Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu bước đầu các vai trò, cơ sở chính trị, pháp lý của việc thực hiện nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Abstract: The article initially studies the roles, political and legal bases of the implementation of improving people's ability to access the law in the context of building a socialist rule of law State.
Thực tế những năm vừa qua cho thấy, hệ thống pháp luật về tiếp cận pháp luật và việc thi hành pháp luật về tiếp cận pháp luật đã có tác động rõ rệt đến đời sống xã hội. Những quy định trong Hiến pháp, luật và văn bản dưới luật luôn đề cao tính nhân đạo và nhân văn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước mà nhân dân là chủ và do nhân dân làm chủ. Nói đúng hơn, đó là hệ thống tiếp cận pháp luật phục vụ cho việc thực thi các lợi ích cơ bản của con người, đặc biệt là lợi ích của người lao động. Vì vậy, các nguyên tắc định hướng cho việc xây dựng nội dung của hệ thống tiếp cận pháp luật, như công bằng, nhân đạo, vì sự phát triển, tiến bộ của con người và xã hội... cũng chính là những nguyên tắc đạo đức cơ bản mà nhân loại tiến bộ đã, đang và sẽ hướng tới. Có thể nói, tiếp cận pháp luật góp phần rất lớn trong việc hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành những quy phạm chung, giúp con người có hành vi ứng xử văn minh, phù hợp với chiều hướng phát triển tiến bộ của thời đại.
1. Vai trò của việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Thứ nhất, bảo vệ và phát huy quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta, được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn kiện của Đảng. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…”. Đối với mọi công dân, với tính chất là thành viên của cộng đồng xã hội, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi sự ứng xử của người dân và hành vi của họ phải trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi Nhà nước phải có một hệ thống tiếp cận pháp luật của người dân ngày càng hoàn thiện để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội; đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật nghiêm minh của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân; yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân đã được pháp luật quy định.
Thứ hai, tiếp cận pháp luật của người dân góp phần quan trọng vào việc thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm minh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tiếp cận pháp luật của người dân còn góp phần bảo đảm quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước; tiếp cận pháp luật của người dân bảo đảm thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng là Nhà nước được xây dựng và hoạt động trên cơ sở pháp luật. Các chủ thể trong xã hội đều cần phải coi pháp luật là thước đo hành vi xử sự, là tiêu chí đánh giá hành vi của con người, muốn vậy, cần phải có tiếp cận pháp luật của người dân, cần phải có sự hiểu biết nhất định về pháp luật, có tình cảm đối với pháp luật, từ đó mới có xử sự hợp lý khi tham gia các quan hệ xã hội. Một Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật đòi hỏi mọi thành viên xã hội đều phải tuân thủ pháp luật trong mọi hành vi của mình.
Thứ ba, là công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Điều đó xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của tiếp cận pháp luật của người dân trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Pháp luật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, được coi là phương tiện cơ bản để Nhà nước quản lý xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quá trình xã hội.
2. Cơ sở chính trị, pháp lý về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân hiện nay
Hệ thống pháp luật nước ta thời gian qua không ngừng được hoàn thiện, góp phần bảo đảm, thực hiện các quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo. Đến nay, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hàng năm để quy định chi tiết, cụ thể hóa Hiến pháp và các luật rất lớn. Để tạo cơ chế cho người dân tiếp cận thông tin, tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần bảo đảm, thực hiện các quyền, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin và nhiều luật khác đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền trong việc đăng tải, đưa tin, cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, khả năng sử dụng pháp luật để thực hiện các quyền, bảo vệ lợi ích của mình và xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Một số văn kiện, văn bản quan trọng mới ban hành đã nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với chủ trương, chính sách, pháp luật.
Về chủ trương, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Trong điều kiện mới, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan nhà nước. Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền được thông tin của công dân và sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin của công dân (Điều 25). Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin; khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 3), quy định nguyên tắc quyền con người, quyền công dân “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14).
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhấn mạnh, “bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân… Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp”. Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã đặt ra một số nội dung quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó, “phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”, “hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, “triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở”. Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đề ra mục tiêu về từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc củ̉a nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, “chú trọng phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật. Đổi mới phương pháp, tăng cường nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là khâu đầu vào trong tổ chức thi hành pháp luật”…
Thực hiện các chủ trương nêu trên, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của công dân và doanh nghiệp”.
TS. Trần Văn Duy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
ThS. Lê Thị Thu
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 374, tháng 2/2023)