Để thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phạm vi cả nước, triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ trong công tác này, Bộ Tư pháp cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự thực hiện quản lý nhà nước và thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cần quan tâm chỉ đạo sắp xếp, bố trí nhân sự chuyên trách tại Bộ Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV đến năm 2020, định hướng sau năm 2020 (năm 2020 là năm tổng kết giai đoạn 2015 - 2020 của Chương trình Hỗ trợ pháp lý danh cho doanh nghiệp - Chương trình 585[1]). Qua thực tiễn kết quả thực hiện trong thời gian qua và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV trong thời gian tới, trước mắt cần hình thành bộ phận chuyên trách thực hiện quản lý nhà nước trong công tác này tại Bộ Tư pháp (việc hình thành bộ phận này đảm bảo không phát sinh nhân sự mà Bộ có thể nghiên cứu bố trí riêng, đổi tên gọi nhóm thường trực hỗ trợ pháp lý (chủ yếu đang kiêm nhiệm hiện nay) để có vị trí, chức năng rõ ràng, độc lập trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác này, bởi trên thực tế Bộ Tư pháp vẫn đang phải trực tiếp tiếp dân, trả lời vướng mắc cho doanh nghiệp... hoặc giao nhiệm vụ này cho một đơn vị chuyên trách của Bộ Tư pháp để phát huy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (ví dụ, một đầu mối là Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế hoặc Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật hoặc Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp[2]), tránh trường hợp kiêm nhiệm dàn trải như hiện nay để triển khai tập trung cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quản lý tài chính trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cả nước và thống nhất việc xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các bộ, ngành, các địa phương; xây dựng và triển khai các mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo trên cả nước.
Đảm bảo kinh phí, cơ cở vật chất, phương tiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan nhà nước trong thời gian gần đây luôn được hoàn thiện và nâng cao nhưng về cơ bản còn nhiều hạn chế trong điều kiện làm việc khó khăn, thu nhập thấp so với chi tiêu cuộc sống, vì vậy, những người làm ở các cơ quan nhà nước dễ bị dao động về lập trường tư tưởng, ảnh hưởng tới tinh thần trách nhiệm trong công tác nói chung và việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng. Do vậy, việc ngại hướng dẫn, thông tin hoặc thiếu tâm huyết khi thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoặc thực hiện hình thức, qua loa là khó tránh khỏi. Do đó, để đảm bảo hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường sự tích cực của các cơ quan nhà nước, nhất là Ngành Tư pháp từ trung ương (Bộ Tư pháp) tới địa phương (Sở Tư pháp) trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng thì phải đáp ứng đầy đủ và kịp thời kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, đặt biệt là áp dụng công nghệ thông tin trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Hàng năm, Bộ Tư pháp cần phối hợp thường xuyên với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cần phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm tra, giám sát và tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các bộ, ngành và địa phương đại diện cho các tỉnh ở các miền Bắc, Trung và Nam và một số tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Qua công tác kiểm tra, giám sát và tổng kết sẽ tiếp nhận được nhiều thông tin thực tiễn về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn và các kiến nghị đề xuất về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là nội dung, hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Công tác kiểm tra, giám sát và tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần phải có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng công tác kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm, nhất là những nơi có nhiều đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Thường xuyên tổng kết, đánh giá những mặt được, chưa được trong quá trình kiểm tra, giám sát, từ đó nghiên cứu, tổng hợp đề xuất hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn hoặc ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện trong toàn quốc nhằm tạo sự thống nhất trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tránh trùng lặp, lãng phí và hình thức, không đáp sát với cầu của doanh nghiệp. Việc tổng kết thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo định kỳ hoặc theo chuyên đề phải hình thành được những quan điểm, những bài học và những hướng dẫn để bảo đảm việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện thống nhất theo một quy chuẩn chung mà pháp luật quy định.
Bộ Tư pháp cần có cơ chế kịp thời động viên, khen thưởng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức có thành tích trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là việc khen thưởng khích lệ đối với các cá nhân, tổ chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ví dụ: Hàng năm tổ chức bình chọn, tôn vinh các luật sư, văn phòng luật sư… có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là việc thông tin kịp thời, chính xác các thông tin pháp lý cho doanh nghiệp khi có yêu cầu, thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật; xử lý nghiêm, kiên quyết thay thế những công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn nghiệp vụ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Phát huy tốt hơn quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp với doanh nghiệp trong hỗ trợ pháp lý: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được giao cho các cơ quan nhà nước, cụ thể là bộ, ngành (đầu mối là các tổ chức pháp chế) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (ở địa phương đầu mối là các Sở Tư pháp). Pháp luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc phối hợp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa là trách nhiệm của cơ quan chủ trì thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và là trách nhiệm của tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp nếu được thực hiện hài hòa sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tăng cường cơ chế phối hợp giữa trung ương (pháp chế các bộ, ngành) và địa phương (Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) trong quá trình tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý nhằm tạo ra nguồn lực thống nhất, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo giữa các hoạt động, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Sự phối hợp nên được thực hiện từ việc phối hợp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị đối thoại, tọa đàm, lấy ý kiến doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật; phối hợp trong việc xây dựng tài liệu, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; phối hợp giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp. Có thể nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp chung thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa trung ương với địa phương, giữa các ngành có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An
[1]. Ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
[2]. Giao cho những đơn vị này sẽ phát huy được nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị và có thể triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong thời gian tới.