Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Một trong những vấn đề khá quan trọng về chứng cứ là nguồn chứng cứ. Nguồn được hiểu là nơi bắt đầu, nơi phát sinh ra hoặc nơi có thể cung cấp hay rút ra cái gì, điều gì. Do đó, nguồn chứng cứ được hiểu là nơi rút ra các chứng cứ.
Trên cơ sở đó, Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 tiếp tục có sự sửa đổi, bổ sung tại khoản 1: “Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử”; bổ sung khoản 2: “Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập”; khoản 9: “Văn bản công chứng, chứng thực”. Ngoài ra, Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn bỏ “tập quán” như một nguồn chứng cứ. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, dữ liệu điện tử; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do con người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực là các nguồn chứng cứ. Việc bổ sung, thay đổi lần này có thể đánh giá là làm rõ hơn các quy định trước đó về nguồn chứng cứ.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu khoa học còn có nhiều tranh luận xung quanh hai thuật ngữ gần gũi nhau là “nguồn chứng cứ” và “phương tiện chứng minh”. Sử dụng khái niệm nguồn chứng cứ hay phương tiện chứng minh để chỉ con người, sự vật, tài liệu chứa đựng các thông tin về vụ việc dân sự thực chất là việc xem xét chúng ở góc độ khác nhau. Nếu nhìn dưới góc độ là nơi rút ra chứng cứ chúng được gọi là nguồn chứng cứ. Nếu nhìn dưới góc độ là công cụ xác định tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự chúng được gọi là phương tiện chứng minh. Việc nghiên cứu nguồn chứng cứ hay phương tiện chứng minh có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động chứng minh của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như của Tòa án, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và đảm bảo chế định tranh tụng mới được đề cập trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
1. Tập quán
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011), tập quán cũng được coi là nguồn chứng cứ. Tập quán là thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày, được cộng đồng (tập thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong xã hội) nơi có tập quán đó thừa nhận và làm theo như một quy ước chung của cộng đồng. Tòa án chỉ chấp nhận tập quán không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Đối với những vấn đề mà đương sự viện dẫn tập quán nhưng đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định thì Tòa án phải áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó để giải quyết mà không áp dụng tập quán. Trong thực tiễn giải quyết các vụ việc trên thực tế đã có rất nhiều vụ việc được giải quyết thông qua tập quán. Cụ thể:
Sự vụ bắt đầu từ việc năm 1992 bà N thuê ông H làm tài công một tàu đánh cá. Ông H đã làm một vành đai giới hạn một vùng cố định trên biển bằng vật liệu lá dừa, đá, sọt tre, dây nhựa cách bờ biển B 19 tiếng để việc đánh bắt cá thuận lợi hơn. Người dân địa phương gọi đây là vùng “cây trà 19 tiếng”. Ngày 25/11/1999, bà N phát hiện ông H đã cho ông T vùng “cây trà 19 tiếng” nên đã kiện đòi ông T trả lại. Đây là vùng biển xa bờ, pháp luật chưa quy định về quyền ưu tiên khi khai thác và cũng chưa quy định ai có quyền định đoạt địa điểm khai thác hải sản đó. Theo xác minh tại chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn (Ban Hải sản thị trấn B) thì có tồn tại tập quán tài công có quyền lựa chọn và cho người khác điểm bắt cá. Nhưng tại phiên tòa, bà N bày tỏ quan điểm rằng các cơ quan công nhận tập quán là không đúng, bởi lập luận như sau: “Theo nhiều chủ tàu là dân địa phương, địa phương không hề có tập quán “tài công là người có quyền chọn và cho người khác điểm đánh bắt cá” mà chỉ có tập quán ăn chia lợi nhuận, phương thức đầu tư của chủ ghe, tạo thành một thông lệ quan hệ giữa người đầu tư (chủ ghe) và tài công, ngư dân (bạn ghe). Vì nếu có một tập quán tài công muốn cho ai thì cho, muốn bán cho ai thì bán địa điểm đánh bắt cá… thì sẽ không còn chủ ghe nào đầu tư, không còn ai dám mướn tài công. Giả thiết rằng, một người có 5 ghe, mướn 5 tài công, rồi do mâu thuẫn, 5 tài công này đem cho hoặc bán cho 5 địa điểm đánh bắt cá thì chủ ghe chỉ còn đường sạt nghiệp… Quan hệ xã hội, quan hệ làm ăn từ đó mâu thuẫn triền miên, nhất là tạo một tiền lệ nguy hiểm về sau”. Tuy nhiên, tại Quyết định giám đốc thẩm số 93/GĐT ngày 27/5/2002 của Tòa dân sự - Tòa án nhân dân tối cao đã công nhận tập quán về “cây trà 19 tiếng” và lấy đó làm căn cứ xử lý.
- Về việc xác định chứng cứ, nguồn chứng cứ, phương tiện chứng minh: Có thể thấy rằng, giữa bà N và ông H có tồn tại mối quan hệ hợp đồng lao động vào năm 1992. Để chứng minh cho mối quan hệ này, bà N cần cung cấp cho Tòa án hợp đồng hoặc một hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, được pháp luật thừa nhận. Việc bà N cung cấp hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng, vì nếu trong bản hợp đồng có thỏa thuận về việc lựa chọn khu vực đánh cá và thỏa thuận rằng tài công không được cho, bán cho người khác địa điểm đánh cá đó thì Tòa án sẽ căn cứ vào điều khoản thỏa thuận này để giải quyết. Nếu không có hợp đồng bằng văn bản hoặc có nhưng không thỏa thuận về vấn đề này thì việc Tòa án xem xét giải quyết vụ án thông qua tập quán tại địa phương là hoàn toàn đúng đắn.
Trong tình huống trên, dựa trên các quy định tại Điều 81, Điều 82 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) có thể thấy rằng: Nguồn chứng cứ là tập quán “tài công có quyền chọn và cho người khác điểm đánh bắt cá”; trên cơ sở tập quán đó, chứng cứ được rút ra là những tình tiết, sự kiện về việc cộng đồng ở địa phương thừa nhận và làm theo quy ước chung rằng tài công có quyền chọn và cho người khác điểm đánh bắt cá; tập quán trên được coi là phương tiện chứng minh khi được các đương sự, Tòa án sử dụng để khai thác, đánh giá, xem xét chứng cứ. Ngoài ra, phần trình bày tại Tòa án của bà N nhằm phủ định việc chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn (Ban Hải sản thị trấn B) có thể coi là nguồn chứng cứ dưới dạng lời khai của đương sự nếu hội tụ đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 4 điều 83 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Theo đó, những thông tin được thể hiện lời khai của bà N chính là chứng cứ.
- Về việc xác minh tập quán “tài công có quyền chọn và cho người khác điểm đánh bắt cá” của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn (Ban Hải sản thị trấn B): Cụ thể trong tình huống nêu trên, còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về việc xác minh tập quán đó có khách quan, minh bạch hay không? Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc xác minh đó hoàn toàn khách quan, khoa học vì được xác định căn cứ theo ý kiến của người dân địa phương, được tiến hành bởi biện pháp nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền… nên Tòa án hoàn toàn có cơ sở khi công nhận tập quán đó. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai cho rằng, việc xác minh đó chưa khách quan, toàn diện, không sát với thực tế. Bởi lẽ, tập quán được xác định dựa trên yếu tố quan trọng nhất đó chính là ý chí chung của một cộng đồng về những thói quen ứng xử lâu đời, nhưng yếu tố này chưa được đáp ứng vì căn cứ theo thực tiễn địa phương cũng như lời khai của bà N, còn rất nhiều cá nhân trong cộng đồng chưa thừa nhận và làm theo lối ứng xử đó. Ngoài ra, giả sử tập quán này có thật thì sẽ đi ngược lại với lợi ích của các chủ tàu - một phần quan trọng hình thành nên cộng đồng - như dẫn chứng trong lời của bà N, do đó, điều giả sử này gần như không thể thành hiện thực.
Như vậy, trước đây, mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) cũng như các nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về chứng minh và chứng cứ đã có những quy định hướng dẫn về cách xác định tập quán với tư cách là nguồn chứng cứ, thì việc xác định trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn mà tình huống trên là một ví dụ điển hình. Điều này cho thấy, những vấn đề pháp lý và thực tiễn nói chung không phải lúc nào cũng kết hợp hài hòa với nhau. Nhiều trường hợp giữa pháp luật và thực tiễn còn tồn tại những khoảng cách không nhỏ và rất khó để có thể lấp đầy. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã không còn coi tập quán là nguồn chứng cứ nữa.
2. Dữ liệu điện tử
Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Bản thân dữ liệu điện tử thì trước đó cũng đã được xem xét như là các nguồn chứng cứ, đặc biệt trong các hợp đồng mua bán ngoại thương và thực chất nó cũng là tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được mà thôi. Cũng giống như các nguồn chứng cứ khác, dữ liệu điện tử cần phải đảm bảo ba thuộc tính:
- Tính khách quan: Dữ liệu điện tử phải chứa đựng những thông tin có thật, tồn tại một cách khách quan. Dữ liệu điện tử phải được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử phải đặc biệt chú ý đến tính xác thực của nó.
- Tính liên quan: Dữ liệu điện tử thu được phải có liên quan đến vụ án mới có khả năng làm rõ những vấn đề cần chứng minh và do đó mới được coi là chứng cứ. Tính liên quan của dữ liệu được thể hiện ở nhiều khía cạnh, quá trình hình thành, tồn tại của dữ liệu điện tử phải liên quan đến vụ việc dân sự được Tòa án giải quyết. Nhờ dữ liệu điện tử đó mà Tòa án có thể công nhận hay phủ nhận được tình tiết, sự kiện này hay tình tiết sự kiện khác của vụ việc dân sự hoặc đưa ra tin tức về nó.
- Tính hợp pháp: Tính hợp pháp thể hiện ở chỗ chứng cứ phải được phát hiện, thu thập theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Tòa án bằng các biện pháp do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khi thu thập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn thu thập dữ liệu và khi sử dụng dữ liệu phải chú ý kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập.
Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự hiện chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, để hoạt động này được tiến hành một cách thuận lợi và đạt hiệu quả mong muốn, ngoài việc tuân thủ triệt để các nguyên tắc trong thu thập chứng cứ nói chung, khi tiến hành thu thập chứng cứ điện tử cần quán triệt thêm các vấn đề cụ thể: (i) Không làm thay đổi thông tin được lưu trong máy tính hoặc trong các thiết bị kỹ thuật số; (ii) Khi phải tiếp cận với thông tin gốc được lưu trữ trong máy tính hoặc trong các thiết bị kỹ thuật số thì người tiếp cận phải là những người thành thạo được đào tạo để thực hiện việc thu thập và phục hồi chứng cứ điện tử; (iii) Việc ghi lại dữ liệu (copy) phải được thực hiện đúng quy trình; phải sử dụng các thiết bị và phần mềm được thế giới công nhận và có thể kiểm chứng được. Phải bảo vệ được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử lưu trong máy; (iv) Tính khách quan, tính nguyên trạng và tính kiểm chứng được của chứng cứ phải được chứng minh trước Tòa. Phải chứng minh được quá trình khôi phục dữ liệu, tìm được chứng cứ; khi cần thiết có thể lặp lại quá trình đi tới kết quả tương tự như trình bày tại Tòa.
3. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập
Về bản chất, văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có năng lực lập cũng chỉ là các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được như quy định tại khoản 1 Điều 82 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Điển hình cho loại nguồn chứng cứ này chính là vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được sử dụng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác (khoản 3 Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh).
Nói theo cách hiểu thực tế thì vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.
Từ khái niệm trên cũng như các quy định hiện hành của pháp luật cho thấy, vi bằng và việc lập vi bằng của Thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau:
- Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;
- Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;
- Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do Thừa phát lại lập;
- Vi bằng do Thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh;
- Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.
Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại có những nét, những đặc điểm giống với hoạt động công chứng của công chứng viên kể cả về phương pháp tiến hành cũng như mục đích hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng không phải là hoạt động công chứng. Nếu công chứng là việc công chứng viên thay mặt Nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng, thì hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại là lập các chứng thư (vi bằng) về những sự kiện, hành vi xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về mặt không gian và thời gian.
Có thể lấy một ví dụ đơn giản để thấy sự khác nhau giữa hoạt động lập vi bằng và hoạt động công chứng như sau: Bên A và bên B ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó họ phải đến Văn phòng công chứng, gặp công chứng viên để thỏa thuận và ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên. Sau khi hợp đồng được ký kết với sự chứng thực của công chứng viên, khi hai bên “bước ra khỏi cửa” Văn phòng công chứng thì công chứng viên không nhất thiết phải quan tâm việc hợp đồng đó được thực hiện thế nào, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiến hành ra sao, có vi phạm trong thực hiện các thỏa thuận không? Từ đây có thể sẽ xuất hiện vai trò của Thừa phát lại. Họ có thể sẽ chứng kiến và lập vi bằng về việc chuyển giao quyền sử dụng đất, lập vi bằng về những vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng... nếu các bên yêu cầu họ làm vậy và nếu xảy ra tranh chấp thì vi bằng được xem là “văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lư do người có chức năng lập”.
4. Văn bản công chứng, chứng thực
Hiện nay, phần lớn thủ tục, hồ sơ thực hiện các giao dịch dân sự đều sử dụng văn bản công chứng của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 quy định: Công chứng là việc công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Hợp đồng, giao dịch bằng văn bản đã được công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 gọi là văn bản công chứng.
Theo Luật Công chứng năm 2014 thì giá trị pháp lý của văn bản công chứng được quy định như sau:
“Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”.
Như vậy, văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan trong hợp đồng, giao dịch. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ khi các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Văn bản công chứng còn có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Các văn bản công chứng có giá trị xác thực, giá trị pháp lý và độ tin cậy hơn các loại giấy tờ không có chứng nhận xác thực hoặc chỉ trình bày bằng miệng. Các văn bản công chứng bảo đảm sự an toàn của các giao dịch, tạo nên sự tin tưởng của khách hàng, hạn chế mức thấp nhất các tranh chấp xảy ra. Về phương diện Nhà nước cũng đảm bảo trật tự, kỷ cương, ổn định trong việc quản lý các giao dịch; từ đó cũng góp phần làm giảm đáng kể việc giải quyết tranh chấp luôn là gánh nặng của các cơ quan chức năng và giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn các hoạt động giao dịch.
Đại học Luật Hà Nội
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp