Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới trong phong trào thi đua yêu nước của Ngành, ghi nhận công lao đóng góp của các cá nhân, tập thể, đồng thời khẳng định sự phát triển và trưởng thành của ngành Tư pháp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, trước yêu cầu của thời kỳ cách mạng mới, ngành Tư pháp quyết tâm đoàn kết, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước.
1. Các phong trào thi đua đã được Bộ Tư pháp và các đơn vị trong toàn Ngành phát động, triển khai sâu rộng, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao
Trong những năm qua, nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân cùng với sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực thi đua của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong 05 năm (2016 - 2020) đã đạt được nhiều thành tích, góp góp quan trọng. Các phong trào thi đua đã được Bộ Tư pháp, các đơn vị trong ngành Tư pháp phát động và triển khai sâu rộng, được triển khai tương đối bài bản, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao. Các tập thể, cá nhân toàn Ngành đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra và rất nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh hàng năm. Cụ thể:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (Chỉ thị số 34-CT/TW) để tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân trong ngành Tư pháp ra sức thi đua lập nhiều thành tích trong các lĩnh vực công tác được giao. Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với phong trào thi đua và công tác khen thưởng của Bộ, Ngành.
Hàng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp đã tham mưu, giúp Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng với việc tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng, Chỉ thị số số 34-CT/TW, xác định các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của Bộ, Ngành và các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành, tạo động lực trong tổ chức thực hiện; đồng thời, tạo không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, các cơ quan, đơn vị cũng đã tổ chức triển khai với hình thức phù hợp để quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý.
Những năm qua, Bộ Tư pháp đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế của Ngành về công tác thi đua khen thưởng như các thông tư, quy chế và các văn bản khác liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng theo thẩm quyền để phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng hiện hành và điều kiện thực tiễn của Ngành, của cơ quan, đơn vị, địa phương làm cơ sở cho việc tổ chức, triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Đến nay, hệ thống các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp về cơ bản đã tương đối đầy đủ, là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và triển khai phát động, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng tại Bộ, ngành Tư pháp.
Cùng với đó, Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, trọng tâm là các phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Trong giai đoạn này, Bộ đã tổ chức hiệu quả việc tổng kết đánh giá 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, tổng kết phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020.
Trên cơ sở các phong trào thi đua do Bộ phát động, các Cụm, Khu vực thi đua, các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã sôi nổi hưởng ứng, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn liền với những công tác trọng tâm của Ngành, của đơn vị. Phong trào thi đua được các đơn vị phát động thường xuyên và gắn phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành, của đơn vị với thi đua lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm. Kết thúc các đợt thi đua có tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt và nhân rộng điển hình tiên tiến, làm cho các phong trào thi đua trở nên sôi động, có hiệu quả, từ đó làm khởi sắc các lĩnh vực công tác.
Việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện chính sách khen thưởng, tổ chức sơ, tổng kết các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành Tư pháp đã tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, của các tập thể, cá nhân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý góp phần phát huy hiệu quả, dần đi vào thực chất hơn đối với công tác thi đua, khen thưởng của Ngành.
Về hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp: Trong giai đoạn 2016 - 2020, căn cứ điều kiện thực tiễn, trên cơ sở quy định của pháp luật, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp được kiện toàn, bổ sung 03 lần vào các năm 2016, 2017 và 2019. Hội đồng, Thường trực Hội đồng hoạt động tương đối bài bản, linh hoạt, thường xuyên được đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy hiệu quả, bảo đảm sự liên thông, kịp thời, tiết kiệm trong tổ chức và hoạt động; làm việc theo Quy chế Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành[1]. Vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trách nhiệm tham mưu của từng thành viên đối với lĩnh vực do mình phụ trách, quản lý có sự chuyển biến rõ nét hơn với nhiều phát hiện, đề xuất, đánh giá khách quan, kịp thời.
Về hoạt động của Cụm, Khu vực, Khối thi đua: Các Cụm, Khu vực thi đua trong ngành Tư pháp cũng thường xuyên được củng cố, kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động; tổ chức và hoạt động theo Quy chế được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành. Hiện nay, ngành Tư pháp có 03 Cụm thi đua, 06 Khu vực thi đua (tăng 01 khu vực thi đua so với giai đoạn trước)[2]. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngay từ đầu các năm, các Cụm, Khu vực thi đua đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đăng ký, ký kết giao ước thi đua, trong đó đề ra tiêu chí, nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, thể hiện quyết tâm hưởng ứng, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Bộ phát động. Nội dung các phong trào thi đua đều bám sát nhiệm vụ chính trị được giao gắn với các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước như triển khai Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thông qua việc tuyên truyền, phổ biến và xây dựng các chương trình, kế hoạch để từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, định hướng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...
Với vai trò là thành viên Khối thi đua các bộ, ban, ngành Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia các hoạt động của Khối, có những ý kiến tham gia, đề xuất cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chung của Khối. Hàng năm, các Đoàn công tác của Khối tiến hành kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng tại một số Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố, qua kiểm tra cho thấy việc tổ chức các phong trào thi đua, thực hiện chính sách khen thưởng của Bộ Tư pháp đến các đơn vị trong ngành được Đoàn kiểm tra ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao.
Về tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng và tổng kết điển hình tiên tiến: Công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiên tiến được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp, được quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên gắn với tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua và có những chuyển biến tích cực hơn trong những năm qua. Các Cụm, Khu vực thi đua và từng cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành đã đưa nội dung xây dựng điển hình tiên tiến là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch triển khai phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị; chủ động chỉ đạo, khuyến khích tập thể, cá nhân phát huy các thành tích đạt được, đăng ký các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao, tạo động lực thi đua phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; động viên các đơn vị, cá nhân là điển hình tiên tiến tiếp tục nêu gương phấn đấu, tự giác, tiên phong trong công tác và trong các hoạt động khác; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các điển hình tiên tiến phát huy được khả năng, vai trò của mình; kịp thời động viên, biểu dương những nhân tố, điển hình tiên tiến, động viên cán bộ, công chức hăng hái, tự giác thi đua hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao.
Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-HĐTĐKT, Kế hoạch số 06/KH-HĐTĐKT ngày 09/3/2017 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới năm 2017 và tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-BTP ngày 12/4/2017 về Kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến ngành Tư pháp; Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 27/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã được Bộ triển khai thực hiện nghiêm túc và cụ thể hóa trong Kế hoạch phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2018) ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-BTP ngày 24/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Kế hoạch số 19/KH-HĐTĐKT ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Hướng dẫn số 1149/HD-BTĐKT ngày 18/6/2019 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 57/QĐ-BTP ngày 13/01/2020 về ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V, Quyết định số 2926/QĐ-BTP ngày 22/11/2019 về ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước hoặc Hội nghị Điển hình tiên tiến ở các đơn vị tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V và các văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức Đại hội thi đua/Hội nghị điển hình tiên tiến cấp cơ sở; xét, đề nghị công nhận điển hình tiên tiến các cấp trong ngành Tư pháp[3].
Trên cơ sở quy định của pháp luật, kết quả thực hiện các phong trào thi đua, bộ, Ngành đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục để khen thưởng, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài Ngành về thành tích công trạng, cống hiến, ngoại giao, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã xét tặng và trình cấp có thẩm quyền tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành Tư pháp. Trong giai đoạn này, toàn ngành Tư pháp đã có 18.390 lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp khen thưởng với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Đồng thời, Bộ Tư pháp được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, được các thành viên trong Khối thi đua các bộ, ban, ngành Nội chính Trung ương suy tôn và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2015, năm 2017; tặng Bằng khen năm 2016, năm 2018. Với những đóng góp trong thời gian qua, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2020), Bộ Tư pháp vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất - một trong những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Tư pháp.
2. Tiếp tục thể chế hóa, tổ chức quán triệt và thực hiện kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của ngành Tư pháp về công tác thi đua, khen thưởng
Để tiếp tục thể chế hóa và tổ chức quán triệt, thực hiện kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của ngành Tư pháp về công tác thi đua, khen thưởng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành; đồng thời triển khai toàn diện, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng, chính sách khen thưởng trong ngành Tư pháp phù hợp với chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng do Trung ương phát động, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ, Ngành, tạo không khí thi đua sôi nổi, động lực thúc đẩy và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025, trong thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Ngành về công tác thi đua, khen thưởng, đặt biệt là Chỉ thị số 34-CT/TW; tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và điều kiện thực tiễn của Bộ, Ngành, của cơ quan, đơn vị, địa phương làm cơ sở cho việc tổ chức, triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, tăng cường vai trò định hướng chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sức mạnh tổng hợp của từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua; đảm bảo thường xuyên, liên tục, thiết thực, không phô trương, tránh hình thức.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua. Việc tổ chức các phong trào thi đua phải có chiều sâu, không chồng lấn, hình thức, gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua các chỉ tiêu thi đua, giải pháp thực hiện cụ thể, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện; qua các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng, biểu dương. Khen thưởng phải đảm bảo khách quan, công khai, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thành tích, đúng quy trình, thủ tục; chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, sáng kiến, sáng tạo; công chức, viên chức và người lao động trực tiếp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện sâu rộng, toàn diện, hiệu quả các phong trào thi đua của ngành Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025 gắn với tổ chức thực hiện các phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2020 - 2025; “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề khác để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng khách quan, chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đúng đối tượng, thành tích; đảm bảo thủ tục khen thưởng từng cấp đầy đủ, chính xác, đúng quy định. Khen thưởng phải gắn với kết quả phong trào thi đua, thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, sáng kiến, sáng tạo; công chức, viên chức và người lao động trực tiếp.
Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các nhân tố mới, cách làm hay sáng tạo, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” trên các phương tiện thông tin truyền thông của Bộ, Ngành. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, những điển hình xuất sắc trong các lĩnh vực công tác tư pháp để làm nòng cốt đẩy mạnh phong trào thi đua trong giai đoạn mới, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành Tư pháp, đảm bảo đồng bộ ở cả 04 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến.
Sáu là, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào thi đua, công tác khen thưởng gắn với kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ công tác các cơ quan, đơn vị, có trọng tâm, trọng điểm, đưa phong trào thi đua, công tác khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả và thực chất.
Bảy là, bảo đảm nguồn lực phù hợp cho tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, Ngành cũng như của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Cụm, Khu vực thi đua trong ngành Tư pháp.
Tám là, tăng cường vai trò, trách nhiệm, hoạt động hiệu quả của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, Cụm, khu vực thi đua; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Ngành.
Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp