống vì nhân dân phục vụ”, xây dựng văn hóa ứng xử trong lực lượng Cảnh sát giao thông theo khẩu hiệu hành động “Chủ động - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả”.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trong thực tiễn tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để đề ra các phương hướng cụ thể. Qua đó, kịp thời khen thưởng, biểu dương cán bộ, chiến sỹ có thành tích tốt trong công tác xử lý vi phạm nhằm khích lệ, động viên cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
ThS. Lê Văn Có
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện “Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
[2]. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết công tác 05 năm (từ năm 2019 đến tháng 6/2023).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)