Tại lớp tập huấn, các cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã được nghe các chuyên gia trao đổi, chia sẻ về các kỹ năng, kinh nghiệm soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động đối với văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm 06 nguyên tắc: (i) bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhât của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; (ii) tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (iii) bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật; (iv) bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; (v) bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (vi) bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt, chính xác, phổ thông, không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục. Từ ngữ nước ngoài chỉ được sử dụng khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế. Văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích…
Về kỹ năng thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, cần tập trung vào các vấn đề như: sự cần thiết ban hành, đối tượng điều chỉnh của luật, pháp lệnh; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nếu chính sách liên quan đến thủ tục hành chính, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nếu chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Việc thẩm định đề nghị xây dựng nghị định cũng cần tập trung vào các nội dung như đối với luật, pháp lệnh, ngoài ra cần được xem xét việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng nghị định.
Về đánh giá tác động chính sách pháp luật cần bảo đảm thực hiện theo 03 bước: bước 1: mô tả các vấn đề bất cập; bước 2: nêu tác động tiêu cực của vấn đề bất cập; bước 3: xác định nguyên nhân phát sinh vấn đề bất cập. Trên cơ sở đó lập báo cáo đánh giá tác động pháp luật văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài việc cung cấp kiến thức liên quan đến các kỹ năng soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động đối với văn bản quy phạm pháp luật, các chuyên gia còn chia sẻ các kinh nghiệm, các nội dung cần lưu ý, từ đó giúp các công chức, viên chức vận dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện các kỹ năng này.
Thùy Dung