Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thay mặt đơn vị chủ trì báo cáo, Nghị quyết quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, bao gồm: nguyên tắc; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền; tên gọi của các cơ quan; việc thực hiện thủ tục hành chính; việc thực hiện chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan đã ban hành; việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật và xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết.
Căn cứ phạm vi điều chỉnh này, Nghị quyết được xây dựng với bố cục gồm 13 điều, cụ thể: Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Điều 2 về nguyên tắc (nguyên tắc chung trong xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy); từ Điều 3 đến Điều 10 gồm các quy định mang tính nguyên tắc để xử lý các nội dung cụ thể khi sắp xếp tổ chức bộ máy như: việc thực chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền; tên gọi của các cơ quan, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện thủ tục hành chính; việc thực hiện chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết; giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan ban hành trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; việc sử dụng con dấu, bản phôi, mẫu giấy tờ, biểu mẫu đã được in, phát hành; Điều 11 và Điều 12 quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết và trách nhiệm của các cơ quan trong việc việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Điều 13 về điều khoản thi hành. Nghị quyết dự kiến được thông qua tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 02/2025.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, một số cơ quan thanh tra đang thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trên cơ sở chức năng thanh tra, trong đó có cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Điều 6 dự thảo đề cương Nghị quyết quy định về thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành lại chưa có nội dung đối với cơ quan này. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trong trường hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội sau khi sắp xếp được tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, đồng chí Đào Anh Tới, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống tổ chức của Bộ Công an sẽ thay đổi từ 04 cấp thành 03 cấp. Đây là vấn đề mang tính chất đặc thù và buộc phải xử lý ngay, do vậy, không thể xử lý bằng các nguyên tắc chung quy định tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề xuất sửa đổi trực tiếp một số quy định của 10 luật, bộ luật gồm: Bộ luật Hình sự; Luật Công an nhân dân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Đặc xá; Luật Phòng, chống ma túy; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Theo đại diện Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị quyết chỉ có quy định về trách nhiệm của cơ quan được hình thành sau khi hợp nhất, sáp nhập hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chấm dứt hoạt động mà chưa có nội dung quy định về cơ quan phối hợp với cơ quan bị hợp nhất, sáp nhập. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định về nguyên tắc ban hành hướng dẫn tạm thời đối với các thủ tục hành chính tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị quyết bởi đây là thủ tục có liên quan trực tiếp đến người dân.
Trao đổi tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; đặc biệt, quy định về người có thẩm quyền, cần xác định cụ thể là tổ chức hay cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định: “căn cứ quy định tại khoản này, Chính phủ ban hành văn bản để quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ khác với quy định tại luật, pháp lệnh hiện hành”, đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc bỏ nội dung “khác với quy định tại luật, pháp lệnh hiện hành” để thống nhất với Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Ngoài ra, cần nghiên cứu một số nội dung sau: về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, cần làm rõ cơ sở thực tiễn xuất phát từ tác động của việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của các cơ quan đã đặt ra yêu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật; về sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, cần nhấn mạnh chỉ đạo của Trung ương trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đối với các chính sách, cần tách thành 03 nhóm chính sách thay vì 02 nhóm chính sách, cụ thể: chính sách 1 về xử lý các vấn đề cần điều chỉnh ngay để thực hiện các quyết định về sắp xếp bộ máy bảo đảm hiệu lực quản lý; chính sách 2 về xử lý các vấn đề hiện nay đang được quy định trong luật; chính sách 3 về những vấn đề chưa dự liệu được; về tờ trình, cần bổ sung điều kiện bảo đảm nguồn lực tài chính trong việc thực hiện chính sách...
Thùy Dung