Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, mở rộng hội nhập khu vực và quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp ngày càng được mở rộng, tăng cường trên các lĩnh vực xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật và quản lý các lĩnh vực hoạt động tư pháp. Việc tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan tư pháp địa phương ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là một yêu cầu cấp thiết. Ngày 13/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Căn cứ các văn bản nói trên, ngày 22/12/2014, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ công tác tư pháp cấp xã cũng như trách nhiệm thi hành án có những điểm mới, đã khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan tư pháp địa phương trong quản lý nhà nước cũng như trong thực tiễn đời sống xã hội.
Bài viết "Những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc kiện toàn các cơ quan tư pháp địa phương" của tác giả Trần Thu Hường đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số định kỳ tháng 2 (275) năm 2015 sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Kính mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc.
Vinh Nguyễn