Abstract: The paper concentrates on the analysis and assessement of the real situation of operation, service and the need of legal assistance for small and medium-sized enterprises, and proposes solutions for innovation of legal assistance program for small and medium-sized enterprises towards improving the satisfaction of enterprises with operation of state agencies in the legal assistance work.
1. Đánh giá thực trạng tiếp cận hoạt động, dịch vụ và nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong mối liên quan tới cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp ở cấp tỉnh
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó khởi đầu là Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 56/2009/NĐ-CP); Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP nhằm triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ các chính sách trợ giúp phát triển và phát huy mọi khả năng và nguồn lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nghị định số 56/2009/NĐ-CP có nhiều quy định hỗ trợ DNNVV như: Hỗ trợ tài chính; mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công; về thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; vườn ươm doanh nghiệp. Tuy nhiên, không có điều khoản nào quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và giải quyết kiến nghị khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngày 07/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1231/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015, xác định quan điểm, mục tiêu, giải pháp hỗ trợ DNNVV là: Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DNNVV; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV; phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các DNNVV; cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV; xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV; quản lý thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV. Tuy nêu ra nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV nhưng văn bản này chưa nêu giải pháp về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng thực hiện theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐ-CP); Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Chương trình 585 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 (giai đoạn 2010 - 2014) và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 (giai đoạn 2015 - 2020)).
Như vậy, doanh nghiệp (trong đó có DNNVV) tiếp cận với hoạt động và dịch vụ HTPL thông qua các hình thức và nội dung mà cơ quan nhà nước triển khai theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Chương trình 585. Ngoài ra, các quy định của pháp luật trong thời gian qua cũng tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển dịch vụ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp với nhiều loại hình và gói dịch vụ đa dạng linh hoạt.
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (Nghị quyết số 35/NQ-CP) không trực tiếp nhấn mạnh đến việc HTPL cho doanh nghiệp nhưng đặt ra yêu cầu mới về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp với các nội dung: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Nghị quyết số 35/NQ-CP cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp về các nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về giao dich bảo đảm, phố biến các điều ước quốc tế, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, thẩm đinh kỹ những vấn đề về điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, Nghị quyết số 35/NQ-CP có yêu cầu cao đối với cấp tỉnh về HTPL cho doanh nghiệp thông qua việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 là văn bản đầu tiên trong chế định hỗ trợ DNNVV có quy định về HTPL cho doanh nghiệp (quy định tại khoản 3 Điều 14). Đặc điểm này cho thấy vị thế quan trọng trên danh nghĩa của chế định HTPL cho doanh nghiệp nhưng cũng nói lên về mặt thể chế rằng, chương trình HTPL cho doanh nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DNNVV ở cấp tỉnh.
Thứ hai, khả năng tiếp cận hoạt động hỗ trợ pháp lý
Nhu cầu tiếp cận các kênh thông tin pháp luật có sự khác biệt đáng kể giữa doanh nghiệp ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng các doanh nghiệp ở thành phố sử dụng kênh mua dữ liệu điện tử ở mức cao hơn (ở Hà Nội là 46,67%, ở Đà Nẵng là 44%, ở TP. Hồ Chí Minh là 50%, trong khi ở Bắc Ninh là 20%; Quảng Bình là 33,33%); doanh nghiệp ở các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Bình sử dụng kênh thông tin pháp luật từ cơ quan thông tin đại chúng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (vbpl.vn) được thực hiện theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, bao gồm các cơ sở dữ liệu thành phần là cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương và cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp1, cơ sở dữ liệu này vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, việc doanh nghiệp truy cập để cập nhật các văn bản hướng dẫn chi tiết vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sự chênh lệch giữa kênh tiếp cận thông tin pháp luật từ cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia thấp hơn kênh trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương đã phản ánh tính hợp lý của đánh giá trên, đồng thời cũng có thể hiểu là doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm thông tin theo chuyên ngành hơn.
Trên thực tế, chất lượng dịch vụ thuê tư vấn được doanh nghiệp đánh giá cao hơn chất lượng của các kênh hoạt động HTPL của Nhà nước. Điều này không nhất thiết nói lên chất lượng của các kênh HTPL của Nhà nước kém hơn mà chỉ khẳng định khi nhu cầu HTPL thực sự cần thiết cho chính họ thì doanh nghiệp sẽ tìm hiểu, lựa chọn dịch vụ pháp lý mà trong trường hợp đó doanh nghiệp có cảm nhận chất lượng tốt hơn do sự lựa chọn đó có tính thiết thực.
Thứ ba, về giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
- Về khoảng trống pháp lý: Môi trường kinh doanh ở cấp tỉnh chịu tác động của 03 nhóm hoạt động liên quan đến chất lượng điều hành của chính quyền: (i) Cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa, công khai minh bạch về thủ tục hành chính, thái độ phục vụ, sự thân thiện của công chức; (ii) Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển dịch vụ kinh doanh; (iii) Giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hoạt động (i), (ii) nêu trên có thể phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện thể chế kinh tế nhiều hơn nhưng hoạt động (iii) phụ thuộc vào nỗ lực và sáng kiến của chính quyền cấp tỉnh.
Theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp việc giải đáp pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các bộ có liên quan giải đáp. Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thực tế, doanh nghiệp và thậm chí là cơ quan nhà nước cũng phân biệt được kiến nghị nào là “cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Chỉ có thể phân biệt được những vướng mắc theo các bên liên quan trong nội bộ doanh nghiệp, với khách hàng và với các cơ quan nhà nước... Ngay cả những vướng mắc nội bộ (như tranh chấp cổ đông, xung đột với người lao động) thì trong quá trình áp dụng pháp luật có thể phát sinh vướng mắc với cơ quan nhà nước liên quan đến cách thức giải quyết vấn đề xung đột.
Như vậy, hầu hết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật không thuộc nội dung HTPL cho doanh nghiệp, trong khi đây lại là một nhu cầu bức xúc, cần được giải quyết và trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn hiểu đó là nội dung cần được HTPL. Hiện nay, các doanh nghiệp vướng mắc nhất là các thủ tục liên quan đến chính sách thuế, môi trường. Bên cạnh đó, do hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp là vẫn còn chồng chéo, chưa rõ ràng, cộng với nhiều cán bộ hành chính xử lý chưa công tâm nên việc doanh nghiệp cần được hỗ trợ là rất lớn[2].
Tìm hiểu các quy định khác cho thấy, còn tồn tại khoảng trống pháp luật trong giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14//02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính là một bước tiến mới trong quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Cho đến nay, đây là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất của Chính phủ quy định chế tài về giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp ngoài trường hợp khiếu nại, tố cáo hoặc đề nghị giải đáp pháp luật. Quy định này đã quy định rõ nguyên tắc, nội dung, hình thức, yêu cầu đối với phản ảnh kiến nghị; quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, cán bộ tiếp nhận, phản ánh kiến nghị; người gửi phản ánh kiến nghị. Trên thực tế, các địa phương thường áp dụng các quy định này để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp[3].
- Chi phí không chính thức trong giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp: Chỉ số thành phần chi phí không chính thức rất quan trọng trong Chỉ số PCI, vì đây là chỉ số có trọng số cao trong cơ cấu tính điểm bình quân có trọng số. Ai cũng thấy sự nhức nhối khi doanh nghiệp và người dân phải trả chi phí không chính thức. Để cải thiện Chỉ số PCI hàng năm, các địa phương luôn phải đương đầu với cuộc chiến chống lại xu hướng gia tăng về chi phí không chính thức nhằm đem lại môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.
Liệu có tồn tại chi phí không chính thức trong giải quyết các vấn đề pháp lý giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước không khi có tới 44,57% doanh nghiệp sẽ kiến nghị với cơ quan nhà nước liên quan trực tiếp đến vấn đề mà doanh nghiệp vướng mắc về pháp luật. Kết quả khảo sát cho thấy, 53,26% doanh nghiệp được hỏi trả lời không phải trả chi phí không chính thức để được cơ quan nhà nước giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, doanh nghiệp đánh giá trả chi phí không chính thức thì sẽ nhận đươc kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc nhanh hơn (38,04%).
- Sáng kiến giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc ở các địa phương - quá trình tìm kiếm mô hình từ nhận thức giải đáp pháp lý tới đối thoại: Trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, các sáng kiến chủ yếu tập trung vào nhóm hoạt động của chính quyền để giải quyết khó khăn, vướng vắc của doanh nghiệp theo cách thức thân thiện và ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, cho thấy một quá trình tìm tòi các sáng kiến từ thực tiễn.
Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định về giải đáp pháp luật trên thực tế không bao quát phạm vi điều chỉnh về giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh xuất hiện trong quá trình địa phương tìm kiếm các giải pháp thông qua đối thoại và để nâng cao hiệu quả tương tác. Việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp thực sự có vai trò to lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh trong tiếp nhận và giải quyết kiến nghị khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy vậy, để Tổ công tác hoạt động hiệu quả cần có cơ quan độc lập thu thập những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; theo dõi đánh giá chất lượng việc giải quyết kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp; tư vấn, đề xuất những biện pháp, áp dụng cơ chế, chính sách pháp luật trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; tổng hợp tình hình và trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp của các Sở, ngành để báo cáo đầy đủ, khách quan thông tin với Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý: Tiếp cận các dịch vụ pháp lý mà một xu hướng mà doanh nghiệp tìm đến. Hiện nay, các công ty, văn phòng tư vấn luật đã cung cấp nhiều gói dịch vụ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nhưng nhìn chung DNNVV khó tiếp cận do chi phí cao và chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp.
Trong trường hợp gặp phải tranh chấp pháp lý với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cho rằng hiệu quả nhất là thuê dịch vụ tư vấn pháp lý bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thay vì cần đến hỗ trợ của chương trình HTPL của Nhà nước và kiến nghị với cơ quan nhà nước cấp trên của cơ quan có tranh chấp pháp lý với doanh nghiệp.
2. Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, gắn chương trình hỗ trợ pháp lý với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp
Một xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế địa phương trong thời gian gần đây là tích hợp các hoạt động cải thiện Chỉ số PCI, hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP với thực hiện Nghị quyết số 19 hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Nghị quyết số 19 đã được thực hiện qua 04 năm là 2014, 2015, 2016, 2017. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh dựa trên các chỉ số đo lường của thể giới bao gồm: Doing Business (do Ngân hàng Thế giới công bố); chỉ số năng lực cạnh tranh (Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố); chỉ số đổi mới sáng tạo và chỉ số Chính phủ điện tử. Vì vậy, chương trình HTPL sẽ được gia tăng động lực thực hiện khi gắn kết với chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tập trung vào giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo các hình thức đa dạng, phát huy các sáng kiến. Vì vậy, chương trình HTPL cho doanh nghiệp cần hỗ trợ các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh ở các địa phương như các mô hình đối thoại trực tuyến, “Cà phê doanh nhân” và “Bác sĩ doanh nghiệp”.
Thực tế cho thấy, các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đều có nội dung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật. Tuy nhiên, mô hình “Cà phê doanh nhân” và “Bác sĩ doanh nghiệp” đều có điểm hạn chế là không hỗ trợ được doanh nghiệp trong giải quyết những xung đột pháp lý giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này, cần có kết nối với chương trình HTPL cho doanh nghiệp hoặc mạng lưới dịch vụ tư vấn pháp lý sẽ hiệu quả hơn.
Thứ hai, đổi mới xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tiếp cận từ mô hình quản lý theo kết quả và hướng tới nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước
Mô hình quản lý theo kết quả đã được áp dụng ở nhiều địa phương và trong xu hướng hiện nay đều gắn với các chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương như PCI, PAPI, ICT Index, SIPAS và các nhóm chỉ số theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP thích ứng với các địa phương.
Những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp có thể được khắc phục và thực hiện nếu áp dụng mô hình quản lý theo kết quả, xác định các hình thực hỗ trợ với khung đầu ra và kết quả (kèm theo đó là các chỉ tiêu, chỉ số đo lường) cũng như bố trí nguồn lực tương ứng.
Thứ ba, đảm bảo tính đồng bộ với đổi mới phương thức hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định việc HTPL cho doanh nghiệp tại khoản 3 Điều 14. Nguyên tắc hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn cho DNNVV có sự thay đổi theo hướng các Bộ, ngành cung cấp danh sách các tư vấn viên và việc hỗ trợ thực hiện theo cách cung cấp phiếu mua hàng dịch vụ tư vấn. Vì vậy, hoạt động HTPL cho doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi phù hợp với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, HTPL cho doanh nghiệp còn bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp lớn và DNNVV, vì vậy, khi xây dựng Nghị định về HTPL cho doanh nghiệp nên chia thành phần HTPL chung và hỗ trợ riêng cho DNNVV.
Thứ tư, cần nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong việc tạo môi trường để doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý và sử dụng pháp lý để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp
Trên thực tế, DNNVV gắn với hoạt động của hiệp hội mà doanh nghiệp tham gia hơn doanh nghiệp lớn, điều này bắt nguồn từ đặc điểm yếu thế của DNNVV cũng như tôn chỉ, mục đích mà hiệp hội tham gia. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả nhất là thông qua hiệp hội doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa có thói quen tìm đến cơ quan nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp để hỏi đáp, giải quyết vướng mắc pháp lý, thay vào đó tự tìm hiểu và tự tìm phương hướng giải quyết khó khăn của mình. Điều đó cho thấy, cần tăng cường liên kết giữa cơ quan tư pháp và hiệp hội doanh nghiệp trong HTPL cho doanh nghiệp.
Thứ năm, hỗ trợ pháp lý trực tuyến
Trong khảo sát thực tiễn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến được một số tỉnh quan tâm. Theo đánh giá của doanh nghiệp, cần nâng cao tính tiện ích của Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia.
Thứ sáu, hình thành mạng lưới liên kết giữa Đoàn Luật sư, Hội Luật gia và hiệp hội doanh nghiệp
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, công tác HTPL cần được đổi mới theo hướng gắn với mục tiêu cải thiện moi trường kinh doanh, có khung đầu ra và kết quả để theo dõi đánh giá, tăng cường vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, hình thành mạng lưới HTPL có hiệu quả. Các mô hình sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh như đối thoại trực tuyến, Cà phê doanh nhân, Bác sĩ doanh nghiệp cũng cần được cải tiến nâng cấp theo hướng gắn với công tác HTPL nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc có hiệu quả hơn. Cần ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP với các nội dung thích ứng với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và nhu cầu của doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh
[1]. “Báo cáo rà soát, đánh giá quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp cho doanh nghiệp”, Kỷ yếu hội thảo, Bộ Tư pháp, JICA, ngày 25/10/2017.
[2]. Http://www.baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201610/ho-tro-phap-ly-cho-doanh-nghiep-con-nang-hinh-thuc-2743735/.
[3]. TS. Nguyễn Phương Bắc, Cẩm nang Bác sĩ doanh nghiệp Bắc Ninh, tháng 5/2017.