1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 tháng đầu năm 2022[1]
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp nhận nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thông qua 02 kênh thông tin chủ yếu, bao gồm: Nhiệm vụ giao trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (sử dụng mạng dùng riêng kết nối từ Văn phòng Chính phủ đến Bộ Tư pháp).
Sau khi tiếp nhận, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đều được Lãnh đạo Bộ phân công đơn vị chủ trì trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, để đảm bảo việc cập nhật tiến độ kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay, Văn phòng Bộ đang thực hiện việc theo dõi, cập nhật kết quả thực hiện thông qua hình thức trao đổi trực tiếp với Thủ trưởng các đơn vị, chuyên viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì thực hiện.
Theo số liệu trên Hệ thống theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của Văn phòng Chính phủ, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/9/2022, Bộ Tư pháp đã nhận được 153 nhiệm vụ (tăng 106,7% so với cùng kỳ năm 2021) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó có 85 nhiệm vụ có thời hạn, 68 nhiệm vụ không có thời hạn). Kết quả, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 115 nhiệm vụ (trong đó có 74 nhiệm vụ có thời hạn, 41 nhiệm vụ không có thời hạn hoàn thành) và hiện đang tiếp tục thực hiện 38 nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2022.
Qua theo dõi trên Hệ thống theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của Văn phòng Chính phủ, một số đơn vị thuộc Bộ có số lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiều như: Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Vụ Pháp luật quốc tế… Đối với nhiệm vụ được giao trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao khi đã hoàn thành đều được cập nhật đầy đủ kết quả, sản phẩm thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhiệm vụ được giao đến thời hạn phải hoàn thành hoặc phải báo cáo, phải trình theo đúng quy định của Quy chế 42; đối với các nhiệm vụ đang thực hiện hoặc nhiệm vụ giao không có thời hạn đều được cập nhật tình hình thực hiện chung, dự kiến thời gian hoàn thành. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cũng được Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm túc, định kỳ nội dung tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đều được lồng ghép vào Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, kết quả công tác chỉ đạo điều hành gửi Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, định kỳ hàng tháng Văn phòng Bộ đều có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phục vụ Bộ trưởng tham dự phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Bên cạnh đó, ngày 18/4/2022, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 79/BC-BTP tình hình thực hiện Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ban hành kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg ngày 15/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3285/BTP-VP ngày 06/9/2022 về việc phát triển và triển khai Nền tảng hỗ trợ theo dõi, điều hành thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến với Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Quy chế sửa đổi quy chế 42 và tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống theo dõi.
Đồng thời, với vai trò là thành viên Tổ công tác của Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tham gia tích cực, đóng góp có chất lượng vào hoạt động của Tổ công tác của Chính phủ, nhất là các nội dung liên quan công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Qua quá trình triển khai thực hiện Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành về vệc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và Quy chế do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành về việc cập nhật, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao, Văn phòng Bộ nhân thấy, Quy chế cập nhật, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao đã phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn và hình thành cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin giữa Văn phòng Bộ với các đơn vị thuộc Bộ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; một số đơn vị thực hiện tốt việc theo dõi, cập nhật tiến độ đối với các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính[2]. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
- Qua theo dõi, Văn phòng Bộ nhận thấy số lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướn Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì ngày càng nhiều, cần có thời gian nghiên cứu, rà soát, trong khi đó, các nhiệm vụ này thường được giao thời hạn hoàn thành tương đối ít[3] gây khó khăn cho đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện nhiệm vụ.
- Một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì thường mang tính đột xuất, giao ngoài Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi đa phần các nhiệm vụ đều có tính chất phức tạp, yêu cầu triển khai công việc khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao như: Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; xây dựng Báo cáo chuyên đề “Thực trạng kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực Chính phủ phụ trách; kiến nghị các nội dung cần đưa vào Quy định của Bộ Chính trị”; tham gia xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”; xây dựng Báo cáo: “Thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng và thẩm định văn bản; quy định hoạt động thanh tra, kiểm toán và quản lý nhà nước về thi hành án; đề xuất, kiến nghị và giải pháp khắc phục”; tổ chức Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế…
- Việc phân quyền cho trên Hệ thống theo dõi nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao mới chỉ dừng lại ở đầu mối duy nhất của Bộ thực hiện việc theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện chung của toàn Bộ; chưa thực hiện việc mở rộng phân quyền cập nhật đến từng đơn vị trực thuộc và chuyên viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, do đó một số nhiệm vụ đôi khi còn chưa mang tính cập nhật chính xác;
- Hiện nay, Bộ Tư pháp đang vận hành tách biệt các Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với Hệ thống văn bản và điều hành (trên trục liên thông văn bản quốc gia) cũng như Phần mềm phòng họp không giấy tờ của Chính phủ (eCabinet) dẫn đến việc chưa có sự thống nhất trong quản lý thực hiện nhiệm vụ cũng như đầu mối theo dõi chung của từng đơn vị;
- Một số nhiệm vụ trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ là nhiệm vụ để biết, nhiệm vụ phối hợp (không phải chủ trì); nhiệm vụ có tính chất định hướng thường xuyên, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành; nhiệm vụ không xác định rõ thời hạn hoàn thành, dẫn đến việc khó khăn cho đầu mối phụ trách cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ.
3. Nguyên nhân những khó khăn, vướng mắc
3.1. Nguyên nhân khách quan
- Một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi chưa thực sự rõ ràng, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành; dẫn đến việc các Bộ, ngành tiếp tục phải rà soát, phân loại để tìm ra đúng nhiệm vụ của Bộ, ngành mình; một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thường là các nhiệm vụ có liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; khi thực hiện cần lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương theo đúng quy định. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương được lấy ý kiến trả lời không đúng hạn đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giao là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành nhưng quá hạn ngày càng nhiều[4].
- Đối với nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay các cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Tư pháp, đang phải xử lý nhiều vụ việc cụ thể, sự vụ; chưa thực sự tập trung vào làm chính sách. Thậm chí, trong một số trường hợp, các cơ quan quản lý nhà nước đang cùng “hành chính hóa” các tranh chấp, các quan hệ dân sự, kinh tế.
- Hiện nay, với khối lượng nhiệm vụ Chính phủ, Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao các đơn vị ngày càng nhiều, yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ giao ngày càng cao, tuy nhiên, một số đơn vị số lượng biên chế so với nhu cầu, khối lượng công việc được giao cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Trong thời gian qua, việc triển khai Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ đã được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ từ Lãnh đạo Bộ xuống đến các đơn vị. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống còn chưa triệt để, toàn diện.
- Quyết định số 2478/QĐ-BTP ngày 02/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế cập nhật, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và cập nhật tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ vào Hệ thống theo dõi; đồng thời hiện nay, các đơn vị thuộc Bộ đều phân công đầu mối thực hiện nhiệm vụ theo dõi, cập nhật, báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tuy nhiên, một số đơn vị còn chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, bám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành trên Hệ thống ngày càng nhiều.
4. Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao, có định hướng, phân công thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc của từng đơn vị; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp, tiến độ, chất lượng và hiệu quả công việc; giúp hoạt động chỉ đạo, điều hành đến từng cấp được bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương hành chính; giúp quản lý, theo dõi, kiểm soát được tiến độ, chất lượng giải quyết công việc; gắn theo dõi, đôn đốc với kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở xem xét, phân tích các điều kiện, bối cảnh thực tế và khối lượng công việc được giao để đánh giá một cách khách quan, toàn diện, qua đó kịp thời đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng thời gian quy định, rõ việc, rõ trách nhiệm, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân một cách công khai, minh bạch.
Thứ hai, đối với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp:
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quan tâm, thường xuyên theo dõi, rà soát, đôn đốc, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo cập nhật tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao;
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm thời gian, tiến độ, chất lượng công việc;
- Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, có giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện;
- Đề nghị Cục Công nghệ thông tin tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc xây dựng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ; đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; tăng cường sử dụng và khai thác tối đa lợi ích của việc chuyển đổi số trong xu thế mới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc Bộ để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống về mặt nội dung, kỹ thuật; đồng thời xem xét việc tích hợp Hệ thống theo dõi nhiệm vụ với Cổng thông tin điện tử của Bộ để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ cũng như đảm bảo sự thống nhất trong việc theo dõi nhiệm vụ, thống nhất việc sử dụng một hệ thống trong quản lý, điều hành công việc./.
Văn phòng Bộ Tư pháp
ThS. Nguyễn Tiến Dũng
Học viện chính trị khu vực I