Kế thừa và phát huy những thành tựu, truyền thống của Ngành qua các thời kỳ cách mạng, cùng với cả nước, Ngành Tư pháp Nghệ An (trước đây là Nghệ Tĩnh) ngày càng được củng cố, tăng cường về mặt tổ chức, số lượng, chất lượng cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Năm 1972, theo Nghị định số 190/CP của Chính phủ, cùng với việc thành lập hệ thống các cơ quan pháp chế trong cả nước, Ban Pháp chế của Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập. Năm 1981, Sở Tư pháp tỉnh (trên cơ sở Ban Pháp chế của Ủy ban hành chính sau đó là Ủy ban nhân dân), các cơ quan tư pháp thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập và xây dựng thành hệ thống theo Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Đến năm 1991, sau khi Nghệ Tĩnh được tách thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh, nhất là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và sau khi có Hiến pháp năm 1992, với chủ trương kiện toàn và tăng cường tổ chức, hoạt động của Ngành Tư pháp, đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng, củng cố các cơ quan tư pháp địa phương từ tỉnh đến cơ sở, cùng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 266/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân chuyển sang. Để giúp Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp, thi hành án dân sự theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 12/TTLB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập lại các phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện.
Từ năm 2001 đến năm 2004, do yêu cầu sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27/03/2001 của Chính phủ, UBND tỉnh đã quyết định giao công tác tư pháp ở cấp huyện cho Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND cấp huyện thực hiện. Để kịp thời củng cố tổ chức và tăng cường hoạt động, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kết luận số 14-KL/TU ngày 28/7/2003, định hướng bố trí Phó Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện phụ trách công tác tư pháp, bố trí từ 2-3 cán bộ, công chức chuyên trách công tác tư pháp trong Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.
Trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2005/QĐ-UB và Quyết định số 06/2005/QĐ-UB ngày 11/01/2005 về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã, trong đó có Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp. Theo đó, Sở Tư pháp được kiện toàn, củng cố tổ chức và cán bộ; các phòng tư pháp cấp huyện được tái lập lại và tăng cường thêm cán bộ; cán bộ chuyên trách công tác tư pháp - hộ tịch ở cấp xã được bố trí đi vào ổn định và chuẩn hóa, chất lượng cán bộ ngày càng cao hơn.
Thực hiện nhiệm vụ tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan tư pháp, ngày 04/02/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thay thế Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004; Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 24/01/2005. Theo đó, Sở Tư pháp được kiện toàn từ 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ lên 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ, mỗi phòng được bố trí từ 3-6 cán bộ; cán bộ chuyên trách công tác tư pháp - hộ tịch cấp xã được bố trí ổn định, mỗi đơn vị có 01 cán bộ.
Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, nhằm bảo đảm trật tự và sự gắn kết trong công việc, đưa công tác tư pháp hoạt động hiệu quả, ngày 22/12/2014, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV. Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An được củng cố, kiện toàn với 8 phòng chuyên môn và 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Sở hiện tại là 86 người.
Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã và cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã được tăng cường bảo đảm về số lượng cũng như chất lượng để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 17 huyện, 01 thành phố, 03 thị xã, tương ứng với 21 Phòng Tư pháp, có 86 cán bộ, công chức đều có trình độ đại học và sau đại học. Tổng số cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã là 770 người/480 xã, như vậy, hầu hết mỗi xã, phường, thị trấn đã bố trí được 02 cán bộ tư pháp - hộ tịch, cán bộ tư pháp - hộ tịch đang dần được chuẩn hóa về trình độ đào tạo, thông qua các hình thức thi tuyển hoặc thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi về nhận công tác theo chủ trương của tỉnh, phần lớn các cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư pháp ở cơ sở.
Song song với việc tăng cường công tác tổ chức xây dựng Ngành Tư pháp, Ngành Tư pháp Nghệ An đã triển khai tương đối toàn diện các mặt công tác ở các cấp, nhiều mặt công tác đã đi vào chiều sâu, có nền nếp và chất lượng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành rà soát hàng năm hoặc rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực. Ở cấp huyện và cấp xã, các cơ quan, cán bộ tư pháp đã tham mưu cho UBND ban hành chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tích cực phối hợp với các phòng, ban liên quan trong việc soạn thảo, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cùng cấp; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị từ trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác kiểm soát thủ tục hành chính là những nhiệm vụ mới, nhưng đã dần đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả; công tác hành chính tư pháp và quản lý các tổ chức bổ trợ tư pháp được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm; công tác đăng ký quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cấp huyện, xã đã được thực hiện tốt, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp (giám định tư pháp, luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thừa phát lại…) bảo đảm hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi và đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân; hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách được triển khai thực hiện từ năm 1997 đến nay thực sự có ý nghĩa, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân ở các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…; công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo được đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, UBND và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Những thành tựu và kết quả đạt được trong tổ chức và hoạt động của Ngành Tư pháp Nghệ An trong những năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhiều tập thể và cá nhân trong toàn Ngành được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Cờ thi đua của Chính phủ 03 năm liền (1988, 1989, 1990), Huân chương lao động Hạng ba (1991), Huân chương lao động hạng nhì (giai đoạn 1991 - 1995); liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen trong các đợt thi đua chuyên đề và nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh…
Với mục tiêu “đồng thuận, vượt khó, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao” phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành Tư pháp Nghệ An tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn.
Hoàng Quốc Hào