Thực tiễn ban hành các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho quản lý nhà nước đối với các văn phòng công chứng và quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy một số bất cập của pháp luật hiện hành về quản lý nhà nước đối với văn phòng công chứng.
Thứ nhất, thực trạng ban hành pháp luật và triển khai thực hiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng
Về tên gọi và biển hiệu của văn phòng công chứng. Theo quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Công chứng năm 2006, thì “tên gọi của văn phòng công chứng do công chứng viên lựa chọn, tên gọi của văn phòng công chứng không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên tổ chức hành nghề công chứng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Vấn đề tên gọi của văn phòng công chứng đã gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Sở Tư pháp. Để xác định tên gọi của văn phòng công chứng có trùng với tên của các tổ chức hành nghề công chứng khác hay không, nếu trong phạm vi tỉnh, thành phố thì Sở Tư pháp còn có cơ sở để giải quyết và chấp thuận việc đặt tên. Tuy nhiên, nếu vấn đề này thuộc phạm vi cả nước thì Sở Tư pháp rất khó kiểm tra. Mặt khác, pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về chuẩn mực để đánh giá tên gọi, từ ngữ, ký hiệu như thế nào là vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Vấn đề này còn mang tính chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước của từng địa phương, dẫn đến tình trạng không có sự thống nhất giữa các địa phương.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 26 Luật Công chứng năm 2006, thì văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, còn văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập thì theo mô hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng tự chịu trách nhiệm về hoạt động và chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp về lĩnh vực công chứng, chứ không phải là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp. Vậy mà nhiều tỉnh thành trên cả nước, các văn phòng công chứng dường như rơi vào tình trạng “loạn mũ” cơ quan chủ quản trên biển hiệu. Cụ thể là, rất nhiều văn phòng công chứng phía trên cùng của biển hiệu của mình đã ghi thật to, thật rõ là Sở Tư pháp tỉnh A, tỉnh B…Việc ghi biển hiệu nêu trên đã gây nhầm lẫn cho người dân. Vì người dân có thể hiểu đây là cơ quan công chứng của Sở Tư pháp. Trong khi đó, mặc dù cơ quan quản lý đã thấy việc ghi tên Sở Tư pháp làm “mũ” trên biển hiệu là sai, nhưng chưa có cơ sở để xử lý và chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể mới xử lý.
Vấn đề công chứng ngoài trụ sở. Tại khoản 2, Điều 39 Luật Công chứng năm 2006 quy định: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”. Trường hợp “lý do chính đáng” được hiểu rất rộng, có thể do người yêu cầu công chứng bận việc hoặc muốn giữ bí mật nào đó… Việc quy định như thế này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng.
Thứ hai, thực trạng việc bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng công chứng viên của văn phòng công chứng
Tiêu chuẩn công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng năm 2006 được nâng lên so với quy định trước đây: “Có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức; có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng; đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng; có sức khoẻ bảo đảm hành nghề công chứng”. Ngoài ra, Điều 15, Điều 17 Luật Công chứng năm 2006 cũng quy định các trường hợp được miễn đào tạo và tập sự công chứng: “Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật” .
Trước đây, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực không quy định miễn đào tạo nghề công chứng, tất cả những người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải qua khóa đào tạo nghề công chứng. Đây là quy định bắt buộc để được bổ nhiệm công chứng viên. Do đội ngũ công chứng viên còn mỏng trước yêu cầu xã hội hóa công chứng, nên Luật Công chứng năm 2006 quy định đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn thời gian tập sự hành nghề công chứng có phần dễ dãi, dẫn đến chất lượng một bộ phận công chứng viên tại các văn phòng công chứng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những người không qua đào tạo, tập sự nghề công chứng.
Thứ ba, thực trạng về công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm của văn phòng công chứng
Hoạt động công chứng có rất nhiều các trường hợp khiếu nại như: hành vi công chứng trái pháp luật của công chứng viên, hành vi thu phí công chứng sai quy định…Tuy nhiên, Điều 63 Luật Công chứng năm 2006 chỉ quy định duy nhất một trường hợp giải quyết khiếu nại về hành vi từ chối công chứng của công chứng viên. Nếu rơi vào những trường hợp trên, áp dụng Luật Công chứng sẽ có các cách hiểu khác nhau: Được giải quyết theo Luật Khiếu nại tố cáo, có thể khởi kiện ra Toà theo Điều 45 Luật Công chứng hoặc giải quyết tương tự theo Điều 63 Luật Công chứng. Do quy định chưa rõ ràng nên các cơ quan quản lý nhà nước về công chứng thường gặp khó khăn khi áp dụng việc giải quyết khiếu nại những trường hợp trên.
Quản lý nhà nước đối với văn phòng công chứng là vấn đề còn mới ở nước ta. Do vậy, vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định. Để nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với văn phòng công chứng, nhằm mục đích phát triển ổn định và bền vững hoạt động công chứng và mô hình văn phòng công chứng, các cơ quan quản lý nhà nước phải có những thay đổi, điều chỉnh và bổ sung những chính sách, quy định của pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển của đất nước.
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng
Sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng nhằm mục đích khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng
- Cần bổ sung quy định biển hiệu và tên của văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng không phải là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, nên việc ghi tên “Sở Tư pháp” làm “mũ” trên biển hiệu của một số văn phòng công chứng là không đúng quy định. Để hạn chế nhận định chủ quan của cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đặt tên cho văn phòng công chứng. Do đó, cần bổ sung quy định của pháp luật về vấn đề này.
- Cần quy định cụ thể những trường hợp được phép công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.
- Cần quy định thống nhất áp dụng luật nào khi giải quyết khiếu nại tố cáo.
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với văn phòng công chứng
Tham khảo kinh nghiệm một số nước phát triển như Ba Lan, Pháp, Đức, Trung Quốc… cơ quan quản lý được chia thành nhiều cấp độ mà Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về công chứng. Ở cấp địa phương cũng có những cơ quan quản lý riêng, có thể là một cơ quan trực thuộc Tòa án hoặc cơ quan hành chính tư pháp. Nhiệm vụ chung của cơ quan này là giám sát và chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên theo quy định của pháp luật, giám sát việc thi hành công vụ của công chứng viên và tập sự của công chứng viên tập sự.
Do Luật Công chứng năm 2006 và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 4/1/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, có một số quy định chưa rõ ràng, cụ thể nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tư pháp cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết. Bên cạnh đó, trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng cần nâng cao vai trò của Sở Tư pháp.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với văn phòng công chứng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
Công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện định kỳ hàng năm hoặc đột xuất. Qua đó có kết luận về những nội dung thanh kiểm tra cũng như những sai phạm của các văn phòng công chứng để xử lý, khắc phục. Đồng thời thông báo công khai đến các tổ chức hành nghề công chứng khác để rút kinh nghiệm, phòng tránh những sai phạm tương tự.
Vũ Thị Ngân
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai