Chính sách tiền tệ được định nghĩa là các chính sách vĩ mô và thông qua các công cụ của mình, Ngân hàng Trung ương chủ động thay đổi cung ứng tiền hoặc lãi suất nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Hiểu một cách ngắn gọn, chính sách tiền tệ là sự quản lý tiền tệ và lãi suất của Ngân hàng Trung ương. Chính sách tiền tệ ngày nay đã trở thành một trong những chính sách trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Để điều chỉnh thành công nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách phải có những đánh giá chính xác về tính kịp thời và ảnh hưởng của các chính sách tới nền kinh tế.
1. Đặc trưng của hệ thống ngân hàng Việt Nam
a. Mức độ tập trung của hệ thống
Mức độ tập trung của hệ thống là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả tác động của chính sách tiền tệ tới nền kinh tế. Với những hệ thống ngân hàng có mức độ tập trung cao, toàn bộ thị phần sẽ nằm trong tay một số ít các ngân hàng có quy mô lớn. Những ngân hàng này thường chịu ít chi phí về thông tin, dễ dàng huy động tài chính từ bên ngoài và trong trường hợp đối mặt với các rủi ro trong quá trình hoạt động thì thường được Chính phủ trợ giúp. Do vậy những ngân hàng này dễ dàng bù đắp sự sụt giảm bên phía cung tín dụng khi có sự tác động của chính sách tiền tệ, khiến chính sách tiền tệ truyền dẫn qua kênh tín dụng ngân hàng bị giảm hiệu lực. Nhiều bằng chứng thực nghiệm như của Adams và Amel (2005), Benkovskis (2008), Ahtik (2012) hay Fungacova & cộng sự (2013) đều chỉ ra sự tác động ngược chiều của mức độ tập trung trong hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ, hay nói một cách khác, sự tập trung của hệ thống làm yếu đi hiệu quả của kênh tín dụng ngân hàng.
Trước đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ là hệ thống ngân hàng đơn cấp với việc Ngân hàng Trung ương quản lý mọi hoạt động tín dụng - tiền tệ của cả nền kinh tế. Từ sau năm 1986, quá trình cải cách nền kinh tế bắt đầu được tiến hành một cách toàn diện và dần lan sang cả hệ thống ngân hàng. Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam đó là việc ban hành Pháp lệnh Ngân hàng năm 1990, qua đó chuyển đổi hệ thống ngân hàng đơn cấp thành hệ thống ngân hàng 2 cấp với sự ra đời thêm của 4 ngân hàng nhà nước. Sự cho phép các ngân hàng thương mại tham gia vào hệ thống ngân hàng đã mở đầu cho thời kỳ xuất hiện hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần những năm tiếp sau. Năm 1991, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên đã được thành lập và con số này đã tăng lên 41 vào năm 1993. Sau năm 2004, nhiều văn bản pháp lý mới tiếp tục được ban hành như Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Cạnh tranh càng cho phép các doanh nghiệp lớn lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng và nhiều nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội đầu tư trực tiếp vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, điều này góp phần làm tăng số lượng cũng như loại hình ngân hàng... Năm 2000, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng lên con số 75 và năm 2010 là 100 ngân hàng thương mại.
Số lượng ngân hàng tăng lên khiến cho sự phân bổ thị phần giữa các ngân hàng trở nên đồng đều và mức độ cạnh tranh gay gắt hơn. Mặc dù chiếm thị phần cao trong toàn ngành và vẫn được Nhà nước hỗ trợ trong những thời kỳ khó khăn, các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước dần bị mất đi, thế độc quyền và phải nhường bớt thị phần cho các loại hình ngân hàng còn lại. Tính đến năm 2010, thị phần tiền gửi - tín dụng của những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã cân bằng với phần còn lại của hệ thống, điều này cho thấy tính tập trung của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm đáng kể. Các số liệu về chỉ số tập trung ngành ngân hàng của World Bank cũng đã chứng minh cho sự phi tập trung hóa từ mức độ cao trong giai đoạn trước 2006 xuống mức trung bình trong giai đoạn từ 2006 - 2011. Mức hơn 50% vẫn là con số không nhỏ tuy nhiên những kết quả trên phần nào cũng cho thấy thành quả sau hơn 15 năm cải tổ liên tục hệ thống ngân hàng, ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đã trở nên cạnh tranh và phi tập trung hóa hơn.
b. Mức độ vốn hóa của hệ thống
Mức độ vốn hóa là yếu tố quan trọng thứ hai để đánh giá hiệu quả tác động của chính sách tiền tệ đến hệ thống ngân hàng. Mức độ vốn hóa đặc trưng cho khả năng huy động tài chính từ bên ngoài của ngân hàng, những ngân hàng có mức độ vốn hóa cao sẽ dễ dàng tiếp cận với các nguồn tài chính hơn và với chi phí sử dụng vốn thấp hơn, do đó hạn chế được những ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến cung tín dụng. Công cuộc nghiên cứu tại rất nhiều quốc gia như Italia (Gambcorta và Mistrulli 2003), Chile (Alfaro & cộng sự 2003), Ukraine (Golodniuk 2006), Slovakia (Ahtik 2012) đều tìm thấy bằng chứng rằng những ngân hàng có mức độ vốn hóa cao (đặc trưng bởi hệ số an toàn vốn cao) ít chịu tác động của chính sách tiền tệ hơn so các ngân hàng có mức độ vốn hóa thấp, do vậy, yếu tố này ảnh hưởng ngược chiều tới hiệu quả của kênh tín dụng ngân hàng.
Về mức độ vốn hóa, số liệu về hệ số an toàn vốn ngành ngân hàng Việt Nam còn rất hạn chế nên khó có thể đánh giá một cách tổng quan toàn bộ hệ thống xuyên suốt từ năm 1990 đến nay. Do vậy, chúng ta có thể phân chia thành hai giai đoạn chính đó là giai đoạn trước năm 2005 và giai đoạn sau năm 2005. Trước năm 2005, mà cụ thể là trước năm 1999, hệ thống ngân hàng 2 cấp Việt Nam còn khá non trẻ, toàn bộ thị phần ngành ngân hàng chủ yếu nằm trong tay các ngân hàng nhà nước. Các quy định về hoạt động trong ngành ngân hàng, điển hình là các quy định về an toàn vốn, quy định về khả năng chi trả còn rất mơ hồ. Pháp lệnh Ngân hàng năm 1990 quy định tổ chức tín dụng không được huy động quá 20 lần của vốn tự có và quỹ dự trữ và không được vay quá 10% của vốn tự có và quỹ dự trữ. Quy định này còn khá đơn giản và do thiếu vắng các cơ chế giám sát nên nó chỉ mang ý nghĩa hình thức. Đến năm 1992, Quyết định số 107/QĐ-NH5 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có bổ sung thêm điều khoản “tổ chức tín dụng phải duy trì thường xuyên tỉ lệ tối thiểu giữa vốn tự có với tổng giá trị tài sản ở mức 5%”. Quyết định này có sự tiến bộ hơn so với Pháp lệnh Ngân hàng năm 1990 do nó đã bổ sung thêm điều khoản về an toàn vốn, tuy nhiên nó vẫn chưa phản ánh được mối quan hệ giữa vốn tự có với tình hình tài sản rủi ro của ngân hàng, hay nói cách khác đi, nó chưa phản ánh được quan điểm của “an toàn vốn” trong Basel I. Hạn chế này khiến hệ thống ngân hàng trong thời kỳ 1990 - 1999 luôn duy trì một tỉ lệ an toàn vốn rất thấp, đỉnh điểm của việc duy trì một tỉ lệ an toàn vốn quá rủi ro như vậy là cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 1997 khi 2 trong số 4 ngân hàng nhà nước (chiếm tỉ trọng 51% tín dụng toàn ngành) lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán; 2 ngân hàng nhà nước còn lại chịu rủi ro vỡ nợ rất cao; hệ thống ngân hàng cổ phần rơi vào trạng thái trì trệ; thiệt hại tài khóa ước tính 10% GDP (Capiro và Klingebiel, 2003; Laeven và Valencia, 2008). Kể từ năm 1999, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Quyết định số 297/1999/QĐ-NHNN qua đó quy định lại về khái niệm an toàn vốn, cụ thể là “tổ chức tín dụng phải duy trì tỉ lệ tối thiểu 8% vốn tự có so với tài sản có”. Khái niệm mới này đã có một bước tiến hơn so với Quyết định năm 1992 đó là việc tính toán tài sản có đã được điều chỉnh theo mức độ rủi ro. Tuy nhiên, khối ngân hàng nhà nước thời gian này vẫn không thể đáp ứng được tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo phương pháp tính toán mới. Tình trạng này kéo dài đến năm 2000 khiến một số ngân hàng nhà nước rơi vào nguy cơ phá sản, điều này buộc Chính phủ phải bơm thêm 12.000 tỉ đồng để tăng vốn tự có cho 4 ngân hàng nhà nước. Mặc dù nhận được gói cứu trợ từ Chính phủ, khối ngân hàng nhà nước vẫn không mấy cải thiện được tình hình khi hệ số an toàn vốn vẫn luôn ở mức dưới ngưỡng quy định trong suốt giai đoạn 1999 - 2005.
Giai đoạn 2005 - 2010 được đánh dấu bởi sự kiện quan trọng đó là việc ban hành Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN qua đó bổ sung thêm phương pháp xác định an toàn vốn tối thiểu theo đúng quan điểm của Basel I. Đây là một bước tiến rất quan trọng đối với ngành Ngân hàng Việt Nam vì chúng ta đã có thể tiếp cận các phương pháp tính toán rủi ro mới theo đúng chuẩn mực quốc tế. Hệ thống ngân hàng nhà nước trong giai đoạn này mặc dù vẫn chưa thể đạt được tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu như quy định, nhưng cũng phần nào đã cải thiện được tình hình một cách đáng kể so với giai đoạn 1999 - 2005. Hệ thống ngân hàng ngoài nhà nước thì cũng nhanh chóng tăng được vốn tự có nhờ tình hình thuận lợi của môi trường kinh doanh cũng như sự bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2006-2008. Hệ quả là tình hình an toàn vốn toàn ngành Ngân hàng Việt Nam giai đoạn này đạt được triển vọng tươi sáng hơn so với những năm 1999 - 2005.
Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN qua đó phân loại và đưa ra phương pháp tính tỉ lệ an toàn vốn riêng lẻ và tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất cho các tổ chức tín dụng Việt Nam. Đây là một văn bản có nhiều tiến bộ so với Quyết định năm 2005 vì nó đã theo sát được với khái niệm “an toàn vốn” trong Basel II. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu cho các tổ chức tín dụng lên 9%. Việc siết chặt tỉ lệ an toàn vốn và nâng cao các chế tài xử phạt đối với các tổ chức tín dụng vi phạm quy định đã buộc các ngân hàng trong giai đoạn này phải tăng vốn để đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% của Ngân hàng Nhà nước. Nhìn chung trong giai đoạn 2010 - 2013, các ngân hàng thương mại cổ phần đều tuân thủ quy định về an toàn vốn theo Thông tư năm 2010, nhóm các ngân hàng nhà nước cũng dần cải thiện được hệ số an toàn vốn và đạt ngưỡng yêu cầu. Điều này góp phần nâng tỉ lệ an toàn vốn toàn ngành trong giai đoạn này lên trên mức 11%.
c. Một số yếu tố khác
Ngoài mức độ tập trung ngành và mức độ vốn hóa, còn nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của kênh tín dụng ngân hàng, chẳng hạn như tính thanh khoản. Với những ngân hàng có tính thanh khoản cao, họ sẽ dễ dàng bán ra các tài sản thanh khoản của mình để bảo vệ danh mục đầu tư trước những cú sốc của chính sách tiền tệ. Do vậy, tính thanh khoản được kỳ vọng là có ảnh hưởng âm tới hiệu quả của kênh tín dụng ngân hàng và điều này cũng được khẳng định bởi các bằng chứng thực nghiệm...
2. Sự phát triển của thị trường vốn
Ở những quốc gia có thị trường vốn phát triển, doanh nghiệp có thể dễ dàng thay thế các nguồn vay tín dụng ngân hàng bằng các hình thức huy động tài chính khác từ thị trường do vậy sự thay đổi trong cung tín dụng sẽ ít tác động được đến tiêu dùng và đầu tư. Điều này hàm ý một thị trường vốn hiệu quả sẽ làm giảm đi hiệu lực của kênh tín dụng ngân hàng. Những công trình nghiên cứu sơ khởi về kênh tín dụng ngân hàng, như Bernanke và Blinder (1988), cũng đã khẳng định rằng nếu người đi vay có ít khả năng tiếp cận với thị trường vốn và quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng thì sự thay đổi trong tài sản ngân hàng sẽ tác động đến đầu tư, qua đó ảnh hưởng đến tổng cầu. Các công trình thực nghiệm sau này dựa trên nền tảng lý luận sự ảnh hưởng của thị trường vốn đến hiệu quả kênh tín dụng ngân hàng cũng đều tìm thấy các bằng chứng ủng hộ luận điểm trên.
Ở Việt Nam, thị trường vốn được xây dựng và phát triển chỉ hơn một thập kỷ qua do vậy còn đang ở bước đầu của thời kỳ phát triển, chưa thể trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng đối với hệ thống doanh nghiệp. Về thị trường trái phiếu, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của một số ít doanh nghiệp đặc biệt vốn dĩ đã được phát hành từ những năm đầu của thập kỷ 90, tuy nhiên ở thời điểm đó, Việt Nam chưa có một thị trường trái phiếu thứ cấp theo đúng nghĩa. Tới tháng 7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh mới được mở cửa đánh dấu lần đầu tiên trái phiếu Chính phủ được niêm yết trên thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp ra đời mở ra triển vọng doanh nghiệp có thể thay thế nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng bởi một kênh vay nợ mới - kênh trái phiếu. Tuy nhiên, thực tế thì trái phiếu doanh nghiệp đã không xuất hiện trên thị trường suốt 7 năm ròng kể từ khi ra đời. Chính phủ mới là người huy động vốn chủ yếu trên thị trường này. Mãi tới tận năm 2007, những lô trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên mới được niêm yết đánh dấu sự tham gia nhỏ lẻ của khối doanh nghiệp vào thị trường. Từ đó đến nay, thị trường trái phiếu vẫn phát triển một cách khiêm tốn so với tăng trưởng của tín dụng ngân hàng và sự góp mặt của trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm chưa tới 10% quy mô của thị trường. Điều này khẳng định trái phiếu chưa phải là một kênh dẫn vốn quan trọng đối với hệ thống doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Cũng như thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam được xây dựng và phát triển từ những năm đầu của thập kỷ trước, đánh dấu bằng việc ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh tháng 7/2000. Ở giai đoạn 2000 - 2005, thị trường phát triển một cách khá chậm chạp và sơ khai do thiếu vắng các cơ chế giám sát và khung pháp lý đầy đủ. Mãi tới khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực cùng với đó là việc ban hành Luật Chứng khoán năm 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam mới trở nên hoàn chỉnh khung pháp lý và thị trường này phát triển tới đỉnh cao vào năm 2007, tuy nhiên, bị sụt giảm hơn một nửa giá trị vào năm 2008 do ảnh hưởng của cú sốc khủng hoảng kinh tế thế giới. Kể từ đó đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi từ cuộc suy thoái toàn cầu. Mặc dù tốc độ phục hồi và phát triển là khá ấn tượng, nó vẫn chỉ chiếm chưa bằng 25% so với nguồn vốn các doanh nghiệp huy động từ tín dụng ngân hàng. Điều này cho thấy, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng hơn là nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán. Đánh giá chung về quy mô hoạt động của cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với tổng tín dụng ngân hàng cấp cho khu vực tư nhân từ năm 1995 - 2012, chúng ta thấy rõ quy mô áp đảo của nguồn vốn tín dụng ngân hàng so với nguồn vốn huy động từ hai thị trường trên. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống doanh nghiệp và hộ gia đình Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng thay vì các hình thức huy động tài chính khác.
Tóm lại, chính sách tiền tệ ngoài việc truyền dẫn thông qua các kênh như tỉ giá hoặc lãi suất, nó còn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi kênh tín dụng ngân hàng. Kết quả chứng minh tồn tại một kênh tín dụng ngân hàng ở nền kinh tế Việt Nam và kênh truyền dẫn này khuếch đại đáng kể hiệu lực tác động của chính sách tiền tệ lên nền kinh tế thực. Ngoài ra, hiệu quả của nó chỉ phụ thuộc vào những đặc điểm riêng của hệ thống ngân hàng cũng như của thị trường vốn. Hệ thống ngân hàng càng tập trung, quy mô ngân hàng càng lớn và khỏe mạnh thì chính sách tiền tệ truyền dẫn thông qua kênh tín dụng ngân hàng càng trở nên suy yếu; tương tự, thị trường vốn càng phát triển, doanh nghiệp và hộ gia đình càng có cơ hội thay thế các nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng bởi nguồn vốn huy động trên thị trường vốn thì các tác động của chính sách tiền tệ thông qua kênh tín dụng ngân hàng càng trở nên mờ nhạt. Dựa trên cơ sở đó, khi thực thi chính sách tiền tệ, Chính phủ cần cân nhắc đến cả các đặc điểm riêng của thị trường vốn cũng như hệ thống ngân hàng trong nước. Mọi quy định làm thay đổi cấu trúc của thị trường vốn hoặc cấu trúc của hệ thống ngân hàng thì cũng có thể làm suy yếu (hoặc khuếch đại) hiệu lực của chính sách tiền tệ truyền dẫn thông qua kênh này.
Đại học Ngoại thương Hà Nội
[1]. Nguyễn Đức Trung (2011), An toàn vốn của các Ngân hàng thương mại - Thực trạng Việt Nam và giải pháp cho việc áp dụng Hiệp ước tiêu chuẩn vốn Basel II & III, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, nguồn:
[2]. Nguyễn Văn Tiến (2010), Giáo trình kinh tế tiền tệ ngân hàng, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
[3]. Sbv (2016), Các kênh truyền dẫn tín dụng
[4]. Stewart, C. & Nguyen Ngoc Thao (2013), Concentration and efficiency in the Vietnamese banking system between 1999-2009: A structural model approach, Journal of Financial Regulation and Compile, Emerald Group Publishing, Vol. 21, pp.268-283.
[5]. Tobin, J. 1969, A general equilibrium approach to monetary theory, Journal of money, credit and banking, 1(1), tr. 15-29.
[6]. Ủy ban Kinh tế Quốc hội (2013), Các quy định về tài chính, cấu trúc thị trường tài chính và hiệu quả của chính sách tiền tệ tại Việt Nam, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội.
[7]. World Bank (2009), Project performance assessment report Vietnam rural finance project, World Bank report No. 48763.