1. Kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện Đề án
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
1.1. Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Sau 05 năm triển khai Đề án, Trung tâm đã thực hiện 798 vụ việc tham gia tố tụng, 2.769 vụ việc tư vấn pháp luật, 42 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện ngày càng tăng so với trước khi có Đề án và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Trước năm 2015, Trung tâm có 11 trợ giúp viên pháp lý nhưng chỉ thực hiện được 05 - 06 vụ việc tố tụng/năm. Sau khi có Đề án và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì các vụ việc tố tụng hầu hết do trợ giúp viên pháp lý thực hiện, cụ thể: Năm 2018, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 119 vụ việc, năm 2019 thực hiện 278 vụ việc, năm 2020 thực hiện 209 vụ việc.
Việc tham gia tố tụng của các trợ giúp viên pháp lý có chiều hướng thay đổi khi áp dụng giao chỉ tiêu vụ việc. Số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện tăng dần lên theo từng năm, chuyển dần từ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn sinh hoạt của các câu lạc bộ TGPL, thực hiện TGPL thông qua hình thức tư vấn sang thực hiện TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng, chỉ thực hiện truyền thông về tổ chức và hoạt động TGPL, tư vấn trực tiếp những vụ việc đơn giản tại các buổi truyền thông, đã tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý tập trung thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực của người thực hiện TGPL cũng như chất lượng vụ việc TGPL.
Thực hiện Đề án đổi mới, nhất là các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Trung tâm đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, từ đó tạo sự tin tưởng, niềm tin vững chắc về TGPL của Nhà nước trong lòng người được TGPL. Nhiều vụ việc tố tụng được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, ghi nhận quan điểm của người thực hiện TGPL theo hướng người bị buộc tội được giảm nhẹ hình phạt; mức án thấp hơn so với đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
1.2. Về nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý
Hiện nay, Trung tâm có 09 trợ giúp viên pháp lý (trong đó có 02 trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm hạng II), 02 chuyên viên pháp lý đang theo học lớp đào tạo nghề luật sư là nguồn phát triển trợ giúp viên pháp lý. Trung tâm có 05 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Các vụ việc thực hiện TGPL do trợ giúp viên pháp lý, luật sư của Trung tâm thực hiện đều được đánh giá chất lượng tốt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người được TGPL.
Hàng năm, đội ngũ người thực hiện TGPL đều được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về TGPL thông qua các cuộc tập huấn do Hội đồng phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh và Trung tâm tổ chức. Trung bình mỗi năm Hưng Yên tổ chức ít nhất 02 cuộc tập huấn kỹ năng thực hiện TGPL cho trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, cộng tác viên thực hiện TGPL, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan… Ngoài ra, Trung tâm đã cử nhiều đợt người thực hiện TGPL tham gia đầy đủ, nghiêm túc các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức.
1.3. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý
Sau 05 năm triển khai thi hành Đề án đổi mới, Trung tâm đã thực hiện được 292 cuộc truyền thông. Phần lớn các địa điểm trợ giúp lưu động được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, các điểm nhà văn hóa thôn, xóm… Ngoài ra, Trung tâm phối hợp tốt với các ban, ngành tỉnh như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh để truyền thông và TGPL cho hội viên hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, người khuyết tật tại các cơ sở của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh (mỗi năm tổ chức từ 30 - 35 cuộc). Trung tâm còn triển khai, phối hợp với trường học trên địa bàn tỉnh để truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016 và nhất là các quy định về an toàn giao thông, phòng, chống xâm hại trẻ em. Trung tâm đã in, cấp phát hàng chục nghìn tờ gấp về các lĩnh vực pháp luật, lắp đặt trên 500 bảng thông tin, hộp tin, các văn bản, sách pháp luật... tại các cấp xã, cấp huyện và các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp, các hội, cơ sở của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Tại các cuộc TGPL lưu động, truyền thông về TGPL, trợ giúp viên pháp lý trực tiếp và phối hợp với chính quyền địa phương để nắm bắt các vụ việc có tranh chấp, vướng mắc, thông qua đó tuyên truyền pháp luật về TGPL, đất đai và các chế độ chính sách cho người dân tham dự, thực hiện tư vấn, giải thích cho người dân những vướng mắc pháp luật trong đời sống hàng ngày ngay tại cuộc TGPL lưu động và truyền thông tại cơ sở. Qua đó, nhiều vụ việc tranh chấp đã được giải quyết ngay tại cấp xã, giúp giảm bớt việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, nhiều vụ việc người dân tự nguyện chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành thu âm nội dung thông tin về TGPL vào đĩa CD, USB phát đến 100% đài truyền thanh cấp huyện và 100% các xã, phường, thị trấn đều tiếp sóng phát trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã; xây dựng Trang thông tin điện tử của Trung tâm để quảng bá, truyền thông về công tác TGPL, các quyền của người được TGPL và thủ tục để được hưởng TGPL miễn phí, bước đầu tiếp nhận yêu cầu TGPL qua hình thức điện tử.
Đặc biệt, với những hoạt động, giải pháp thiết thực của Trung tâm trong thời gian qua, công tác TGPL đã đến được với người dân, có nhiều đối tượng tìm đến Trung tâm khi họ có vướng mắc về pháp luật cần được giúp đỡ. Qua hoạt động TGPL lưu động, truyền thông của Trung tâm đã góp phần giải quyết được những vướng mắc về pháp luật, hạn chế phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giúp người dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư vì mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
1.4. Nâng cao nhận thức của chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan
Các cấp chính quyền đã phối hợp tốt với Trung tâm trong việc truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về TGPL; nhất là sự phối hợp khá chặt chẽ và hiệu quả giữa cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp với Trung tâm trong thời gian qua, như công tác giải thích, hướng dẫn, thông tin, thông báo về đối tượng được hưởng TGPL trong các vụ việc tố tụng. Theo đó, đã thông tin, thông báo được 669 trường hợp, cấp 750 giấy chứng nhận và thông báo đăng ký bào chữa, bảo vệ cho trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL của Trung tâm, tạo điều điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL hoạt động, không có trường hợp nào từ chối hoặc thu hồi giấy chứng nhận.
2. Khó khăn khi thực hiện Đề án đổi mới
- Đối tượng được TGPL tăng với số lượng khá lớn, bởi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định 14 đối tượng được TGPL (tăng 08 đối tượng so với khi bắt đầu thực hiện Đề án), nên số lượng vụ việc trong tố tụng cũng tăng nhiều, đòi hỏi phải có đội ngũ người thực hiện TGPL cơ bản đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi tính chủ động, kịp thời trong đáp ứng nhu cầu TGPL, bên cạnh đó, đội ngũ luật sư cộng tác ký hợp đồng TGPL còn hạn chế (05 người ký hợp đồng).
- Thể chế thực hiện Đề án chưa đồng bộ: Một số quy định của pháp luật về TGPL chưa phù hợp với thực tiễn hoặc những vấn đề mới phát sinh chưa được điều chỉnh kịp thời nên khó khăn trong thực hiện như: Chưa có phụ lục hướng dẫn khoán chi vụ việc TGPL cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và người bị bắt, người bị tạm giữ trong vụ án hình sự tại thời điểm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị về khởi tố, thời điểm người bị buộc tội bị bắt, bị tạm giữ; quy định thời hạn thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL ngắn, chưa phù hợp (05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc); thủ tục ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và luật sư còn rườm rà, nhiều bước phải thực hiện; quy định về ký phụ lục hợp đồng thực hiện TGPL giữa tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, luật sư với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trước khi thực hiện vụ việc TGPL làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện TGPL.
- Về nguồn lực để thực hiện Đề án: Hiện Trung tâm có 09 trợ giúp viên pháp lý và 05 luật sư ký hợp đồng (trong đó chỉ có 02 luật sư hoạt động thực tế với Trung tâm), các Phòng Tư pháp cấp huyện biên chế ít thường có từ 02 - 03 công chức, trong đó có 01 công chức trực tại bộ phận một cửa, cán bộ tư pháp cấp xã cũng như vậy.
- Kinh phí cấp cho hoạt động TGPL còn hạn chế, nhất là kinh phí chi trả thù lao vụ việc TGPL, đào tạo nghề luật sư tạo nguồn trợ giúp viên pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý chưa được trang bị máy tính xách tay nên việc tra cứu các văn bản tại phiên tòa và TGPL tại các thôn, xã gặp khó khăn.
- Cơ chế phối hợp các cơ quan về công tác TGPL tuy có thay đổi nhưng chưa thật sự chặt chẽ, số lượng người được TGPL còn hạn chế so với tổng lượng án trên địa bàn tỉnh.
- Công tác truyền thông về TGPL và Đề án đổi mới tuy đã triển khai thường xuyên, song số lượng các cuộc truyền thông chưa nhiều, đối tượng TGPL thường là người già (người có công với cách mạng) hoặc người nghèo thường xuyên phải đi làm kiếm sống nên nhiều khi họ không quan tâm đến quyền được TGPL, nhiều trường hợp khi có vướng mắc đến pháp lý, pháp luật lại rất lúng túng, bị động trong việc yêu cầu TGPL, yêu cầu rất muộn hoặc cấp sơ thẩm không biết, cấp phúc thẩm mới biết về TGPL.
3. Kiến nghị, giải pháp
- Để bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong việc cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân, bảo đảm thực hiện tốt trách nhiệm của Nhà nước, chức năng cung cấp dịch vụ TGPL cho người được TGPL trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục duy trì hệ thống mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và đội ngũ trợ giúp viên pháp lý như hiện nay trên phạm vi toàn quốc nói chung và tại tỉnh Hưng Yên nói riêng.
- Chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc mình quản lý làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TGPL, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trong các hoạt động TGPL; cần xác định TGPL là nhiệm vụ của Nhà nước, của các cấp chính quyền và từng cơ quan, giúp bảo đảm an ninh, trật tự, giảm thiểu các khiếu kiện vượt cấp, góp phần vào ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật để hoàn thiện thể chế về TGPL.
- Tăng cường việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện TGPL, xây dựng cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng, chế độ chính sách đãi ngộ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.
- Các ngành là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở trung ương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành mình quản lý, nhất là các đơn vị tại địa phương triển khai, phối hợp tốt với Hội đồng liên ngành ở tỉnh, với Trung tâm trong thực hiện các nhiệm vụ TGPL trong hoạt động tố tụng.
- Các cấp, ngành địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục quan tâm trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về TGPL trong hoạt động tố tụng, ủng hộ thực hiện thí điểm tổ chức trực ban của người thực hiện TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trước mắt là tại một số Tòa án; bố trí đủ kinh phí cho hoạt động TGPL, nhất là kinh phí thực hiện vụ việc TGPL và kinh phí tham gia lớp đào tạo nghề luật sư để tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.
- Cần tổ chức cho Trung tâm giao lưu học tập kinh nghiệm tại các Trung tâm thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực của xã hội cho công tác TGPL về cơ chế huy động, cách quản lý, điều hành nguồn lực này.
Nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025, Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) tiến hành quán triệt, triển khai nội dung Đề án đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm, đồng thời quán triệt, thông tin nội dung Đề án đến các cơ quan, ban, ngành, tổ chức... có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL).
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hưng Yên