Tại Hà Nội, trong 2 ngày 7 và 8 tháng 7/2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà nội đã đưa ra xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” với bị cáo Trần Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng. Bị cáo này đã mắc rất nhiều sai phạm khi tổ chức cưỡng chế nhà 194 Phố Huế, cụ thể: Ra quyết định cưỡng chế khi không có căn cứ thi hành án, tài sản kê biên không đủ điều kiện kê biên theo quy định của pháp luật, chỉ đạo cưỡng chế thi hành án trái pháp luật, làm giả hồ sơ nhằm hợp pháp hóa sai trái, áp dụng văn bản pháp luật sai, gây thiệt hại lớn về tinh thần, vật chất, tài sản của công dân,…
Trước những sai phạm có hệ thống và cố ý này, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đề nghị mức án đối với bị cáo từ 5 đến 6 năm tù giam. Thế mà, Tòa tuyên án chỉ có 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Lý do cho sự trừng phạt mà không trừng phạt gì cả này, vị thẩm phán - chủ tọa phiên tòa cho hay là do nhân thân của bị cáo tốt, là cựu quân nhân, quá trình công tác được tặng nhiều bằng khen, giấy khen...
Điều đáng ngờ với sự thành khẩn của bị cáo cũng như tư cách tốt của ông ta trong quá khứ là tại phiên tòa này, nhận định của chính những người xét xử là bị cáo “loanh quanh chối tội”. Sự thành khẩn cũng là một tình tiết giảm nhẹ thì việc không tỏ ra ăn năn, “chối tội”, khiến những người dự khán bất bình thì cũng cần phải xem xét đến để mà trừng phạt thích đáng chứ. Rồi đến cái gia đình bị cưỡng chế trái lật mà mức độ thiệt hại lên tới 6,6 tỷ đồng chỉ được Tòa chiếu cố cho vào địa vị “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” mà thôi, tư cách “bị hại” không có, lấy gì làm cơ sở để chống lại bản án quá ư phi lý này? Dư luận càng phẫn nộ hơn khi mà trước khi xét xử vụ án này, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có ý kiến yêu cầu xét xử nghiêm, đúng pháp luật. Kết quả sau khi tuyên án cho thấy, rõ ràng là Tòa đã không nghe theo yêu cầu trên. Một vụ án mà sau ba năm khởi tố mới được đưa ra xét xử, rất được dư luận quan tâm và hy vọng rằng, công lý được xác lập bởi sự công tâm của cơ quan nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự hy vọng đó không được đáp ứng!
Diễn ra cùng thời điểm này là phiên tòa xét xử trẻ em vị thành niên bị buộc tội cướp ở Hải Phòng. Vật các em cướp được là cái mũ của nữ sinh trị giá 60.000 đồng. Tòa áp dụng pháp luật nghiêm minh và nghiêm khắc, tuyên phạt các em này từ 18 đến 36 tháng tù giam! Tương lai của các em đã khép lại sau bản án này chỉ vì một trò đùa trẻ con là giật mũ của bạn. Tính răn đe, sự trừng phạt cao đến thế là cùng, bởi nhân tâm và nhân tính không thể nào với tới.
Tương tự như sự nghiêm khắc và công minh này, một người dân ở Hà Nội cũng bị tuyên phạt 5 năm tù giam bởi một câu nói mà các cơ quan tố tụng căn cứ vào đó để kết tội ông ta. Đó là người nông dân Đinh Văn Khánh xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức phản đối việc thu hồi đất tại địa phương, ông ta nói với bà con là: “Đất chưa có quyết định thu hồi, bà con kiên quyết giữ đất đến cùng, không sợ chết. Nếu tôi có chết đừng chôn vội, mà hãy bỏ tôi vào quan tài chở tôi ra Văn phòng Chính phủ”. Ông ta cũng không tham gia vào hành vi chống người công vụ và chỉ vì lời nói này thôi, ông đã phải trả giá quá đắt cho sự công tâm của những người có quyền trừng phạt. Đáng nói là trước đó, các bị cáo trong vụ án này bị bắt tạm giam cả hai vợ chồng hoặc quả phụ có con nhỏ nhưng họ không được tại ngoại, những đứa con của họ bị bỏ mặc.
Mục đích của các bản án hình sự hướng tới là sự trừng phạt thích đáng đối với các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, răn đe và cảnh báo những hành vi tương tự xảy ra, đảm bảo pháp luật được thực thi và sự bình an cho mỗi người trong cộng đồng, đem lại công lý và niềm tin vào cái thiện được đề cao, cái ác phải trừng trị. Xét ra, các vụ án kể trên đều không đạt được mục đích ấy, chính vì thế, nó gây phẫn nộ trong dư luận xã hội và bất an trong lòng mỗi người chúng ta.
Bình Sơn
Nguồn ảnh: Dantri.com.vn