1.1. Nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật: Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc nắm bắt kịp thời những thông tin, thực hiện đúng những quy định của pháp luật là hết sức cần thiết. Tùy từng lĩnh vực kinh doanh, chiến lược phát triển và định hướng của chủ sở hữu, người quản lý hoặc các thành viên sáng lập công ty mà nhu cầu tiếp cận pháp luật có mức độ khác nhau. Việc tiếp cận văn bản pháp luật, am hiểu và thực thi pháp luật một cách nghiêm minh tác động rất lớn đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp, giúp phòng, tránh rủi ro trong kinh doanh. Việc nắm vững và tuân thủ những quy định pháp luật ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động là điều kiện rất quan trọng để doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại và phát triển, đồng thời góp phần giúp họ có chiến lược phát triển thành những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn kinh tế tư nhân nếu đã đạt ngưỡng cho phép.
Hiện nay, rất nhiều hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị bắt bẻ, hạch sách vì thiếu hiểu biết pháp luật. Do vậy, song song với nhu cầu hỗ trợ về vốn, thông tin, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ về đào tạo, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thì nhu cầu về tiếp cận thông tin pháp luật cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết.
- Nhu cầu được bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh: Hiện nay, đa phần hoạt động liên quan đến thủ tục hành chính, xin giấy phép, quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước do chính doanh nghiệp thực hiện. Họ tự tìm kiếm thông tin trên mạng internet hoặc báo chí, do đó khó sàng lọc thông tin, dẫn đến việc có những quyết định không sáng suốt, chủ quan nên rủi ro cao. Vì vậy, doanh nghiệp cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
- Nhu cầu được giải đáp pháp luật: Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, từ thành lập đến tiếp xúc với các cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…, do đó, giải đáp pháp luật là nhu cầu phát sinh từ những người thực hiện luật dù ở vị trí chủ động (công chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước) hay bị động (doanh nghiệp kinh doanh). Xét về mặt lý thuyết, nhu cầu được công chức nhà nước hướng dẫn, giải đáp pháp luật là tất yếu.
- Nhu cầu tư vấn pháp luật: Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng luôn gặp phải những tranh chấp, rủi ro pháp lý phát sinh hoặc những sự kiện pháp lý mà doanh nghiệp không tự giải quyết được hoặc không đủ thời gian đi thực hiện, từ đó phát sinh nhu cầu tư vấn pháp luật và ủy quyền thực hiện các dịch vụ pháp lý, thủ tục hành chính.
1.2. Khó khăn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự vươn lên để khẳng định mình, tự bảo vệ mình, chủ động đưa ra giải pháp để phòng ngừa rủi ro pháp lý nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nền tảng kiến thức pháp lý của doanh nghiệp còn tương đối thấp, nên công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gặp phải một số khó khăn như:
- Về nguồn nhân lực: Việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên của hiệp hội doanh nghiệp, trước hết phải có một đội ngũ chuyên gia pháp lý dày dặn kinh nghiệm, am hiểu hệ thống pháp luật, có kỹ năng tư vấn pháp luật. Hiện nay, hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp chưa thành lập bộ phận chuyên trách làm công tác này, việc liên kết giữa hiệp hội với các tổ chức tư vấn pháp luật trên địa bàn cũng chưa gắn kết. Quá trình bồi dưỡng cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp cho thấy, đội ngũ luật sư Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn rất muốn gắn bó với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động pháp chế, trợ giúp doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách tiếp cận doanh nghiệp của luật sư chưa hiệu quả, chưa thấy rõ được nhu cầu của doanh nghiệp; chưa hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp nên chưa tìm ra được cách tiếp cận hợp lý. Đó là những vấn đề cần phải nghiên cứu để có phương án huy động nguồn lực của đội ngũ luật sư, luật gia cùng tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
- Về nhận thức: Nhận thức của cán bộ các cấp, các ngành và xã hội về Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp của Chính phủ chưa thực sự đầy đủ, toàn diện. Chính vì vậy, sự quan tâm, chỉ đạo cũng như việc đầu tư cho chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Hiện nay, đã có có trên 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 12 bộ, ngành ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương, bộ, ngành mình. Tuy nhiên, hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương chưa chủ động đề xuất với Sở Tư pháp về việc giao đầu mối triển khai một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chưa quan tâm đến việc tìm hiểu quy trình tham gia lựa chọn để làm đơn vị triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
- Về tài chính: Các hiệp hội doanh nghiệp không có kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý và bảo vệ quyền lợi hội viên. Kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 20/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp định mức quá thấp, chưa phù hợp với thực tế, thủ tục đề nghị xin kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn rườm rà.
- Về phía các doanh nghiệp: Sự quan tâm đến công tác pháp luật trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất mờ nhạt, lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật chủ yếu khi có sự vụ xảy ra như kiện tụng, tranh chấp, tai nạn lao động, bị thanh tra, kiểm tra... Do không có biện pháp phòng ngừa, vì thế, khi có những vụ việc pháp lý xảy ra đa phần các doanh nghiệp bị lúng túng, sử dụng các mối quan hệ để đi “cửa sau”, nhưng nhiều khi vẫn bị thua kiện mà lỗi do ý thức và hiểu biết pháp luật kém.
Đa phần đội ngũ quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa không được đào tạo về pháp luật. Chính vì thế, khi cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra thì đều thấy rằng, có rất nhiều vấn đề về pháp lý mà doanh nghiệp còn thiếu sót và vi phạm như vấn đề lao động, bảo hiểm, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, thuế, hợp đồng thương mại quốc tế…
Các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của hiệp hội doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên, chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với cơ quan thường trực hiệp hội doanh nghiệp để nhận được giúp đỡ, hỗ trợ khi có vụ việc tranh chấp pháp lý xảy ra. Do đó, nhiều vụ việc doanh nghiệp cứ “đơn thương độc mã” mà không biết rằng có tiếng nói đại diện của cộng đồng doanh nghiệp luôn đứng bên cạnh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.
1.3. Định hướng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thới gian tới
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế đất nước. Nhà nước có những giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân, những doanh nghiệp mới thành lập như: “Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật”.
Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 về hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định cụ thể các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là mạng lưới tư vấn viên). Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: (i) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; (ii) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật.
Như vậy, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những nội dung quan trọng được định hướng trong chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện.
2. Giải pháp thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Để triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới, cần thực hiện các giải pháp sau:
- Về thể chế: Cần cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân thành văn bản pháp luật của Nhà nước. Trước mắt, cần có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, đồng thời cần sửa đổi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong điều kiện mới.
- Về quản lý nhà nước: Tăng cường đội ngũ cán bộ pháp chế thuộc các sở, ban, ngành địa phương để đảm bảo cho công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tập hợp việc thống kê số liệu báo cáo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về Sở Tư pháp để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước, đồng thời đổi mới phương thức lập đề án, lập kế hoạch giao kinh phí và quyết toán kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa về thủ tục. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm kiểm tra hướng dẫn các tổ chức đại diện doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả tốt nhất.
- Đổi mới các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Trong điều kiện hiện nay, cần xác định các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, đúng nhu cầu.
Do điều kiện nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp, cộng đồng doanh nghiệp lại ngày càng phát triển, đa dạng về nhu cầu, nên cần xác định đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp với từng năm, từng giai đoạn; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, vùng miền. Trong thời gian tới, cần tập trung vào một số hoạt động sau:
+ Nâng cao năng lực của tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; xây dựng chương trình bồi dưỡng, kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, đặc biệt là cán bộ các cấp hội doanh nghiệp.
+ Xây dựng lại định mức kinh phí ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp phù hợp với thời giá thị trường; khuyến khích việc thúc đẩy hợp tác và lồng ghép giữa hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp với hoạt động của các chương trình mục tiêu khác và thu hút gắn kết với các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra vào hoạt động truyền thông về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh lan tỏa, thu hút sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp thấy được việc phòng ngừa rủi ro pháp lý trong kinh doanh cũng giống như công tác phòng cháy, chữa cháy và an toàn lao động.
+ Thúc đẩy việc hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam