Thực trạng hiện nay cho thấy, có rất nhiều chương trình khuyến mại được tổ chức với hình thức phong phú, hấp dẫn và quy mô khác nhau trong phạm vi cả nước như: Các chương trình ưu đãi quà tặng, giảm giá hàng hóa, bốc thăm trúng thưởng… Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng công cụ khuyến mại với mục đích hướng khách hàng tiến tới hành vi mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ để tăng doanh thu và tìm kiếm lợi nhuận. Đồng thời, ưu đãi mà người tiêu dùng nhận được qua mỗi chương trình khuyến mại cũng thể hiện sự chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những chương trình khuyến mại diễn ra hợp pháp sẽ kết hợp lợi ích của doanh nghiệp với người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng xã hội, cũng như kích thích tính cạnh tranh trong thị trường. Tuy nhiên, vì mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã bằng nhiều chiêu thức không chấp hành các quy định của pháp luật về khuyến mại, cạnh tranh thị phần, lôi kéo khách hàng bằng các hành vi không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới thị trường kinh doanh và lợi ích người tiêu dùng.
Để hiểu rõ hơn về nguyên tắc nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh và nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, kính mời độc giả đón đọc bài viết "Nguyên tắc xử lý đối với các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh" của tác giả Nguyễn Thanh Quý đăng trên số định kỳ 64 trang tháng 11/2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Bùi Huyền