Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Trong đó, một trong những công cụ giúp cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính là các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện vi phạm hành chính đã được quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Trên thực tế, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đã phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, giúp cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện nhanh chóng, chính xác, kịp thời các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm các nguyên tắc trong xử phạt vi phạm hành chính: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã cho thấy, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính còn có những hạn chế, bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Từ đó, đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về vấn đề này. Ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung các quy định về phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Thông qua bài viết “Những điểm mới về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính”, tác giả Nguyễn Thị Minh Phương đã khái quát các quy định pháp luật về: (i) Về lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm; (ii) Về thẩm quyền sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính; (iii) Về yêu cầu, điều kiện trong việc quản lý, sử dụng và quy định danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; (iv) Về quản lý, sử dụng, đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính và việc sử dụng, bảo quản kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật 2021 “Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.