Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau đánh giá về những kết quả của toàn ngành đã đạt được trong năm qua, trước hết là những việc đã làm được theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng tại Hội nghị năm 2013. Đồng thời, chúng ta cũng cần thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện để tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện công tác tư pháp trong thời gian tới…
… Trong năm 2013, đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng ở mức hợp lý, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, đối ngoại được tăng cường… Trong những thành tích chung của đất nước có đóng góp tích cực của Ngành Tư pháp trong việc bảo đảm pháp chế, hoàn thiện thể chế, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đặc biệt là sự ra đời của bản Hiến pháp sửa đổi.
Cũng trong năm 2013, Ngành Tư pháp đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, triển khai toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013. Cụ thể là:
- Công tác xây dựng thể chế đạt nhiều kết quả tích cực, đã hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến 36 luật, pháp lệnh, đạt 100%); việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có chuyển biến, số nghị định nợ đọng có xu hướng giảm (đã ban hành 125/164 văn bản, đạt 76,2%; riêng Luật Xử lý vi phạm hành chính đã ban hành được 50/53 nghị định, đạt 94,34%). Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết Hiến pháp, Ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt việc lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tích cực, chủ động đề xuất nhiều kiến nghị đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
- Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được chú trọng, đã hoàn thành việc đơn giản hóa 85% thủ tục hành chính theo 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 896 làm cơ sở cho việc đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được quan tâm, tạo bước chuyển mới từ xây dựng thể chế sang thực thi thể chế. Thành công của buổi lễ “Ngày Pháp luật Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa lớn góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật của người dân.
- Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển các tổ chức dịch vụ công như: Công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản. Hoạt động thừa phát lại trước đây chỉ có ở thành phố Hồ Chí Minh, nay đã được nhân rộng thêm ở 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Công tác đào tạo nguồn nhân lực được tăng cường. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật thành phố Hồ Chính Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Các trường trung cấp luật tại Buôn Ma Thuột, Hậu Giang, Quảng Bình, Thái Nguyên, Sơn La đã đi vào hoạt động ổn định và có hệ thống.
Ngoài ra, nhiều lĩnh vực hoạt động khác như: Thi hành án, hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, trợ giúp pháp lý, giao dịch bảo đảm, giám định tư pháp, công tác theo dõi điều ước quốc tế, hợp tác quốc tế,… cũng được triển khai với nhiều kết quả tích cực. Bộ Tư pháp đã được giao nhiều nhiệm vụ mới như quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, là đầu mối quốc gia thực thi công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, là đại diện pháp lý của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế… Vai trò, vị thế của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp ngày càng được khẳng định rõ hơn.
Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương những thành tích mà Ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2013; biểu dương 21 Sở Tư pháp xếp hạng xuất sắc trong công tác tư pháp năm 2013.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhận thấy, công tác tư pháp cũng còn có những hạn chế, bất cập, cụ thể là: Hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn chậm; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, nặng về phong trào, chưa đi vào thực chất; công tác kiểm soát thủ tục hành chính có dấu hiệu chậm lại; việc theo dõi thi hành pháp luật chưa mang lại hiệu quả thực sự; thi hành án dân sự chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, hiện tượng tiêu cực vẫn còn; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chậm được đổi mới, thực hiện công việc còn thủ công, theo lối mòn, chưa đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; việc triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng vẫn còn nhiều; số lượng các vụ kiện, các tranh chấp quốc tế mà các cơ quan nhà nước là một bên có dấu hiệu gia tăng. Những tồn tại, hạn chế này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó tôi đặc biệt lưu ý một trong những nguyên nhân mà chúng ta đã đề cập từ Hội nghị năm trước nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến, đó là sự nhận thức chưa đúng về vai trò của công tác tư pháp, sự vào cuộc thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt và thiếu nguồn lực đầu tư cho công tác tư pháp.
Năm 2014, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đất nước ta là tổ chức thi hành Hiến pháp sửa đổi. Như các đồng chí đã biết, Hiến pháp sửa đổi lần này có nhiều quy định mới nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hiến pháp tạo cơ sở pháp lý để chúng ta khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế xã hội năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 với 9 nhóm giải pháp, trong đó có nhiều nhiệm vụ được giao cho Ngành Tư pháp. Tôi đề nghị trong năm 2014, Ngành Tư pháp tổ chức triển khai thật nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao cũng như những nội dung mà Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu liên quan đến ngành. Tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi xin nêu một số nhiệm vụ trọng tâm như sau đây:
Một là, cần tăng cường công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp. Trước mắt, cần tập trung rà soát, lập danh mục đề xuất các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp, từ đó, đề xuất xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đảm bảo khoa học, hợp lý, khả thi, chú trọng tới các dự án luật về tổ chức bộ máy, các luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất). Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh thực chất và nghiêm túc theo Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Cùng với việc xây dựng pháp luật, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý, giảm chi phí xã hội.
Hai là, tăng cường công tác tuyền truyền pháp luật, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đưa các công tác này đi vào chiều sâu, bám sát hơn nhu cầu xã hội, quan tâm hơn đến người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Phát huy tinh thần tối thượng của pháp luật, phát huy giá trị của “Ngày Pháp luật” nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tăng cường kỷ cương, phép nước, tăng cường khả năng thực thi thể chế. Cần lưu ý rằng, hoàn thiện thể chế phải gắn liền với thực thi thể chế - đó là nguyên lý, là yêu cầu phát triển tất yếu của Nhà nước pháp quyền.
Ba là, đẩy mạnh việc rà soát, công bố kịp thời các thủ tục hành chính, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng thủ tục hành chính trên toàn quốc. Triển khai đồng bộ Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2011 – 2020, trước mắt hoàn thành việc rà soát tổng thể và đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân. Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền và Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Bốn là, đối với công tác thi hành án dân sự, mặc dù những hạn chế, yếu kém trong công tác này đã dần được khắc phục, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận là vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập thậm chí là tiêu cực. Do đó, cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác này, đồng thời khẩn trương xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự trên tinh thần cải cách tư pháp và đẩy nhanh tiến độ triển khai việc tiếp tục thi điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố theo Nghị quyết của Quốc hội.
Năm là, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Hộ tịch. Đây là dự án luật với những cải cách mạnh mẽ, không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn góp phần quan trọng tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, hướng tới một nền quản trị quốc gia hiện đại bằng những hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương một cách phù hợp, chính xác. Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cần quan tâm công tác đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Sáu là, tích cực triển khai Luật Giám định tư pháp với những giải pháp đột phá, tạo công cụ đắc lực phục vụ hoạt động tố tụng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức cũng như góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục tăng cường các lĩnh vực công tác tư pháp khác như: Công chứng, luật sư, trợ giúp pháp lý cho người nghèo…, huy động sự vào cuộc của cả xã hội cùng tham gia các hoạt động này.
Bảy là, tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kể cả việc phổ biến, tuyên truyền để đưa Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đi vào cuộc sống, bởi đây là những quy định rất nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, cán bộ làm nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính và chủ động giao nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này ngay từ đầu năm.
Tám là, chủ động, tích cực hội nhập đời sống và chuẩn mực pháp lý quốc tế thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện cơ sở pháp lý về cấp ý kiến pháp lý đối với các khoản vay và dự án đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời hạn chế thấp nhất những rủi ro pháp lý phát sinh.
Chín là, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác tư pháp và pháp luật luôn đòi hỏi sự quan tâm đầu tư cao hơn do những đặc thù của công tác này, nhất là đối với tư pháp địa phương. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác tư pháp. Cần khẩn trương tập trung triển khai các Đề án này, đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác đào tạo trung cấp luật nhằm bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở cho các địa bàn khó khăn.
Những nhiệm vụ trên không chỉ là việc của Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp mà đòi hỏi tất cả các Bộ, ngành, địa phương cùng phải cộng đồng trách nhiệm tổ chức thực hiện. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành ở trung ương cần đề cao trách nhiệm cá nhân của mình, cần dành sự quan tâm đúng mức đến công tác pháp chế, coi công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành mình. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực làm công tác tư pháp, pháp chế. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần sớm kiện toàn bộ phận pháp chế tại các cơ quan chuyên môn theo đúng quy định; cần bố trí đúng, đủ cán bộ tư pháp – hộ tịch, chấm dứt việc cán bộ tư pháp – hộ tịch kiêm nhiệm công tác khác. Tôi đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy và cá nhân các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với công tác tư pháp địa phương.
Ngoài ra, tại Hội nghị này, tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí cùng đồng hành với Ngành Tư pháp, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách nói chung và pháp luật nói riêng để tăng cường nhận thức pháp luật cho người dân, tạo đồng thuận xã hội, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, báo chí cũng là một kênh quan trọng để phản biện chính sách, pháp luật, là thước đo tính hiệu lực, hiệu quả của mỗi chính sách đối với đời sống xã hội.
Trong năm 2014, tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp cả nước, công tác tư pháp sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa, khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của công tác tư pháp trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin chúc các đồng chí đại biểu, chúc Ngành Tư pháp một năm mới thắng lợi, thành công.
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật