Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang nghiên cứu, xây dựng đề án về việc thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người. Theo thống kê của Văn phòng Cao ủy của Liên Hợp quốc về quyền con người, ở cấp độ quốc gia, có nhiều mô hình cơ quan quyền con người khác nhau: Ủy ban Quốc gia về quyền con người (chiếm 50%), Thanh tra Quốc hội – Ombudsman (chiếm 30%), hỗn hợp (chiếm 5%) như thiết lập cơ quan chuyên trách về một vấn đề quyền con người cụ thể như phụ nữ, trẻ em (Hoa Kỳ)... và dưới dạng thức khác (chiếm 7%) như Viện Quyền con người (Đức, Đan Mạch), luật sư bảo vệ công dân (Albania)...[2]. Để có thêm góc nhìn về mô hình cơ quan quốc gia về quyền con người trong thực tiễn thi hành, bài viết này đưa ra một số vụ việc phát sinh trong thực tế, qua đó tìm hiểu về cơ chế thành lập, hoạt động của một trong số cơ quan quốc gia về quyền con người trên thế giới được thành lập theo mô hình Hội đồng. Ấn Độ được coi là một trong những quốc gia có bề dày lịch sử và tồn tại lâu đời nhất trên thế giới[3] và là một trong những quốc gia có nguồn văn bản lâu đời nhất giải quyết các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của người dân (Ấn Độ giáo)[4]. Vì vậy, việc tìm hiểu cơ chế bảo đảm quyền con người của Ấn Độ và thực tiễn thi hành thông qua một số vụ việc cụ thể sẽ cung cấp góc nhìn về mô hình cơ quan quốc gia về quyền con người theo hình thức Hội đồng để qua đó, nghiên cứu, xây dựng mô hình cơ quan bảo vệ quyền con người một cách phù hợp nhất ở Việt Nam.
1. Chức năng hướng dẫn để thực thi hiệu quả các quy định của Hiến pháp và pháp luật cho các cơ quan nhà nước
Theo vụ việc số 117/8/97-98[5] có nêu Hội đồng nhận được đơn của Shri Inder P. Choudhrie, một công dân New Delhi ngày 12/5/1997 khiếu nại về việc bị công an bắt giam do nghi có liên quan đến vụ án giết người và trong quá trình bị giam giữ 13 ngày tại Shimla, anh chịu sự tra tấn dưới nhiều hình thức. Bên cạnh việc bị giam giữ bất hợp tác, bị tra tấn, anh còn bị áp dụng biện pháp “phát hiện nói dối” và bị tiêm thuốc vào tĩnh mạch mà chưa có sự đồng ý của anh. Anh đã khiếu nại lên Tòa cấp cao của Himachal Pradesh và sau đó là Tòa án tối cao nhưng không thành công. Hội đồng quyền con người đã từ chối can thiệp vào vấn đề này. Tuy nhiên, Hội đồng nhận định việc áp dụng biện pháp phát hiện nói dối chưa được quy định bởi luật, vì vậy, Hội đồng cho rằng cần có hướng dẫn cho việc áp dụng biện pháp này. Sau khi xem xét cẩn thận, Hội đồng đã đưa ra một số hướng dẫn liên quan đến việc quản lý biện pháp phát hiện nói dối, gồm một số nội dung như: (i) Việc áp dụng biện pháp này phải được sự đồng thuận của bị cáo; (ii) Nếu bị cáo tự nguyện áp dụng biện pháp này thì phải cho phép bị cáo tiếp cận luật sư. Trách nhiệm của công an và luật sư là giải thích về tác động thể chất, tinh thần và pháp lý thông qua việc áp dụng biện pháp này đối với bị cáo; (iii) Sự đồng thuận của bị cáo phải được thực hiện trước một thẩm phán... Hướng dẫn này của Hội đồng đã được gửi đến Tổng thư ký của Nghị viện cũng như đến Hội đồng quyền con người ở các bang ngày 11/01/2000. Theo Điều 12 Luật Bảo vệ quyền con người 1993 của Ấn Độ thì Hội đồng quyền con người không chỉ có nghĩa vụ tìm hiểu, điều tra bất kỳ sự vi phạm quyền con người nào mà còn có nghĩa vụ rộng hơn trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như: (i) Thanh tra việc tổ chức thi hành các quy định của luật đặc biệt tại các trại giam để nghiên cứu về điều kiện sống của người bị giam giữ và kiến nghị với Chính phủ về những biện pháp thực hiện; (ii) Rà soát các biện pháp bảo vệ quyền trong Hiến pháp hoặc các luật hiện hành và đề xuất các biện pháp để thi hành các quy định này có hiệu quả; (iii) Rà soát các yếu tố gây cản trở cho quyền con người, bao gồm các hành vi khủng bố và kiến nghị các biện pháp khắc phục phù hợp; (iv) Nghiên cứu các điều ước và các tài liệu quốc tế khác về quyền con người và đưa ra kiến nghị để thực hiện các quy định này hiệu quả hơn...
Thông qua vụ việc nêu trên, có thể nhận thấy, một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng quyền con người là đưa ra hướng dẫn để thực thi hiệu quả các quy định của Hiến pháp và pháp luật cho các cơ quan nhà nước. Thực tiễn cho thấy, việc đưa ra hướng dẫn này giúp cơ quan nhà nước có liên quan “định hướng” và được “cầm tay chỉ việc” trong quá trình áp dụng các quy định chưa rõ hoặc chưa được quy định trong Hiến pháp và luật.
Tại Việt Nam, chức năng hướng dẫn để thực thi hiệu quả các quy định của Hiến pháp và pháp luật cho các cơ quan nhà nước được giao cho nhiều cơ quan thực hiện. Các cơ quan có chức năng ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết các quy định của Hiến pháp, bộ luật, luật... được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
2. Chức năng đưa ra khuyến nghị về mức bồi thường
Theo vụ việc số 2839/13/23/2015[6], một bệnh nhân nữ phải đối mặt với chấn thương tâm lý vì bị trả kết quả HIV sai do bệnh viện tại Quận Indapur Taluka của Pune trả. Người phụ nữ này đã khiếu nại lên Hội đồng quyền con người và sau khi quan sát, Hội đồng nhận định người phụ nữ này là nạn nhân của hành vi vô ý của nhân viên y tế. Do đó, Hội đồng đã khuyến nghị nhân viên y tế cần bồi thường cho cô số tiền là 1,00,000 rupee (khoảng $1.500). Hiện nay, Hội đồng vẫn đang giám sát việc bồi thường của nhân viên y tế cho nạn nhân[7]. Thông qua vụ việc nêu trên, có thể nhận định, một trong những chức năng, quyền hạn của Hội đồng là việc giải quyết khiếu nại của công dân và đưa ra khuyến nghị về mức bồi thường đối với người gây thiệt hại.
Tại Việt Nam, thông qua nguồn tin báo chí, có thể dễ dàng tìm thấy những vụ việc tương tự. Tiêu biểu là vụ ông Nguyễn Hữu Khánh (sinh năm 1963, ngụ tại 165A Đốc Bình Kiều, khu 2 thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị kết luận nhầm kết quả xét nghiệm HIV[8]... Tuy nhiên, chức năng khuyến nghị về mức bồi thường đối với các vụ việc chưa được giao cho một cơ quan nào cụ thể nào để thực hiện.
3. Chức năng theo dõi thông tin báo chí và nhận thông tin từ các cơ quan nhà nước khác
Theo vụ việc số 7841/30/4/2012[9], Hội đồng đã tiếp nhận từ một bài tạp chí đăng trên tờ “The Indian Express” ngày 05/12/2012 với nội dung bốn bệnh nhân đã tử vong vào ngày 04/12/2012 tại Trung tâm Chấn thương Sushuruta của Chính phủ Delhi ở phía bắc Delhi do máy thở oxi trong khu vực chăm sóc chuyên biệt bị ngắt trong 12 phút. Trước thông tin báo chí nêu, ngày 12/12/2012, Hội đồng đã có thông báo gửi Bộ trưởng Bộ Sức khỏe và phúc lợi gia đình thuộc Chính phủ ở vùng Delhi để đề nghị báo cáo cụ thể vụ việc này trong thời hạn 02 tuần. Phúc đáp yêu cầu của Hội đồng, Phó Chánh văn phòng của Bộ Sức khỏe và phúc lợi gia đình đã có văn bản thông báo về việc đã có hành động đề nghị xem xét trách nhiệm của bệnh viện và công ty cung cấp bình thở oxi thông qua việc thành lập đoàn điều tra về sự việc nêu trên, trưởng đoàn là Bộ trưởng Bộ Sức khỏe và phúc lợi gia đình. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành lập Ủy ban chuyên gia cao cấp dưới sự chủ trì của Cựu Trưởng bộ phận gây mê của Bệnh viện ở Lok Nayak và các thành viên là bác sỹ ở Bệnh viện GTB để làm rõ nội dung vụ việc. Sau quá trình điều tra, theo báo cáo của Phó Chánh văn phòng Bộ Sức khỏe và phúc lợi gia đình ngày 14/8/2014, cho thấy, Bộ Sức khỏe và phúc lợi gia đình ở vùng Delhi xác định trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH Lắp đặt PES, khi đã không tuân thủ thủ tục, tiêu chuẩn hoạt động để bảo đảm dự phòng oxi cho các phòng trong trung tâm; đồng thời, báo cáo cũng ghi nhận trách nhiệm của người phụ trách quản lý thiết bị vì thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến tử vong của các nạn nhân. Do đó, đã yêu cầu công ty và người phụ trách quản lý thiết bị bồi thường cho các nạn nhân nêu trên số tiền 2.000 Rs (khoảng $29.000) cho mỗi nạn nhân tử vong. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 29/9/2014, Hội đồng chưa nhận được thông báo về việc đã thanh toán tiền bồi thường. Do đó, Hội đồng đã đề nghị Chính phủ ở vùng ở Delhi đôn đốc việc bồi thường và cung cấp bằng chứng về việc đã bồi thường cho nạn nhân trong thời hạn 06 tuần.
Qua vụ việc này có thể thấy, ngoài các chức năng như đã thấy trong vụ việc 1 và 2 thì Hội đồng không chỉ có chức năng theo dõi các vụ việc trên báo chí để kiến nghị, chuyển tiếp đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết mà Hội đồng còn có chức năng được nhận các thông báo về tình hình giải quyết vụ việc và báo cáo về kết quả bồi thường cho nạn nhân. Qua vụ việc cũng thấy rõ, Hội đồng không tham gia việc xem xét tính đúng sai của vụ án mà chỉ đóng vai trò “can thiệp”, giám sát, điều tra và kiến nghị. Hiện nay tại Việt Nam, qua thông tin báo chí, cũng cho thấy, cả nước đang theo sát vụ việc bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, một vụ việc cũng có một số tình tiết tương tự như vụ việc tại Ấn Độ nêu trên.
Chức năng về việc theo dõi thông tin báo chí, nhận văn bản, báo cáo từ các vụ việc được quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, trong từng chuyên ngành cụ thể mà chưa quy định một cơ quan có thẩm quyền chung, can thiệp vào tất cả các cơ quan nhà nước khác như chức năng của Hội đồng về quyền con người tại Ấn Độ và một số quốc gia trên thế giới.
4. Đề xuất tại Việt Nam
Một trong những đặc điểm của quyền con người là tính phổ quát, toàn cầu. Theo đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà hiện nay, vi phạm về quyền con người có thể diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, nhận diện và có định hướng để giải quyết, hạn chế việc để xảy ra các vi phạm là một trong những mục tiêu được hầu hết các quốc gia đặt ra. Điều này được thể hiện thông qua việc gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người của các quốc gia, bên cạnh đó là việc nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định mục tiêu phát triển lấy con người làm trung tâm. Theo đó, bên cạnh việc kế thừa các quy định còn phù hợp, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định cụ thể quyền con người tách biệt với quyền công dân. Để Nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của con người của công dân thì bên cạnh các giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật làm tiền đề cho việc bảo đảm phát triển quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện và nâng cao cơ chế kiểm tra, giám sát và tham gia của nhân dân vào việc quản lý của nhà nước... thì việc xây dựng và thành lập một cơ quan độc lập, chuyên trách - thiết chế để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là cần thiết. Hiện nay, chức năng bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được giao cho nhiều cơ quan thực hiện, ví dụ: Chính phủ có vai trò xây dựng thể chế, quản lý các mặt của đời sống xã hội, phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện các quyền cơ bản của con người[10]...; Tòa án bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử công bằng và công khai, khôi phục lại quyền và lợi ích của cá nhân tổ chức... mà chưa có cơ quan chuyên trách về vấn đề này. Vì vậy, từ điều kiện trong nước, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách bảo về quyền con người tại Việt Nam. Dù cơ quan quốc gia về quyền con người được hình thành theo mô hình nào thì trong quá trình nghiên cứu, thành lập cũng cần đặt ra một số nguyên tắc của cơ quan quyền con người quốc gia như:
Thứ nhất, bảo đảm tính độc lập. Sự độc lập của cơ quan này sẽ có ý nghĩa quan trọng, một mặt tạo lòng tin của người dân, mặt khác, để giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm quyền con người do các cơ quan, người thi hành công vụ gây ra.
Thứ hai, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả. Ngày 17/4/2015, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong số các giải pháp, có nội dung quy định từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 07 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Do đó, trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan bảo đảm tinh gọn và hiệu quả, trên cơ sở thu gọn đầu mối các cơ quan có chức năng bảo vệ quyền con người hiện nay thành một cơ quan thống nhất và theo nguyên tắc nâng cấp và kiện toàn những cơ quan đó để hạn chế phát sinh biên chế, bộ máy.
Thứ ba, về tài chính, để hạn chế sự ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của cơ quan này, nguồn tài chính chủ yếu cần được cấp một cách độc lập từ nguồn ngân sách nhà nước, có thể nghiên cứu huy động xã hội hóa từ nguồn của cá nhân, tổ chức.
Thứ tư, bảo đảm phản ứng nhanh, kịp thời trước những hành vi vi phạm về quyền con người. Việc phúc đáp này sẽ góp phần nâng cao vai trò, tạo dựng thêm uy tín của Nhà nước trước nhân dân. Mặt khác, tạo sức ép lên sự vận hành có hiệu quả và kịp thời hơn của các cơ quan nhà nước khi phát sinh hành vi vi phạm quyền con người./.
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp