Tóm tắt: Bài viết khái quát tình hình, phân tích phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa loại tội này trong thời gian tới.
Abstract: The article summarizes the situation, analyzes methods and tricks of fraudulent criminals to appropriate property in cyberspace, thereby offering some solutions to improve the effectiveness of the prevention of this type of crime in the next time.
1. Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thời gian qua
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ của các nền tảng ứng dụng số, mạng xã hội, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tăng nhanh cả về số vụ, tính chất và mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của nhân dân. Theo báo cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2022, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến và 12.935 vụ việc lừa đảo trực tuyến với 02 hình thức lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Có thể thấy rằng, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng đang diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt gây khó khăn trong quá trình phát hiện, đấu tranh phòng ngừa tội phạm này của các cơ quan chức năng.
Thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được thực hiện bằng những phương thức, thủ đoạn như:
- Giả danh cơ quan nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng lợi dụng các ứng dụng cuộc gọi trên mạng internet, mạng viễn thông giả danh là nhân viên cơ quan nhà nước liên hệ chủ thuê bao và thông báo có nợ các loại cước, thuế, phí dịch vụ hoặc có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, sau đó đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng chỉ định hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân để chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng và chiếm đoạt.
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo) kết bạn, làm quen và thông báo muốn gửi tiền hoặc quà có giá trị lớn yêu cầu nạn nhân phải nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt; lập các tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền truy cập tài khoản mạng xã hội của nạn nhân để nhắn tin, lừa bạn bè, người thân của chủ tài khoản nhằm chuyển tiền cho các đối tượng để chiếm đoạt.
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua huy động đầu tư trên các sàn tiền ảo, tiền mã hóa. Các đối tượng tạo dựng website đầu tư tài chính, thương mại điện tử, đầu tư ngoại hối giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia với những hứa hẹn lợi nhuận cao, hoa hồng hấp dẫn có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền ảo trong từng hệ thống. Đến khi số lượng người tham gia nhất định, số lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp, điều chỉnh lệnh của hệ thống hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia.
Bên cạnh các dạng hành vi phạm tội phổ biến nêu trên, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã đấu tranh, làm rõ một số dạng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới, cụ thể như:
- Sử dụng giấy tờ mang thông tin của chủ thuê bao khai báo mất và đề nghị cấp SIM mới, sau đó lấy SIM và thông tin, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Đây là một trong những thủ đoạn mới xuất hiện thời gian qua, thể hiện sự tinh vi, chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, tuy nhiên, nguyên nhân cũng xuất phát từ nhận thức, ý thức chủ quan của nạn nhân và phía các cơ quan quản lý trong việc cấp, đổi SIM của người dùng. Trường hợp thứ nhất, các đối tượng làm giả giấy tờ mang thông tin của chủ thuê bao, sau đó đến các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông để thông báo mất và làm lại SIM. Từ SIM đăng ký cấp lại, các đối tượng lấy mã OTP tại các dịch vụ đăng ký trực tuyến sau đó chuyển tiền và chiếm đoạt. Trường hợp thứ hai, các đối tượng sẽ tự xưng là “nhân viên” của các nhà mạng viễn thông gọi điện đến nạn nhân để hỗ trợ nâng cấp SIM 4G, 5G để sóng ổn định, không bị chập chờn… và chỉ vài thao tác làm theo hướng dẫn của “nhân viên” thì nạn nhân bị mất SIM và bị các đối tượng thực hiện các thao tác chiếm đoạt tài sản như trường hợp trên.
- Quảng cáo, giới thiệu các phần mềm theo dõi, giám sát, định vị đối với các ứng dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thực hiện sử dụng nhiều fanpage trên nền tảng các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo chạy quảng cáo, rao bán “phần mềm chuyên dụng” đối với các ứng dụng mạng xã hội của người dùng với một số tính năng nổi bật như: Tính năng theo dõi, giám sát, định vị, đọc tin nhắn, lịch sử cuộc gọi… sau đó dụ người sử dụng thanh toán chuyển tiền và chiếm đoạt.
- Sử dụng dịch vụ imessage, hệ thống “SIM gateway”, thiết bị giả trạm BTS để chèn nhiễu, xâm nhập hệ thống mạng viễn thông, phát tán các tin nhắn quảng cáo, lừa đảo, vi phạm pháp luật… Đây là thủ đoạn mới vô cùng tinh vi, được các đối tượng thực hiện với tính chất chuyên nghiệp, có sự am hiểu về công nghệ thông tin và viễn thông ở mức cao. Trường hợp thứ nhất, các đối tượng ghép ảnh sau đó thực hiện cuộc hội thoại video call (khoảng vài giây) trên ứng dụng Facebook messenger để đánh lừa nạn nhân là “người thân”, sau đó “người thân” sẽ nhắn tin qua ứng dụng là “do mạng bị lỗi” và yêu cầu vay tiền hoặc chuyển tiền do có việc gấp, khi nạn nhân chuyển tiền thì các đối tượng chiếm đoạt. Trường hợp thứ hai (rất phổ biến tính đến thời điểm hiện tại), các đối tượng sẽ sử dụng hệ thống “SIM gateway” - hệ thống kết nối giữa sóng viễn thông và giao thức cuộc gọi trên nền internet (Voice over internet protocol - Voip) kết hợp cùng với việc làm giả các trạm BTS để chèn nhiễu, xâm nhập vào hệ thống viễn thông (đây là một dạng thủ đoạn phạm tội mới, các đối tượng sẽ sử dụng các thiết bị làm giả trạm BTS của các nhà cung cấp dịch vụ, chèn nhiễu vào mạng viễn thông, làm cho các thiết bị điện thoại chỉ sử dụng được các sóng viễn thông ở dạng thấp như sóng 2G; sau đó, các đối tượng thu được thông tin số thuê bao của nạn nhân và thực hiện chèn các tin nhắn Brandname (dịch vụ tin nhắn hàng loạt nhằm chăm sóc khách hàng được gửi từ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như: Ngân hàng, thương mại, du lịch…) có đính kèm các đường dẫn gửi tới thuê bao của nạn nhân về những chính sách, chương trình khuyến mãi đến từ các doanh nghiệp. Điểm đặc biệt của phương thức, thủ đoạn này là tin nhắn Brandname được các đối tượng gửi có thể sẽ nằm cùng hội thoại tin nhắn Brandname của các doanh nghiệp đã gửi trước đó), khi các nạn nhân thực hiện kích vào đường link và làm theo các nội dung trong tin nhắn được các đối tượng xây dựng như cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP của tài khoản ngân hàng thì sẽ bị các đối tượng truy cập và chiếm đoạt tài sản.
2. Khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Với đặc điểm các hành vi phạm tội chủ yếu được thực hiện trên không gian mạng, có tính ẩn danh cao, do đó, công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của các lực lượng chức năng trong thời gian qua còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể như:
Thứ nhất, hành lang pháp lý quy định về nhóm tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn bất cập. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự), có thể áp dụng 02 điều luật để xử lý hành vi sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành để áp dụng các quy định tại 02 điều luật này nên thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đấu tranh xử lý loại tội phạm này; việc xác định “nơi xảy ra tội phạm”, “nơi phát hiện tội phạm” để xác định thẩm quyền điều tra đối với các vụ án, vụ việc mà đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại thông qua dịch vụ chuyển tiền nhanh E-Banking, ví điện tử, sàn tiền mã hóa… còn chưa thống nhất.
Thứ hai, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: Tài chính, ngân hàng, viễn thông, tiền ảo, tài sản ảo… còn sơ hở, thiếu sót, để đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động. Hiện nay, một số cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp hiệu quả để siết chặt việc quản lý cấp, mở tài khoản ngân hàng, SIM… giúp cho các đối tượng có thể dễ dàng mở, thuê hoặc mua nhiều tài khoản ngân hàng, số điện thoại trên mạng internet dẫn đến tính ẩn danh của tội phạm này còn cao; chưa có hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo cũng như các hoạt động huy động vốn đa cấp trên không gian mạng bằng tiền ảo, tài sản ảo dẫn đến việc xác định, định giá tài sản và chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp khó khăn.
Thứ ba, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng phạm tội hầu hết đều có sự hiểu biết về công nghệ thông tin và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực hiện hành vi phạm tội, thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản “ảo”, SIM “rác”, với nhiều thủ đoạn ẩn danh gây khó khăn trong xác định, truy nguyên, bắt giữ xử lý đối tượng. Trong khi đó, nhận thức, kỹ năng nhận diện về loại tội phạm này của một bộ phận người dân còn hạn chế, thiếu cảnh giác, do ham lợi nên tin tưởng làm theo “kịch bản” lừa đảo của đối tượng hoặc một số trường hợp không trình báo kịp thời nên đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ gây ra khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra và truy vết luồng tiền chiếm đoạt.
Thứ tư, công tác phối hợp của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông để cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến loại tội phạm này như hoạt động của các tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ IP… có lúc còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh các tin báo, vụ án, vụ việc. Trong một số trường hợp, tài sản bị chiếm đoạt lớn song quy trình, thủ tục về phong tỏa tài khoản còn rườm rà, việc truy vết dòng tiền bị chiếm đoạt còn chưa hiệu quả, nhất là khi tiền bị chuyển ra nước ngoài dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý về nhóm tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lực lượng chức năng chuyên trách cần tham mưu cho các cấp hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về nhóm tội phạm liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành có liên quan xây dựng hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 174 và Điều 290 Bộ luật Hình sự để việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được chính xác; sớm ban hành văn bản hướng dẫn về “nơi xảy ra tội phạm”, “nơi phát hiện tội phạm” để xác định thẩm quyền điều tra đối với các vụ án, vụ việc mà đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại thông qua dịch vụ chuyển tiền nhanh E-banking, ví điện tử, tiền ảo, tài sản ảo.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, tài chính, ngân hàng.
Lực lượng có liên quan cần tiến hành tham mưu, đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các phương tiện thanh toán mới và các hoạt động đầu tư, kinh doanh có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo. Đồng thời, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động thanh toán, nhận, chuyển tiền, quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp, phát tài khoản ngân hàng, SIM… chính chủ nhằm phòng ngừa, xử lý các đối tượng phạm tội lợi dụng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Các lực lượng chức năng cần phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, lập các trang mạng xã hội của lực lượng công an, các đơn vị, địa phương và thường xuyên tăng tải, chia sẻ những nội dung về hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhắn tin cảnh báo đến các thuê bao di động, ngăn chặn các cuộc gọi có đầu số nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông báo số điện thoại đường dây nóng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để người dân trình báo khi cần… và vận động nhân dân tích cực, chủ động phát hiện, cung cấp thông tin tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là trách nhiệm của toàn xã hội, do đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với các lực lượng trong nước và nước ngoài. Mối quan hệ phối hợp với các lực lượng trong nước là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; xây dựng các phương án phòng ngừa tội phạm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng… Mối quan hệ phối hợp, hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật các nước khác là việc trao đổi kinh nghiệm về xây dựng hệ thống pháp luật; kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng; phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực thi, chuyển giao khoa học - công nghệ, công cụ, phương tiện phục vụ hoạt động phòng, chống tội phạm và dẫn độ tội phạm.
Nguyễn Duy Tùng
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 377), tháng 3/2023)