Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Như vậy, chúng ta cũng cần có những quy định cụ thể hơn về “tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp” để công tác bán đấu giá tài sản ngày càng được hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, phục vụ tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, trên thực tế đang tồn tại những doanh nghiệp được cho là tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp nhưng kinh doanh rất nhiều các hình thức khác (như bán vé máy bay, cung cấp rượu, bia, nước giải khát...) và đăng ký thêm kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản. Theo quy định thì các doanh nghiệp đó đương nhiên đã được xem là tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Như vậy, liệu “đã ổn” và đã phù hợp với tình hình thực tế cũng như những quy định, những nguyên tắc bình thường của hoạt động bán đấu giá tài sản chưa? Thiết nghĩ là đang có vấn đề, bởi lẽ:
Thứ nhất, chúng ta nên phân tích và làm rõ cụm từ “chuyên nghiệp” để từ đó nhìn nhận và đánh giá thực trạng của nó. Theo tác giả, nếu đặt cụm từ “chuyên nghiệp” trong hoạt động bán đấu giá tài sản, thì nên hiểu là tổ chức đó, doanh nghiệp đó chỉ hoạt động duy nhất ngành nghề bán đấu giá tài sản và phải có một đội ngũ nhân sự có chuyên môn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan. Như vậy, để có được một sự “cạnh tranh” công bằng giữa các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thì phải có những tổ chức chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ này, trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chung để đảm bảo tiến dần đến yêu cầu và mục tiêu xã hội hóa trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản mà Chính phủ đã đề ra.
Thứ hai, từ thực tế, chúng ta có thể dễ dàng thấy tính chuyên nghiệp đã được thể hiện rất rõ trong tổ chức của các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) so với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản. Hiện nay, trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản có lãnh đạo trung tâm, các phòng nghiệp vụ và một đội ngũ viên chức, người lao động giúp việc cho đấu giá viên triển khai thực hiện các yêu cầu của công dân, tổ chức một cách bài bản và có sự phân công rõ ràng, rành mạch theo từng lĩnh vực. Đây là yếu tố thuận lợi và cần thiết để phục vụ tốt nhất, bảo đảm đúng quy định của các công việc, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, xét về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản, thì sẽ hoàn toàn khác biệt và có phần “đơn giản” hơn. Sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp chỉ có một đấu giá viên triển khai thực hiện tất cả các hoạt động có liên quan đến bán đấu giá tài sản của tổ chức đó (thực hiện nhiệm vụ từ khâu tiếp nhận hồ sơ cho đến khâu tổ chức bán đấu giá tài sản), đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác được doanh nghiệp giao cho, nên tính chuyên nghiệp và hiệu quả chắc chắn sẽ không được như mong muốn.
Thứ ba, việc quy định cụ thể, phù hợp hơn về tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức bán đấu giá được cạnh tranh lành mạnh hơn. Một trong những đòi hỏi cấp thiết của chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bán đấu giá tài sản, là sự canh tranh lành mạnh giữa các chủ thể nhằm công khai, minh bạch, giảm chi phí và ngày càng phục vụ tốt nhất yêu cầu của công dân, tổ chức, nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật. Trong khi đó, giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa các doanh nghiệp với các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản chưa có sự công bằng trong việc cạnh tranh. Ở đây, tác giả không đề cập đến những vấn đề được cho là nhạy cảm trong việc cạnh tranh, mà chỉ xem xét ở khía cạnh tổ chức và hoạt động để nhìn nhận tổng quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan của các tổ chức này. Một trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cũng như một doanh nghiệp chuyên bán đấu giá tài sản cần phải có một đội ngũ nhân lực có trình độ, chuyên môn để bảo đảm hoạt động được diễn ra bình thường và có hiệu quả cao, nên chi phí cho hoạt động của tổ chức là đáng kể. Trong khi đó, một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản sẽ tốn rất ít chi phí, nhân lực để phục vụ cho việc triển khai thực hiện hoạt động bán đấu giá tài sản tại tổ chức mình. Như vậy, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về phía doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản là tất yếu và sự công bằng giữa các tổ chức, doanh nghiệp rất khó được bảo đảm.
Yêu cầu xã hội hóa đối với lĩnh vực bán đấu giá tài sản là một đòi hỏi cấp thiết và cần thiết. Để hoạt động này được triển khai hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế đang diễn ra thì các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng cần nghiên cứu, xem xét, chỉnh sửa quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản cho phù hợp, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Theo tác giả, chúng ta nên quy định cụ thể tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp phải là những tổ chức, doanh nghiệp chỉ hoạt động và chuyên hoạt động về lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Đồng thời, cấp có thẩm quyền cũng nên ban hành quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Có như vậy, mới có thể giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh, đưa hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao.
Nguyễn Xuân Viễn
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum