Để thực hiện quyền giám sát của mình, Quốc hội tiến hành nhiều hoạt động khác nhau, trong đó chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp của Quốc hội là một trong những hình thức giám sát cơ bản, phổ biến và quan trọng nhất của Quốc hội. Thực tế nước ta trong những năm gần đây, qua các kì họp Quốc hội cho thấy tuy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã có nhiều bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, điển hình nhất là chất lượng và hiệu quả chất vấn không cao, các chất vấn thường chỉ chung chung chứ không truy cứu được trách nhiệm của chủ thể bị chất vấn. Điều này làm hạn chế hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, làm ảnh hưởng đến uy tín và vị trí, vai trò của Quốc hội. Bài viết trên cơ sở phân tích khái niệm, đặc điểm chất vấn và trả lời chất vấn; nêu rõ những hạn chế, tồn tại của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp Quốc hội ở Việt Nam hiện nay.
Chất vấn là thuật ngữ pháp lý xuất hiện đầu tiên ở các nước phương Tây theo chính thể đại nghị và cộng hòa lưỡng tính. Theo đó dưới góc độ ngôn ngữ, chất vấn được định nghĩa trong các từ điển tiếng Anh. Cụ thể là, chất vấn (tiếng Anh gọi là interpellation), theo định nghĩa của từ điển Webster’s 1913 Dictionary là “yêu cầu quan chức giải thích hoạt động, hành động của mình; là những câu hỏi buộc phải trả lời; là vấn đề nổi lên trong khi tranh luận”[1]. Trong khi đó, từ điển mạng WordNet Dictionary thì giải thích chất vấn đó là “quy trình trong Nghị viện nhiều nước nhằm yêu cầu Chính phủ giải thích một động thái hoặc chính sách của mình”.
Trả lời chất vấn là một phần quan trọng trong hoạt động chất vấn. Việc trả lời chất vấn thể hiện trách nhiệm của người được chất vấn đối với lĩnh vực bị chất vấn. Ở Nghị viện nhiều nước trả lời chất vấn có thể bằng hình thức trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi tới cá nhân nghị sỹ yêu cầu. Tùy theo mỗi quốc gia, mà trả lời chất vấn có nhiều hình thức khác nhau. Trả lời chất vấn được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định trong pháp luật của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, dưới góc độ ngôn ngữ thì chất vấn - hiểu theo định nghĩa trong Đại từ điển Tiếng Việt là “hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì, việc gì”[2]. Trong khi đó, theo Từ điển tiếng Việt năm 1999, thì “chất vấn là yêu cầu phải giải thích rõ ràng - đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ”[3].
Dưới góc độ pháp lý, khái niệm chất vấn được nêu rõ tại Khoản 7, Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015: “Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước; đại biểu Hội đồng nhân dân nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu”. Cùng với khái niệm chất vấn, thì trả lời chất vấn được hiểu là “việc các chủ thể bị chất vấn nói, trình bày trực tiếp, đầy đủ hoặc hồi đáp bằng văn bản về vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn”. Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà việc trả lời chất vấn hoặc là trả lời trực tiếp tại kì họp Quốc hội, hoặc có thể được trả lời bằng văn bản. Khi trả lời chất vấn, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời, không được ủy quyền cho người khác; trả lời chất vấn cần phải xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập nếu có.
Qua phân tích quan điểm chất vấn và trả lời chất vấn của Việt Nam, có thể nhận thấy chất vấn và trả lời chất vấn có những đặc điểm cơ bản sau: Chất vấn là một thứ quyền lực được giao cho Quốc hội và được thực hiện thông qua các đại biểu Quốc hội; chủ thể bị chất vấn là các cá nhân đứng đầu các cơ quan nhà nước bao gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước; Chất vấn là hình thức giám sát mà các đại biểu Quốc hội tiến hành nhằm thu thập thông tin, làm rõ trách nhiệm và qua đó và đánh giá hoạt động đối với các cơ quan nhà nước; Thủ tục chất vấn tạo ra một diễn đàn thảo luận tại Quốc hội và tất cả các đại biểu Quốc hội đều có quyền tham dự; Kết quả của thủ tục chất vấn có tính chất chế tài. Ở các nước, thủ tục chất vấn thường dẫn đến một biểu quyết của Quốc hội về mức độ hài lòng của các Nghị sỹ đối với các câu trả lời của đối tượng bị chất vấn. Nếu Quốc hội không thỏa mãn với các câu trả lời của các đối tượng bị chất vấn, đặc biệt là các thành viên của Chính phủ, Quốc hội có thể đặt vấn đề bất tín nhiệm đối với Chính phủ.
2. Những hạn chế, tồn tại của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp Quốc hội ở Việt Nam
Trong những năm vừa qua, cùng với sự hoàn thiện về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được chú trọng hơn, chất lượng và hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được cải thiện. Điều này được thể hiện trước hết ở việc các quy định pháp luật về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được hoàn thiện theo hướng quy định đầy đủ và chặt chẽ về thời gian, trình tự thủ tục chất vấn, quy định đầy đủ và cụ thể tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu quả và thuận tiện. Bên cạnh đó, chất vấn tại nghị trường đã đổi mới, không khí tranh luận tại Quốc hội đã sôi động, các câu chất vấn trong kì họp đã sát với thực tiễn cuộc sống, nêu bật được những vấn đề nhức nhối mà dư luận quan tâm và cần giải trình. Tính giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Chính phủ được nâng lên rõ rệt, nhiều đại biểu Quốc hội đã có những câu hỏi có tính thời sự và hợp ý dân. Đồng thời, cũng đã có những câu trả lời thẳng thắn, chân thành, không tránh né và cũng không chỉ để cho xong việc của các thành viên Chính phủ. Điển hình như trong phiên chất vấn ngày 16/11 tại kì họp thứ X - Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng chia sẻ và xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội "cá nhân tôi xin thừa nhận là dù đã cố gắng nhưng làm chưa được nhiều, nhất là với hàng giả hàng kém chất lượng. Dù năm sau, số vụ xử lý về quy mô, giá trị đều tăng nhưng tình hình thay đổi không đáng kể”[4]. Thêm vào đó, số lượng câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn trong kì họp Quốc hội ngày càng tăng, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Thống kê cho thấy trong hai ngày rưỡi làm việc tại kì họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII có 54 lượt đại biểu thảo luận và chất vấn, trong đó có khoảng 140 câu hỏi dành cho các Bộ trưởng, trưởng ngành[5]. Ngoài ra, tính dân chủ, công khai trong chất vấn và trả lời chất vấn đã có cải thiện đáng kể. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kì họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp qua các phương tiện thông tin một cách công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu thông tin của cử tri. Qua từng phiên chất vấn trong mỗi kì họp cũng đã thống kê thời gian chất vấn và trả lời chất vấn của từng câu hỏi, những câu hỏi chưa kịp trả lời. Hoạt động sau chất vấn được quan tâm chú trọng: Ban Công tác đại biểu đã kịp thời theo dõi, tổng hợp và đôn đốc việc thực hiện lời hứa đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội, của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước.
Tuy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp Quốc hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng về cơ bản, hoạt động này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Điều này thể hiện trên các phương diện sau:
Thứ nhất, hạn chế trong quy định của pháp luật liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn.
Ở nước ta, pháp luật về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn nhiều quy định chung chung, thiếu tính cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn. Hiện có quá nhiều văn bản pháp luật quy định về chất vấn và trả lời chất vấn như Hiến pháp, Luật Hoạt động giám sát Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kì họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội... Chính vì vậy, các quy định về chất vấn và trả lời chất vấn vẫn chưa được tập trung, phân tán nhỏ lẻ, dẫn đến khó khăn trong nắm bắt, hiểu rõ quy định về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nói riêng và cử tri cả nước nói chung. Điển hình là:
- Quy định pháp luật về thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn còn quá chung chung, chưa có quy định cụ thể về trình tự chất vấn, thời lượng mỗi phiên chất vấn, thế nào là một chất vấn hợp lệ hay không hợp lệ. Cụ thể, về thời gian chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, trong dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội thường bố trí thời gian cho hoạt động chất vấn từ hai đến ba ngày, trung bình thường là hai ngày rưỡi. Thiết nghĩ, thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong mỗi kỳ họp Quốc hội như vậy là ngắn. Bởi lẽ, một năm đất nước có nhiều sự kiện xảy ra nên trong thời gian diễn ra kì họp Quốc hội không thể tránh khỏi việc quá nhiều câu hỏi chất vấn được đặt ra, trong khi thời gian chất vấn và trả lời chất vấn bị bó hẹp, chưa thỏa mãn yêu cầu chất vấn, đôi khi làm nguội vấn đề cần chất vấn ngay dẫn đến việc giám sát đem lại hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn được quy định tại Điều 17 Nghị quyết số 102/2015/QH13 “mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá hai phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá năm phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn”[6]. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy rằng quy định này cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế của chất vấn và trả lời chất vấn hiện nay. Bởi lẽ, với thời gian ít ỏi và giới hạn như vậy thì việc chất vấn, trả lời chất vấn khó có thể làm rõ các vấn đề nóng mà công luận quan tâm. Thực tế tại kì họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII cho thấy Thủ tướng Chính phủ chỉ trả lời hai đến ba câu hỏi của đại biểu là đã hết thời gian trong khi các vấn đề mà Thủ tướng cần trả lời thấu đáo và thỏa đáng vẫn còn nhiều.
Pháp luật cũng chưa có quy định về việc Quốc hội xem xét các vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn, những vấn đề mà công luận quan tâm và cần giải trình, khắc phục. Thông thường, những nội dung nổi cộm có trong chất vấn của đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, báo cáo Quốc hội xem xét, trên cở sở dự kiến đó, chủ tọa điều khiển phiên chất vấn theo hướng đó. Việc này nhìn chung làm cho phiên chất vấn bị thụ động, chưa có sự tranh luận mạnh mẽ giữa đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ.
Quy định pháp luật về thủ tục đánh giá kết quả chất vấn và trả lời chất vấn còn hạn chế. Pháp luật hiện hành quy định: Sau khi nghe trả lời chất vấn “trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời”[7] và đối với trường hợp trả lời chất vấn bằng văn bản “sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn”[8] và Quốc hội có thể ra Nghị quyết về việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân, trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn[9]. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định thủ tục, cách thức đánh giá kết quả chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành như thế nào, trách nhiệm của người trả lời chất vấn là loại trách nhiệm gì, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có mối quan hệ gì với việc bỏ phiếu tín nhiệm...
Quy định pháp luật về cơ chế giải quyết những vấn đề hậu chất vấn còn thiếu. Mặc dù pháp luật đã quy định trách nhiệm của người trả lời chất vấn phải thực hiện các vấn đề mà đại biểu Quốc hội kiến nghị, chất vấn, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn thiếu các cơ chế và chế tài bảo đảm để những người có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ sau chất vấn. Cơ chế giải quyết những vấn đề sau chất vấn còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng hứa suông, hứa rồi để đó của những người có trách nhiệm.
Thứ hai, hạn chế trong việc chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chất vấn là một trong những hình thức giám sát cơ bản của Quốc hội đối với các cơ quan nhà nước khác và được thực hiện thông qua các đại biểu Quốc hội. Khi chất vấn, Đại biểu Quốc hội mang trong mình lòng tin và sự ủy thác của cử tri, vì quyền lợi của cử tri mà lên tiếng. Tuy nhiên, trong khi tiến hành chất vấn, các đại biểu Quốc hội vẫn tồn tại một số hạn chế sau:
Có đại biểu đặt câu hỏi không rõ ràng, không mạch lạc, nặng về diễn giải, có đại biểu đặt vấn đề khi chưa chuẩn bị kỹ, không nắm chắc vấn đề, chưa hiểu rõ nguyên nhân, chưa đủ thông tin; nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn hỏi dong dài, chưa đi vào trọng tâm câu hỏi. Điển hình là tại buổi họp trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11 ngày 1/11/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 28/11/2011 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành, có đến “80% câu hỏi chất vấn đại biểu Quốc hội không phải là chất vấn; nội dung chất vấn còn lê thê, dài dòng theo kiểu… bàn việc xã”[10].
Tính chuyên nghiệp trong các phiên chất vấn của một số đại biểu Quốc hội chưa cao. Kì họp Quốc hội đòi hỏi một không khí làm việc nghiêm túc, người dự họp phải có ý thức cao, do đó người dự họp thì từ y phục, từ lời ăn tiếng nói, từ dáng ngồi, đến dáng đi… đều phải thể hiện là người “đại biểu của nhân dân”. Nghị trường là nơi người ta phải nhìn thấy sự mẫu mực về phong cách làm việc, về ứng xử văn hóa, về trí tuệ của từng người. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong các phiên chất vấn, vẫn có tình trạng một số đại biểu Quốc hội cầm ipad, vô tư ngủ trong khi các đại biểu khác chất vấn, đại biểu thì cầm tài liệu đọc khi chất vấn, phụ thuộc vào tài liệu. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chất vấn với thái độ gay gắt, thiếu thuyết phục, khiến người trả lời chất vấn bị ức chế…
Số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn trong kì họp vẫn còn ít. Mặc dù ở nước ta, số lượng câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ ngày càng tăng nhiều. Tuy nhiên, số lượng đại biểu chất vấn lại vẫn còn ít, chỉ tập trung vào những đại biểu có tâm huyết chất vấn, các đại biểu Quốc hội vẫn còn có tâm lí sợ nói sai, sợ nói hớ, nói thật, nói chung chung, chung quy lại là sợ chất vấn trước nghị trường.
- Đại biểu Quốc hội không có khả năng thu thập tài liệu, không có chuyên môn, dẫn đến chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn thấp.
Thứ ba, hạn chế trong việc trả lời chất vấn của người được chất vấn
Pháp luật đã quy định rõ chất vấn là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội còn trả lời chất vấn lại là nhiệm vụ của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Những năm gần đây, trả lời chất vấn đã có những dấu hiệu khởi sắc: Không ít Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn trả lời câu chất vấn của các đại biểu Quốc hội, cũng có không ít vị Bộ trưởng sẵn sàng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của việc trả lời chất vấn là vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của người bị chất vấn và giải đáp của người đứng đầu các Bộ, ngành, chưa đi đúng trọng tâm câu hỏi, trả lời còn thiếu thẳng thắn, vòng vo, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tính nghiêm túc, chuyên nghiệp. Minh chứng cụ thể là Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn tại kì họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã phải hai lần nhắc Bộ trưởng Bộ giáo dục trả lời đúng vào câu chất vấn[11]. Ngoài ra, tại kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Văn Xuyền về một vụ án oan tại Thái Bình, Chánh án Trương Hòa Bình hai lần nhầm tên ông thành tên đương sự vụ việc hay việc Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh khi trả lời chất vấn về trách nhiệm cá nhân trước bất cập của ngành du lịch đã nói rằng: "Trách nhiệm sẽ được chuyển cho người kế tiếp"[12]. Ngoài ra, một số Bộ trưởng khi trả lời chất vấn còn nặng về giải trình, chưa thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Ngoài những hạn chế cơ bản nêu trên thì việc cơ chế phân định thẩm quyền không rõ ràng giữa lập pháp và hành pháp, chính là mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội và công chức hành pháp cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều giám đốc sở cũng như Thứ trưởng là đại biểu Quốc hội lại quay sang chất vấn Bộ trưởng của mình. Đối tượng chất vấn quá rộng, không thấy trọng tâm của chất vấn là các thành viên Chính phủ...
Hạn chế của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được thể hiện rõ qua kết quả của một cuộc điều tra dư luận, chỉ có 20% đại biểu Quốc hội, 32,9% đại diện tổ chức xã hội, 11,1% chuyên gia đánh giá là “tốt” về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Trong khi đó quá nửa chuyên gia (55,6%) cho rằng hoạt động này “chưa đạt yêu cầu”. Tỷ lệ đại diện tổ chức xã hội và đại biểu Quốc hội được phỏng vấn cho rằng hoạt động này “chưa đạt yêu cầu” cũng đáng kể (tỷ lệ lần lượt là 22,6% và 30%)[13].
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp Quốc hội ở Việt Nam hiện nay
Qua những phân tích trên có thể thấy rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ở nước ta đã và đang bộc lộ những bất cập, vướng mắc cần phải khắc phục. Để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, qua đó có thể phát huy vai trò giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội, cần phải thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp Quốc hội
- Cần có những quy định cụ thể hóa về quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm trả lời chất vấn của những người thuộc đối tượng chất vấn. Cần quy định những tiêu chí cụ thể xác định thế nào là một câu hỏi chất đạt yêu cầu theo hướng như sau:
Về đặc điểm, tính chất câu hỏi, phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Không nên rườm rà, dài dòng mà phải sát với thực tiễn, sát với cuộc sống; Câu hỏi cần ngắn gọn, dể hiểu, rõ ràng, trúng vấn đề, thẳng thắn; Lựa chọn những vấn đề xác đáng, vì lợi ích của số đông quần chúng trong xã hội để hỏi và yêu cầu trả lời, không tập trung truy cứu trách nhiệm, không nặng về ý kiến cá nhân; Những vấn đề đã chất vấn nhưng chưa được giải quyết so với đã hứa; Đặt vấn đề trách nhiệm với đối tượng chất vấn; Xác định đúng chủ thể và đối tượng chất vấn; Không đặt câu hỏi chất vấn trùng lắp, thừa, đã trả lời rồi; tránh sử dụng nguồn thông tin thiếu cơ sở và cập nhật; tránh sử dụng từ khó hiểu, từ nước ngoài; Thể hiện sự nghiêm túc, xây dựng và trách nhiệm đối với người hỏi và Quốc hội nói chung.
Về quy mô câu hỏi: Cần chú ý đến những vấn đề ở tầm vĩ mô, bao quát và cũng có thể liên hệ đến địa phương; nhất là liên quan các chính sách và việc triển khai thực hiện các chính sách đó. Tốt nhất chọn một vấn đề để chất vấn sâu, nhằm giải quyết triệt để vấn đề.
Về thời gian câu hỏi: Bảo đảm trong phạm vi thời gian quy định, không kéo dài.
- Thời gian mỗi phiên chất vấn và thời gian đặt chất vấn, trả lời chất vấn cần được thay đổi. Cần quy định cụ thể vào Nghị quyết hay các văn bản luật rằng đại biểu hỏi gì thì người được hỏi phải trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, không lan man, dài dòng. Cần tăng thời gian của phiên chất vấn trong mỗi kì họp lên, khoảng ba đến bốn ngày, nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội có thể chất vấn hết các lĩnh vực, hoặc đưa phiên chất vấn vào khoảng thời gian giữa hoặc 2/3 kì họp Quốc hội, tránh tâm lí buông xuôi, cho qua, chất vấn cho hết thời gian. Về thời gian hỏi và trả lời chất vấn theo Nghị quyết 102/2015 ban hành nội quy kì họp Quốc hội, tác giả kiến nghị cần tăng thời gian từ hai phút hỏi chất vấn lên thành bốn phút, trả lời chất vấn từ năm phút lên thành mười phút. Đồng thời cũng cần quy định cụ thể vào văn bản pháp luật trường hợp nào thì được phép kéo dài thời gian. Đó có thể là những câu hỏi mang tính xã hội cao, những câu hỏi về những vấn đề nổi cộm hiện nay, hay những câu hỏi trong lĩnh vực hình sự, tham nhũng, kinh tế… Có như vậy mới tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong chất vấn và trả lời chất vấn.
Quy định rõ những trường hợp cần thiết Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn. Quy định cụ thể những nội dung cơ bản, có tính bắt buộc trong Nghị quyết để đảm bảo Nghị quyết được ban hành có sự nhất quán về kết cấu, bố cục và nội dung. Xác định vị trí pháp lý và trách nhiệm của những người tham gia giải trình trong các phiên họp chất vấn để làm rõ thêm những vấn đề có liên quan. Ngoài ra, cần có thủ tục ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về những vấn đề đã chất vấn trong kì họp để rút kinh nghiệm cho những kì họp tiếp theo.
Cần quy định chế tài về việc trả lời chất vấn. Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định chế tài cho hoạt động hậu chất vấn và trả lời chất vấn. Do vậy, cần quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, quy định thời hạn giải quyết những vấn đề đã hứa trong chất vấn. Tránh tình trạng hứa xuông, hứa rồi để đó, tác giả kiến nghị việc đưa ra một khoảng thời gian cho từng vấn đề cụ thể, nhằm đảm bảo việc giải quyết những vấn đề đó.
Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội: Các đại biểu Quốc hội cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ khi đưa ra câu hỏi chất vấn. Đối với những vấn đề mà cử tri nêu ra, đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu trước, thu thập thông tin chính xác. Khi hỏi cần rõ ràng, ngắn gọn, đáp ứng yêu cầu, tiêu chí câu hỏi chất vấn như đã kiến nghị ở trên. Thái độ hỏi tích cực, không gay gắt. Câu hỏi phải có trọng tâm, liên quan đến những vấn đề quan trọng, nổi cộm của đất nước như xóa đói giảm nghèo, an toàn giao thông, thảm sát, hội nhập kinh tế, đầu tư… Để làm được điều này thì việc bồi dưỡng kỹ năng chất vấn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nội dung bồi dưỡng cần tập trung vào một số kỹ năng như: Xác định vấn đề chất vấn; cách đặt câu hỏi ngắn gọn, súc tích, có số liệu chứng minh thuyết phục, lý lẽ rõ ràng, lập luận lôgic; cách chọn thời điểm chất vấn thích hợp; khả năng tạo được sự thu hút và đồng thuận của nhiều đại biểu khi nêu câu hỏi chất vấn; kỹ năng phát triển vấn đề và kiểm soát tình huống khi chất vấn.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng trả lời chất vấn của người được chất vấn: Người trả lời chất vấn nên trả lời ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào vấn đề được hỏi, không trả lời vòng vo hay xem đây là một cơ hội để giải trình về những khó khăn hoặc báo cáo thành tích của Bộ, ngành mình. Ngoài ra, nên tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nắm chắc vấn đề được chất vấn, mạnh dạn nhận trách nhiệm và sửa đổi.
Thứ tư, nghiên cứu áp dụng điều trần trong hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Để hỗ trợ cho hoạt động của Quốc hội và đại biểu dân cử, Quốc hội các nước ngoài thường áp dụng hoạt động điều trần. Riêng đối với Quốc hội, điều trần giúp đại biểu Quốc hội có thêm một kênh thông tin hữu hiệu. Đây cũng là cơ hội để các nhà lập pháp đặt ra các câu hỏi cho các quan chức hành pháp, đồng thời đây cũng là diễn đàn để công dân và các nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về những vấn đề, chính sách đang được xã hội quan tâm. Thông qua điều trần, Quốc hội tuyên truyền đến người dân những vấn đề, chính sách mình đang xem xét. Việc được tham gia vào hoạt động của Quốc hội làm tăng sự tin tưởng của công chúng vào một quy trình làm việc công khai, minh bạch của cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua điều trần, đại biểu Quốc hội nắm được vấn đề, thông tin vì vậy hiệu quả chất vấn cũng sẽ cao hơn.
Cuối cùng, cần phát huy vai trò của cử tri trong việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu Quốc hội và những cán bộ cao cấp đứng đầu các cơ quan nhà nước (chủ thể bị chất vấn) đủ đức, đủ tài. Có như vậy, người chất vấn và người trả lời chất vấn mới phát huy vai trò của mình trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội ở Việt Nam hiện nay.
ThS. Khoa Luật Hành chính - Đại học Luật Huế