Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và kết nối trực tuyến với gần 100 điểm cầu. Khoảng 200 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến.
Tại điểm cầu trụ sở Tạp chí Dân chủ và Pháp luật gồm có: TS. Dương Thị Thanh Mai, Chuyên gia cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp; đồng chí Đinh Văn Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; đồng chí Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La; đồng chí Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc; chí Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; đồng chí Võ Văn Tuyển, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; đại diện một số cơ sở đào tạo như Học viện Ngoại giao, đại diện Trường Đại học FPT… cùng đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tham dự trực tuyến tại gần 100 điểm cầu gồm: đại diện Lãnh đạo và chuyên viên của: Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan; đại diện Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Lãnh đạo và chuyên viên Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Giang, thành phố Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Cà Mau, An Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Thanh Hóa, Lai Châu, Đồng Nai, Thái Bình, Long An, Hậu Giang, Trà Vinh…); đại diện lãnh đạo, giảng viên, chuyên gia một số cơ sở đào tạo luật (Trường Đại học Kinh tế; Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Mở Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh…); các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các công ty luật, văn phòng luật sư… trên cả nước.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý trực tiếp và bằng văn bản, trong đó có 13 ý kiến đóng góp trực tiếp (05 ý kiến đóng góp trực tuyến, 08 ý kiến đóng góp trực tiếp tại điểm cầu chính) và nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản.
Một số đại biểu tham dự Hội thảo.
Về cơ bản, các ý kiến đều đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng, quyết liệt của Bộ Tư pháp và tinh thần đổi mới quy trình xây dựng pháp luật của Dự thảo Luật. Sau phần trình bày tổng quan 04 nhóm vấn đề mới cơ bản, quan trọng trong Dự thảo Luật của TS. Dương Thị Thanh Mai, các đại biểu đã góp ý để Dự thảo Luật được hoàn thiện, thiết thực, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề cơ bản chính sau:
Về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật
Dự thảo Luật quy định Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); định nghĩa về văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định: “VBQPPL là văn bản được xây dựng, ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này…”. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chỉ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các VBQPPL còn lại, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc, loại hình VBQPPL mà các chủ thể được phép ban hành và giao các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết mà không quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL. Dự thảo Luật không quy định trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của Chính phủ và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện là chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa đúng với điều khoản định nghĩa về VBQPPL. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để chỉnh sửa quy định về VBQPPL hoặc đề nghị Dự thảo Luật cần phải quy định mang tính nguyên tắc về trình tự, thủ tục ban hành Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục ban hành các VBQPPL này phù hợp với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về luật hóa những quan hệ xã hội đã ổn định. Trên thực tế, thời gian qua trình tự, thủ tục xây dựng nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND các cấp đã tương đối ổn định, không có vướng mắc.
Về nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Dự thảo Luật đã bổ sung các nguyên tắc: bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính hợp hiến, hợp pháp, thông nhất, đồng bộ. Tuy nhiên, đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung thêm tính khả thi trong Điều 4 Nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL.
Về các chính sách trong xây dựng Dự thảo Luật
Thực tế cho thấy, Thông tư rất nhỏ, đơn giản chỉ hướng dẫn một một vấn đề rất bé nhưng lại là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng một cái rất lớn, tác động mạnh đến xã hội thì lại đưa ra ngoài, không bị điều chỉnh bởi dự thảo Luật này. Trên thực tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có 10 dự án, 36 hợp phần với kinh phí 135.000 tỷ đồng của giai đoạn I đến hết 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và một khoảng lớn hơn thế nữa mà không chịu sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, văn bản ban hành ra Chương trình này là Quyết định số 1719 của Thủ tưởng Chính phủ là văn bản cá biệt, nhưng tất cả các văn bản hướng dẫn Quyết định số 1719 đều là văn bản quy phạm, như việc phân bổ kinh phí định mức theo Quyết định 38 cho đến Nghị định về cho vay vốn (Nghị định số 28), các thông tư hướng dẫn… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để đưa vấn đề này vào Dự thảo Luật.
Về quy trình chính sách
Điểm nổi bật và mang tính đột phá của Dự thảo Luật này chính là quy định về quy trình chính sách pháp luật. Chính sách rộng hơn luật. Chính sách không chỉ liên quan đến luật mà còn tất cả những giải pháp khác có thể sử dụng bên cạnh luật để thực hiện và để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Theo quy trình xây dựng pháp luật hiện hành thì quy trình chính sách đang lồng ghép với quy trình đề xuất xây dựng luật cả về nội dung lẫn hình thức. Điều này làm cho những cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xem xét và đánh giá chính sách và quy định pháp luật dễ bị lẫn, như cho ý kiến về nội dung, lại tập trung vào những vấn đề câu chữ trong dự thảo luật và vô hình chung, điều này làm phân tán nguồn lực và sự tập trung của các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định. Chính vì thế, từ trước đến nay, liên quan đến việc soạn thảo VBQPPL, thường chỉ tập trung vào phần câu chữ và thủ tục; còn về chủ trương, chính sách và định hướng lớn là những nội dung, phần quan trọng nhất lại ít được quan tâm. Vì vậy, việc tách quy trình chính sách và quy trình soạn thảo làm thành hai quy trình độc lập như trong Dự thảo Luật là một bước đột phá rất lớn.
Mặc dù, quy trình chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng trong quy trình xây dựng VBQPPL, quyết định đến chất lượng của VBQPPL nhưng những quy định về chính sách pháp luật trong Dự thảo Luật lại hơi ít. Vì vậy, Dự thảo Luật cần phải quy định quy trình, thủ tục và nội dung về xây dựng chính sách phải rõ ràng, cụ thể hơn nữa. Ví dụ, hiện tại trong Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung của chính sách phải cụ thể, rõ ràng, nhưng nội dung cụ thể gồm những gì thì hiện Dự thảo Luật chưa được quy định. Vì thế, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về chính sách, chính sách xây dựng pháp luật phải có những nội dung gì, có thể bao gồm cả những nội dung trong luật cũ.
Đồng thời, cần quy định thêm thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét các đề xuất chính sách như Quốc hội sẽ xem xét, quyết định có cần thiết phải có một luật như vậy không hay chỉ cần một văn bản thấp hơn ngay từ khi đề xuất chính sách pháp luật để cơ quan chủ trì thực hiện. Trong trường hợp Quốc hội quyết định cần thiết phải có một đạo luật như vậy thì cơ quan chủ trì sẽ thực hiện soạn thảo, còn Quốc hội quyết định không cần soạn thảo đạo luật như vậy thì cơ quan chủ trì sẽ dừng, không tiếp tục thực hiện nữa. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian, nguồn lực.
Về vấn đề xây dựng chính sách: Dự thảo Luật cần phải xử lý hài hòa với quy định của Hiến pháp. Liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ đề xuất xây dựng chính sách và trình các cơ quan thông qua. Quyết định thông qua chính sách có liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội có thẩm quyền quyết định về chính sách. Thẩm quyền của Chính phủ là đề xuất và xây dựng chính sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc quyết định theo ủy quyền. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xử lý sao cho hài hòa theo quy định của Hiến pháp.
Đề nghị Dự thảo Luật cần nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ hơn về các chủ thể khác ngoài Chính phủ (không phải là Chính phủ) có thẩm quyền xây dựng, quyết định chính sách như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, …vì các chủ thể này cũng có thẩm quyền thực hiện.
Về xây dựng chương trình lập pháp (xây dựng luật, pháp lệnh)
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định về việc lập chương trình lập (xây dựng luật, pháp lệnh) kể cả dự kiến hay định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là không cần thiết. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thường xuyên phải thay đổi; đồng thời, thực tế cho thấy trong trường hợp dự thảo luật mà chưa được chuẩn bị kỹ, chưa bảo đảm chất lượng để trình hoặc chưa đảm bảo chất lượng để thông qua thì cũng không thể trình, cũng không thể thông qua được. Như vậy, rõ ràng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là không cần thiết, không có nhiều ý nghĩa.
Về trách nhiệm của các cơ quan trong quy trình xây dựng luật
Đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, làm rõ hơn nữa trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xây dựng VBQPPL như trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan tham gia soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, chỉnh lý…nhất là trong trường hợp có những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề.
Chẳng hạn trong trường hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra… có ý kiến khác nhau thì sẽ giải quyết như thế nào? Chính phủ tiếp tục trình hay phải xử lý như thế nào. Quốc hội chỉ thể hiện một quyết định chính sách bằng cách thông qua, không thông qua. Vì thế, Dự thảo Luật cần phải làm rõ hơn nữa, phải xử lý được các vấn đề này nếu không quá trình thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và không thể thực hiện được.
Về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ, cụ thể trong Dự thảo Luật về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có chứa nội dung về bí mật nhà nước. Mặc dù Dự thảo Luật đã có quy định về việc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành các VBQPPL có nội dung thuộc bí mật nhà nước. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL có chứa nội dung bí mật nhà nước, như quy định về việc lấy ý kiến, đăng tải,… đối với dự thảo VBQPPL có nội dung chứa bí mật thì thực hiện như thế nào vì việc thực hiện các quy định liên quan đến bí mật nhà nước được Bộ Công an quản lý rất chặt chẽ và nếu thực hiện không đúng sẽ dẫn đến những sai sót cho những người xây dựng và thực thi.
Về thẩm quyền ban hành văn bản, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống hóa, pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật
Đa số các đại biểu đồng tình với Dự thảo Luật về việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND cấp xã là đúng.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Dự thảo Luật nên nghiên cứu để bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND cấp quận, huyện vì: (i) để thống nhất với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về việc bỏ cấp trung gian (cấp quận, huyện); hiện nay, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã không còn HĐND cấp quận, huyện; đồng thời, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đang được Bộ Nội vụ xây dựng cũng không còn HĐND cấp quận, huyện; (ii) về thực tiễn, cấp quận, huyện là cấp chấp hành, thực thi và HĐND cấp quận, huyện hầu như rất ít ban hành chính sách pháp luật; đồng thời, năng lực xây dựng pháp luật còn rất hạn chế (nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa); (iii) việc xây dựng chính sách, pháp luật chỉ nên giao cho HĐND cấp tỉnh để bảo đảm sự thống nhất trong xây dựng, ban hành chính sách ở địa phương.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ trong trường hợp HĐND cấp xã không được ban hành VBQPPL nhưng hiện nay trong một số VBQPPL và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn quy định HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để giải quyết một số trường hợp cụ thể. Vậy, trong trường hợp HĐND cấp xã ban hành nghị quyết có chứa quy phạm thì nghị quyết của HĐND cấp xã đã ban hành có là văn bản vi phạm, trái luật hay không; việc xử lý văn bản vi phạm, trái luật này xử lý như thế nào nếu cơ quan ban hành VBQPPL không còn tồn tại nữa.
Về vấn đề đình chỉ, sửa đổi, bãi bỏ VBQPPL. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về vấn đề hủy bỏ VBQPPL. Chẳng hạn văn bản sai thì có hủy bỏ không? Hủy bỏ khác với bãi bỏ vì bãi bỏ có nghĩa là nó chấm dứt hiệu lực từ đó trở đi, nhưng hủy bỏ là bỏ cái văn bản sai khiến người dân bị thiệt hại đấy đi. Như vậy, hủy bỏ có nghĩa là cái văn bản đó sai và phải đền bù. Hiện Dự thảo Luật chỉ mới chỉ quy định trường hợp đình chỉ, bãi bỏ thôi. Việc “hủy bỏ” VBQPPL từ trước tới nay chưa được quy định mặc dù trong Hiến pháp quy định các văn bản sai, bất hợp pháp thì phải hủy bỏ. Hủy bỏ có nghĩa là tất cả những gì căn cứ vào đó phải làm lại, còn bãi bỏ thì chỉ từ thời điểm bãi bỏ đây trở đi.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định trong Dự thảo Luật vấn đề VBQPPL đương nhiên có hiệu lực, đương nhiên chấm dứt hiệu lực để phù hợp với thực tiễn. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành một số văn bản thực hiện theo giai đoạn. Tức là trong quy định sẽ có một giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, sau giai đoạn đó, trên thực tiễn có một số trường hợp không kịp thời ban hành văn bản mới để thay thế hoặc bãi bỏ, dẫn đến việc mặc dù đã có giai đoạn, nhưng về nguyên tắc, giá trị pháp lý văn bản đó vẫn còn hiệu lực và chưa kịp thời điều chỉnh. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều khoản trong Dự thảo Luật để quy định trong trường hợp này văn bản đương nhiên tiếp tục có hiệu lực để thuận tiện cho việc thực hiện trên thực tế.
Về vấn đề kiểm soát, kiểm tra văn bản: Cơ chế kiểm tra, kiểm soát văn bản có phương thức rất hay và rất hiệu quả đó chính là Tòa án nhưng chưa được sử dụng. Hiện nay, Tòa án chỉ xem xét các quyết định cá biệt, nhưng nghị định sai, trái với luật ảnh hưởng đến hàng vạn người nhưng người dân lại không được khởi kiện mà chỉ được kiến nghị. Vì thế, Dự thảo Luật nên nghiên cứu và nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của cơ chế kiểm tra, kiểm soát đối với VBQPPL.
Về việc hợp nhất, pháp điển VBQPPL: Thực tế hiện nay cho thấy việc hợp nhất, pháp điển VBQPPL chưa được quan tâm thực hiện nhiều; giá trị pháp lý của các văn bản hợp nhất, pháp điển chưa cao. Thậm trí, pháp luật hiện nay quy định trường hợp văn bản hợp nhất có vấn đề gì thì áp dụng văn bản gốc dẫn đến giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất không cao. Trong khi đó nếu không thực hiện hợp nhất văn bản thì sẽ rất khó khăn trong việc nghiên cứu, áp dụng, thực hiện vì các quy định sửa đổi, bổ sung nằm trong nhiều văn bản khác nhau. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định trong Dự thảo Luật để nâng cao giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất và việc pháp điển VBQPPL.
Đại biểu Sở Tư pháp thành phố Huế phát biểu trực tuyến.
Về loại hình văn bản quy phạm pháp luật
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, quy định về việc ban hành pháp lệnh trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp và khả thi trên thực tế. Hiện nay, về bản chất pháp lệnh không khác gì nghị định, trong khi đó quy trình xây dựng không khác gì luật. Vì thế, Dự thảo Luật nên quy định những vấn đề mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần có thời gian tổng kết thi hành trước khi nâng lên thành luật và những vấn đề khác do Quốc hội giao, hoặc những vấn đề đủ để xây dựng, quy định thành luật nhưng chưa đủ điều kiện để nâng lên thành luật thì được ban hành pháp lệnh. Đồng thời, cần quy định pháp lệnh không được trái cái nguyên tắc của luật đặt ra; trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn hoặc xung đột với luật, nếu pháp lệnh ban hành sau về mặt thời gian, thì nên cân nhắc quy định pháp lệnh áp dụng như luật. Có như vậy, pháp lệnh sẽ thực sự trở thành đạo luật ngắn gọn, đáp ứng những yêu cầu thực tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Đồng thời, có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần nghiên cứu mở rộng hơn nữa loại hình VBQPPL để tạo thuận lợi cho việc thực hiện trên thực tế.
Về phản biện xã hội, lấy ý kiến của xã hội
Đề nghị tăng cường tính phản biện xã hội trong xây dựng VBQPPL. Dự thảo Luật cần phải quy định cơ chế, thời gian, điều kiện đảm bảo,… để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, dự thảo VBQPPL được tham gia thực hiện phản biện một cách thực chất. Dự thảo Luật cần mở rộng hơn nữa đối tượng được tham gia phản biện chức không chỉ quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì thế, Dự thảo Luật cần quy định người dân, doanh nghiệp, nhất là các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp,… được tham gia thực hiện phản biện đối với các chính sách, dự thảo VBQPPL; các cơ quan nhà nước chủ trì soạn thảo VBQPPL phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các đối tượng chịu sự tác động của chính sách, dự thảo VBQPPL được thực hiện phản biện. Đồng thời, Dự thảo Luật cần quy định cơ chế tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hiệp hội đối với dự thảo VBQPPL.
Tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo có quy định về phản biện xã hội được thực hiện trong thời gian cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến chính sách, dự thảo văn bản và thực hiện trước khi gửi hồ sơ để thẩm định, thẩm tra. Tuy nhiên, tại Điều 36 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi dự thảo phản biện đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chậm nhất là 15 ngày trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành. Như vậy, giữa các quy định của 02 luật này có sự mâu thuẫn về thời gian thực hiện phản biện.
Về việc đăng tải công khai để lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin của Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ, ngành, cơ quan soạn thảo. Theo quy định của pháp luật hiện hiện nay thời gian thực hiện là 60 ngày. Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định rút gọn nhưng mà lí do nào để quy định chỉ có 10 ngày lấy ý kiến. Việc quy định thời gian lấy ý kiến quá ngắn là không hợp lý, không bảo đảm dân chủ. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Luật cân nhắc thời gian lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân là 30 ngày vì thời gian 10-15 ngày là quá ngắn, người dân còn chưa kịp đọc, nghiên cứu, thậm chí chưa kịp tiếp cận thì đã hết thời hạn.
Về thủ tục rút gọn
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, quy định các trường hợp ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chẳng hạn, việc sửa đổi hoặc ban hành mới cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, hoặc trường hợp cần sửa đổi ngay và ban hành văn bản mà nội dung sửa đổi không phức tạp, không tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội hoặc vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và không làm phát sinh lớn về nguồn lực và tài chính đảm bảo thực hiện, thì những nội dung này có thể xem xét đưa vào thủ tục rút gọn. Hay nghiên cứu bổ sung trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, khi xảy ra các tình huống, trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ…để phù hợp với thực tế như trong thời gian vừa qua.
Như vậy, những nội dung nào không có tính chất phức tạp, không tác động lớn đến xã hội; các tình huống khẩn cấp, đột xuất; để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tại, dịch bệnh, cháy nổ… thì xem xét thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Pháp luật hiện nay quy định việc thực hiện quy trình rút gọn phải xin ý kiến Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ, mất rất nhiều thời gian cho dù chỉ là ban hành thông tư của Bộ trưởng rất đơn giản. Vì vậy, đề nghị cần phải quy định cụ thể việc thực hiện quy trình rút gọn cho thật đơn giản để thể hiện là rút gọn.
Dự thảo Luật hiện nay đang quyết định rút gọn về việc xin ý kiến. Các cơ quan soạn thảo có thể xin ý kiến. Quy định như Dự thảo Luật, có nghĩa là một sự lựa chọn “có thể” hoặc “không”. Nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần phải quy định theo hướng bắt buộc, các cơ quan soạn thảo vẫn phải xin ý kiến, cho dù đây là thủ tục rút gọn. Những thủ tục lấy ý kiến, thực hiện phản biện xã hội, thẩm tra,… là các công việc không thể thiếu để bảo đảm nâng cao chất lượng VBQPPL nên Dự thảo Luật cần phải quy định rõ để thực hiện.
Tại điểm d khoản 4 quy định theo hướng phải lấy ý kiến góp ý, không quy định từ “có thể” vì trong quy phạm pháp luật, phải quy định bắt buộc, chứ không nên đưa vào quy phạm có tính chất tuy nghi.
Tại khoản 5 Điều 76 Dự thảo Luật đề nghị bỏ cụm từ có thành phần hồ sơ là báo cáo đánh giá tác động trong chính sách đi vì thủ tục rút gọn thì theo quy định là không quy định phải có báo cáo đánh giá tác động này.
Về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Đề nghị Dự thảo Luật quy định cụ thể, rõ hơn về việc áp dụng VBQPPL để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, tính đồng bộ. Dự thảo Luật cần quy định việc áp dụng VBQPPL trong các trường hợp như VBQPPL điều chỉnh về cùng một nội dung, cùng một vấn đề nhưng giữa các VBQPPL lại quy định khác nhau hoặc các VBQPPL do các cơ quan khác nhau ban hành nhưng cùng điều chỉnh về một vấn đề hoặc các văn bản do cùng một cơ quan ban hành điều chỉnh cùng một vấn đề nhưng ban hành vào các thời điểm khác nhau…thì sẽ áp dụng VBQPPL nào.
Quy định về việc áp dụng VBQPPL tại Điều 56 Dự thảo Luật đã kế thừa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong trường hợp các văn bản do cùng một cơ quan ban hành thì các văn bản sau sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp văn bản sau là văn bản hành chính nhưng có chứa yếu tố quy phạm, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL là trái, là sai. Vậy, trong trường hợp này thì áp dụng như thế nào. Chẳng hạn, Luật Giá quy định cơ quan quản lý được ban hành văn bản hành chính nhưng văn bản này lại chứa yếu tố quy phạm hoặc trong trường hợp văn bản của UBND cấp tỉnh quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa không phù hợp với quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 60 Dự thảo Luật hướng dẫn áp dụng VBQPPL quy định cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có quyền ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng VBQPPL do mình đã ban hành. Văn bản hướng dẫn là văn bản quy phạm pháp luật và không được làm thay đổi nội dung được hướng dẫn hoặc đặt ra quy định mới. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định văn bản hướng dẫn áp dụng VBQPPL là văn bản hành chính để đảm bảo hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, áp dụng được kịp thời, nhanh chóng. Vì nếu văn bản hướng dẫn thi hành VBQPPL là VBQPPL thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định, điều này mất thời gian và việc hướng dẫn không nhanh, không kịp thời được. Đồng thời, nếu văn bản hướng dẫn thi hành VBQPPL mà là VBQPPL thì có thể phát sinh trường hợp một văn bản gốc có thể làm phát sinh nhiều VBQPPL. Ví dụ, trường hợp ban hành văn bản gốc mà người dân chưa hiểu thì cơ quan có thẩm quyền phải ban hành văn bản hướng dẫn, tiếp đó, nội dung hướng dẫn vẫn chưa rõ, người dân chưa hiểu thì tiếp tục ban hành VBQPPL để hướng dẫn văn bản đã hướng dẫn. Vì thế, đây là cái mâu thuẫn, có thể xảy ra trên thực tế.
Dự thảo Luật cần quy định rõ, cụ thể hơn về việc áp dụng nội dung liên quan đến trường hợp VBQPPL mới ban hành mà không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày VBQPPL mới có hiệu lực thì áp dụng VBQPPL mới vì về vấn đề này trong quá trình thực hiện, có những ý kiến và cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ nhất là hành vi vi phạm xảy ra trước khi VBQPPL nào đó có quy định hành vi pháp lý nhẹ hơn được ban hành, nhưng đến thời điểm VBQPPL có quy định hành vi pháp lý nhẹ hơn mới có hiệu lực thì mới phát hiện ra hành vi vi phạm, trong trường hợp này, đương nhiên được áp dụng quy định đó. Cách hiểu thứ hai thì hành vi vi phạm xảy ra trước khi VBQPPL có quy định hành vi pháp lý nhẹ hơn được ban hành nhưng hành vi vi phạm này lại được phát hiện vào thời điểm VBQPPL có quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đã được ban hành nhưng chưa có hiệu lực, vậy trong trường hợp này, có áp dụng quy định đó hay không thì cần có quy định cụ thể.
Dự thảo Luật cần quy định rõ, cụ thể hơn thế nào là trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn. Thực tế cho thấy, vấn đề này được hiểu, áp dụng, thực hiện trên thực tế khác nhau. Chẳng hạn, liên quan đến nghĩa vụ về thuế có được coi là một trách nhiệm pháp lý không. Hay trong xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm pháp lý, về cùng một nội dung bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức tiền phạt cao hơn thì được hiểu là trách nhiệm pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, có những trường hợp mức tiền phạt có thể không cao nhưng lại bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như tịch thu hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Vậy, trong trường hợp này, thế nào được coi là trách nhiệm pháp lý cao hơn vì nhiều khi việc phạt tiền có thể không quá quan trọng mà việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, có nghĩa là không cho phép hàng hóa tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam thì chế tài đó thậm chí còn nặng hơn mức phạt tiền.
Dự thảo Luật cần quy định về việc áp dụng VBQPPL trong trường hợp các cơ quan cùng cấp ban hành VBQPPL để điều chỉnh về cùng vấn đề hoặc về một vấn đề nhưng do cùng một cơ quan ban hành tại các thời điểm khác nhau thì áp dụng văn bản nào. Chẳng hạn, trong thực tiễn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành khác (như Công Thương hoặc Môi trường) thường xảy ra sự chồng chéo. Ví dụ, cùng một hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn hoặc hàng cấm nào đó nhưng trong hai nghị định có quy định các chế tài xử phạt khác nhau. Vậy, trong trường hợp này, sẽ áp dụng văn bản nào? Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này cần phải áp dụng văn bản mang tính chuyên ngành hơn, ví dụ, nếu đang xuất khẩu, nhập khẩu thì phải áp dụng trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không có quy định nào về việc áp dụng văn bản chuyên ngành hoặc văn bản có liên quan. Vì thế, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng văn bản nào mang tính chuyên ngành sẽ được áp dụng để giải quyết vấn đề vướng mắc trong thực tiễn.
Tại khoản 1 Điều 38 Dự thảo Luật đề nghị xem xét bổ sung về thẩm quyền đề nghị giải thích áp dụng của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vào trước Ủy ban nhân dân tỉnh và bổ sung văn bản quy phạm pháp luật được giải thích áp dụng là thông tư của Bộ trưởng vào sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp và thống nhất tại khoản 1 Điều 82 Dự thảo Luật.
Đồng chí Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.
Về nhân lực tham gia công tác xây pháp luật
Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm đội ngũ cộng tác viên xây dựng pháp luật. Khoản 2 Điều 68 Dự thảo Luật quy định về nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật, Nhà nước bảo đảm ngân sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, thuê chuyên gia, tư vấn viên đánh giá tác động chính sách. Vì thế, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu bổ sung đội ngũ cộng tác viên tham gia xây dựng pháp luật, nhất là ở địa phương hiện nay, đặc biệt là Sở Tư pháp, đội ngũ công chức rất mỏng và không thể nào am hiểu tất cả các lĩnh vực mà pháp luật quy định. Cho nên, khi thực hiện thẩm định dự thảo VBQPPL sẽ không bảo đảm được sự sâu sát. Chính vì vậy, nếu có quy định thêm về đội ngũ cộng tác viên sẽ hỗ trợ cho công tác xây dựng VBQPPL của địa phương, giúp đạt được hiệu quả tốt hơn.
Về thể thức văn bản quy phạm pháp luật, văn phong, ngôn ngữ và một số góp ý cụ thể khác trong Dự thảo Luật
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát Dự thảo Luật để sử dụng thuật ngữ chính xác hơn, không sử dụng các thuật ngữ như “có thể”. Dự thảo Luật cần rà soát, quy định lượng hóa, cụ thể để hiểu, áp dụng được ngay. Chẳng hạn, Dự thảo Luật quy định về hình thức trình bày VBQPPL quy định là có thể trình bày theo hình thức phần, chương, điều, khoản, điểm thì có thể hiểu là ban soạn thảo có thể soạn thảo VBQPPL theo hình thức điều, khoản và cũng có thể soạn thảo theo hình thức khác. Điều này sẽ tạo ra sự không thống nhất.
Tại Điều 1 đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa cụm từ “việc làm” thành “việc xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành” để phù hợp với ngôn ngữ pháp lý, thống nhất trong việc xây dựng ngôn ngữ của Luật Ban hành văn bản.
Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của Luật vào Dự thảo Luật, vì Dự thảo Luật chưa quy định đối tượng áp dụng.
Để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung từ “đơn vị” vào khoản 1 Điều 3, khoản 3 Điều 8 Dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp với pháp luật về tổ chức bộ máy, như cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp.
Khoản 1 và khoản 3 Điều 13 Dự thảo Luật đề nghị gộp lại nội dung vì có sự trùng lắp và bổ sung cổng thông tin điện tử vào khoản 1 Điều 13 Dự thảo Luật này.
Tại khoản 4 Điều 19 đề nghị lược bỏ nội dung sau đây vì không cần thiết: “trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau quy định việc áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước” do nội dung này đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau rồi, nên không cần thiết phải ghi lại nội dung này trong dự thảo.
Tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo Luật quy định việc phân cấp một số vấn đề thuộc thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp dưới, tại khoản 6 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định các cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải đảm bảo điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác. Như vậy, đề nghị xem xét quy định lại khoản 3 Điều 32 Dự thảo Luật để thống nhất với khoản 6 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Điểm a Khoản 2 Điều 8 Dự thảo Luật quy định ban hành VBQPPL thay thế VBQPPL hiện hành trong trường hợp thay đổi cơ bản phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhận thấy quy định trong Dự thảo Luật cụm từ "thay đổi cơ bản" rất khó xác định. Thực tế cho thấy, trong nhiều phiên họp thẩm tra với Hội đồng Nhân dân, giữa Sở Tư pháp và các Ban Hội đồng Nhân dân, có những từ ngữ trong VBQPPL quy định không hiểu, không biết phải thực hiện như thế nào. Cho nên, Dự thảo Luật cần phải quy định cho dễ thực hiện, dễ đọc, dễ hiểu và dễ áp dụng. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa Dự thảo Luật quy định theo hướng thay đổi về phạm vi điều chỉnh hoặc đối tượng áp dụng để dễ áp dụng, thực hiện trên thực tế.
Điều 3 Điều 9 Dự thảo Luật quy định VBQPPL do cơ quan ở Trung ương ban hành phải được đăng tải trên Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; VBQPPL của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng phải được đăng tải trên thông báo điện tử cấp tỉnh. Qua nghiên cứu và thực tiễn, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung trừ VBQPPL có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước vì những VBQPPL này không thể công bố được để đảm bảo phù hợp với các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Vì thế, tại điểm a khoản 1 Điều 48 Dự thảo Luật, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà có chứa bí mật nhà nước.
Tại điểm h khoản 7 Điều 49 Dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL theo trình tự thủ tục rút gọn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua quyết định ngay sau khi nhận được dự thảo. Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa cụ thể, rõ ràng, vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về thời gian ngay sau khi nhận được dự thảo là trong thời gian bao lâu để Ủy ban cấp tỉnh có căn cứ xem xét thông qua quyết định. Đồng thời, khoản 2 Điều 51 Dự thảo Luật quy định VBQPPL được xây dựng, ban hành theo trình tự sử dụng số có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng tải ngay trên công báo điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Qua nghiên cứu, cho thấy quy định như trên chưa cụ thể, rõ ràng và khó thực hiện trong thực tiễn. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về thời gian, thời hạn đăng tải VBQPPL được xây dựng, ban hành theo đúng quy trình, thủ tục cũng như theo quy trình rút gọn theo hướng quy định rõ, cụ thể số ngày để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Khoản 4 Điều 67 Dự thảo Luật quy định cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL về kết quả thẩm định chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì do cơ quan chuyên môn thực hiện. Vì vậy, quy định như vậy thì Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp lại chịu trách nhiệm trước cơ quan chuyên môn là không chính xác vì Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có quyền thẩm định, có tiếng nói tại các phiên họp Chính phủ, UBND cấp tỉnh và tại các phiên họp thẩm định thì Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thể hiện quan điểm nhất trí đồng ý đủ điều kiện thông qua hay không đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Vì vậy, cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước Chính phủ hoặc Ủy ban hoặc trước Hội đồng nhân dân, cơ quan cấp trên chứ không thể chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ trì soạn thảo được. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa lại điều khoản này trong Dự thảo Luật để phù hợp với tính chất công việc và chức năng nhiệm vụ của các cơ quan.
Về việc dịch văn bản: hiện tại trong luật đang quy định những văn bản liên quan đến kinh doanh và kinh tế phải dịch tiếng Anh là vừa chưa đủ và vừa không chính xác. Thực tế cho thấy, có rất nhiều quy định pháp luật liên quan đến kinh tế hoặc kinh doanh mà không liên quan gì đến nước ngoài nên không cần dịch, như những quy định liên quan đến đăng ký hợp tác xã chắc là nước ngoài không quan tâm. Vì thế, Dự thảo Luật nên quy định cụ thể tất cả những văn bản luật và nghị định, trừ những văn bản nào đặc biệt, đều phải được dịch tiếng Anh hoặc quy định những văn bản dưới luật, dưới nghị định, mà liên quan đến yếu tố nước ngoài thì cần phải dịch tiếng Anh.
Dự kiến, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 02/2025).
Ban TCĐT