Quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa to lớn về mọi mặt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, nhằm xác lập cơ sở để cơ quan nhà nước quản lý về đất đai tiến hành giao đất, cho thuê đất... đồng thời, cân đối diện tích đất để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phục vụ các nhu cầu dân sinh, nhu cầu văn hóa xã hội... Mặt khác, quy hoạch sử dụng đất còn là biện pháp hữu hiệu của Nhà nước nhằm tổ chức lại việc sử dụng đất theo đúng mục đích, hạn chế sự chồng chéo, gây lãng phí đất đai, bảo vệ đất nông nghiệp, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, lấn chiếm hủy hoại đất, phá vỡ hệ cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường dẫn đến những tổn thất hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội, hoặc mất ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng thực trạng quy hoạch sử dụng đất của Việt Nam hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất cho đến thời điểm hiện nay chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy hết vai trò của nó. Do vậy, quy hoạch sử dụng đất muốn phát huy được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững thì cần có một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, khoa học để điều chỉnh các hành vi diễn ra trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Để có thể đánh giá một cách hệ thống thực trạng pháp luật quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay và pháp luật quy hoạch sử dụng đất cần phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nào, chúng tôi xin trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc bài viết “Nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với quy hoạch sử dụng đất” của tác giả Lê Thị Phúc được đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số tháng 4 (265) năm 2014.
Minh Minh