Để phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế về quyền trẻ em mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính. Nội dung quy định về vấn đề xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, như: Nguyên tắc xử lý; áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên; các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Quy định nói trên của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc thường xuyên quan tâm đến đối tượng người chưa thành niên nói chung và người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng, thể hiện một bước phát triển về thể chế trong việc bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, họ sẽ không bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính ở mức tương tự như áp dụng đối với các hành vi vi phạm do người trưởng thành thực hiện. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình. Đây là các biện pháp mang tính xã hội, dựa vào chính đối tượng người chưa thành niên, gia đình của người chưa thành niên vi phạm và cộng đồng để thực hiện giáo dục, quản lý đối tượng và hai biện pháp này là những biện pháp chỉ áp dụng riêng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính. Việc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là người chưa thành niên đã bị xử lý vi phạm hành chính.
Mục đích áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên nhằm giáo dục, thuyết phục đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, giúp cho người chưa thành niên thay đổi nhận thức, làm cơ sở cho việc thay đổi hành vi ứng xử của họ theo hướng tích cực trong các mối quan hệ xã hội.
Trong phạm vi bài viết “Những điểm mới về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên” của tác giả Lê Thành Bình đã trình bày một cách tóm tắt về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên và những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong các quy định về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm chuyên đề 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật 2021 “Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.