Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[1] là một hiệp định toàn diện không chỉ quy định về thương mại mà còn về sở hữu trí tuệ, đầu tư và một số lĩnh vực khác. Hiệp định được ký kết mở ra nhiều vấn đề mới về mặt pháp lý cần được phân tích trước khi nội luật hóa cũng như áp dụng pháp luật, đó là vấn đề bảo hộ nhà đầu tư theo tiêu chuẩn đối xử tối thiểu tại Điều 9.6 (Minimum standard of treatment) và đối xử trong trường hợp bạo loạn vũ trang hoặc xung đột dân sự tại Điều 9.7 (Treatment in case of armed conflict or civil strife).
Trong bài viết này, tác giả đề cập đến các nội dung xoay quanh Chương 9 - Đầu tư (Investment) của Hiệp định CPTPP, trong đó, tập trung phân tích Điều 9.6 và Điều 9.7, cũng như một số án lệ của Tòa án, trọng tài quốc tế có liên quan. Từ những phân tích này, có thể sử dụng để làm cơ sở cho công tác nghiên cứu và vận dụng áp dụng pháp luật trong thực tiễn quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài.
1. Tổng quan Chương 9 - Đầu tư (Investment) của Hiệp định CPTPP
Hiệp định CPTPP có tất cả 30 chương và 4 phụ lục, cùng một số văn kiện có liên quan kèm theo. Trong đó, Chương 9 của Hiệp định có 30 điều và 12 phụ lục của chương được đánh ký hiệu từ A đến L. Nội dung chính của chương này bao gồm các định nghĩa pháp lý của một số nội hàm liên quan, các quy định pháp lý về đầu tư, bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư, cũng như luật áp dụng. Về tổng thể, Chương 9 của Hiệp định CPTPP đã giải quyết gần như đầy đủ các vấn đề liên quan đến đầu tư nói chung và các tranh chấp liên quan đến đầu tư nói riêng. Phạm vi áp dụng của Chương 9 bao gồm:
- Đầu tư của một bên (investors of another Party): Bao gồm Chính phủ, công dân, doanh nghiệp của một bên trong hiệp định chuẩn bị thực hiện, đang thực hiện, đã thực hiện trên lãnh thổ của bên khác.
- Hoạt động đầu tư theo Hiệp định (covered invesment): Là đầu tư của một bên trong Hiệp định trên lãnh thổ của một bên khác, kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định hoặc được thành lập, mua lại hay mở rộng sau đó.
- Các hoạt động đầu tư để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thực thi, nghĩa vụ đối với môi trường, với sức khỏe và mục tiêu quản lý[2].
Về vấn đề chủ thể thực hiện nghĩa vụ của chương, Hiệp định CPTPP quy định là: Cơ quan, chính quyền cấp trung ương, địa phương của bên là thành viên Hiệp định; tổ chức gồm doanh nghiệp nhà nước hay tổ chức bất kỳ, cá nhân mà thực thi quyền hạn do Chính phủ cấp trung ương, địa phương ủy nhiệm.
Các nhà đầu tư theo quy định của Hiệp định CPTPP được hưởng ưu đãi đối xử theo nguyên tắc: Đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, đối xử theo tiêu chuẩn tối thiểu và đối xử trong trường hợp xung đột vũ trang hoặc bạo loạn dân sự.
2. Đối xử quốc gia (National treatment) và đối xử tối huệ quốc (Most - Favoured - National treatment)
Quy định về đối xử quốc gia tại Điều 9.4 của Hiệp định CPTPP cho phép các nhà đầu tư từ các quốc gia là thành viên của Hiệp định được hưởng các ưu đãi ngang bằng với các nhà đầu tư trong nước. Ưu điểm của đối xử quốc gia là xóa bỏ sự thiên vị giữa công dân quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nhược điểm của đối xử quốc gia là Chính phủ có thể giảm bớt quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tương tự như giảm bớt quyền lợi của nhà đầu tư nước mình.
Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) tại Điều 9.5 là đối xử ngang bằng giữa các nhà đầu tư bất kỳ mà nhà đầu tư đó có thể đến từ quốc gia là thành viên hay không là thành viên của Hiệp định. Ưu điểm của nguyên tắc MFN là cam kết đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư đến từ những quốc gia khác nhau thuộc hay không thuộc Hiệp định, tránh các tác động tiêu cực do sự bóp méo về phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch nhà đầu tư.
Nhìn trên bình diện pháp luật quốc gia về đầu tư, thì Hiệp định CPTPP với nội dung về đầu tư là một phần trong hệ thống pháp luật quốc gia để giải quyết vấn đề đầu tư, nhưng các quy định tại Hiệp định không phải là duy nhất mà còn có quy định của Luật Đầu tư. Theo thống kê của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD)[3], cho đến cuối năm 2016, trên thế giới có 108 bộ luật đầu tư của các quốc gia, hầu hết được xây dựng từ các quốc gia đang phát triển và được thông qua từ năm 1989 trở về sau[4]. Tại Việt Nam, Luật Đầu tư năm 2014 đã có nội dung về đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc. Như vậy, nếu so sánh với quy định tại Hiệp định CPTPP thì không phải là nội dung mới. Cụ thể, tại Điều 2 Luật Đầu tư năm 2014 quy định đối tượng áp dụng là nhà đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam không phân biệt trong nước hay nước ngoài; tại Điều 5 Luật Đầu tư quy định, Chính phủ Việt Nam cam kết nguyên tắc đối xử bình đẳng, không phân biệt với tất cả các nhà đầu tư. Những quy định nêu trên tại Luật Đầu tư năm 2014 đã đáp ứng rất tốt mục tiêu thu hút đầu tư và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư.
3. Tiêu chuẩn đối xử tối thiểu (Minimum standard of treatment)
Để làm rõ khái niệm tiêu chuẩn đối xử tối thiểu cần phân tích cơ sở pháp lý áp dụng của tiêu chuẩn là Luật Tập quán quốc tế (Customary internatinal law). Khái niệm Luật Tập quán quốc tế trong Hiệp định CPTPP được làm rõ tại Phụ lục 9-A của Hiệp định. Theo đó, Luật Tập quán quốc tế được hình thành từ thực tiễn chung và nhất quán mà các quốc gia thực thi dựa trên các nghĩa vụ pháp lý. Đồng thời, tiêu chuẩn đối xử tối thiểu dẫn chiếu tất cả các nguyên tắc của Luật Tập quán quốc tế về bảo vệ đầu tư của người nước ngoài. Như vậy, khái niệm này cũng tương thích với khái niệm về Luật Tập quán quốc tế của cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc[5] - Tòa án Công lý quốc tế (ICJ): Các tập quán quốc tế như những chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận như những quy phạm pháp luật. Vì vậy, trong quá trình giải quyết các vụ kiện phát sinh từ đầu tư đã có nhiều cách diễn giải, áp dụng khác nhau. Những án lệ của Tòa án trong giải quyết vụ kiện về đối xử và bảo hộ trong đầu tư vẫn gây ra nhiều tranh luận giữa trọng tài và trong giới học giả. Nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng có nguồn gốc từ Luật Tập quán quốc tế và nó thường được xem là để che đậy nguyên tắc không phân biệt đối xử, cùng với các nguyên tắc pháp lý khác có liên quan đến việc đối xử với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ý nghĩa trừu tượng hơn tiêu chuẩn của đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc.
Đối xử tối thiểu được hiểu là đối xử công bằng, thỏa đáng và bảo hộ an toàn đầy đủ theo Luật Tập quán quốc tế. Tuy nhiên, sự đối xử này chỉ yêu cầu đến mức tối thiểu, không vượt quá phạm vi và tiêu chuẩn của Luật Tập quán quốc tế. Thuật ngữ đối xử công bằng được tìm thấy nhiều nhất trong “bộ sưu tập” các hiệp định song phương của Hoa Kỳ về hữu nghị, thương mại, hàng hải (The US treaties on Friendship, Commerce and Navigation - FCN), từ các hiệp định này đã sinh ra các nguyên tắc đối xử quốc gia, tối huệ quốc, với hơn 48 quốc gia trên thế giới[6]. Đối với cấp độ tổ chức thế giới thì thuật ngữ này chính thức xuất hiện lần đầu tiên tại Điều 11(2) Hiến chương Havana năm 1948[7] của Tổ chức Thương mại quốc tế, tuy rằng sau đó Hiến chương Havana không được thực thi. Tại tổ chức Asean năm 1987 trong Hiệp định về xúc tiến và bảo hộ đầu tư[8], Điều IV cũng đã đề cập đến đối xử công bằng và thỏa đáng. Hoặc tham khảo Điều 1105(1) Chương XI của Hiệp định Thương mại tự do Bắc - Mỹ (NAFTA) về đối xử công bằng, thỏa đáng và tiêu chuẩn tối thiểu, nhận thấy quy định tại Điều 9.6(1) của Hiệp định CPTPP là tương tự Điều 1105(1) của NAFTA[9]. Như vậy, ngày nay, tiêu chuẩn đối xử tối thiểu thường là một phần của Hiệp định thương mại, trong đó nước chủ nhà dành sự bảo hộ cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Nguyên tắc tiêu chuẩn đối xử tối thiểu dường như trái ngược với nguyên tắc đối xử quốc gia nếu nhìn nhận từ góc độ xác định chính xác pháp luật áp dụng. Tiêu chuẩn đối xử quốc gia sử dụng hành lang pháp lý là luật quốc gia, có tính bắt buộc trong nội dung, diễn giải, hoàn cảnh và phương pháp áp dụng; trong khi tiêu chuẩn đối xử tối thiểu lại căn cứ vào Luật Tập quán quốc tế. Việc áp dụng Luật Tập quán quốc tế còn chưa có bộ quy chuẩn thống nhất, phần lớn phụ thuộc vào sự diễn giải của trọng tài hoặc Tòa án. Câu hỏi đặt ra là, tại sao đã có nguyên tắc đối xử quốc gia, dành sự đối xử đối với đầu tư nước ngoài ngang bằng công dân quốc gia, lại cần có nguyên tắc tiêu chuẩn đối xử tối thiểu. Thật ra, nguyên tắc đối xử tiêu chuẩn tối thiểu là một dạng “nguyên tắc dự phòng”, để dự phòng trong một số trường hợp quốc gia bác bỏ, chấm dứt một số quyền lợi của công dân hoặc quyền hiện có của công dân chưa đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn của hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới. Mối quan hệ giữa tiêu chuẩn đối xử tối thiểu và đối xử quốc gia thường là mối quan hệ trước sau. Khi phát sinh một sự kiện pháp lý thì nguyên tắc đối xử quốc gia là bước đi pháp lý đầu tiên để giải quyết vấn đề. Nếu vấn đề không được hoặc không thể giải quyết bằng nguyên tắc đối xử quốc gia thì bước tiếp theo sẽ cần đến nguyên tắc đối xử tiêu chuẩn tối thiểu. Như vậy, luật quốc gia và áp dụng pháp luật quốc gia là hai đĩa cân của “chiếc cân pháp lý” để xem xét và so sánh trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ phải áp dụng pháp luật như thế nào trong trường hợp cụ thể đó và đã áp dụng pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư chưa. Trong trường hợp Chính phủ đã áp dụng pháp luật quốc gia để bảo vệ quyền của nhà đầu tư nước ngoài như đã bảo vệ công dân quốc gia thì nguyên tắc tiêu chuẩn đối xử tối thiểu có thể không được kích hoạt và ngược lại. Vụ kiện của Khách sạn Wena và Cộng hòa Ai Cập do Trung tâm Trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư ICSID giải quyết (số tham chiếu ICSID ARB/98/4)[10] là điển hình như thế. Khách sạn Wena bị trưng thu bởi tổ chức nhà nước có tên là EHC, mặc dù Chính phủ Ai Cập không ban hành quyết định trên, nhưng có biết về ý định và quyết định đó, song không có biện pháp, hành động ngăn chặn, chậm trễ giải quyết khôi phục lại khách sạn và không có hành động đáng kể nào trừng phạt tổ chức nhà nước EHC. Vì vậy, ICSID phán quyết: Chính phủ Ai Cập đã vi phạm nghĩa vụ về phải đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho nhà đầu tư. Như vậy, nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ là một tiêu chuẩn pháp lý cơ bản khởi nguồn từ các nguyên tắc chung của luật quốc tế, ngay cả khi điều này không được tuyên bố rõ ràng và là một điều khoản chung có thể được sử dụng cho tất cả các khía cạnh của việc bảo hộ đầu tư, trong trường hợp không có bảo đảm cụ thể hơn. Ngoài ra, nó còn cung cấp hướng dẫn chung cho việc giải thích thỏa thuận và giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trên thực tế.
Thông qua việc xem xét các bản án của Tòa án và trọng tài về vấn đề áp dụng tiêu chuẩn đối xử tối thiểu, được diễn giải thành nội dung “đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ”, nhận thấy có ba yếu tố cấu thành nên nghĩa vụ của Chính phủ, bao gồm: (i) Phải có nghĩa vụ cảnh giác trước các nguy cơ gây thiệt hại cho đầu tư đồng thời thực thi các biện pháp quản lý rủi ro để hạn chế nguy cơ; (ii) Không từ chối công lý và tùy tiện áp dụng pháp luật; (iii) Minh bạch và công bằng trong việc đáp ứng kỳ vọng cơ bản của nhà đầu tư cũng như trong xây dựng và áp dụng pháp luật. Nếu Chính phủ tiếp nhận đầu tư xây dựng và giải quyết tốt ba yếu tố cấu thành nên nghĩa vụ đối xử công bằng thỏa đáng và bảo hộ đầu đủ nhà đầu tư thì một trong hai trụ cột của vấn đề đầu tư cơ bản đã được giải quyết[11].
4. Đối xử trong trường hợp xung đột vũ trang (Armed confict) hoặc bạo loạn dân sự (Civil strife)
Tại Điều 9.7 của Hiệp định CPTPP nêu ra nguyên tắc đối xử đầu tư khi có xung đột vũ trang hoặc bạo loạn dân sự tại quốc gia tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, trong Hiệp định không có định nghĩa về xung đột vũ trang, bạo loạn dân sự và cơ sở pháp lý để đánh giá như thế nào là một cuộc xung đột vũ trang hay xung đột không vũ trang và bạo loạn dân sự;cũng như pháp luật áp dụng là pháp luật quốc gia đầu tư hoặc quốc gia tiếp nhận đầu tư, hoặc luật pháp quốc tế.
Theo công tố viên của Tòa án Hình sự quốc tế thì xung đột vũ trang được hiểu là xung đột có thời gian tương đối dài giữa lực lượng vũ trang giữa các quốc gia, giữa các lực lượng vũ trang của Chính phủ, giữa lực lượng vũ trang của Chính phủ và tổ chức khác[12]. Thuật ngữ bạo loạn dân sự thường được hiểu là những cuộc đấu tranh của một nhóm người, được bắt nguồn từ những vấn đề quốc gia, có sử dụng bạo lực, thường được diễn ra trong thời gian tương đối ngắn.
Như vậy, tại Điều 9.7, các thành viên của Hiệp định CPTPP cam kết sẽ dành nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc đối với các quyết định hoặc biện pháp liên quan đến việc khắc phục, bồi thường thiệt hại hoặc là cả hai cho các nhà đầu tư của Hiệp định. Những quyền lợi mà nhà đầu tư được hưởng từ Chính phủ trong trường hợp này không xuất phát từ quyền được quy định tại Hiệp định mà những đối xử này là ngang bằng giữa các nhà đầu tư, giữa công dân trong cùng một tình huống cụ thể. So sánh quy định tại Điều 9.7 với quy định tại Điều 9.5 và 9.6 nhận thấy, Điều 9.5 và Điều 9.6 dường như thiết kế để bảo vệ tài sản và tính mạng nhà đầu tư chống lại sự tấn công đến từ phía Chính phủ tiếp nhận đầu tư; mà Chính phủ đó có thể suy đoán, hành động có chủ đích thông qua việc xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật gây bất lợi cho nhà đầu tư. Đối lập lại Điều 9.7 thiết kế để bảo vệ nhà đầu tư chống lại sự tấn công đến từ phe đối lập trong Chính phủ hoặc từ quốc gia đối đầu với Chính phủ hoặc từ tổ chức dân sự hoặc từ cá nhân, nhóm người; mà những chủ thể này suy tính, hành động không theo mong muốn hoặc chủ đích của Chính phủ tiếp nhận đầu tư.
Lưu ý, đối với trường hợp trưng dụng trong xung đột vũ trang hoặc bạo loạn dân sự thì sự khắc phục bồi thường thiệt hại là đương nhiên. Tuy nhiên, Chính phủ quốc gia tiếp nhận đầu tư không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do phá hủy mà không do lực lượng chính quyền hoặc chính quyền gây ra. Trách nhiệm bồi thường hoặc khắc phục của Chính phủ chỉ dừng lại đối với những thiệt hại bị gây ra do lực lượng chính quyền hoặc chính quyền; hoặc khi lực lượng chính quyền hoặc chính quyền phá hủy một phần hay toàn bộ phần đầu tư trong trường hợp không cần thiết. Ngược lại, những phá hủy từ chính quyền hoặc lực lượng chính quyền mà hợp pháp thì không được bồi thường. Những quy định này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Án lệ AAPL với Sri Lanka[13] được giải quyết tại Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID) là ví dụ điển hình cho trường hợp này. Năm 1983, nhà đầu tư đến từ Hồng Kông đã đầu tư vào miền Đông Sri Lanka, đến năm 1987, toàn bộ tài sản của nhà đầu tư bị phá hủy bởi cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng Chính phủ và tổ chức vũ trang Những con hổ giải phóng Tamil. Nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ bồi thường tài sản của họ bị phá hủy trong cuộc xung đột. Kết luận của ICSID về yêu cầu này là: Không có căn cứ để chứng minh Chính phủ đã phá hủy tài sản đầu tư; không có quy định pháp lý quốc tế nào yêu cầu quốc gia nơi có cuộc xung đột diễn ra phải chịu trách nhiệm về những tổn thất cho nhà đầu tư nước ngoài không do Chính phủ gây ra, nếu đã cung cấp đầy đủ những tiêu chuẩn đối xử tối thiểu theo yêu cầu của luật pháp quốc tế. Một trong số các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu theo quy định của pháp luật quốc tế trong trường hợp xung đột vũ trang hoặc bạo loạn dân sự thường được các trung tâm trọng tài tham khảo là The Spanish Zone of Morocco Claims (1924-1925)[14]. Tuy nhiên, đối với Hiệp định CPTPP thì quy định về xung đột vũ trang có nhiều khả năng không được vận dụng trên thực tế, vì 11 quốc gia thành viên hầu hết là những quốc gia có an ninh chính trị cao.
Các nguyên tắc đối xử tại Hiệp định CPTPP là những nguyên tắc chung nền tảng để các quốc gia thành viên sử dụng trong việc ưu đãi, bảo hộ nhà đầu tư và tài sản đầu tư. Tuy nhiên, nếu xảy ra các tranh chấp pháp lý liên quan đến nguyên tắc đối xử hoặc xung đột vũ trang hay bạo loạn dân sự mà pháp luật và việc áp dụng pháp luật quốc gia chưa đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư nhà đầu tư có thể sử dụng Mục B Chương 9 Hiệp định CPTPP “Giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư” để giải quyết các tranh chấp phát sinh.Các tranh chấp pháp lý này có thể được giải quyết bằng thương lượng, tham vấn hoặc khiếu kiện ra trọng tài do hai bên lựa chọn, hoặc cơ chế trọng tài của ICSID hoặc trọng tài UNCITRAL.
Đầu tư nước ngoài là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển nhanh, mạnh, nhất là đối với Việt Nam một quốc gia đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa và khao khát nguồn vốn đầu tư. Các hiệp định thương mại có liên quan đến vấn đề đầu tư của Việt Nam được ký kết kể từ năm 1994, đi từ quá khứ giản đơn song phương đến các hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới là cả một chặng đường dài của lịch sử pháp lý. Những nguyên tắc đối xử mà nhà nước Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài và tài sản của họ trong pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng là nền tảng pháp lý quan trọng để thực thi cam kết bảo hộ nhà đầu tư. Những vấn đề về đầu tư được quy định trong Hiệp định CPTPP là một minh chứng điển hình cho cam kết của Nhà nước Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam mong muốn đón nhận ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư và cam kết bảo hộ nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch và bình đẳng.
Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương
Tài liệu tham khảo:
[1]. Toàn văn của Hiệp định CPTPP, truy cập tại: http://www.trungtamwto.vn/tpp/van-kien-hiep-dinh-cptpp, truy cập ngày 25/5/2018.
[2]. Các nghĩa vụ này được quy định tại Điều 9.10 và 9.16.
[3]. http://fia.mpi.gov.vn/detail/278/UNCTAD.
[4]. Truy cập tại: http://unctad.org/en/pages/newsdetails.aspx?OriginalVersionID=1388 ngày 01/6/2018.
[5]. Điều 92 Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945.
[6]. Friendship, Commerce, and Navigation and Similar Treaties or Other International Agreements in Force in Whole or in Major Part [1981].
[7]. Truy cập tại: https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/havana_e.pdf, ngày truy cập 27/5/2018.
[8]. Truy cập tại: http://asean.org/?static_post=the-1987-asean-agreement-for-the-promotion-and-protection-of-investments, ngày truy cập 28/7/2018.
[9]. Nguyên văn Điều 1105(1) Chương XI của Hiệp định NAFTA: Each Party shall accord to investments of investors of another Party treatment in accordance with international law, including fair and equitable treatment and full protection and security.
[10]. Truy cập tại: http://investmentpolicyhub.unctad.org/ISDS/Details/29 ngày truy cập 29/5/2018.
[11]. Như đã phân tích trong mục tiêu chuẩn đối xử quốc gia phần trên, 02 trụ cột của vấn đề đầu tư cần giải quyết là: Thứ nhất, thu hút đầu tư cho quốc gia; thứ hai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
[12]. Định nghĩa từ Công tố viên với Dusko Tadic, số IT-94-1-AR 72, Tòa án Hình sự quốc tế cho Phòng Kháng nghị Nam Tư cũ trong Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), truy cập tại: http://www.icty.org/x/cases/tadic/ acdec/en/51002.htm Phần IV, ngày truy cập 01/6/2018.
[13]. Truy cập tại: investmentpolicyhub.unctad.org/ISDS/Details/1, ngày truy cập 01/6/2018.